QPTD -Thứ Bảy, 17/09/2011, 23:33 (GMT+7)
Kết hợp phát triển kinh tế biển với tăng cường quốc phòng-an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới (Phần III)

(Tiếp theo)*

III.

Những giải pháp cơ bản đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế biển

với tăng cường quốc phòng-an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Thực trạng và những vấn đề đặt ra cho thấy: để kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với tăng cường quốc phòng-an ninh (QP-AN), bảo vệ biển, đảo, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành với một hệ thống giải pháp đồng bộ. Trong tình hình hiện nay, cần tập trung vào những giải pháp cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo và nhiệm vụ kết hợp phát triển kinh tế biển với tăng cường QP-AN trên biển.

Mục đích của công tác tuyên truyền, giáo dục là nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khóa X) Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Trong quá trình thực hiện, cần tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, nhất là các ngành liên quan đến biển, các tỉnh, thành phố ven biển; tiến hành thường xuyên, tổ chức chặt chẽ, xây dựng thành kế hoạch chuyên đề phù hợp với đặc điểm địa phương và sát với từng đối tượng. Trước hết, tập trung nâng cao nhận thức cho các đối tượng thường xuyên hoạt động trên biển về luật pháp, chủ quyền đối với vùng biển Việt Nam và yêu cầu, nhiệm vụ kết hợp giữa đẩy mạnh phát triển kinh tế biển với tăng cường QP-AN trên biển. Đồng thời, chủ động đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch về chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam đối với một số vùng biển, đảo. Các học viện, trường, nhất là của quân đội, cần xây dựng chương trình, nội dung học tập về biển, đảo; trong đó, đi sâu làm rõ phương pháp, nội dung kết hợp giữa phát triển kinh tế biển với tăng cường QP-AN, bảo vệ chủ quyền biển, đảo; thống nhất nhận thức về xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận QP-AN trên biển.

Phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục phải đa dạng, phong phú, dễ hiểu và kết hợp chặt chẽ giữa các hình thức; trong đó, chú trọng tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mặt khác, cần tranh thủ diễn đàn quốc tế, khu vực, mở rộng tuyên truyền để bảo vệ chủ quyền và củng cố vị thế của Việt Nam đối với các hoạt động trên biển, đảo.

Hai là, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp quy về biển và các vấn đề liên quan đến biển, đảo; đổi mới cơ chế lãnh đạo, quản lý việc kết hợp phát triển kinh tế biển với tăng cường QP-AN, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, chính sách về biển, đảo và vùng thông báo bay. Trên cơ sở đó, hoàn thiện cơ chế bảo đảm cho sự phát triển nhanh, bền vững các lĩnh vực liên quan đến biển và vùng ven biển; đặc biệt là, đối với khu vực biển, đảo có ý nghĩa chiến lược về QP-AN. Vấn đề quan trọng hiện nay là, cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng điều tra cơ bản, bảo đảm tính hệ thống, thống nhất, làm cơ sở tin cậy để hoạch định chủ trương, chính sách cũng như xây dựng quy hoạch, kế hoạch cụ thể cho phát triển kinh tế và tăng cường QP-AN bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Công tác quy hoạch phải đi trước một bước với tầm nhìn dài hạn, phù hợp với đặc điểm, tình hình trong nước và luật pháp quốc tế, được xác định ngay trong quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đất nước và trong từng khu vực phòng thủ (KVPT). Cùng với đó, chú trọng xây dựng quy chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý vùng biển, vùng trời và thực hiện tốt các hiệp định, các thỏa thuận đã được ký kết.

Đổi mới cơ chế lãnh đạo, quản lý, điều hành đối với các hoạt động trên biển, đảo theo hướng đẩy mạnh thực hiện phân cấp, tăng cường vai trò, quyền hạn của địa phương ven biển và các ngành liên quan; nghiên cứu, thành lập cơ quan chuyên trách quản lý thống nhất các vấn đề về biển, đảo. Vấn đề quan trọng, có tính nguyên tắc là, phải giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền các địa phương ven biển đối với các hoạt động trên biển, đảo. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo đối với QP-AN theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị: “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành theo pháp luật, các cơ quan ban, ngành làm tham mưu theo chức năng, cơ quan quân sự, công an làm trung tâm hiệp đồng...”. Đẩy mạnh xây dựng các tỉnh (thành phố) thành KVPT vững chắc, nhằm đổi mới, tăng cường khả năng phòng thủ đất nước. Trong quá trình phát triển KT-XH, nhất là khi triển khai các dự án kinh tế, công trình xây dựng ven biển, trên biển, đảo, cơ quan quân sự đều phải thẩm định về vị trí, quy mô, phạm vi hoạt động, bảo đảm không ảnh hưởng đến thế trận QP-AN của địa phương và cả nước.

Các bộ, ngành Trung ương liên quan nhiều đến biển, như: Bộ Thủy sản, Bộ Giao thông-Vận tải, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam... cần tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng việc kết hợp phát triển kinh tế biển với tăng cường QP-AN của bộ, ngành mình; trên cơ sở đó, xác định phương hướng, giải pháp cụ thể trong thời gian tới, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa X). Trong đó, cần chú trọng tổ chức và duy trì hoạt động của lực lượng tự vệ trong các tổ chức, doanh nghiệp; nhất là việc tham gia giữ gìn an ninh, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Mặt khác, từng bộ, ngành cần rà soát các chính sách, chế độ đã ban hành; chú trọng thực hiện các chính sách thu hút lực lượng tham gia hoạt động kinh tế và giữ gìn an ninh, trật tự trên biển; đi đầu trong việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, đáp ứng yêu cầu khai thác tiềm năng của biển phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, tăng cường xây dựng lực lượng đủ sức bảo vệ biển, đảo trong mọi tình huống.

Sức mạnh trên biển là sức mạnh tổng hợp của đất nước; tuy nhiên, sức mạnh đó tập trung trước hết ở một số lực lượng hoạt động thường xuyên trên biển, đảo; trong đó, có lực lượng vũ trang (LLVT) và các lực lượng vận tải biển, lực lượng khai thác tài nguyên, hải sản trên biển,... Do đó, cần xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ biển, đảo vững mạnh toàn diện với cơ cấu hợp lý, tạo thế hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động.

LLVT hoạt động trên biển, đảo bao gồm: Hải quân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, lực lượng Không quân hoạt động trên biển và dân quân, tự vệ biển (DQTVB); trong đó, lực lượng Hải quân làm nòng cốt, được tổ chức theo mô hình “vùng”, làm cơ sở để liên kết các lực lượng trong đấu tranh giữ vững chủ quyền biển, đảo. Trước yêu cầu mới, cần tập trung xây dựng Quân chủng Hải quân ngang tầm nhiệm vụ, có số lượng phù hợp và chất lượng cao; có vũ khí, trang bị hiện đại, cơ cấu đồng bộ, cân đối giữa các loại tàu chiến đấu gần bờ với xa bờ, giữa lực lượng tàu chiến với lực lượng không quân - hải quân... Cùng với việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển, cần tăng cường trang bị, phương tiện hiện đại, bảo đảm đủ khả năng hoạt động, xử lý kịp thời các tình huống về trật tự, an ninh, duy trì luật pháp trên mọi vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Tiếp tục đổi mới công tác huấn luyện, diễn tập trên các vùng biển, đảo; kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng lực lượng với huấn luyện, diễn tập và hoạt động. Thực tế hiện nay, hoạt động của từng lực lượng còn mang tính độc lập; việc phối hợp hoạt động, nhất là giữa bộ đội chủ lực với LLVT địa phương và các lực lượng vận tải, khai thác, đánh bắt hải sản trên biển còn hạn chế. Do đó, cần chú trọng luyện tập nâng cao khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng hoạt động trên biển, cả trong bảo vệ trật tự, trị an, tác chiến bảo vệ chủ quyền và trong hoạt động cứu nạn, cứu hộ. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ, kiến thức nghiệp vụ, khả năng đấu tranh toàn diện của các lực lượng hoạt động trên biển, bảo đảm đủ trình độ, năng lực giải quyết các tranh chấp, ngăn chặn các hoạt động trái phép, xử lý các tình huống diễn ra trên biển, đảo.

Các địa phương ven biển và bộ, ngành có lực lượng hoạt động trên biển cần chú trọng nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quân sự, bảo đảm hoàn thành tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác QP-AN; nhất là, tổ chức và duy trì hoạt động của lực lượng DQTVB. Cơ quan quân sự địa phương phải thường xuyên bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình quân số, phương tiện tàu, thuyền; rà soát, đăng ký, quản lý công dân để tuyển chọn vào DQTVB và lực lượng dự bị động viên theo đúng quy định của pháp lệnh. Việc tổ chức xây dựng lực lượng DQTVB phải linh hoạt, phù hợp với đặc điểm địa bàn và yêu cầu về QP-AN ở địa phương. Đối với các xã đảo, tổ chức lực lượng DQTVB không theo tỷ lệ dân số, có thể huy động tối đa lực lượng theo phương châm mọi người đều có nghĩa vụ bảo vệ biển, đảo. Đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh hoạt động trên biển, nếu có đủ điều kiện phải triển khai thành lập lực lượng tự vệ biển theo quy định của Pháp lệnh Dân quân tự vệ. Những doanh nghiệp chưa đủ điều kiện thì chủ doanh nghiệp cần tạo thuận lợi để người lao động trong độ tuổi quy định tham gia các đơn vị DQTVB ở địa phương, cơ sở, phù hợp với ngành, nghề kinh doanh và ngư trường khai thác, đánh bắt hải sản. Việc trang bị cho đơn vị DQTVB phải thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng.

Tập trung xây dựng một số tập đoàn kinh tế mạnh làm nòng cốt trong phát triển kinh tế biển gắn với tăng cường tiềm lực, thế trận QP-AN trên các vùng biển với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế, nhất là trong lĩnh vực khai thác, chế biến dầu khí, khoáng sản, hàng hải, công nghiệp đóng tàu, vận tải biển, khai thác và chế biến hải sản.

Bốn là, xây dựng thế trận QP-AN hoàn chỉnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.

Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn của cấp trên và thực tế hoạt động, tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung các văn kiện tác chiến bảo vệ biển, đảo; tăng cường luyện tập, diễn tập theo phương án tác chiến và các tình huống cứu hộ, cứu nạn, giải quyết các sự cố trên biển và ven biển. Trong thế trận chung của cả nước, xác định các vùng trọng điểm chiến lược; lập đề án quy hoạch khu vực biển, đảo theo nhiệm vụ QP-AN đã được xác định; điều chỉnh, tổ chức bố trí lực lượng hoạt động trên biển một cách hợp lý, nhằm mục tiêu cao nhất là sẵn sàng đánh bại cuộc tiến công xâm lược của kẻ thù từ hướng biển.

Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các KVPT tỉnh (thành phố), huyện (quận) ven biển, đảo; mở rộng KVPT đến vùng kinh tế đặc quyền. Tăng cường đầu tư xây dựng các công trình phòng thủ, chú trọng công trình lưỡng dụng phục vụ phát triển kinh tế, sẵn sàng chuyển sang thực hiện nhiệm vụ quốc phòng trên tuyến ven biển, nhất là về cảng biển, hệ thống giao thông ven biển, các công trình trên đảo… Xây dựng kế hoạch bảo vệ các tuyến giao thông trên biển, các hoạt động khai thác, giữ gìn lợi ích quốc gia trên biển, đảo. Xây dựng hệ thống cơ sở dịch vụ hậu cần ven biển, hải đảo, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng hoạt động trên biển, đảo.

Về chiến lược, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đặc biệt đối với việc thực hiện các dự án tổ chức đưa dân ra đảo, bảo đảm ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế. Trước mắt, cần thí điểm xây dựng các khu kinh tế- quốc phòng tại một số vùng biển, đảo; xây dựng, hoàn thiện tổ chức hành chính các cấp và nâng cao năng lực quản lý các huyện đảo, xã đảo và thực hiện tốt chủ trương kết hợp giữa phát triển KT-XH với bảo đảm QP-AN. Bên cạnh đó, cần có chính sách ưu đãi hợp lý đối với doanh nghiệp, ngư dân tham gia hoạt động QP-AN trên biển, đảo. Mặt khác, cần có chế tài quy định tàu, thuyền hoạt động trên biển phải có trách nhiệm tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, chủ quyền vùng biển và các hoạt động cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ môi trường trên biển...

Đẩy mạnh phát triển kinh tế ở các địa phương ven biển và các đảo. Trước mắt cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển các trung tâm kinh tế biển; tạo điều kiện phát triển đánh bắt hải sản ở vùng khơi xa, mở rộng ngành nghề nuôi trồng thủy sản trên biển, vận tải biển... Khuyến khích xây dựng một số cơ sở đào tạo ngành nghề về biển, nhất là các ngành mũi nhọn có khả năng khai thác tài nguyên kết hợp làm nhiệm vụ QP-AN trên các vùng biển xa bờ. Tích cực đổi mới hình thức, phương pháp trao đổi thông tin, tăng cường giao lưu giữa các tuyến đảo xa bờ với đất liền. Củng cố, tăng cường lực lượng và thế trận QP-AN để giữ vững ổn định chính trị và xã hội, tạo điều kiện phát triển kinh tế, sẵn sàng đối phó với các tình huống có thể xảy ra trên mọi vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Năm là, mở rộng hợp tác quốc tế, nhất là đối với các quốc gia ở khu vực Biển Đông, góp phần gìn giữ hòa bình, thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước.

Trên cơ sở quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, thực hiện phối hợp chặt chẽ giữa QP-AN với hoạt động đối ngoại. Các lực lượng hoạt động trên biển cần nắm chắc luật pháp và tập quán quốc tế để giải quyết kịp thời, có hiệu quả các tranh chấp trên biển, đảo với phương châm chủ đạo là: giải quyết tranh chấp bằng đàm phán hòa bình, đạt được mục đích đề ra. Tăng cường trao đổi với các nước xung quanh Biển Đông để phân định biên giới trên biển, xây dựng lòng tin, tạo sự đoàn kết giữa các nước. Đẩy mạnh quan hệ hợp tác về QP-AN với các nước trong khối ASEAN, nhất là các nước ven Biển Đông; tiếp tục duy trì, mở rộng các hoạt động giao lưu, tuần tra chung và lập kênh trao đổi thông tin với các nước trong khu vực; đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, khu vực trong việc giải quyết các vấn đề còn phức tạp trên vùng biển, vùng trời. Mặt khác, tiếp tục đấu tranh trên cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền của đất nước đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Xây dựng, hoàn thiện các chính sách, quy chế hợp tác quốc tế để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế biển, đảo; đồng thời, tạo điều kiện cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên nguyên tắc độc lập, tự chủ, chống sự độc quyền với sự hình thành khu vực “đặc quyền kinh tế” do nước ngoài quản lý trên bất cứ vùng biển, đảo nào của Tổ quốc.

Sức mạnh của quốc gia trên biển, đảo là sức mạnh tổng hợp của nhiều yếu tố: KT-XH, QP-AN, ngoại giao, khoa học-công nghệ... Việc nghiên cứu các giải pháp kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường QP-AN, bảo vệ chủ quyền biển, đảo vừa có ý nghĩa cơ bản lâu dài, vừa là vấn đề cấp thiết hiện nay. Để thực hiện tốt sự kết hợp đó, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các giải pháp, tạo sự chuyển biến toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) của Đảng Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, với định hướng “mạnh về biển, giàu lên từ biển, đảm bảo vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển”, tạo ra sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tương xứng với tiềm năng biển, đảo của Tổ quốc.

Quốc Toản, Mạnh Hùng, Mạnh Dũng

___________

* Xem: Tạp chí Quốc phòng toàn dân số 9 và 10-2008.

    

 

Ý kiến bạn đọc (0)