QPTD -Chủ Nhật, 14/08/2011, 00:49 (GMT+7)
Kết quả kiểm tra công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số đơn vị, địa phương phía Nam

Nhằm đánh giá kết quả quán triệt, triển khai thực hiện Kế hoạch số 6529/KH-BQP ngày 12-12- 2008 của Bộ Quốc phòng (BQP) về việc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Đoàn kiểm tra của BQP, do Thượng tướng Phan Trung Kiên, Thứ trưởng BQP, Chủ tịch Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL BQP làm Trưởng đoàn đã đến kiểm tra thực tế việc triển khai thực hiện công tác PBGDPL tại một số đơn vị, địa phương phía Nam. Nội dung kiểm tra tập trung chủ yếu vào việc triển khai thực hiện các chỉ thị, kế hoạch của Chính phủ và BQP về công tác PBGDPL năm 2009. Các đơn vị, địa phương được kiểm tra gồm: Học viện Lục quân, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng, Trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật Thông tin, Học viện Hải quân và Vùng D Hải quân.

Qua kiểm tra cho thấy, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị, địa phương đã quán triệt sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PBGDPL cho cán bộ, đảng viên và quần chúng theo đúng quy định của Bộ. Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL các cấp được củng cố, kiện toàn, có Quy chế hoạt động và thực hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy ra các văn bản, chỉ thị, hướng dẫn, giám sát và tổ chức thực hiện kịp thời, đầy đủ các kế hoạch, chỉ thị của cấp trên. Kế hoạch triển khai thực hiện, các giáo trình, giáo án, đề cương giảng dạy,... của các cấp được chuẩn bị đầy đủ, bảo đảm cả hình thức và nội dung; phục vụ tốt cho việc tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng. Riêng Vùng D Hải quân, do đóng quân trên địa bàn rộng, nhiều lực lượng phân tán nên không thành lập Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL; công tác này do Vùng chỉ đạo trực tiếp cơ quan chính trị, cán bộ chính trị các cấp đảm nhiệm; song các yêu cầu, nội dung PBGDPL vẫn được bảo đảm. Tại Đoàn Hải quân M.46, Đoàn kiểm tra ghi nhận: các văn bản, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên; các kế hoạch, đề cương nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục được chuẩn bị rất rõ ràng cho từng loại hình đơn vị, loại đối tượng; cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đúng đắn về pháp luật.

Các đơn vị, địa phương đều chủ động xây dựng và có kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, báo cáo viên; tích cực đổi mới nội dung, đa dạng hoá các hình thức, phương pháp PBGDPL; lồng ghép giữa giáo giục chính trị với công tác PBGDPL; phối hợp với địa phương, ngành tư pháp, tòa án quân sự khu vực có nhiều hình thức, biện pháp thích hợp để nâng cao ý thức, kiến thức pháp luật cho bộ đội. Ngoài khung chương trình của trên đưa xuống, các đơn vị, địa phương, như: Học viện Lục quân, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lâm Đồng, Vùng D Hải quân còn đề ra được các hình thức, nội dung PBGDPL gắn với địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo,... một cách thiết thực; gắn việc giáo dục nhận thức với việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và hành động chấp hành kỷ luật của bộ đội. Đặc biệt, Trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật Thông tin đã phát huy tốt thế mạnh về công nghệ thông tin, tập hợp, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật (nhất là những văn bản pháp luật mới ban hành) vào mạng nội bộ của Nhà trường để cán bộ, giáo viên, học viên nghiên cứu và học tập. Học viện Lục quân và Trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật Thông tin đã gắn công tác PBGDPL với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”. Vùng D Hải quân đã phối hợp chặt chẽ với địa phương tuyên truyền sâu rộng trong ngư dân về chủ quyền quốc gia trên biển, Luật Biển... Điều đó cho thấy, các đơn vị, địa phương đã chủ động, tích cực tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chỉ thị, kế hoạch của cấp trên và có nhiều hình thức, phương pháp sinh động để PBGDPL cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn.

Các thư viện, tủ (ngăn) sách pháp luật, Phòng Hồ Chí Minh của các đơn vị, địa phương có nhiều đầu sách pháp luật, phục vụ tốt cho cán bộ, chiến sĩ nghiên cứu, học tập. Cùng với việc phát huy thế mạnh về công nghệ thông tin, thư viện, phòng Hồ Chí Minh, Trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật Thông tin còn xây dựng ngăn sách pháp luật đến cấp tiểu đoàn học viên. Học viện Hải quân đã kết hợp tốt giữa thư viện truyền thống với phát triển thư viện điện tử (mạng LAN) để học viên tiện tra cứu tài liệu, hỏi - đáp và cập nhật thông tin mới. Đặc biệt, thư viện, Phòng Hồ Chí Minh của các đơn vị Vùng D Hải quân có nhiều sách về pháp luật, phục vụ tốt nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa. Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra cũng nhận thấy các tủ sách, ngăn sách pháp luật của các đơn vị, địa phương còn nhiều tài liệu cũ, chưa kịp thời bổ sung, cập nhật các loại văn bản pháp luật mới ban hành. Ngay cả thư viện, phòng đọc, tủ sách cũng còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với vị trí của nhà trường, đơn vị; qua sổ theo dõi, số lượng người đến nghiên cứu về pháp luật còn ít. Riêng Thư viện huyện đảo Trường Sa, có trên 1.000 đầu sách pháp luật, có nhiều cuốn rất quý, dày hàng ngàn trang, nhưng không đủ kệ, giá và tủ trưng bày để giúp bạn đọc dễ tiếp cận,...

Kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ được nâng lên. Đoàn kiểm tra đã đưa ra một số câu hỏi trong khung chương trình và kế hoạch PBGDPL năm 2009 theo quy định để kiểm tra nhận thức của cán bộ, học viên, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên quốc phòng. Kết quả cho thấy, phần lớn các đối tượng nắm được những nội dung cơ bản trong các chuyên đề đã được phổ biến, giáo dục; trả lời tương đối tốt các câu hỏi của Đoàn. Cán bộ, học viên, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên và chiến sĩ của Trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật Thông tin và Vùng D Hải quân nắm rất chắc các nội dung, chuyên đề được phổ biến, giáo dục theo kế hoạch; vận dụng tốt vào thực tế cuộc sống và công tác. Tuy nhiên, mở rộng phạm vi kiểm tra các nội dung đã được phổ biến, giáo dục, một số cán bộ, chiến sĩ và học viên, nhất là quân nhân chuyên nghiệp, không nắm chắc Quyết định 2530/2000/QĐ-BQP và Quyết định số 82/QĐ-BQP của Bộ trưởng BQP về sửa đổi một số điều của Quyết định 2530 “Quy định về xử lý kỷ luật đối với những hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”. Điều đó cho thấy, kết quả PBGDPL ở các đơn vị, địa phương chưa toàn diện và chưa vững chắc. Đây là nội dung giáo dục quan trọng và liên quan đến các hoạt động hằng ngày, nên các đơn vị, địa phương cần chú trọng phổ biến rộng rãi cho cán bộ, chiến sĩ để vận dụng, thực hiện tốt.

Từ kết quả kiểm tra công tác PBGDP ở một số đơn vị, địa phương phía Nam cho thấy, công tác này đã được lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị quan tâm và đạt được kết quả tương đối tốt. Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra, chúng ta phải tập trung đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL lên ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Quốc hội đã ban hành Hiến pháp và các luật, bộ luật, thể hiện rõ ý chí xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng BQP đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, quyết định... về công tác PBGDPL nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước... Đó là yêu cầu và là cơ sở để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác này.

Để công tác PBGDPL ở các đơn vị, địa phương đạt kết quả tốt, theo chúng tôi, các cấp cần quan tâm lãnh đạo và chú ý bảo đảm tốt hơn nữa về vật chất, phương tiện và thời gian. Trong đó, chú ý tập trung nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, các cơ quan chức năng, đoàn thể quần chúng đối với công tác này; làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, ý thức và hiệu quả chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội cho mọi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị động viên, tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của đơn vị, địa phương. Tiếp tục phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL các cấp, các cơ quan pháp luật và cán bộ làm công tác pháp luật; củng cố, kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực và nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ làm công tác PBGDPL. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương cần thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa các hình thức PBGDPL, bảo đảm hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; gắn công tác PBGDPL với giáo dục truyền thống và bồi dưỡng ý thức tự giác tìm hiểu, chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ. Trong tuyên truyền, cần đổi mới phương pháp giới thiệu các văn bản theo hướng trao đổi, đối thoại, thảo luận, giải đáp những yêu cầu từ người học. Đồng thời, đa dạng hóa các hình thức thi tìm hiểu pháp luật, giao lưu, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ có lồng ghép nội dung pháp luật. Chú ý đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường ứng dụng kỹ thuật hiện đại để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL; tích cực đầu tư xây dựng, bổ sung các đầu sách pháp luật mới và phát huy hiệu quả của Tủ (ngăn) sách pháp luật trong cơ quan, đơn vị. Đặc biệt, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương nơi đóng quân để thực hiện tốt công tác PBGDPL cho bộ đội và nhân dân. Công tác PBGDPL phải được tiến hành đồng bộ với tổ chức thực hiện pháp luật và Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Trong quá trình kiểm tra, Đoàn cũng nhận được nhiều ý kiến và kiến nghị của các cơ quan, đơn vị về bảo đảm tài liệu, về kinh phí thực hiện công tác PBGDPL; về công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật,... Đó là những ý kiến hoàn toàn xác đáng, nếu được giải quyết tốt, sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác PBGDPL có chiều sâu và hiệu quả hơn.

Đại tá NGUYỄN THÀNH LIÊNG

 

Ý kiến bạn đọc (0)