QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 23:09 (GMT+7)
Kết hợp phát triển ngành Bưu chính-viễn thông với tăng cường quốc phòng-an ninh trong tình hình hiện nay

Kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng-an ninh là một quan điểm cơ bản của Đảng ta trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Phát triển kinh tế-xã hội là tạo tiền đề vật chất quan trọng để từng bước xây dựng đất nước giàu mạnh và tạo điều kiện các mặt cho sự nghiệp củng cố quốc phòng-an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Củng cố, tăng cường quốc phòng-an ninh, ngăn ngừa chiến tranh, bảo vệ hòa bình, giữ gìn ổn định chính trị, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước là tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội. Hai nhiệm vụ chiến lược này thống nhất trong một mục đích làm cho đất nước hòa bình, ổn định, phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; thiếu một trong hai nhiệm vụ sẽ không thể bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc theo nghĩa đầy đủ của nó. Hiện nay, chúng ta đang xây dựng nền quốc phòng, tăng cường tiềm lực quốc phòng trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện kinh tế thị trường, định hướng XHCN vừa có những thuận lợi rất cơ bản, vừa có không ít khó khăn nảy sinh. Một trong những vấn đề lớn đặt ra đối với nền kinh tế đất nước là phải bảo đảm nhu cầu của quốc phòng (nhân lực, vật lực), cả thường xuyên cũng như trong các tình huống đặc biệt như xung đột vũ trang, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống chiến tranh xâm lược khi kẻ thù liều lĩnh gây ra. Đó là một yêu cầu cao, hết sức gay gắt và mới mẻ, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương phải giải quyết.

Bưu chính-Viễn thông là một ngành thuộc kết cấu hạ tầng, có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền các địa phương; cũng là phương tiện phục vụ dân sinh và phục vụ đắc lực cho các hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân trong cả thời bình và thời chiến. Vì vậy, trong chiến lược phát triển của Ngành gắn với nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, lãnh đạo Tổng cục Bưu điện (nay là Bộ Bưu chính-Viễn thông) đã thường xuyên quán triệt và vận dụng đúng đắn đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, đồng thời xác định rõ quan điểm và tư tưởng chỉ đạo thực hiện là phát triển nhanh mạng lưới thông tin liên lạc quốc gia theo hướng đi thẳng vào công nghệ hiện đại, đồng bộ, thống nhất, đều khắp, đa dịch vụ, phù hợp với xu thế phát triển của quốc tế và khu vực, phục vụ tốt sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước và sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng-an ninh của đất nước. Đi đôi với việc phát triển nhanh mạng lưới thông tin hiện đại, phải bảo đảm độ an toàn và có tính dự phòng cao, phục vụ tốt cả trong điều kiện thời bình cũng như thời chiến. Mức độ phổ cập phải rộng khắp, từ thành thị, nông thôn đến các vùng biên giới, hải đảo, bảo đảm vừa phục vụ nhu cầu thông tin cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, vừa đáp ứng yêu cầu phục vụ các mạng chuyên dùng của quân đội, công an, ngoại giao và các ngành đặc thù khác. Nhà nước thống nhất quản lý cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia và các mạng thông tin quan trọng. Trong hợp tác quốc tế phải có các nguyên tắc quản lý chặt chẽ và có các biện pháp cụ thể để giữ vững chủ quyền điều hành mạng lưới thông tin của ta. Trong trường hợp đặc biệt, khẩn cấp và chiến tranh, Bộ Bưu chính-Viễn thông có quyền ra lệnh trưng dụng từng phần hoặc toàn bộ mạng lưới thông tin liên lạc dân sự để phục vụ cho sự nghiệp bảo vệ đất nước.
Để thực hiện có hiệu quả những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trên, trong quy hoạch xây dựng các dự án phát triển của Ngành, thậm chí trong một đề án đầu tư, vấn đề chọn địa điểm, tuyến đường, công nghệ và người cung cấp thiết bị,... đều được cân nhắc kỹ càng, gắn kết chặt chẽ với xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh trên từng địa bàn và trong cả nước. Bộ Bưu chính-Viễn thông đã trực tiếp chỉ đạo và đề ra các giải pháp an toàn, bảo mật đặc biệt thông tin các vùng trọng điểm chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội, vùng trọng yếu về an ninh-quốc phòng, đáp ứng nhu cầu trước mắt thời bình cũng như khi có chiến tranh xảy ra. Chỉ thị 06/2004/CT-BCVT của Bộ trưởng đã nêu rõ những giải pháp tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh bưu chính-viễn thông trong tình hình mới và yêu cầu tất cả các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông nghiêm túc thực hiện. Khi xây dựng mới mạng thông tin công cộng, đều có sự nghiên cứu phối hợp với mạng thông tin chuyên dụng quốc phòng-an ninh đã có hoặc sẽ có, để tăng cường năng lực tổng thể cả mạng lưới khi có yêu cầu phục vụ cho diễn tập, chống bạo loạn, cũng như khi có chiến sự. Bộ Bưu chính-Viễn thông, với vai trò Chủ tịch ủy ban tần số vô tuyến điện đã phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an (là hai Phó chủ tịch), phân định băng tần số riêng cho thông tin quốc phòng, an ninh sử dụng đảm bảo việc cạnh tranh trong cơ chế thị trường, cũng như tham gia WTO, không làm cản trở sự hoàn thiện các hệ thống thông tin chỉ huy, điều hành của các lực lượng quốc phòng, an ninh.
Trong quy hoạch đầu tư xây dựng cơ bản của Tổng công ty Bưu chính-Viễn thông-một tập đoàn chủ lực của ngành Bưu chính-Viễn thông Việt Nam, nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng càng được đề cao hơn. Tổng công ty quy định tất cả các mạng cáp phải được chôn sâu, có các tuyến vu hồi bảo đảm thông tin thông suốt và bố trí thiết bị có tính tới yếu tố chiến tranh. Trong kế hoạch đầu tư trang bị đều có chú ý tới bổ sung các thiết bị, trang bị phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu như: thiết bị vô tuyến cá nhân, xe thông tin chuyên dụng, xuồng cứu hộ, xe vận tải, máy phát điện cơ động... Các trang bị này được đăng ký với cơ quan quân sự địa phương để huy động khi cần thiết.
Từ đầu năm 2004, các sở Bưu chính-Viễn thông được thành lập ở tất cả các tỉnh (thành phố) trong cả nước, đã làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng kế hoạch gắn kết ngành Bưu chính-Viễn thông với các nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, cũng như sự phối hợp, kết hợp với các lực lượng khác xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố), huyện (quận) ngày càng vững chắc. Đồng thời phối hợp với cơ quan quân sự địa phương xây dựng phương án, kế hoạch bảo đảm thông tin liên lạc cho lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ quốc phòng trong khu vực phòng thủ, nhất là trong các tình huống phòng chống bạo loạn, phòng tránh đánh trả địch tiến công đường không, tiến công đường bộ, đường thủy, chuyển hoạt động của mạng thông tin từ thời bình sang thời chiến... Các giả thiết tình huống khi bị địch tiến công trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đều được nghiên cứu, đưa vào huấn luyện, diễn tập, kèm theo các giải pháp cụ thể. Các hoạt động thường xuyên kể trên đã có tác động rất tích cực, hiệu quả đến ý thức sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu của cán bộ, công nhân viên trong toàn Ngành.
Phát triển ngành Bưu chính-Viễn thông và thực hiện kết hợp kinh tế với quốc phòng-an ninh trong lĩnh vực này, sau 20 năm đổi mới đất nước, chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng. Mạng lưới bưu chính-viễn thông của nước ta đã được hiện đại hóa, với công nghệ kỹ thuật số. Công nghệ mới này ngoài việc đảm bảo cung cấp các dịch vụ viễn thông có chất lượng cao, hiệu quả kinh tế tốt, còn cho mức độ bảo mật an toàn cao nhất. Các hệ thống truyền dẫn bên cạnh vệ tinh và vi ba số, mạng lưới cáp quang đã về tới các huyện trong tỉnh trên phạm vi cả nước và đang lan dần tới các xã. Cáp quang cho phép truyền dung lượng lớn và đặc biệt an toàn, bảo đảm bí mật thông tin, nhất là trong chiến tranh điện tử. Tính đến nay, 100% số xã trong toàn quốc đã có điện thoại, 91% số xã có báo đến trong ngày. Thông tin đã được cập nhật tại 401/401 xã trọng điểm biên giới (trong đó có 159/159 xã dọc biên giới Việt-Trung, 100% xã đảo, 214/252 đồn biên phòng, 63/66 cửa khẩu quốc gia), trên 7.500 điểm bưu điện-văn hóa xã tỏa rộng trong cả nước, cung cấp cho nhân dân mọi loại dịch vụ bưu chính-viễn thông và Internet. Các mạng chuyên dùng của quốc phòng, công an đã cùng với mạng dân sự công cộng tạo ra một hệ thống thông tin quốc gia tương đối đồng bộ, hiện đại và vững chắc. Trong thời bình, mạng lưới thông tin công cộng đã phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội, hằng năm đóng góp cho ngân sách Nhà nước 5-6 ngàn tỷ đồng. Mạng lưới này được bố trí phù hợp trên các khu vực phòng thủ địa phương và sử dụng những công nghệ có độ bảo mật cao, đáp ứng yêu cầu thông tin phục vụ nhiệm vụ quốc phòng-an ninh, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân.
Tuy vậy, trong thời kỳ mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, cạnh tranh gay gắt, vấn đề đặt ra hiện nay cũng như về lâu dài của ngành Bưu chính-Viễn thông là phải tiếp tục phát triển bền vững, phát huy mọi nội lực của đất nước, tạo điều kiện, cơ chế, chính sách cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển và bảo vệ mạng lưới thông tin, vừa bảo vệ được lợi ích và chủ quyền quốc gia, vừa đấu tranh có hiệu quả với chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch và các tình huống chiến tranh, nhất là chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao của địch. Để đạt được điều đó, ngành Bưu chính-Viễn thông phải tăng cường hơn nữa hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn, chất lượng của hệ thống trang thiết bị mạng thông tin, thường xuyên quản lý chặt chẽ các tần số đã được quy định trên phạm vi toàn quốc. Phê duyệt cụ thể một mạng lưới thông tin quốc gia đồng bộ, hiện đại, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao trong thời bình và độ an toàn, linh hoạt, sẵn sàng cao trong thời chiến. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đánh giá thực tế, sâu sát hơn về sức chịu đựng của mạng lưới thông tin liên lạc Việt Nam đối với chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh điện tử. Xây dựng các phương án bảo đảm thông tin liên lạc và dự phòng thiết bị thông tin liên lạc cho các tình huống chiến tranh; huy động mạng lưới thông tin liên lạc cho chiến tranh tổng lực; phương án di dời, sơ tán cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, nhất là trong thời kỳ đầu chiến tranh... Khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của cơ chế thị trường trong các doanh nghiệp dẫn tới việc lơ là, chủ quan, mất cảnh giác về quốc phòng, an ninh. Xây dựng cơ chế huy động các nguồn lực của các doanh nghiệp trong cơ chế thị trường, đóng góp cho tiềm lực quốc phòng-an ninh. Trong chiến tranh công nghệ cao, cần đặc biệt chú ý tới công nghệ thông tin, trong đó chú trọng xây dựng nguồn nhân lực công nghệ thông tin đủ trình độ giải quyết những vấn đề thiết yếu của quân đội; xây dựng công nghiệp công nghệ thông tin, sản xuất được các thiết bị quốc phòng, nhất là phần thiết kế và phần mềm điều khiển là sản phẩm tự chế tạo; ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ huy, diễn tập và quản lý bộ đội; xây dựng “lực lượng phần mềm quân đội” giống như lực lượng phòng không, lực lượng đặc công đã có, nhằm chống trả, tiến công, vô hiệu hóa công nghệ cao của địch trong chiến tranh điện tử, chiến tranh thông tin.
 
Đỗ Trung Tá
Ủy viên BCHTƯ Đảng
Bộ trưởng bộ Bưu chính-Viễn thông
 

Ý kiến bạn đọc (0)