QPTD -Thứ Sáu, 26/08/2011, 21:46 (GMT+7)
Kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng-an ninh, xây dựng biên giới Lào - Việt Nam hoà bình, hữu nghị, phát triển

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước Lào đã có nhiều chủ trương, chính sách kết hợp phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) với tăng cường quốc phòng-an ninh (QP-AN), xây dựng tuyến biên giới Lào-Việt Nam hòa bình, hữu nghị, phát triển lâu dài, góp phần xây dựng mối quan hệ hữu nghị đặc biệt hai nước Lào-Việt Nam “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”. Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề đặt ra cần nghiên cứu, nâng cao hiệu quả kết hợp.

Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào nằm sâu trong bán đảo Đông Dương, có đường biên giới với 5 quốc gia (Việt Nam, Trung Quốc, Mi-an-ma,Thái Lan, Căm-pu-chia) với tổng chiều dài 5.178 km; trong đó, có 2.069 km tiếp giáp Việt Nam, với 10 tỉnh, 25 huyện, 788 bản có biên giới với Việt Nam. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của hai nước Lào-Việt Nam, mối quan hệ giữa hai dân tộc cùng chung dãy Trường Sơn luôn gắn bó, đoàn kết đặc biệt để cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước mình. Đặc biệt, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược Đông Dương, nhân dân và quân đội hai nước Lào-Việt Nam luôn sát cánh bên nhau đánh thắng kẻ thù xâm lược, giải phóng đất nước, đem lại độc lập, tự do cho mỗi dân tộc. Ngày nay, truyền thống đó tiếp tục được phát huy, nhằm xây dựng đất nước ngày càng phát triển, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, nâng cao vị thế của mỗi nước trong khu vực và quốc tế.

Gần 35 năm xây dựng và bảo vệ đất nước Triệu Voi, nhất là trong hơn 15 năm đổi mới gần đây, Đảng nhân dân cách mạng Lào và Nhà nước Lào đã có nhiều chủ trương, chính sách kết hợp phát triển KT-XH với củng cố QP-AN đất nước nói chung, các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới nói riêng; trong đó có tuyến biên giới Lào-Việt Nam. Mặc dù tuyến biên giới Lào-Việt Nam là căn cứ cách mạng và vùng hậu phương chiến lược trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, nhưng địa hình nơi đây đa dạng, chủ yếu là rừng núi cao, nhiều sông suối, độ dốc lớn, khí hậu khắc nghiệt, mật độ dân cư thưa và phân bố không đều (5-7 người/km2), hầu hết là người dân tộc thiểu số Lào sinh sống, cùng với những yếu tố khách quan, chủ quan khác nên khu vực này chưa có điều kiện để phát triển ngang tầm với yêu cầu đòi hỏi trong giai đoạn mới của cách mạng. Về kinh tế, chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi, trình độ sản xuất, canh tác lạc hậu, tự cung, tự cấp; một số nơi còn tình trạng du canh, du cư; phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, mùa khô thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt; hệ thống cơ cở hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, giao thông khó khăn, nhiều khu vực chưa có đường giao thông vào đến bản; đời sống đồng bào các dân tộc còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Văn hóa, xã hội chậm phát triển; trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán còn lạc hậu... Lĩnh vực QP-AN chưa được củng cố, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ổn định, khó lường; các thế lực thù địch với cách mạng Lào và Việt Nam triệt để lợi dụng địa hình và những khó khăn trên tuyến biên giới Lào-Việt Nam để  tăng cường hoạt động chống phá với nhiều âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm, nhất là việc chúng lén lút tổ chức tuyên truyền về một “Vương quốc Mông tự trị”, tuyên truyền đạo trái pháp luật, tổ chức mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, mua chuộc, lôi kéo đồng bào dân tộc chống phá cách mạng (điển hình là vụ bạo loạn chính trị ở Hủa Phăn năm 2003)...

 Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng nhân dân cách mạng Lào, những năm gần đây, Nhà nước, nhân dân và Quân đội Lào, trực tiếp là các địa phương tuyến biên giới Lào-Việt Nam đã đẩy mạnh phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc, gắn với củng cố QP-AN ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, bản), góp phần xây dựng và bảo vệ biên giới Lào-Việt Nam hòa bình, hữu nghị, ổn định. Nổi bật là, các địa phương biên giới đã triển khai thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng Bản, Cụm bản phát triển và xây dựng Khu kinh tế trọng điểm (KTTĐ); luân chuyển cán bộ ở các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, huyện tăng cường xuống cơ sở, thành lập các đội công tác làm nòng cốt xây dựng Bản, Cụm bản phát triển. Bên cạnh đó, Quân đội nhân dân Lào đã điều chuyển một số lực lượng xuống cơ sở mường, bản phối hợp với địa phương xây dựng, phát triển Khu KTTĐ trên các địa bàn chiến lược biên giới Lào-Việt Nam. Tại các Bản, Cụm bản phát triển và Khu KTTĐ đã triển khai thực hiện 4 chủ trương lớn của Đảng; trong đó: lấy giáo dục chính trị, tư tưởng là hàng đầu, phát triển KT-XH là trọng tâm, củng cố QP-AN là cơ bản, kiện toàn và xây dựng hệ thống chính trị là quyết định. Các đội công tác xây dựng cơ sở đã triển khai thực hiện toàn diện các mặt công tác: vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng lực lượng dân quân và lực lượng an ninh nhân dân, tổ chức xây dựng kinh tế (chủ yếu thực hiện các chương trình khuyến nông, xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch và giao đất, giao rừng cho nhân dân quản lý, sản xuất), xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, thực hiện các chính sách xã hội... Mô hình xây dựng Bản, Cụm bản phát triển và  Khu KTTĐ bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, phù hợp với điều kiện dân cư, đặc điểm, điều kiện kinh tế ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Nhiều tỉnh, huyện biên giới Lào-Việt Nam đã thành lập được bản lớn, nhiều gia đình “thoát nghèo”, kinh tế khá giả; diện tích trồng lúa nước, trồng cây công nghiệp tăng cao; nhiều nơi có đường ô tô vào đến bản; hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố một bước, nhiều nơi đã phát triển được đội ngũ cán bộ tại chỗ; QP-AN được tăng cường, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, yên tâm làm ăn sinh sống; các tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 4 đến 5 triệu kíp/ người/ năm; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc từng bước được cải thiện.

Tuy vậy, việc kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN trên tuyến biên giới Lào-Việt Nam vẫn còn lúng túng, hạn chế, hiệu quả chưa cao. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở về việc kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế chưa đầy đủ; chưa thấy hết âm mưu, thủ đoạn chống phá nguy hiểm và thâm độc của các thế lực thù địch. Cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành, các đoàn thể chưa cụ thể, vẫn tồn tại thực trạng “việc ai người nấy làm”. Đặc biệt, chưa có quy hoạch tổng thể và dự án kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN ngang tầm của các địa bàn trọng điểm tuyến biên giới Lào-Việt Nam. Đây là những vấn đề cần được quan tâm giải quyết.  

 Trước thực trạng đó và để nâng cao hiệu quả kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN tuyến biên giới Lào-Việt Nam, theo chúng tôi, trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm mô hình xây dựng Bản, Cụm bản phát triển và Khu KTTĐ để nghiên cứu, xây dựng Dự án Quân đội tham gia phát triển KT-XH các bản, cụm bản đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, gắn với xây dựng các Khu QP-AN trên các địa bàn chiến lược tuyến biên giới Lào-Việt Nam - gọi tắt là Khu kinh tế-quốc phòng (KT-QP)-trình Chính phủ phê duyệt, triển khai thực hiện. Theo đó, việc triển khai nghiên cứu xây dựng Dự án Khu KT-QP phải bảo đảm tính toàn diện cả về cơ sở lý luận và thực tiễn; tổ chức khảo sát, điều tra đầy đủ các yếu tố về điều kiện địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, dân cư, văn hóa, xã hội, thực trạng kinh tế, sự ổn định về chính trị, truyền thống lịch sử, yêu cầu của QP-AN cả trước mắt và lâu dài để lập quy hoạch tổng thể Dự án xây dựng Khu KT-QP trên tuyến biên giới Lào-Việt Nam; trong đó, xác định mục tiêu, lựa chọn vị trí, xác định quy mô, hình thức tổ chức sản xuất, nội dung xây dựng, kế hoạch thực hiện từng thời kỳ, huy động nguồn lực cả về lực lượng, đất đai, nguồn vốn...

 Xuất phát từ đặc điểm tuyến biên giới Lào-Việt Nam kéo dài từ tỉnh Phông Xa Ly ở phía Bắc đến tỉnh Át Ta Pư ở phía Nam với những yếu tố về địa hình, đất đai, khí hậu, kinh tế, văn hóa, dân cư không giống nhau, nên việc xác định quy mô, hình thức tổ chức xây dựng các Khu KT-QP cũng không đồng nhất, nhưng đều có chung mục tiêu: kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN, lấy phát triển KT-XH giữ vai trò quyết định, tạo cơ sở vật chất, tinh thần để xây dựng lực lượng, thế trận QP-AN bảo vệ địa bàn. Nhiệm vụ của các Đoàn KT-QP (thuộc Quân đội Lào): tổ chức phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Vùng dự án, gắn với quy hoạch, bố trí lại các điểm, cụm dân cư, hình thành các bản, cụm bản trên tuyến biên giới, tạo cơ sở xây dựng lực lượng, thế trận QP-AN, đủ khả năng ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội Vùng dự án.

Dự án Khu KT-QP mang tính tổng hợp, thuộc nhiều lĩnh vực cả về KT-XH và QP-AN, thực hiện trong thời gian dài; do vậy, cần được cụ thể hoá thành những nội dung xây dựng và lộ trình thực hiện từng giai đoạn. Trong đó: xây dựng cơ sở hạ tầng là nhiệm vụ trọng tâm của các Đoàn KT-QP thời kỳ đầu triển khai Dự án, tạo nền tảng cho thực hiện các mục tiêu của Khu KT-QP; ưu tiên xây dựng, nâng cấp hệ thống đường, cầu, hình thành mạng lưới giao thông nối liền các bản, cụm bản với huyện, tỉnh; xây dựng hệ thống điện, trường học, trạm y tế, chợ, các công trình thuỷ lợi... phục vụ sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Quy hoạch, tổ chức di dân, bố trí lại các điểm dân cư theo kế hoạch phát triển sản xuất và nhiệm vụ QP-AN cả trước mắt và lâu dài, hình thành những bản, cụm bản dân cư trên tuyến biên giới; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để ổn định đời sống nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị trong các khu dân cư, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội các khu dân cư. Tổ chức phát triển sản xuất là nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên của các Khu KT-QP, vừa trực tiếp tổ chức sản xuất tập trung, làm dịch vụ cho đồng bào phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, vừa xây dựng mô hình phát triển trồng trọt, chăn nuôi để giúp dân chuyển từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa mà chủ yếu là trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế hộ cá thể, kinh tế hộ gia đình để tự thoát nghèo và nâng cao đời sống. Xây dựng văn hóa, xã hội, mà cốt lõi là phát triển giáo dục, y tế, nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, tuyên truyền, vận động quần chúng nắm vững và thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước Lào, chống lại thủ đoạn xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch, phản động; tiếp thu văn hóa tiên tiến, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các bộ tộc Lào trong thời kỳ mới. Về QP-AN, thực hiện lồng ghép các nội dung phát triển KT-XH với yêu cầu của QP-AN cả trước mắt và lâu dài, tổ chức xây dựng lực lượng, thế trận, xây dựng cơ chế vận hành hoạt động QP-AN Vùng dự án, giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội các địa phương tuyến biên giới, góp phần xây dựng tuyến biên giới  Lào-Việt Nam hòa bình, hữu nghị, phát triển lâu dài và tăng cường mối quan hệ hữu nghị đặc biệt hai nước Lào-Việt Nam “mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”.

VÔNG KHĂM PHÔM MA KON

Nghiên cứu sinh, Học viện Quốc phòng

 

Ý kiến bạn đọc (0)