Thứ Bảy, 23/11/2024, 01:21 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Nằm ở cửa ngõ tiền tiêu phía Đông Nam Thành phố Hải Phòng (cách Thành phố 60 km đường thủy), với 366 hòn đảo lớn nhỏ (trong đó, đảo Cát Bà và đảo Cát Hải là hai đảo lớn nhất, đồng thời cũng là hai trung tâm kinh tế-xã hội (KT-XH) của Huyện), huyện đảo Cát Hải là tiền đồn chống ngoại xâm trên hướng biển của dân tộc ta trong lịch sử. Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, Cát Hải tiếp tục là địa bàn trọng yếu về quốc phòng-an ninh (QP-AN) trong thế trận phòng thủ của Thành phố Hải Phòng và cả nước. Vì vậy, kết hợp phát triển KT-XH với củng cố QP-AN là vấn đề quan trọng không chỉ đối với Cát Hải, mà còn đối với Thành phố Hải Phòng và Quân khu 3.
Nhận thức rõ vị trí, trách nhiệm của mình, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Cát Hải luôn xác định quá trình xây dựng và phát triển Huyện phải kết hợp chặt chẽ KT-XH với QP-AN. Thời gian qua, được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, trực tiếp là sự chỉ đạo của Thành phố Hải Phòng, Huyện đã và đang triển khai hàng loạt công trình quan trọng, trong đó có Công trình đường xuyên đảo Hải Phòng-Cát Bà, Cát Bà-Gia Luận-Tuần Châu, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá vùng Duyên hải Bắc Bộ, Cảng quốc tế tại Lạch Huyện, Chương trình nước sạch (từ Yên Hưng, Quảng Ninh về Cát Hải)… Các dự án nói trên đều được đặt trong một quy hoạch tổng thể, có tính đến nhu cầu về an sinh xã hội và yêu cầu về QP-AN. Vì vậy, mặc dù nhiều công trình mới hoàn thành giai đoạn 1, song đã phát huy tác dụng, đặc biệt là Công trình đường xuyên đảo. Công trình này khi được hoàn thành, huyện đảo Cát Hải sẽ được nối liền với Thành phố Hải Phòng và Thành phố Hạ Long. Đó sẽ là cầu nối để huyện đảo gắn với đất liền - nhân tố quan trọng bảo đảm cho Huyện phát triển nhanh và toàn diện trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH. Về mặt QP-AN, sẽ tạo sự liên hoàn trong thế trận phòng thủ của Thành phố Hải Phòng và của Quân khu 3.
Cùng với những công trình lớn, Cát Hải đã tập trung phát triển ngành dịch vụ-du lịch sinh thái ở đảo Cát Bà; đồng thời, tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó ưu tiên phát triển về dịch vụ-du lịch, làm cho ngành kinh tế này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tác động tích cực đến mọi ngành kinh tế khác của Huyện. Nhờ vậy, liên tục trong nhiều năm gần đây, kinh tế của Huyện luôn phát triển ổn định. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,84%/năm, năm 2007 đạt 15,7%. Về văn hóa, xã hội, Cát Hải có 2 trường trung học phổ thông; các xã, thị trấn đều có đủ hệ thống trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Hiện nay, trên 90% số gia đình của Huyện được xem truyền hình; 11/12 xã, thị trấn có điện lưới; 45% hộ gia đình được sử dụng nước sạch; Huyện không còn hộ đói, hộ nghèo chỉ còn 6,24%.
Đi đôi với phát triển KT-XH, thế trận QP-AN của Huyện thường xuyên được củng cố; chủ quyền an ninh biển đảo trên địa bàn Huyện được giữ vững; tình hình chính trị ổn định, không có “điểm nóng”, không có vụ việc khiếu kiện đông người; khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường; nhân dân tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, yên tâm bám biển, bám đảo, xây dựng và bảo vệ quê hương.
Những thành tựu quan trọng đạt được trên đây sẽ tạo tiền đề để Cát Hải tiếp tục phát triển trong thời kỳ mới; đồng thời, qua quá trình chỉ đạo hoạt động thực tiễn, Huyện đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích về kết hợp phát triển KT-XH với củng cố QP-AN trên địa bàn.
Trước hết, đó là tăng cường xây dựng "thế trận lòng dân”. Cốt lõi của bài học này là tạo sự đồng thuận của hệ thống chính trị, của toàn dân, của các thành phần kinh tế đối với chủ trương kết hợp KT-XH với củng cố QP-AN. Kinh nghiệm ở Cát Hải cho thấy, công tác tuyên truyền, giáo dục phải được tiến hành thường xuyên, kiên trì; qua đó làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của nhân dân. Điều đầu tiên là phải làm cho mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân thấu suốt quan điểm của Đảng về kết hợp phát triển KT-XH với củng cố QP-AN, thấy rõ ý nghĩa thiết thực và tầm quan trọng của nó đối với một huyện đảo có tính đặc thù như Cát Hải.
Để công tác tuyên truyền, giáo dục đạt hiệu quả, Huyện phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các đoàn thể, tổ chức quần chúng, nòng cốt là đội ngũ cán bộ, đảng viên. Trong quá trình thực hiện tuyên truyền, giáo dục, Huyện còn tìm mọi cách giúp dân, lo cho dân, chia sẻ những khó khăn của nhân dân trong thực hiện sự kết hợp phát triển KT-XH với củng cố QP-AN. Quan điểm chỉ đạo thống nhất của Cát Hải là, mọi chủ trương kết hợp cần được đưa ra công khai bàn bạc, lấy ý kiến của nhân dân, tạo mọi điều kiện để nhân dân sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng, tránh mọi sự áp đặt. Với cách làm đó, Huyện đã vận động và thuyết phục làm cho mọi người dân đồng lòng, chung sức với cấp ủy, chính quyền khi triển khai các quy hoạch, dự án đầu tư xây dựng. Đối với công tác quốc phòng, quân sự ở địa phương thì việc tuyên truyền, giáo dục lại càng có ý nghĩa quan trọng. Hằng năm, trước khi tổ chức diễn tập phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn hoặc diễn tập khu vực phòng thủ, công tác tuyên truyền, giáo dục luôn được tiến hành trước một bước, làm cho mọi người dân thấy được mục đích của diễn tập là để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Các hoạt động khác như: tập trung huấn luyện dân quân, tự vệ, quân dự bị động viên; công tác gọi thanh niên nhập ngũ; tham gia bảo vệ các công trình quốc phòng; các hoạt động giữ gìn an ninh trật tự trên đảo, trên biển và tại các cụm tàu, cụm bè, v.v, mặc dù đã có quy định của luật, pháp lệnh đối với từng mặt hoạt động, song Cát Hải vẫn thường xuyên coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân. Tháng 4-2008 vừa qua, do thực hiện tốt công tác chuẩn bị, trong đó có công tác tuyên truyền, vận động, nên hai cuộc diễn tập cấp huyện: "Chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang, chuyển địa phương vào tình trạng khẩn cấp, tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến phòng thủ bảo vệ địa phương" và "Diễn tập phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn" đã được toàn Huyện vào cuộc, được nhân dân tích cực tham gia, ủng hộ. Đó chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến thành công của hai cuộc diễn tập. Nhìn ở một góc độ khác, nó thể hiện tiềm lực về chính trị, tinh thần, tiềm lực về QP-AN của Huyện đã được tăng cường một bước cùng với sự phát triển về KT-XH. Thực tiễn đó đã giúp các cấp hiểu rõ hơn bài học về “thế trận lòng dân”, bởi khi đã đồng thuận, khi đã hiểu đúng và khi thấy được lợi ích lâu dài của địa phương, lợi ích của tập thể, trong đó có lợi ích của chính mình, thì nhân dân trở thành chủ thể của quá trình kết hợp giữa KT-XH với QP-AN.
Hai là, cần xác định rõ nội dung kết hợp KT-XH với QP-AN, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo, phối hợp, hiệp đồng trong quá trình thực hiện. Thực tế ở huyện đảo Cát Hải cho thấy, nếu chỉ xác định nội dung tổng quát kết hợp giữa KT-XH với QP-AN một cách chung chung thì rất khó triển khai thực hiện. Vì thế, cần phải xác định rõ từng nội dung kết hợp một cách cụ thể. Điều đó có nghĩa là, có nội dung kết hợp phát triển kinh tế với xã hội, có nội dung kết hợp phát triển KT-XH với củng cố QP-AN. Hai nội dung kết hợp lớn này lại được cụ thể hóa bằng nhiều nội dung kết hợp trong: quy hoạch; xây dựng cơ sở hạ tầng; phân công lao động, phân bố dân cư; xây dựng cơ sở chính trị-xã hội; thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, an ninh với các nhiệm vụ khác ở địa phương, v.v.
Với cách xác định như vậy, các nội dung kết hợp phát triển giữa kinh tế với xã hội và giữa KT-XH với QP-AN của Cát Hải đều được gắn với định hướng phát triển của Huyện, được thể hiện trong các kỳ Đại hội đại biểu Đảng bộ Huyện, với chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Làm như vậy, một mặt, đảm bảo cho việc kết hợp phát triển KT-XH với QP-AN được thực hiện ngay từ đầu, theo một kế hoạch đồng bộ, thống nhất, tránh được sự lúng túng hoặc sai sót; mặt khác, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo, phối hợp, hiệp đồng của chính quyền, các ban, ngành với các thành phần, lực lượng có liên quan và bảo đảm cho đơn vị đầu tư chủ động về vốn và các điều kiện cần thiết theo yêu cầu dự án.
Ba là, nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp đối với việc kết hợp phát triển KT-XH với củng cố QP-AN. Kết hợp phát triển KT-XH với củng cố QP-AN là hoạt động chủ động của các chủ thể tham gia phát triển KT-XH và hoạt động QP-AN. Tính hiệu quả của sự kết hợp phụ thuộc trước hết vào năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp; nhất là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường. Năm 2004, quần đảo Cát Bà, trong đó có Vườn quốc gia Cát Bà đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Đây là nơi có đầy đủ các điều kiện trở thành trung tâm du lịch sinh thái tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Đặc điểm đó cùng với cơ sở hạ tầng phát triển đã làm cho huyện đảo Cát Hải tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư và khách du lịch. (Năm 2007 có gần 730 nghìn lượt du khách, trong đó có trên 30% là khách nước ngoài tới đảo Cát Bà). Do vị trí địa lý và do có khả năng bảo đảm hậu cần, thu mua, chế biến thủy-hải sản, nên thường xuyên có tới một vạn người thuộc các địa phương khác qua lại làm ăn, trú ngụ trên địa bàn Huyện.
Những đặc điểm trên cho thấy, Cát Hải đang là một phần quan trọng trong tam giác tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nói chung, đối với Thành phố Hải Phòng về phát triển kinh tế biển nói riêng. Đây là một tín hiệu vui đối với Cát Hải, song nó cũng đang đặt ra cho Huyện những yêu cầu mới trong lĩnh vực quản lý nhà nước về QP-AN và kết hợp phát triển KT-XH với QP-AN. Do đó, nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền đối với việc kết hợp phát triển KT-XH với củng cố QP-AN ở Cát Hải thời gian tới là rất cần thiết. Muốn vậy, chính quyền các cấp phải phát huy vai trò là người quản lý nhà nước về QP-AN, xác định rõ trách nhiệm của mình với tư cách vừa là người tổ chức, là trung tâm phối hợp, hiệp đồng, vừa là người quyết định cuối cùng về nội dung, phương thức kết hợp. Theo đó, quá trình kết hợp phát triển KT-XH với củng cố QP-AN phải đẩy mạnh công tác quản lý theo pháp luật, gắn với những quy định, cơ chế ràng buộc và những cam kết cụ thể. Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ (về vốn, đất đai...) đối với các dự án có ý nghĩa về mặt xã hội, nhất là các dự án nâng cấp hệ thống trường học; phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; chương trình nước sạch nông thôn; chương trình bảo vệ môi trường sinh thái và tài nguyên biển; các dự án nhằm đẩy nhanh mục tiêu “Xóa đói, giảm nghèo”. Có như vậy, mới bảo đảm cho Cát Hải trong bất kể một dự án phát triển nào cũng được đặt trong mối liên hệ tổng thể giữa kinh tế với xã hội, giữa KT-XH với QP-AN cả trước mắt cũng như lâu dài, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc.
Phạm Trí tuệ
Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011