QPTD -Thứ Ba, 29/11/2011, 00:54 (GMT+7)
Kết quả và kinh nghiệm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Đoàn B.15, Quân khu 5
Đoàn B.15 thuộc Quân khu (QK)5 có hơn 10 năm liên tục làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Căm-pu-chia; được Nhà nước tuyên dương danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ngày 30/8/1989. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế, Đoàn rút quân về nước, đứng chân trên một địa bàn có vị trí quan trọng trong thế phòng thủ chung của QK và cả nước. Nhiệm vụ chính trị của Đoàn hiện nay là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị và làm công tác động viên quân đội. Ngoài ra, Đoàn thường xuyên tham gia công tác dân vận, cứu nạn, cứu hộ, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ trên địa bàn.

Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Đoàn phải khắc phục không ít khó khăn: các đơn vị đóng quân trên nhiều địa bàn, thường xuyên hoạt động phân tán, phần lớn doanh trại chưa được xây dựng cơ bản; nơi ăn ở, sinh hoạt của bộ đội và cơ sở vật chất bảo đảm huấn luyện còn thiếu thốn; nhận thức của số chiến sĩ mới về pháp luật còn hạn chế, nhất là số thanh niên nhập ngũ từ các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số;v.v. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý, duy trì kỷ luật và kết quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị trung tâm của Đoàn.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) và những thuận lợi, khó khăn của đơn vị, những năm qua, Đảng uỷ, chỉ huy Đoàn B.15 luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc công tác PBGDPL; coi đó là một trọng tâm lãnh đạo, một yêu cầu bắt buộc trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Hội đồng (Ban) phối hợp công tác PBGDPL của Đoàn thường xuyên được kiện toàn; đã xây dựng được Quy chế hoạt động, làm cơ sở để công tác này ở từng đơn vị được duy trì thành nền nếp. Hằng năm, căn cứ vào kế hoạch công tác PBGDPL của QK, Hội đồng (Ban) phối hợp công tác PBGDPL của Đoàn chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện kế hoạch theo phân cấp. Trên cơ sở kế hoạch, từng đơn vị tổ chức học tập, nghiên cứu các chuyên đề về pháp luật cho các đối tượng; quân số học tập thường xuyên được duy trì ở mức cao (từ 97-99%). Năm 2006 và 6 tháng đầu năm 2007, Đoàn đã tổ chức cho bộ đội nghiên cứu, học tập các nội dung: Một số vấn đề cơ bản của Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi, bổ sung), Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ luật Dân sự, Luật Bầu cử Quốc hội...
Ngoài các chuyên đề pháp luật, Đoàn chủ động tổ chức cho bộ đội học tập, quán triệt các chỉ thị, quyết định, kế hoạch của Đảng, Nhà nước, Quân đội và QK về những nội dung pháp luật, như: Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư; Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 21/2003/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Kế hoạch số 11/KH-HĐQK ngày 15/4/2003 của Tư lệnh QK về việc triển khai công tác PBGDPL trong lực lượng vũ trang QK từ năm 2003-2007; Quyết định số 2530/2000/QĐ-BQP và Quyết định số 82/QĐ-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về sửa đổi một số điều của Quyết định số 2530 “Quy định về xử lý kỷ luật đối với những hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”; Chỉ thị số 25/CT-TM ngày 12/5/2003 của Tổng Tham mưu trưởng “về việc quản lý sử dụng xe mô tô, xe gắn máy trong Quân đội”. Gần đây, Đoàn đã tổ chức quán triệt Chỉ thị 26/2006/CT-TTg, ngày 01/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm dùng công quỹ làm quà biếu và chiêu đãi khách sai quy định tới tất cả các cấp; tổ chức triển khai thực hiện các điều cấm theo sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh QK: cấm uống rượu, bia say mọi lúc, mọi nơi; cấm uống rượu, bia buổi trưa và giờ hành chính trong các ngày làm việc; cấm mặc quân phục la cà hàng quán. Đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ: cấm uống rượu, bia; cấm điều khiển xe máy (kể cả đi phép và đi tranh thủ); cấm nói tục, chửi thề; cấm hút thuốc lá; cấm sử dụng điện thoại di động; cấm mặc quân phục la cà hàng quán. Đối với đơn vị: cấm bán rượu, bia trong căng-tin.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị đã quan tâm đúng mức việc bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên kiêm chức. Đội ngũ này được lựa chọn từ số cán bộ chính trị qua đào tạo cơ bản, am hiểu về luật pháp, có năng lực sư phạm và tiêu biểu về nhân cách, được tổ chức tin cậy, quần chúng tín nhiệm. Phương pháp bồi dưỡng là kết hợp gửi cán bộ theo học các lớp do QK tổ chức với tự bồi dưỡng của cán bộ; cán bộ cấp trên bồi dưỡng cho cán bộ cấp dưới; người đi trước bồi dưỡng cho người đi sau. Ngoài ra Đoàn còn chủ động liên hệ với ngành bảo vệ pháp luật của địa phương để sưu tầm tài liệu, học tập kinh nghiệm, nhằm bổ sung kiến thức pháp luật, nâng cao trình độ cho cán bộ, báo cáo viên. Trên cơ sở sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn kinh phí bảo đảm cho công tác PBGDPL do trên cấp, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị còn đề cao tính tích cực, chủ động của tập thể và cá nhân cán bộ, chiến sĩ, từng bước xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Tủ sách pháp luật, Ngăn sách pháp luật.
Thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức PBGDPL là một yêu cầu được lãnh đạo, chỉ huy Đoàn hết sức chú trọng. Bên cạnh những bài giảng trực tiếp tuyên truyền, phổ biến các luật, bộ luật, Đoàn coi trọng kết hợp nội dung PBGDPL với chương trình, nội dung giáo dục chính trị cơ bản hằng năm cho các đối tượng; kết hợp giữa giáo dục tại chức với giáo dục thường xuyên. Để thực hiện được điều đó, người giáo viên chuẩn bị bài giảng phải công phu hơn; khi tiến hành giảng cũng phải chú trọng nhiều hơn việc liên hệ, vận dụng, gắn nâng cao nhận thức chính trị-tư tưởng với bồi dưỡng kiến thức, hiểu biết về pháp luật. Đối với người học, phải xác định rõ mục đích nghiên cứu, học tập, tự liên hệ, đối chiếu với bản thân về những vấn đề được tiếp thu. Theo chỉ đạo của QK, các đơn vị đã chú ý lồng ghép nội dung PBGDPL với các hoạt động khác của đơn vị như: hội thi tuyên truyền PBGDPL, thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ, thi tìm hiểu về tác hại của ma túy, mại dâm và thuốc lá; mời chuyên gia từ Viện Kiểm sát Quân sự 51, Tòa án Quân sự QK nói chuyện về pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ...
Đồng thời với các nội dung tuyên truyền, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý, duy trì kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy trong từng cơ quan, đơn vị. Về nội dung này, Đoàn coi trọng cả quản lý con người và quản lý phương tiện, vũ khí, cơ sở vật chất; trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động 50, hạn chế đến mức thấp nhất những tai nạn, rủi ro, mất an toàn do thiếu tinh thần trách nhiệm. Kết hợp nắm chắc tình hình tư tưởng, chất lượng cán bộ, chiến sĩ với tăng cường các biện pháp phát hiện, ngăn chặn tệ nạn, tiêu cực xã hội thâm nhập vào đơn vị. Riêng việc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, cùng với việc tuyên truyền với tần suất cao, Đoàn áp dụng các biện pháp hành chính cương quyết, bảo đảm chấp hành đúng các điều cấm do Tư lệnh QK ban hành; kiểm tra chặt chẽ giấy phép lái xe, mũ bảo hiểm khi quân nhân ra, vào đơn vị; kiểm tra tình trạng sức khỏe của người điều khiển và hệ số an toàn xe máy. Ban chỉ đạo 138 của Đoàn đã phát huy tốt vai trò, chức năng được giao trong việc chỉ đạo thực hiện chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm, tội phạm trong đơn vị.
Do thực hiện có nền nếp công tác PBGDPL, những năm gần đây, nhận thức của cán bộ, chiến sĩ toàn Đoàn về vị trí, ý nghĩa của công tác PBGDPL không ngừng được nâng lên; tình hình chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội của từng phân đội có nhiều chuyển biến tích cực; các chế độ, nền nếp chính quy của đơn vị được duy trì và chấp hành nghiêm túc; không có vụ việc phức tạp xảy ra. 6 tháng đầu năm 2007, tình hình tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2006.
Tuy nhiên, so với yêu cầu, công tác PBGDPL của Đoàn còn nhiều hạn chế. Nhận thức của một số cán bộ cấp phân đội về công tác PBGDPL còn thiếu đầy đủ; việc tổ chức học tập, giáo dục về pháp luật có đơn vị tiến hành chưa thường xuyên, thiếu chủ động; nội dung tuyên truyền thiếu chiều sâu, hình thức còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn. Ngoài ra, trách nhiệm của các cấp trong việc đưa các yêu cầu về chấp hành pháp luật, kỷ luật vào cuộc sống của bộ đội còn có biểu hiện bị xem nhẹ; trong quản lý bộ đội, cá biệt còn để xảy ra hiện tượng quân phiệt; tình hình vi phạm kỷ luật, mất an toàn giao thông tuy có giảm, nhưng chưa vững chắc...
Từ những kết quả và hạn chế trong công tác PBGDPL thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn B.15 đã có thêm nhiều kinh nghiệm bổ ích để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác này đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu xây dựng Đoàn theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong thời kỳ mới.
Trước hết, để công tác PBGDPL thực sự đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực, cấp ủy, người chỉ huy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chủ trì các cấp phải là những người nhận thức đầy đủ, sâu sắc nhất về vai trò, vị trí, ý nghĩa của công tác PBGDPL đối với quân đội và đơn vị. Cần thấy rằng, việc chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội luôn là một tiêu chuẩn, thước đo, một điều kiện để mọi đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thứ hai, hiệu quả của công tác PBGDPL phụ thuộc rất lớn vào cách thức tổ chức, tuyên truyền, giáo dục. Nội dung các luật, bộ luật thường khô khan, nhưng thực tiễn việc chấp hành luật lại vô cùng phong phú, sinh động. Do đó, Đoàn cần coi trọng bồi dưỡng báo cáo viên pháp luật một cách thường xuyên, nhất là kiến thức thực tiễn, giúp cho việc giảng dạy, tuyên truyền của đội ngũ này thêm sinh động, cuốn hút người nghe. Về hình thức, cần có sự đổi mới, không chỉ dựa vào các bài giảng lý thuyết, mà còn phải thông qua các hội thi, hội thao, tiểu phẩm, văn nghệ, trò chơi,... để giáo dục; gắn công tác PBGDPL với đẩy mạnh các phong trào thi đua, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi giữa các tập thể, cá nhân, hướng tới việc chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội.
Thứ ba, kết hợp chặt chẽ giữa công tác PBGDPL với duy trì kỷ luật đơn vị thật sự nghiêm minh; tăng cường công tác quản lý đơn vị về mọi mặt; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở tất cả các lĩnh vực hoạt động. Đặc biệt, đối với những đơn vị làm nhiệm vụ ở nơi tiêu cực xã hội dễ xâm nhập hoặc bộc lộ khâu yếu, mặt yếu, chậm được khắc phục, cán bộ lãnh đạo, chủ trì phải luôn tăng cường công tác kiểm tra; có mặt kịp thời để giải quyết những tình huống xấu nảy sinh.
Thứ tư, tích cực tranh thủ sự giúp đỡ của ngành bảo vệ pháp luật trong và ngoài quân đội; thường xuyên liên hệ chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể các địa phương nơi đóng quân, phối hợp triển khai công tác PBGDPL trong đơn vị và trong nhân dân; qua đó, hạn chế những tiêu cực nảy sinh, ảnh hưởng tới mối quan hệ truyền thống máu thịt giữa bộ đội với nhân dân.
Nhiệm vụ của Đoàn B.15, QK 5 trong bối cảnh hiện nay rất nặng nề. Những khó khăn khách quan còn nhiều, chưa thể nhanh chóng khắc phục trong thời gian ngắn. Để công tác PBGDPL của Đoàn tiếp tục đạt những tiến bộ mới, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát đúng và sự hỗ trợ có hiệu quả của cấp trên, các đơn vị cần chủ động khắc phục khó khăn, làm tốt công tác tư tưởng, từng bước đưa công tác này vào nền nếp, thiết thực góp phần nâng cao trình độ giác ngộ và ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội của bộ đội, tạo điều kiện để Đoàn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Đại tá Nguyễn Đức Liên
Chính ủy Đoàn
 

Ý kiến bạn đọc (0)