QPTD -Thứ Sáu, 26/08/2011, 21:28 (GMT+7)
Kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng-an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia (Phần II)

(Tiếp theo và hết)

II

Phát triển mô hình khu kinh tế-quốc phòng trên biển, đảo - những vấn đề đặt ra 

Từ những kết quả đạt được về triển khai các dự án xây dựng Khu kinh tế-quốc phòng (KT-QP) trên các địa bàn chiến lược, biên giới đất liền, Đại hội X của Đảng xác định: “Tiếp tục phát triển các Khu KT-QP, xây dựng các Khu quốc phòng-kinh tế với mục tiêu tăng cường QP-AN là chủ yếu, tập trung vào các địa bàn trọng điểm chiến lược và những khu vực nhạy cảm trên biên giới đất liền, biển đảo”. Thực hiện chủ trương trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 44/2009/NĐ-CP về xây dựng Khu KT-QP; Quyết định số 1391/QĐ-TTg “Phê duyệt Quy hoạch xây dựng và phát triển các Khu KT-QP đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”. Theo đó, cùng với việc đầu tư chuyển tiếp và đầu tư triển khai xây dựng mới một số Khu KT-QP trên các địa bàn chiến lược, biên giới đất liền thuộc địa giới hành chính 5 tỉnh (Cao Bằng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Gia Lai, Kiên Giang), Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng các Khu KT-QP trên một số đảo gần bờ và trên biển, đảo, tại những khu vực trọng điểm, nhạy cảm về QP-AN trên các vùng biển nước ta.

Là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, vùng biển nước ta nằm ở trung tâm Biển Đông, rộng khoảng 1 triệu km2 (gấp hơn 3 lần diện tích đất liền), có nguồn tài nguyên hải sản, khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn; có đường hàng hải quốc tế huyết mạch mang tính chiến lược không chỉ đối với các quốc gia trong khu vực mà còn đối với thế giới. Bờ biển nước ta dài 3.260 km thuộc địa phận 28 tỉnh (thành phố), chạy suốt từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang) với hơn 3 ngàn hòn đảo phân bố dọc ven biển (tập trung nhiều nhất ở vùng biển Đông Bắc, duyên hải miền Trung) và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không những tạo ra nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp, mà còn tạo thành “lá chắn” án ngữ sườn phía Đông đất nước. Các huyện đảo, quần đảo, đảo nói trên là những điểm tựa vững chắc cho việc bố trí thế trận phát triển kinh tế gắn với tăng cường QP-AN bảo vệ chủ quyền trên biển. Xuất phát từ vị trí chiến lược đó, nên từ lâu, Biển Đông luôn là “điểm nóng”, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định, khó lường. Các hoạt động tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, tranh chấp ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa của nước ta vẫn diễn ra phức tạp; sự tranh chấp vùng trời (không phận) trên khu vực biển để giành chủ quyền quản lý khu vực thông báo bay (FIR) vẫn tồn tại. Các hoạt động vi phạm trên biển cũng diễn ra rất đa dạng, phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, như: tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam hoạt động thăm dò khoáng sản, khai thác tài nguyên biển, đánh bắt hải sản, vận chuyển hàng lậu; tình trạng tranh chấp, chia sẻ lợi ích giữa các nước trong khu vực Biển Đông (thậm chí là giữa các ngành kinh tế biển) có chiều hướng gia tăng... Bên cạnh đó, Biển Đông còn chịu nhiều biến động bất thường về môi trường, đặc biệt là bão, áp thấp nhiệt đới với cường độ lớn và tần suất cao, làm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế biển (nhất là hoạt động nghề cá) và đời sống của nhân dân trên biển, đảo và ven biển...

Nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò quan trọng của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mở rộng giao thương quốc tế, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế biển, gắn với quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Những năm gần đây, chúng ta đã đầu tư và phát triển kinh tế biển toàn diện; trong đó, đã hình thành một số tập đoàn hoạt động theo hướng đa ngành; một số ngành kinh tế trọng điểm đã phát triển mạnh ở vùng ven biển và gắn với biển, như: khai thác và chế biến dầu khí; nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản; dịch vụ du lịch gắn với kinh tế trên đảo; công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển; giao thông hàng hải và cảng biển với nhiều cảng nước sâu; nghiên cứu khoa học, công nghệ biển; xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với các khu đô thị ven biển, như: Hạ Long, Hải Phòng, Đồng Hới, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu, Hà Tiên... Bên cạnh đó, các đơn vị quản lý, bảo vệ biển, đảo, nòng cốt là Quân chủng Hải Quân đã và đang tham gia một số chương trình phát triển kinh tế biển và trên các đảo, gắn với bảo vệ biển, đảo. Phát huy tiềm năng, lợi thế đó và cùng với nguồn nhân lực ven biển gần 27 triệu người (chiếm 32% số dân cả nước) với 18 triệu lao động thuộc 8 bộ, ngành và 28 địa phương ven biển, vừa là tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển, vừa tạo cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực phục vụ nhiệm vụ QP-AN bảo vệ biển, đảo. Kinh tế biển phát triển đã tạo cơ sở cho tăng cường QP-AN trên biển, đảo; lực lượng vũ trang (LLVT) đã phối hợp, bảo đảm an ninh, trật tự trên biển. Năng lực quản lý nhà nước về biển được nâng lên; từng bước đầu tư xây dựng các cơ sở hậu cần, kỹ thuật, hạ tầng cơ sở ven biển, đảo; đã hình thành thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân trên biển, tạo cơ sở bảo đảm an ninh quốc gia và môi trường hoà bình cho phát triển kinh tế biển.

Tuy nhiên, sự phát triển giữa các ngành còn thiếu sự liên kết, thống nhất, hiệu quả; kinh tế đạt được chưa tương xứng với tiềm năng tài nguyên biển. Bên cạnh đó, sự kết hợp kinh tế với QP-AN cũng chưa vững chắc; tiềm lực và thế trận QP-AN trên biển chưa đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Cơ sở hạ tầng còn yếu kém; phần lớn tàu thuyền, trang bị kỹ thuật đã sử dụng qua nhiều năm, thiếu đồng bộ; việc tuần tra, giải quyết các tranh chấp trên biển khi bị tàu nước ngoài vào thăm dò dầu khí, khai thác trộm hải sản, bắt giữ tàu thuyền ngư dân của ta còn hạn chế. Hiệu quả hợp tác quốc tế về QP-AN trên biển với các nước trong khu vực chưa được như mong muốn...

Trong bối cảnh quốc tế, tiềm lực QP-AN của ta hiện nay và để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020: “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta trở thành quốc gia về biển, giàu lên từ biển, bảo đảm QP-AN, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển”, đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về xây dựng các Khu KT-QP trên biển, đảo, nhằm phát huy tiềm lực của các ngành kinh tế biển, nâng cao khả năng phối hợp giải quyết các vấn đề phức tạp, khẩn cấp; thực hiện hành chính hoá các khu vực biển, đảo nhạy cảm, thu hút ngày càng đông nhân dân ra làm ăn, sinh sống trên đảo; kết hợp hài hoà giữa các hoạt động quân sự quản lý và dân sự khai thác kinh tế biển trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc, góp phần xây dựng mối quan hệ hoà bình, hữu nghị với các nước trong khu vực, khẳng định chủ quyền của Việt Nam, tránh xảy ra căng thẳng, xung đột vũ trang không đáng có.

Theo Quy hoạch xây dựng và phát triển các Khu KT-QP đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 của Chính phủ, mục tiêu xây dựng các Khu KT-QP được xác định: phát triển KT-XH Vùng dự án, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tổ chức phát triển sản xuất, bảo đảm QP-AN ở các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo; trên cơ sở bố trí lại dân cư theo quy hoạch của sản xuất và mục tiêu lâu dài của QP-AN, hình thành các cụm làng, xã biên giới, tạo vành đai biên giới trên đất liền, trên biển, đảo trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Tuy nhiên, xuất phát từ điều kiện tự nhiên và tính đặc thù hoạt động trên biển, việc phân định Khu KT-QP trên các vùng biển, đảo cần được tổ chức theo vùng Hải quân, hoặc tổ chức trên các cụm đảo có đông dân và diện tích đủ triển khai, phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc thù của từng vùng biển, đảo (khí hậu, địa hình, địa mạo, địa chất...), vị trí và tầm quan trọng về QP-AN, kinh tế, tình hình chính trị, an ninh trên các vùng biển, cũng như khả năng xây dựng các khu căn cứ bờ để hỗ trợ cho các lực lượng hoạt động trên biển, đảo. Do vậy, quy mô xây dựng từng Khu KT-QP trên các vùng biển, đảo không giống nhau, nhưng có chung mục tiêu cơ bản là: xây dựng căn cứ bờ ở những vị trí thuận lợi để hỗ trợ cho các hoạt động của các ngành kinh tế trên biển, đảo trong khu vực; xây dựng cơ sở hạ tầng trên đất liền và trên các đảo tiền tiêu phục vụ phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN vùng biển, đảo. Cùng với đó, trong mỗi Khu KT-QP phải tổ chức di dân, bố trí dân cư và ổn định cuộc sống nhân dân; xác định ngành kinh tế biển mũi nhọn mà mình có lợi thế, tập trung vào: thủy sản, dầu khí, du lịch biển, hàng hải, nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên biển... Theo đó, nhiệm vụ của các Khu KT-QP trên biển, đảo là: xây dựng cơ sở hạ tầng để thu hút dân cư ra làm ăn sinh sống trên một số đảo, quần đảo có điều kiện; xây dựng các căn cứ bờ, tổ chức sản xuất, chế biến tập trung để cung cấp hậu cần, kỹ thuật phục vụ trực tiếp cho các lực lượng hoạt động trên biển, đảo. Trong đó, tập trung xây dựng các âu tàu cho tàu thuyền của ngư dân và các thành phần kinh tế, tàu thuyền quân sự vào neo đậu tránh bão, giảm rủi ro cho tàu thuyền khai thác hải sản xa bờ; đồng thời, triển khai các dịch vụ hậu cần nghề cá tại các điểm có điều kiện, làm chỗ dựa cho ngư dân phát triển sản xuất, khai thác các tiềm năng, nguồn lợi thủy sản, góp phần phát triển kinh tế hàng hóa. Thông qua đó, tiến hành xây dựng LLVT tại chỗ, làm nòng cốt và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia trên biển, đảo. Cùng với nhiệm vụ bảo đảm về QP-AN, LLVT của Khu KT-QP còn phải chủ động, tích cực phối hợp với các lực lượng khác trong việc tổ chức cứu hộ, cứu nạn trên biển, bảo vệ môi trường biển, đảo; duy trì an ninh, trật tự, góp phần thực thi pháp luật trên biển. Trong tình hình hiện nay, có thể xác định xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá được coi là mũi nhọn kinh tế của Khu KT-QP trên biển, đảo, với các hình thức: xây dựng các đội tàu công ích, thu mua, chế biến hải sản; cung cấp dầu, nước ngọt, nước đá, lương thực, thực phẩm, ngư cụ, sửa chữa tàu thuyền; quy hoạch và xây dựng chợ hải sản ở khu vực các đảo xa; triển khai dịch vụ cứu hộ, cứu nạn; xây dựng mô hình tàu hải quân gắn với các tàu cá của dân, thông qua ký kết hợp đồng giữa hải đoàn với chủ tàu; xây dựng mô hình hoạt động nuôi trồng hải sản xa bờ; hình thành những điểm du lịch tại các đảo có điều kiện thuận lợi. Thông qua các hoạt động đó, vừa thu hút được lực lượng các ngành và ngư dân tham gia phát triển kinh tế biển, vừa tạo cơ sở xây dựng lực lượng, thế trận QP-AN bảo vệ biển, đảo, nhất là trên các đảo, quần đảo xa bờ có vị trí quan trọng, then chốt, nhạy cảm trên vùng đặc quyền kinh tế.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng Khu KT-QP trên biển, đảo, chúng tôi thấy còn  những vấn đề cần được quan tâm, giải quyết.

Về cơ chế hoạt động, điều hành của Khu KT-QP trên biển, đảo, có sự khác biệt so với các Khu KT-QP trên đất liền. Thành phần tham gia dự án với nhiều lực lượng: Bộ đội Hải quân trên đảo, lực lượng tàu cá Hải quân kết hợp KT-QP; dân tham gia thực hiện dự án về sản xuất, dịch vụ; cán bộ chính quyền đất liền ra đảo tham gia thực hiện dự án... Cùng với đó, ở các đảo xa bờ, sự quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền cấp trên không được thường xuyên, dân và chính quyền cơ sở chủ yếu dựa vào bộ đội trên các đảo. Do đó, cùng với yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biển, đảo, các Khu KT-QP trên biển, đảo không tổ chức các Đoàn KT-QP như trên đất liền, mà thành lập Binh đoàn KT-QP biển, đảo (thuộc Quân chủng Hải quân) để làm nòng cốt xây dựng các Khu KT-QP trên biển, với nhiệm vụ: tổ chức các hoạt động sản xuất, chế biến, dịch vụ lĩnh vực hàng hải, du lịch; tham gia quản lý, bảo đảm QP-AN trên biển, đảo; tham gia cứu nạn, cứu hộ trên biển; tham gia thực hiện các chương trình KT-XH, nhằm tăng cường tính pháp lý và giữ vững chủ quyền quốc gia, bảo vệ các nguồn lực của đất nước...

Với mục tiêu xây dựng các Khu KT-QP, trong đó có Khu KT-QP trên biển, đảo, công tác di dân, bố trí các điểm dân cư trên khu vực biên giới, biển đảo và ổn định đời sống dân cư, được coi là nội dung quan trọng cả trước mắt và lâu dài. Để thu hút nhân dân ra đảo sinh sống, ngoài việc xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, chú trọng việc tuyển chọn lực lượng, ưu tiên lực lượng thanh niên tình nguyện, quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự, giáo viên, y tế, các hộ gia đình có kinh nghiệm khai thác, nuôi trồng thủy sản, dịch vụ hàng hải; đồng thời, phải có chính sách ưu đãi, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định để họ yên tâm gắn bó làm ăn lâu dài trên đảo và thu hút sự quan tâm của nhân dân trên bờ ra đảo sinh sống...

Nguồn vốn bảo đảm và cơ chế đầu tư xây dựng các Khu KT-QP trên biển, đảo cần được ưu tiên từ vốn đầu tư tập trung của ngân sách nhà nước theo một kênh riêng. Bên cạnh đó, Binh đoàn KT-QP biển, đảo cần chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án khác của Nhà nước, nhất là các chương trình Biển Đông, hải đảo, khuyến ngư, trồng rừng trên đảo, ven biển...; có kế hoạch huy động các nguồn vốn để hỗ trợ dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống và để bảo đảm vốn đầu tư thực hiện tiến độ các mục tiêu của dự án.

Xây dựng Khu KT-QP trên các địa bàn chiến lược, biên giới đất liền đã khó khăn, phức tạp, nhưng triển khai xây dựng Khu KT-QP trên biển, đảo càng khó khăn, phức tạp hơn nhiều. Bởi lẽ, đây là mô hình mới, phức tạp cả về địa lý, ngành nghề và nhiệm vụ. Vì vậy, trước hết phải có sự nghiên cứu tổng thể, trên cơ sở đó triển khai xây dựng từng bước. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm, phối hợp của các cấp, các ngành trong và ngoài quân đội, nhiệm vụ xây dựng Khu KT-QP trên biển, đảo nhất định sẽ đạt mục tiêu đề ra; góp phần phát triển KT-XH, tăng cường tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ mới.

QUỐC TOẢN - MẠNH DŨNG

          

1- ĐCSVN- Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG,  H.  2006, tr.110.

 

Ý kiến bạn đọc (0)