QPTD -Thứ Sáu, 02/09/2011, 00:12 (GMT+7)
Kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với củng cố quốc phòng-an ninh trên vùng biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc

Quân khu 3 gồm 9 tỉnh, thành phố, có 132,8 km đường biên giới quốc gia, 425 km bờ biển, với trên 3 ngàn đảo lớn nhỏ. Trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) hiện nay, Quân khu 3 là một địa bàn chiến lược về chính trị, kinh tế- xã hội (KT-XH), quốc phòng-an ninh (QP-AN) và đối ngoại của cả nước. Trong đó, vùng biển đảo Đông Bắc với hàng ngàn đảo, cụm đảo, hình thành tuyến đảo từ ven biển ra ngoài khơi, có nhiều cảng biển, cửa khẩu quốc gia, quốc tế giữ vai trò quan trọng, đặc biệt là về quốc phòng trong thế trận phòng thủ của Quân khu. Vì thế, thực hiện tốt việc kết hợp phát triển KT-XH với bảo đảm QP-AN, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD) gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân trên vùng biển đảo Đông Bắc là yêu cầu khách quan, vừa mang tính cấp thiết, vừa  lâu dài. Đó cũng là trách nhiệm chính trị của lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu và các địa phương trên địa bàn, trước hết là các địa phương trên vùng biển đảo Đông Bắc.

Nhận thức rõ điều đó và trên cơ sở nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược, quán triệt sâu sắc quan điểm, tư duy mới của Đảng về BVTQ, được thể hiện tập trung trong các Nghị quyết Đại hội X, Nghị quyết 02/BCT của Bộ Chính trị về nhiệm vụ quốc phòng, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa X) và Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa IX) về chiến lược BVTQ trong tình hình mới, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu thường xuyên phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng trên địa bàn chú trọng tăng cường thế trận QPTD trên vùng biển đảo Đông Bắc ngày càng vững chắc, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ QP-AN trong thời bình; đồng thời, sẵn sàng chuyển hóa thành thế trận chiến tranh nhân dân khi đất nước xảy ra chiến tranh xâm lược

Nắm vững các quan điểm, chủ trương chiến lược của Đảng về xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc, những năm qua, Quân khu đã thường xuyên coi trọng việc rà soát, chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức biên chế LLVT, phương tiện, trang bị kỹ thuật và các mặt bảo đảm, trong đó, tập trung cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu ở các khu vực trọng điểm, xung yếu về QP-AN và trên hướng phòng thủ chủ yếu, quan trọng. Để nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, Quân khu chỉ đạo các đơn vị LLVT, địa phương điều chỉnh bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn kiện tác chiến theo nhiệm vụ được giao, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài; xây dựng và hoàn chỉnh các quyết tâm, kế hoạch tác chiến và các kế hoạch phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn trên biển, kế hoạch phòng chống cháy nổ... theo nhiệm vụ của Bộ và Quân khu giao. Căn cứ vào các kế hoạch đã được cấp trên phê duyệt, hằng năm Quân khu chỉ đạo các đơn vị, địa phương ven biển, hải đảo tổ chức diễn tập KVPT, QP-AN, tác chiến trị an, diễn tập theo phương án, kết hợp với diễn tập phòng chống bão lụt, tìm kiếm cứu nạn trên biển theo đúng chỉ lệnh huấn luỵên của Bộ và Quân khu.

Để xây dựng, củng cố thế trận QPTD trên vùng biển đảo ngày càng vững chắc, Quân khu và các địa phương hết sức coi trọng kết hợp kinh tế với quốc phòng (KT-QP), quốc phòng với kinh tế (QP-KT) nhằm thực hiện cả mục tiêu kinh tế và quốc phòng, theo tư tưởng chỉ đạo: "Mỗi bước phát triển kinh tế là một bước tăng cường, củng cố tiềm lực quốc phòng và tiềm lực quốc phòng được tăng cường là điều kiện góp phần giữ vững môi trường ổn định, tạo cơ sở thuận lợi cho kinh tế phát triển nhanh và bền vững". Thực tiễn đã khẳng định kết hợp KT-QP là quan điểm đúng đắn, sáng tạo, phù hợp điều kiện hoàn cảnh của đất nước và mỗi địa phương; đồng thời, đó cũng là giải pháp cơ bản, thiết thực nhất để củng cố QP-AN, xây dựng thế trận QPTD vững chắc. Nếu không có sự kết hợp đó thì việc tạo lập, xây dựng thế trận quốc phòng sẽ rất tốn kém cả về vật chất và thời gian mà vẫn khó có thể đạt được mục tiêu, yêu cầu đặt ra, đó là  bảo đảm tính liên hoàn, vững chắc của thế trận. Vì thế, trong nhiều năm qua, hầu hết các chương trình phát triển KT-XH của các địa phương trong địa bàn Quân khu nói chung, trên vùng biển đảo Đông Bắc nói riêng đều gắn với xây dựng, bố trí thế trận phòng thủ. Trên cơ sở các kế hoạch, chương trình phát triển KT-XH hằng năm, 5 năm và dài hạn của các địa phương đã được Chính phủ phê duyệt, cùng các chương trình kinh tế lớn của Nhà nước trên địa bàn, Quân khu và các địa phương đã tập trung phát huy nội lực, tranh thủ huy động các nguồn vốn trong nước, các tổ chức quốc tế, tăng cường liên doanh, liên kết để phát triển cơ sở hạ tầng: hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, công trình phúc lợi, điện, nước, trạm xá quân dân y kết hợp... phục vụ cho phát triển KT-XH và bảo đảm nhu cầu QP-AN, xây dựng thế trận QPTD, "thế trận lòng dân", nhất là ở vùng ven biển, hải đảo của Quân khu. Đặc biệt, các dự án KT-QP hiện đang triển khai, đạt hiệu quả thiết thực về nhiều mặt. Điển hình là các dự án như: Dự án Cồn Vành (Tiền Hải-Thái Bình), Dự án Cồn Xanh (Nghĩa Hưng-Nam Định), Dự án Bình Minh 1, Bình Minh 2, Bình Minh 3 (Kim Sơn-Ninh Bình)... được triển khai từ những năm 2001, 2002 đã tăng quỹ đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản hàng chục ngàn héc-ta, tăng diện tích di giãn dân, mở ra một số ngành nghề mới, bảo đảm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời, việc tổ chức các điểm dân cư mới đã góp phần tạo thế bố trí lực lượng QP-AN, tăng cường khả năng phòng thủ ven biển. Đặc biệt, việc triển khai Dự án Biển Đông-Hải đảo, (gồm 4 huyện đảo: Vân Đồn, Cô Tô/Quảng Ninh, Cát Hải, Bạch Long Vĩ/Hải Phòng) từ năm 1994 đến nay, đã hoàn thành nhiều hạng mục công trình quan trọng như: đường xuyên đảo, bến cập tàu, hồ và bể chứa nước ngọt, kè, cống các loại, giàn năng lượng mặt trời, đường điện hạ thế... phục vụ kịp thời, hiệu quả cho phát triển KT-XH và tăng cường QP-AN, củng cố thế trận trên tuyến biển đảo.

Ngoài việc triển khai hiệu quả các dự án trên, hằng năm Quân khu chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương đầu tư kinh phí hàng chục tỷ đồng để củng cố và xây dựng mới các công trình phòng thủ vừa để bảo đảm phát triển KT-XH, vừa để củng cố QP-AN, nhất là các công trình trên các hướng, khu vực trọng điểm trên tuyến biên giới, hải đảo. Có thể nói, cho đến nay thế trận quốc phòng, KVPT tỉnh, huyện tiếp tục được triển khai xây dựng đi vào chiều sâu, từng bước tăng cường được sức mạnh quốc phòng của các địa phương. Hệ thống công trình phòng thủ được củng cố, xây dựng và đã kết hợp được với xây dựng cơ sở hạ tầng theo phương án tác chiến ở từng cấp. Một số công trình lớn được xây dựng theo hướng ngầm hóa, kiên cố hóa và lưỡng dụng hóa đã đáp ứng cả mục tiêu kinh tế và quốc phòng, vừa bảo đảm cho các hoạt động thường xuyên trong thời bình, vừa đáp ứng yêu cầu hoạt động tác chiến phòng thủ khi có chiến tranh.

Thế trận QPTD trên vùng biển đảo Đông Bắc là một mắt xích quan trọng trong thế trận chung của Quân khu. Thế trận đó chỉ thực sự vững chắc khi nó liên hoàn với thế trận trên đất liền, trước hết là ở vùng Đông Bắc và trong toàn địa bàn Quân khu theo quy hoạch tổng thể, kế hoạch thống nhất. Xuất phát từ đó, Quân khu đã rất coi trọng củng cố, xây dựng thế trận QPTD trên khu vực biên giới, hải đảo, đất liền, bảo đảm sự liên kết chặt chẽ, tạo nên thế trận hoàn chỉnh, vững chắc ở vùng Đông Bắc. Một trong những điều đáng nói là những năm gần đây, các địa phương vùng Đông Bắc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, đời sống nhân dân được cải thiện, hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc củng cố, xây dựng thế trận QPTD. Việc triển khai hai dự án khu KT-QP Bắc Hải Sơn và Bình Liêu-Quảng Hà-Móng Cái do Đoàn KT-QP 327 đảm nhiệm đã góp phần tích cực vào việc tăng cường thế trận QPTD. Sau 8 năm triển khai dự án, bằng các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, của Bộ Quốc phòng, nguồn vốn của địa phương và huy động nội lực của Quân khu, đến nay cơ bản đã hoàn thành các hạng mục công trình xây dựng cơ sở hạ tầng KT-XH như: mạng đường giao thông, cảng biển, hệ thống thủy lợi, trường học, trạm xá, thông tin-liên lạc, điện, cải tạo nguồn nước ở các hồ, đập phục vụ sinh hoạt, hoạt động của bộ đội và nhân dân; tổ chức di giãn được 1.287 hộ dân từ các tỉnh phía sau và tại địa phương lên định cư lâu dài ở khu vực biên giới. Ngoài ra, Quân khu cũng đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự án xây dựng tuyến đường biên giới trên bộ, với chiều dài 132,8 km từ Móng Cái đến giáp tỉnh Lạng Sơn, nhằm phục vụ kịp thời cho việc phân giới cắm mốc, tuần tra, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và di giãn dân, hình thành các cụm dân cư mới gắn với xây dựng thế trận QPTD, thế trận biên phòng toàn dân trên tuyến biên giới Đông Bắc của Tổ quốc.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đó, việc kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN, xây dựng thế trận QPTD cũng còn những mặt hạn chế, bất cập. Nhận thức của một số cán bộ, đảng viên về nhiệm vụ QP-AN chưa thật đầy đủ, quán triệt chưa thật sâu sắc hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Cũng vì thế, những năm qua, Quân khu và các địa phương hết sức chú trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ QP-AN. Quân khu coi đây vừa là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu, vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài để đẩy mạnh xây dựng nền QPTD, xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng KVPT. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 62-CT/TƯ của Bộ Chính trị, Nghị định 15/2001/NĐ-CP của Chính phủ (hiện nay là Chỉ thị 12-CT/TƯ và Nghị định 116/2007/NĐ-CP), Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh và Hội đồng Giáo dục QP-AN Quân khu thường xuyên phối kết hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, Hội đồng Giáo dục QP-AN 9 tỉnh, thành phố trên địa bàn đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác giáo dục QP-AN có nhiều đổi mới, sáng tạo, chủ động đi đầu, sát với thực tế địa phương, đạt hiệu quả thiết thực, được Hội đồng Giáo dục QP-AN Trung ương đánh giá cao và các địa phương, đơn vị bạn đến tham quan, học tập. Có thể khẳng định công tác giáo dục QP-AN đã được các địa phương, đơn vị, nhà trường trong quân khu triển khai sâu rộng đến mọi đối tượng, chất lượng ngày càng cao. Chỉ tính riêng năm 2007, toàn Quân khu đã bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ thuộc đối tượng 2: 5 lớp, 323 người; đối tượng 3: 5 lớp, 5.869 người; đối tượng 4: 65 lớp, 7.377 người; đối tượng 5: 497 lớp, 69.104 người; giáo dục quốc phòng cho 633.990 học sinh, sinh viên. Nét nổi bật trong công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN của Quân khu trong thời gian gần đây là: đã có nhiều đổi mới cả nội dung và phương pháp tiến hành; đối tượng được mở rộng và chất lượng cao. Đáng chú ý, tỉnh Quảng Ninh đã nhạy bén, sáng tạo tổ chức 11 đợt, lớp bồi dưỡng kiến thức  QP-AN cho 1.365 người là chủ hộ ở biên giới và ngư dân trên đảo. Điều đó đã góp phần thiết thực vào việc tăng cường thế trận QPTD, trước hết là “thế trận lòng dân” ở vùng biên giới, biển đảo Đông Bắc. Mô hình trên của Quảng Ninh được Quân khu chỉ đạo các địa phương ven biển nghiên cứu, nhân rộng trong thời gian tới.

Tăng cường thế trận QPTD nói chung, ở vùng biển đảo Đông Bắc nói riêng không đơn thuần chỉ mang hàm nghĩa là xây dựng hoặc chỉ để đáp ứng yêu cầu chiến tranh. Thực chất, đó là sự kết hợp đan xen hữu cơ, khăng khít giữa xây dựng, phát triển KT-XH với củng cố QP-AN trong thế trận phòng thủ chung của Quân khu và cả nước. Với thế trận QP-AN được tạo lập ngày càng vững chắc và kết hợp nhiều biện pháp đồng bộ, các lực lượng hoạt động trên biển, đảo, nòng cốt là LLVT địa phương, lực lượng hải quân, biên phòng, cảnh sát biển đã phối hợp chặt chẽ, theo kế hoạch thống nhất, nắm chắc tình hình, chủ động giải quyết, xử lý có hiệu quả các vụ việc phức tạp, giữ vững an ninh, trật tự trên biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc.

Phát huy truyền thống “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hy sinh, chiến thắng”, LLVT Quân khu đã và đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các lực lượng, tích cực củng cố, xây dựng thế trận QPTD trên địa bàn Quân khu nói chung và vùng biển đảo Đông Bắc ngày càng vững chắc, góp phần bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Trung tướng NGUYỄN VĂN LÂN

Tư lệnh Quân khu

 

Ý kiến bạn đọc (0)