Thứ Bảy, 23/11/2024, 01:14 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Với chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ trực thăng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) và thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS, QP). Tổng công ty (TCT) Bay dịch vụ Việt Nam là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh (QP-AN). Mặc dù phải sản xuất kinh doanh (SXKD) trên lĩnh vực hoàn toàn mới, lại đứng trước nhiều khó khăn, nhất là về vốn, trang thiết bị, nhân lực, kinh nghiệm quản lý và môi trường cạnh tranh quốc tế..., song với bản chất “Bộ đội Cụ Hồ” TCT đã có nhiều biện pháp nhằm phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo của cán bộ, nhân viên để từng bước phát triển toàn diện, vững chắc. Từ chỗ ban đầu chủ yếu là liên doanh với các công ty bay nước ngoài, phục vụ dịch vụ mặt đất cho máy bay và tổ bay nước ngoài, TCT đã vươn lên chiếm lĩnh dần thị phần bay trong nước, từng bước thay thế các đối tác nước ngoài. Đến năm 1997, TCT đã hoàn toàn làm chủ thị trường dịch vụ bay trong nước trên các lĩnh vực chủ yếu: vận tải hàng không; bay dịch vụ thăm dò, khai thác dầu khí trên biển; bay phục vụ Chương trình MIA, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, bay du lịch; sửa chữa bảo trì, bảo dưỡng máy bay; huấn luyện phi công, thợ máy... Đặc biệt, từ năm 2000, TCT đã xuất khẩu dịch vụ máy bay ra thị trường nước ngoài (Na Uy, Ma-lai-xi-a và Ấn Độ), mở ra hướng phát triển mới, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn khẳng định uy tín, thương hiệu của TCT đối với khu vực và quốc tế. Hiện nay, TCT đã trở thành nhà khai thác trực thăng hàng đầu của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Nhiều năm gần đây, TCT luôn là một trong những doanh nghiệp đứng đầu về hiệu quả SXKD trong khối doanh nghiệp quân đội. Mức tăng trưởng bình quân đạt 8-10%/ năm; tỷ xuất lợi nhuận/ doanh thu đạt trên 20%. Năm 2007, doanh thu đạt trên 1 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách và cấp trên đạt 147,5 tỷ đồng..., góp một phần quan trọng vào công cuộc phát triển KT-XH, củng cố QP-AN của đất nước. Từ thực tiễn hoạt động gần hai mươi năm qua, TCT đã rút ra những bài học quý báu để tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong thời gian tới.
1. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức (CNVC) đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ có tính đặc thù cao, phạm vi hoạt động của TCT rộng khắp trên địa bàn cả nước, nhiều tổ bay hoạt động độc lập, nhỏ lẻ, bay trong điều kiện thời tiết, khí hậu phức tạp, cường độ lao động căng thẳng, khẩn trương; lại thường xuyên tiếp xúc, làm việc với các đối tác nước ngoài nên đòi hỏi tổ bay phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn cao, ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm. Nhận thức sâu sắc điều đó, những năm qua, TCT rất chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo các công ty, đơn vị thành viên đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho mọi cán bộ, CNVC nhằm nâng cao nhận thức, ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong giáo dục chính trị, tập trung phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, quy định của Bộ Quốc phòng và nhiệm vụ của TCT cho mọi đối tượng, nhất là cán bộ chủ trì các cấp và đội ngũ sĩ quan. Trong quá trình thực hiện, đã chú trọng kết hợp giáo dục cơ bản, thường xuyên với tổ chức có hiệu quả các hoạt động tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng, bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú. Coi trọng giáo dục nâng cao nhận thức yêu cầu nhiệm vụ đối với các bộ phận có tính đặc thù cao, như: bay phục vụ Chương trình MIA, bay phục vụ các hợp đồng ở nước ngoài và các bộ phận làm nhiệm vụ đặc biệt. Đồng thời, làm rõ những thuận lợi, khó khăn, tính chất cạnh tranh quyết liệt và những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; qua đó định hướng cho mọi cán bộ, CNVC nêu cao cảnh giác, tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, tích cực học tập nâng cao trình độ về pháp luật, kiến thức chuyên môn ngành nghề, kỹ năng sử dụng các loại phương tiện, khí tài bay hiện đại, bảo đảm an toàn bay trong mọi tình huống. Nhờ vận dụng nhiều hình thức giáo dục thích hợp mà nhận thức của cán bộ, CNVC, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chủ trì các cơ quan đã có sự chuyển biến rõ rệt. Kết quả kiểm tra chính trị hằng năm có 100% đạt yêu cầu, trong đó có 85,6% - 86,9% đạt khá và giỏi; 100% cán bộ, CNVC có bản lĩnh chính trị vững vàng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, yên tâm gắn bó với đơn vị, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Cùng với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, TCT thường xuyên coi trọng củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; gắn xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, xây dựng cấp ủy với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp. Đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng, kết hợp với thực hiện tốt các cuộc vận động lớn, đặc biệt là Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, các biểu hiện tiêu cực..., giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong từng công ty, đơn vị.
2. Tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng thị trường, tạo cơ sở cho việc thực hiện nhiệm vụ SXKD và QS, QP. Bay dịch vụ là loại hình kinh doanh có tính đặc thù cao (sản phẩm, dịch vụ có hàm lượng khoa học kỹ thuật hàng không hiện đại; đối tác khách hàng chủ yếu là người nước ngoài) nên luôn có yêu cầu khắt khe về chất lượng dịch vụ. Hơn nữa, hoạt động bay trải rộng trên địa bàn cả nước, nhất là ở vùng rừng núi hiểm trở, vùng biển, đảo xa xôi có nhiều khó khăn, phức tạp về bảo đảm an toàn bay và bảo vệ an ninh quốc gia. Đặc điểm đó đòi hỏi, muốn mở rộng thị phần trong nước và ở nước ngoài, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững thì TCT phải không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm những chuyến bay an toàn, chất lượng, hiệu quả; lấy an toàn bay là điều kiện sống còn, là yếu tố quan trọng, trực tiếp quyết định tới việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Để làm được điều đó, TCT đã tập trung trí tuệ, phát huy tổng hợp mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, không ngừng nâng cao chất lượng toàn diện, đáp ứng tốt các yêu cầu của khách hàng. Trước hết, tập trung xây dựng, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao, số lượng hợp lý và tổ chức biên chế phù hợp; trong đó, trọng tâm là xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ chỉ huy, quản lý, phi công và cán bộ chuyên môn kỹ thuật. Trước thực tế đội ngũ phi công có tuổi đời trung bình cao (từ 40-45), nguồn bổ sung khó khăn, TCT đã chủ động đề xuất với cấp trên và phối hợp với Quân chủng Phòng không-Không quân tổ chức đào tạo, chuyển loại cho đội ngũ phi công quân sự sang bay dịch vụ, thương mại để bảo đảm nguồn phi công kế cận. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tuyển chọn phi công, cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật gửi đi đào tạo cơ bản, chuyên sâu ở trong nước và nước ngoài; kết hợp giữa đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ với tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật và trình độ ngoại ngữ, tin học, pháp luật, văn hóa ứng xử...; khuyến khích tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ. Đến nay, 95% cán bộ, CNVC của TCT đã qua đào tạo nghề, 70% cán bộ có trình độ đại học và trên đại học. Riêng đội ngũ phi công đã được đào tạo cơ bản, chuyên sâu, nhiều đồng chí đã đạt bằng cấp và chứng chỉ nghề quốc tế, có khả năng độc lập tác nghiệp trong các điều kiện khó khăn, xa căn cứ và trong môi trường cạnh tranh quốc tế.
Cùng với chăm lo phát triển nguồn nhân lực, TCT luôn coi trọng đầu tư đổi mới phương tiện bay và trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ theo hướng tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, phù hợp với thị hiếu của khách hàng và chiến lược phát triển của Ngành. Hằng năm, TCT đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để mua sắm máy bay trực thăng đời mới, hiện đại, như: MI-172, Super Puma L2, EC-155B, EC 225..., và các trang thiết bị, công nghệ tiên tiến như: thiết bị định vị vệ tinh, đài dẫn đường, hệ thống tự động ghi đài K5... Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống đường băng, sân đỗ, nhà ga và các cơ sở bảo đảm kỹ thuật... Những công trình này không chỉ khai thác, sử dụng phục vụ SXKD, mà còn góp phần củng cố thế trận QP-AN vững chắc, bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ QS, QP có hiệu quả, nhất là khả năng bảo đảm cơ động bằng đường không cho các lực lượng chiến dịch, chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra). Từ thực tiễn hoạt động của TCT những năm qua cho thấy, nhờ đầu tư đúng hướng, kịp thời và có hiệu quả nên chất lượng dịch vụ của TCT không ngừng được nâng lên, hệ số an toàn bay luôn được bảo đảm, phạm vi hoạt động được mở rộng và vươn xa. Từ năm 2002 đến nay, TCT đã bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hàng chục nghìn chuyến bay, nhất là những chuyến bay đặc biệt, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn tạo nền tảng vững chắc để TCT tiếp tục đẩy mạnh phát triển dịch vụ bay ở trong nước và nước ngoài; đồng thời, góp phần quan trọng phát triển KT-XH, củng cố QP-AN trên các vùng, miền, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, biên giới, hải đảo của Tổ quốc.
3. Kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với thực hiện công tác QS, QP. Trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng quân đội và vấn đề đổi mới, phát triển doanh nghiệp đã đặt ra cho TCT những yêu cầu mới rất cao, đòi hỏi phải có bước đột phá trong SXKD cũng như xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển doanh nghiệp kinh tế-quốc phòng trong tình hình mới. Để thực hiện tốt yêu cầu đó, TCT tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả SXKD; phấn đấu giữ vững và làm chủ thị trường truyền thống (bay dịch vụ dầu khí, bay MIA và du lịch...); đồng thời, đầu tư mở rộng ngành nghề kinh doanh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, nhằm tận dụng, khai thác triệt để năng lực và tiềm năng hiện có, nâng cao chất lượng dịch vụ và phát triển bền vững. Đến nay, cùng với phát triển thị trường truyền thống, TCT đã thực hiện nhiều dự án đầu tư, liên doanh, liên kết và kinh doanh trên nhiều lĩnh vực: xây dựng cơ bản, vận chuyển xăng dầu, cho thuê kho, bãi, dịch vụ văn phòng, đầu tư tài chính và các dịch vụ tổng hợp khác, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo ra tiềm lực tổng hợp và thế cạnh tranh quốc tế.
Đi đôi với phát triển SXKD, TCT luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các công ty, đơn vị tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ QS, QP, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Điều đó được TCT cụ thể hóa trong từng nhiệm vụ SXKD, từng hợp đồng kinh tế, nhất là các hợp đồng với các đối tác nước ngoài, đều gắn với yếu tố QP-AN; coi quá trình SXKD chính là quá trình thực hiện nhiệm vụ QS, QP. Mỗi chuyến bay của TCT không chỉ đơn thuần về lợi ích kinh tế, mà còn khẳng định chủ quyền vùng trời quốc gia; kịp thời phát hiện và thông báo cho các cơ quan chức năng xử lý các lực lượng, các tàu, thuyền, máy bay nước ngoài xâm phạm vùng trời, vùng biển và vùng lãnh thổ của Tổ quốc. Tích cực tham gia các hoạt động phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, phòng chống cháy nổ, cháy rừng, nhất là bay thông báo bão, vận chuyển hàng cứu trợ, tìm kiếm, cấp cứu tàu thuyền và người bị nạn... Bên cạnh đó, TCT cũng thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện các kế hoạch, phương án sẵn sàng chiến đấu, kế hoạch phối hợp, hiệp đồng tác chiến với các lực lượng liên quan theo chỉ thị, mệnh lệnh của Bộ Quốc phòng, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng trời của Tổ quốc. Duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực sẵn sàng chiến đấu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện sát với yêu cầu nhiệm vụ QS, QP được giao, không ngừng nâng cao trình độ, khả năng tác chiến của đơn vị. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng khác trên địa bàn đóng quân, thống nhất các phương án tác chiến bảo vệ trị an, bảo vệ địa phương, bảo vệ đơn vị, bảo vệ các cơ sở SXKD; phòng chống có hiệu quả âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, tạo thế và lực mới cho TCT trong quá trình phát triển.
Đại tá Phạm Viết Thích
Tổng Giám đốc Tổng công ty
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011