Thứ Bảy, 23/11/2024, 09:51 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là quan điểm cơ bản của Đảng và cũng là một bài học lớn của cách mạng Việt Nam. Hiện nay, trước bối cảnh quốc tế và yêu cầu mới của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bài học đó cần tiếp tục được quán triệt, thực hiện; song điều quan trọng là cần có chiến lược, sách lược, hình thức, phương pháp đúng đắn, sáng tạo.
Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nêu nhiều bài học quý; trong đó, "Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế "1 là một trong những bài học lớn của cách mạng Việt Nam. Hơn 80 năm qua, nhất là trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975), ngọn cờ độc lập dân tộc và CNXH của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên sức mạnh đoàn kết to lớn của dân tộc, của tất cả những người Việt Nam yêu nước, yêu độc lập, tự do, không phân biệt trai gái, già trẻ, giàu nghèo, tôn giáo, dân tộc..., dựa trên nền tảng vững chắc là liên minh công nhân với nông dân và trí thức, dưới chế độ dân chủ nhân dân và XHCN, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Mặt khác, do mục tiêu cách mạng, mục đích chính trị của cuộc chiến tranh yêu nước, chính nghĩa của dân tộc ta phù hợp với khát vọng chung, mục tiêu chung của thời đại là hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; cùng với chiến lược đối ngoại đúng đắn của Đảng và nghệ thuật đấu tranh ngoại giao tài tình, khôn khéo, sáng tạo, chúng ta đã phát huy cao độ yếu tố quốc tế, yếu tố thời đại thành sức mạnh hiện thực, nên cuộc kháng chiến của nhân dân ta ngày càng được sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ to lớn, chí tình cả về vật chất và tinh thần của các nước XHCN và lực lượng cách mạng, tiến bộ trên thế giới. Vận dụng và phát triển sáng tạo bài học đó trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng hơn 20 năm qua, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng: kinh tế tăng trưởng nhanh; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh (QP-AN) được giữ vững; công tác đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế được triển khai sâu rộng và hiệu quả. Thế và lực của đất nước đã vững mạnh thêm nhiều; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên, tạo tiền đề quan trọng để đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Những thực tiễn lịch sử đó chứng minh rằng, để tạo nên sức mạnh to lớn, giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và đổi mới xây dựng đất nước, chúng ta phải biết khai thác và phát huy cao nhất sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế, trên cơ sở kiên định ý chí độc lập, tự chủ, phát huy sức mạnh nội lực, dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ ngoại lực, khai thác tối đa sức mạnh của thời đại.
Hiện nay, bối cảnh quốc tế, khu vực có những biến đổi to lớn và sâu sắc, với nhiều mối quan hệ đan xen, đa dạng, phức tạp; trong đó, các nước với chế độ xã hội và trình độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Khu vực Đông Nam Á tiếp tục phát triển năng động, nhưng vẫn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, nhất là các hoạt động khủng bố, xung đột tôn giáo, tranh chấp tài nguyên, lãnh thổ, biển, đảo cùng những vấn đề toàn cầu khác, như: đói nghèo, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên nhiên..., đòi hỏi phải có sự hợp tác giải quyết của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Đối với nước ta, trong xu thế hoà bình, hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ (nhất là khi nước ta là thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và Chủ tịch ASEAN năm 2010), các mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực, trên thế giới và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ cũng mở rộng hơn về quy mô, phát triển cao hơn về cấp độ, phong phú, đa dạng hơn về hình thức; quyền hạn và nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam cũng tăng lên, nặng nề hơn. Cùng với đó, những thách thức về an ninh đối với nước ta cũng đa dạng, phức tạp, nguy hiểm hơn, nhất là việc giải quyết tranh chấp chủ quyền biển, đảo và chống lại mưu đồ lợi dụng “mở cửa” để đẩy mạnh “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.
Tình hình đó đòi hỏi việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới phải có chiến lược, sách lược, hình thức và phương pháp xử lý đúng đắn, sáng tạo.
Trước hết và quan trọng nhất là: kiên định ý chí độc lập, tự chủ, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, phát huy cao độ nội lực; đồng thời, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tranh thủ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực bên ngoài cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xuất phát từ bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước, kế thừa và phát triển những kinh nghiệm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong quá khứ, Đảng ta đã rút ra bài học và khẳng định: phải “phát huy dân chủ, khơi dậy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước”2. Đồng thời, Đảng ta cũng xác định rõ mối quan hệ giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, giữa yếu tố nội lực và ngoại lực trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; trong đó, coi “phát huy nội lực và sức mạnh dân tộc là yếu tố quyết định, đồng thời tranh thủ ngoại lực và sức mạnh thời đại là yếu tố quan trọng”3. Đây là những quan điểm cơ bản chỉ đạo xuyên suốt quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN thời kỳ mới. Vì vậy, những quan điểm này phải được thường xuyên tuyên tuyền, giáo dục, quán triệt sâu rộng trong hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân. Qua đó, làm cho các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và toàn dân nhận thức sâu sắc rằng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại là tất yếu khách quan; trong đó và trước hết phải giữ vững độc lập, tự chủ, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, phát huy cao nhất các yếu tố nội lực, dựa vào nguồn lực trong nước là chính, bao gồm nguồn lực con người, đất đai, tài nguyên, trí tuệ, truyền thống (lịch sử, văn hoá) của dân tộc. Nếu thực hiện không tốt vấn đề này, thì nước ta không thể đứng vững, đi lên một cách lâu bền và cũng không thể hội nhập quốc tế một cách bình đẳng, sâu rộng và có hiệu quả. Mặt khác, chúng ta phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tranh thủ sự hợp tác, liên kết với các nước để khai thác nguồn vốn đầu tư, khoa học, kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm quản lý, điều hành đất nước cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Trong hội nhập quốc tế, phải luôn chủ động thích ứng với những thay đổi của tình hình, bảo đảm hiệu quả và lợi ích quốc gia, dân tộc. Đó chính là bài học xây dựng, sử dụng sức mạnh tổng hợp, làm cho các yếu tố thời đại, quốc tế chuyển hoá và kết hợp với nội lực tạo ra thế và lực mới, giúp chúng ta vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng tốt thời cơ để đổi mới và phát triển bền vững.
Trên cơ sở nâng cao nhận thức, nắm vững quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, cần vận dụng và xử lý một cách linh hoạt, sáng tạo việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ QP-AN, bảo vệ Tổ quốc XHCN. QP-AN vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị của đất nước là một yếu tố cơ bản quyết định việc tiếp thu có hiệu quả nguồn ngoại lực và sức mạnh quốc tế. Trong những năm chiến tranh, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm quý về tận dụng và phát huy những thành quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, nhất là đào tạo cán bộ, tiếp thu những thành tựu tiên tiến của khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học kỹ thuật quân sự..., để xây dựng quân đội, tăng cường sức mạnh cho cuộc kháng chiến. Ngày nay, trong điều kiện và hoàn cảnh mới, hoạt động hợp tác quốc phòng đã có những phát triển khác trước rất nhiều, từ đối tác, nội dung đến hình thức thể hiện; nhiều vấn đề mới, phức tạp nảy sinh, nhất là vấn đề an ninh phi truyền thống (khủng bố, cướp biển, buôn lậu, tội phạm ma tuý và các thảm họa thiên nhiên...) vượt ra ngoài khả năng quốc gia, đòi hỏi phải có sự hợp tác giải quyết của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Bởi vậy, cần nhận thức đúng về hợp tác quốc phòng, phát huy sức mạnh thời đại để xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng trong điều kiện mới. Trong hoạt động hợp tác quốc phòng, tuy có đặc thù và nhiệm vụ riêng, nhưng đều phải quán triệt và phục vụ mục tiêu chung của cách mạng; đó là, xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng XHCN. Hợp tác quốc phòng muốn đạt hiệu quả cao phải phối hợp chặt chẽ với các lĩnh vực hợp tác và đấu tranh khác, nhất là về kinh tế, chính trị, khoa học-công nghệ, văn hoá, nhằm đạt được yêu cầu là hợp tác trên các lĩnh vực đều phải tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác quốc phòng và xây dựng sức mạnh quốc phòng; ngược lại, kết quả hợp tác quốc phòng phải góp phần thúc đẩy các quan hệ hợp tác về kinh tế, khoa học-công nghệ, đầu tư, thương mại phát triển.
Trong mối quan hệ sử dụng sức mạnh nội lực và tranh thủ tối đa ngoại lực để xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, phải nắm vững tư tưởng chỉ đạo: tận lực khai thác mọi tiềm năng của đất nước, kinh nghiệm và truyền thống của dân tộc; giữ vững độc lập, tự chủ, phát huy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt. Đồng thời, tranh thủ tối đa ngoại lực, sức mạnh của thời đại, trên cơ sở tăng cường và mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng giữa nước ta với các nước đối tác trên nhiều mặt: hợp tác giữ vững an ninh khu vực và bảo vệ hoà bình thế giới; hợp tác nghiên cứu, phát triển khoa học quân sự, phát triển trang bị vũ khí, đào tạo, huấn luyện cán bộ, nhân viên kỹ thuật, trao đổi công nghệ quân sự hiện đại; nghiên cứu mở rộng hợp tác ứng dụng những thành tựu mới của khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, tự động hoá vào các lĩnh vực hoạt động quốc phòng; nâng cao quy mô, trình độ hiện đại hoá tổ chức, chỉ huy, bảo quản, sửa chữa, cải tiến thiết kế, chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật... Đó là những nội dung vừa có tính cấp thiết trước mắt, vừa cơ bản lâu dài, nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng, sức mạnh của quân đội để bảo vệ đất nước tốt hơn, có khả năng răn đe, ngăn ngừa và đẩy lùi các nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia.
Về hình thức hợp tác quốc phòng, cần tăng cường mở rộng và nâng tầm các quan hệ hợp tác song phương, đa phương với các nước đối tác, đặc biệt là với các nước láng giềng, các nước bạn bè truyền thống, các nước trong khối ASEAN và các nước có tiềm lực quốc phòng mạnh, cũng như tham gia các diễn đàn an ninh khu vực và quốc tế. Trong hoạt động, chú trọng giữ vững quan điểm, đường lối, nguyên tắc chiến lược, nhưng cần linh hoạt, sáng tạo, mềm dẻo trong sách lược; phát huy những thế mạnh của đất nước, của quân đội; tranh thủ những điểm tương đồng, những lợi ích chung, vừa hợp tác vừa đấu tranh trên cả bình diện chiến lược cũng như cấp hành động, tạo sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, làm cho các hoạt động hợp tác đạt hiệu quả cao; góp phần tạo ra môi trường hoà bình, ổn định và điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
PHẠM TRANG
__________
1- ĐCSVN - Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng, Nxb. CTQG, H. 4-2010, tr. 4.
2- Sđd - tr. 20.
3- Sđd - tr. 23
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011