QPTD -Thứ Bảy, 13/08/2011, 22:09 (GMT+7)
Kết quả và một số vấn đề rút ra từ cuộc diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh Thái Bình năm 2009

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân khu 3 và thực hiện chương trình quốc phòng-an ninh (QP-AN) của Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ 17, vừa qua, Thái Bình đã tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) Tỉnh. Chủ đề của cuộc diễn tập là:Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) Tỉnh, tổ chức chuyển lực lượng vũ trang (LLVT) vào các trạng thái sẵn sàng chiến đấu, chuyển địa phương từ thời bình sang thời chiến, chuẩn bị và thực hành tác chiến giữ vững KVPT Tỉnh. Đây là cuộc diễn tập có quy mô lớn, có nhiều thành phần tham gia, bao gồm cả khối Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và lực lượng quân sự, công an, biên phòng trong Tỉnh. Hơn nữa, cuộc diễn tập của Tỉnh lần này phải quán triệt nhiều nội dung, yêu cầu mới. Đó là lần đầu tiên Tỉnh vận dụng phương pháp “đạo theo diễn” vào cuộc diễn tập; lần đầu tiên Tỉnh tổ chức diễn tập có thực binh cho cả ba lực lượng quân sự, công an và biên phòng; lần đầu tiên Tỉnh diễn tập KVPT trên địa bàn của nhiều huyện, thành phố. Trong khi đó, cuộc diễn tập lại được tổ chức vào thời điểm Tỉnh đang phải tập trung cao nhất cho nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2009. Ngoài ra, Thái Bình là tỉnh thuần nông, tốc độ tăng trưởng kinh tế còn chậm, đời sống nhân dân còn khó khăn; là địa phương duy nhất trong cả nước không có đồi núi, hang động..., cũng là những đặc điểm chi phối đến cuộc diễn tập. Tuy vậy, nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc diễn tập; đặc biệt, được sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo của HĐND và UBND Tỉnh, cuộc diễn tập đã diễn ra đúng ý định, đạt mục đích, yêu cầu đề ra, được Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 3 đánh giá cao.

Thành công của cuộc diễn tập được phản ánh trên nhiều mặt; trong đó, việc vận hành hiệu quả và phát huy tốt cơ chế lãnh đạo nhiệm vụ QP-AN ở địa phương (gọi tắt là cơ chế 02) theo tinh thần Nghị quyết 02-NQ/BCT của Bộ Chính trị về xây dựng tỉnh, thành phố thành KVPT vững chắc, là thành công lớn nhất và bao trùm nhất. Công tác chuẩn bị diễn tập, nhất là ý định diễn tập, được xây dựng phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, sát với đặc điểm địa lý của một tỉnh đồng bằng ven biển, phù hợp với thế trận phòng thủ của Quân khu 3 và của cả nước, cũng là một thành công không nhỏ của cuộc diễn tập. Cùng với đó, thông qua diễn tập, khả năng tổ chức, điều hành triển khai nhiệm vụ trong giai đoạn chuyển hoạt động của Tỉnh từ thời bình sang thời chiến, khả năng hiệp đồng tác chiến trong KVPT và trình độ soạn thảo kế hoạch, văn kiện của đội ngũ cán bộ các cấp cũng được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, cuộc diễn tập lần này của Tỉnh đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể về nhiệm vụ QP-AN. Đó là cơ sở để quân và dân Thái Bình nâng cao cảnh giác, tiếp tục đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; đồng thời, quán triệt và thực tốt hơn nữa quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội gắn với tăng cường QP-AN. Kết quả của cuộc diễn tập còn có tác dụng củng cố niềm tin trong nhân dân; giúp nhân dân tin vào Đảng, LLVT, sức mạnh của hệ thống chính trị và tin vào chính mình; qua đó, tiếp tục xây dựng Tỉnh thành KVPT vững chắc trong tình hình mới. Sau cuộc diễn tập, Ban chỉ đạo diễn tập và đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp của Thái Bình đã rút ra được nhiều vấn đề có ý nghĩa quan trọng cả về lý luận lẫn thực tiễn trong thực hiện nhiệm vụ QP-AN nói chung, trong tổ chức, xây dựng và hoạt động của KVPT Tỉnh nói riêng. Bài viết này chỉ đề cập đến một số vấn đề cơ bản nhất.

1- Phải đặc biệt coi trọng việc vận hành cơ chế “Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, các ban, ngành đoàn thể làm tham mưu, lực lượng quân đội và công an làm nòng cốt” trong quá trình chuẩn bị cũng như trong thực hành diễn tập.

Mục tiêu của diễn tập KVPT Tỉnh nhằm đánh giá chất lượng xây dựng, hoạt động của KVPT và khả năng vận hành cơ chế lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ QP-AN ở địa phương. Bên cạnh đó, qua diễn tập còn nhằm bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho cán bộ lãnh đạo để đảm bảo cho cơ chế được vận hành tốt hơn sau diễn tập. Với những mục tiêu như vậy, ngay từ khi nhận được chỉ thị của cấp trên về cuộc diễn tập, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã nhanh chóng quán triệt và lãnh đạo tổ chức thực hiện, trong đó xác định rõ đó là một nhiệm vụ QP-AN trọng tâm của Tỉnh trong năm 2009. Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết lãnh đạo cuộc diễn tập, bao gồm việc xác định tư tưởng, quyết tâm, các biện pháp tổ chức điều hành và giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện đến các cấp, các ngành và LLVT. Tiếp đó, Nghị quyết được quán triệt và cụ thể hóa trong các nghị quyết lãnh đạo của đảng bộ các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn và đảng bộ, chi bộ khối các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và Đảng bộ Quân sự, Đảng bộ Công an, Đảng bộ Biên phòng Tỉnh. Nhờ vậy, thay vì lực lượng quân đội và công an thường phải đi phối hợp với các ban, ngành như trước đây, thì nay là trung tâm hiệp đồng, dưới sự chỉ đạo, điều hành trực tiếp của UBND Tỉnh. Các ban, ngành, trước đây đôi khi còn có biểu hiện thụ động, thì nay đã chủ động đến các cơ quan, đơn vị quân đội, công an để phối hợp, bàn thảo những nội dung công tác có liên quan. Vì thế, mặc dù cuộc diễn tập lần này có quy mô lớn, tính chất phức tạp và có lượng vật chất tiêu hao lớn, nhưng hầu hết các mặt công tác đều diễn ra thuận lợi, đúng kế hoạch. Giai đoạn thực hành diễn tập diễn ra liên tục trong 2 ngày, 1 đêm, song các thành phần, lực lượng đều tham gia đầy đủ, thể hiện được ý thức, trách nhiệm không chỉ đối với phần việc, nhiệm vụ của mình mà còn với nhiệm vụ chung của cuộc diễn tập. Đây là điều rất dễ nhận thấy trong cuộc diễn tập lần này. Nguyên nhân của bước chuyển biến tích cực đó chính là bởi sự lãnh đạo của Đảng đã được phát huy trên thực tế, thật sự trở thành nhân tố cốt lõi của cơ chế, quyết định hiệu quả vận hành cơ chế lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện mọi mặt công tác liên quan đến cuộc diễn tập.

2- Phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt của quân đội và công an trong tổ chức và điều hành diễn tập.

Lực lượng quân đội và công an Tỉnh đã thể hiện được ý thức trách nhiệm cao và tinh thần chủ động, sáng tạo của mình trong công tác tham mưu. Khác với trước, đối tượng tham mưu thường chỉ tập trung vào cấp ủy, chính quyền cùng cấp, nhưng trong diễn tập lần này, quân đội và công an còn tham mưu cho các sở, ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp; hơn nữa, không chỉ tham mưu về công tác soạn thảo kế hoạch, văn kiện, mà còn trực tiếp giúp đỡ các cơ quan, đơn vị, ban, ngành triển khai và hoàn thành công tác chuẩn bị. Trong quá trình tham mưu, nhất là khi nội dung tham mưu liên quan đến việc huy động sức dân, trừ trường hợp đặc biệt, hai lực lượng luôn chú ý đến yếu tố thời gian, đảm bảo trong khi vận hành cơ chế lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ QP-AN, nhưng không làm ảnh hưởng đến các hoạt động có tính thời vụ, thời điểm của nhân dân.

Là lực lượng nòng cốt trong diễn tập, trên thực tế, quân đội, công an nhiều khi phải đóng cả “hai vai”, nghĩa là vừa tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền tổ chức, điều hành, vừa trực tiếp tham gia diễn tập. Rút kinh nghiệm các lần diễn tập trước và học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh bạn, Ban chỉ đạo diễn tập cùng với hai lực lượng quân đội và công an đã dành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ để xây dựng “Kế hoạch điều hành diễn tập”. Thực tế diễn ra cho thấy, đó là kế hoạch có tính khoa học và tính khả thi cao, thể hiện được những vấn đề cơ bản nhất và phản ánh được những mặt hoạt động chủ yếu của chính quyền, LLVT và nhân dân trong KVPT khi có chiến tranh. Kế hoạch được xây dựng phù hợp cả về nội dung và phương pháp, gắn với phân công, phân nhiệm rõ ràng, đã đảm bảo cho khung tập dễ thực hiện và các thành phần ngoài khung tập hình dung được trình tự các bước trong thực tế. Đáng chú ý là nhiều nội dung diễn tập đã bám sát thực tiễn, như phần diễn tập Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy (mở rộng), Hội nghị Đảng ủy Quân sự Tỉnh thông qua “Quyết tâm tác chiến phòng thủ Tỉnh”, phần xử trí tình huống trên sa bàn, thực hành đánh địch ngoài thực địa và xử trí tình huống A2.

Cùng với vai trò làm tham mưu theo chức năng, quân đội và công an Tỉnh còn chủ động tham mưu, giúp đỡ nhau nhiều nội dung cần thiết cả trước và trong suốt cuộc diễn tập, qua đó đã góp phần trực tiếp quyết định kết quả của cuộc diễn tập.

3- Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong tổ chức chuẩn bị và thực hành diễn tập.

Công tác chuẩn bị và thực hành diễn tập cần nhiều thời gian, công sức của chính quyền, quân và dân trong Tỉnh. Điều đó càng đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị mới đảm bảo cho cuộc diễn tập diễn ra theo đúng kế hoạch và đúng ý định. Trên thực tế, ngay sau khi nhận được chỉ thị về cuộc diễn tập, cấp ủy, chính quyền các cấp trong Tỉnh đã rất coi trọng việc phát huy sức mạnh tổng hợp để chuẩn bị các mặt và thực hành diễn tập. Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, Ban chỉ đạo diễn tập đã huy động được hàng nghìn ngày công cho việc làm mới và nâng cấp đường cơ động, thiết bị chiến trường; hàng trăm phương tiện kỹ thuật phục vụ cho việc cơ động, đào đắp, thiết bị công trình; tổ chức tiếp nhận, động viên 2 tiểu đoàn dự bị động viên, 400 dân quân, tự vệ tham gia lực lượng thực binh và làm nhiệm vụ hỗ trợ cho lực lượng quân đội, công an trong diễn tập.  

Việc phát huy sức mạnh tổng hợp trong cuộc diễn tập còn được thể hiện sinh động trong phần diễn tập thực binh. Để giả định tình huống, Ban chỉ đạo diễn tập đã huy động gần một nghìn người trong vai đoàn người biểu tình, bạo loạn chính trị. Số quần chúng tham gia đã phát huy tốt trách nhiệm của mình để mô tả tính chất phức tạp của các vụ gây rối, biểu tình cũng như thể hiện được âm mưu lợi dụng, kích động quần chúng của các thế lực thù địch, tạo nên tình huống để lực lượng công an trực tiếp xử trí, lực lượng quân đội tham gia hỗ trợ...; qua đó, kiểm nghiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động phối hợp giữa hai lực lượng theo tinh thần Quyết định số 107/2003/QĐ-TTg, ngày 2-6-2003 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, nhờ phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều thành phần, lực lượng nên một khối lượng lớn công việc liên quan đến phần thực hành đánh địch đột nhập tại thực địa đã được chuẩn bị hết sức chu đáo và nhanh chóng. Đó là yếu tố quan trọng để Ban chỉ đạo diễn tập tổ chức thành công phần diễn tập “Thực hành đánh địch đột nhập vào KVPT Tỉnh”, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và vũ khí, phương tiện.

Tuy vậy, bên cạnh những thành công, thực tế diễn tập cũng cho thấy: nhận thức của một số ban, ngành, doanh nghiệp về vị trí, ý nghĩa của cuộc diễn tập còn đơn giản; việc xây dựng hệ thống văn kiện của một số đơn vị khung B chủ yếu mới đảm bảo về mặt số lượng. Trong quá trình thực hành diễn tập, một số vai diễn chưa gắn chức năng, nhiệm vụ của ban, ngành mình với tình hình thực tiễn địa phương. Đó là những vấn đề mà Ban chỉ đạo diễn tập đã nghiêm túc rút kinh nghiệm để cùng với những bài học thành công nêu trên, giúp cho Đảng ủy Quân sự Tỉnh tiếp tục lãnh đạo thực hiện hiệu quả hơn nữa nhiệm vụ xây dựng KVPT, củng cố QP-AN gắn với các nhiệm vụ và các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Thái Bình trong thời gian tới.

Đại tá TRẦN VĂN MỪNG

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh

 

Ý kiến bạn đọc (0)