QPTD -Thứ Sáu, 16/09/2011, 23:50 (GMT+7)
Kết hợp phát triển kinh tế biển với tăng cường quốc phòng-an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới (Phần II)

II. Thực trạng kinh tế biển, quốc phòng-an ninh trên biển và vấn đề đặt ra

Nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò quan trọng của biển đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), mở rộng giao lưu quốc tế, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp, nhằm quản lý, bảo vệ, khai thác tiềm năng biển và đã đạt được những thành tựu rất quan trọng cả về kinh tế, quốc phòng- an ninh (QP-AN), đối ngoại.

Kinh tế biển nước ta được xác định là toàn bộ các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển và các hoạt động trực tiếp liên quan đến khai thác biển. Đó là: kinh tế hàng hải (vận tải biển, dịch vụ hàng hải và hỗ trợ, thông tin an toàn hàng hải, tìm kiếm, cứu nạn trên biển và ven biển, xuất khẩu lao động hàng hải), hải sản (nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản), khai thác và chế biến dầu khí, du lịch biển gắn với kinh tế đảo, làm muối, dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn; công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển, cung cấp dịch vụ biển, thông tin liên lạc trên biển, nghiên cứu khoa học, công nghệ biển, đào tạo nhân lực phục vụ kinh tế biển, điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển, xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với các khu đô thị ven biển... Những năm gần đây, kinh tế biển được đầu tư đã phát triển toàn diện; trong đó đã hình thành một số tập đoàn hoạt động theo hướng đa ngành. Đáng chú ý là, một số ngành kinh tế trọng điểm đã phát triển mạnh ở vùng ven biển và gắn với biển, như: khai thác, chế biến dầu khí; nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu thủy sản; dịch vụ du lịch; công nghiệp đóng tàu (Việt Nam đã đóng được tàu trên 10.000 tấn); giao thông hàng hải (đội tàu biển nước ta hiện có trên 800 chiếc) và cảng biển; nghiên cứu khoa học, công nghệ biển; thông tin liên lạc...Công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển được đề cao và đưa lại hiệu quả thiết thực, tạo tiền đề cho hoạch định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển. Theo đó, từng ngành, nhất là những ngành kinh tế mũi nhọn và các địa phương có biển đã xây dựng được chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và chương trình hành động cả trước mắt và lâu dài. Đó là chưa kể các lực lượng quân đội thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biển, đảo, nòng cốt là Quân chủng Hải quân, đang triển khai các dự án kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trên biển, đảo. Nhờ đó, kinh tế biển và vùng ven biển có bước phát triển đáng kể cả về quy mô, lực lượng; cơ cấu kinh tế biển chuyển dịch tích cực, hướng mạnh vào phục vụ cho xuất khẩu. Trong quá trình phát triển, chúng ta đã hình thành các trung tâm đô thị và kinh tế ven biển, như: Hạ Long, Hải Phòng, Vinh, Đồng Hới, Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu, Hà Tiên... Với tiềm năng, lợi thế đó và cùng với nguồn nhân lực vùng ven biển trên 25 triệu người, chiếm  hơn 31% dân số cả nước, trong đó có 13 triệu lao động (dự báo đến năm 2010 dân số vùng biển lên tới 27 triệu người và sẽ có 18 triệu lao động)... vừa tạo bàn đạp để tiến ra biển, vừa tạo cơ sở hạ tầng, nguồn lực phục vụ QP-AN bảo vệ biển, đảo.    

Đi đôi với phát triển kinh tế, QP-AN và đối ngoại trên biển có bước phát triển mới. Với quan điểm “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế”, Đảng và Nhà nước ta đã ký kết nhiều hiệp định với các nước liên quan đến Biển Đông như: Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Trung Quốc...nhằm tăng cường hợp tác, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để cùng khai thác tài nguyên biển. Các lực lượng vũ trang (LLVT) bảo vệ biển, đảo (hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, không quân, các quân khu ven biển, dân quân, tự vệ biển, trong đó hải quân làm nòng cốt) được xây dựng vững mạnh cả về chính trị, tổ chức, biên chế, trang bị, đã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển, đảo, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế biển. Tiềm lực và thế trận QP-AN trên biển, đảo từng bước được tăng cường theo hướng kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế đã thực sự là chỗ dựa tin cậy cho các địa phương và các ngành phát triển kinh tế biển, nhất là trong bảo vệ cho hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí, đánh bắt hải sản xa bờ của ngư dân, ngăn ngừa tranh chấp ngư trường, bảo đảm an ninh trên biển, trong tìm kiếm, cứu nạn trên biển. Chúng ta đã hình thành thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD) trên biển với sự gắn kết liên hoàn cả 3 tuyến: biển-đảo-bờ. Trong thế trận chung của cả nước, các LLVT bảo vệ biển, đảo, nhất là bộ đội chủ lực đã từng bước điều chỉnh thế bố trí chiến lược phù hợp với yêu cầu mới. Các địa phương ven biển đẩy mạnh xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu vực phòng thủ (cấp tỉnh, cấp huyện); triển khai thực hiện kế hoạch bố trí lại dân cư, đưa dân ra một số huyện đảo, như: Bạch Long Vĩ, Cồn Cỏ, Thổ Chu...để vừa phát triển kinh tế, vừa nâng cao khả năng phòng thủ tại chỗ. Việc tăng cường các hoạt động khai thác, đánh bắt hải sản trên biển, nhất là trên các vùng biển xa như: quần đảo Trường Sa, Thổ Chu, Côn Đảo... đã góp phần thiết thực nâng cao sức mạnh QP-AN trên biển, đảo.

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế biển và QP-AN trên biển, đảo còn những hạn chế, bất cập so với yêu cầu. Quy mô kinh tế biển còn nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng. Công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển còn phân tán, manh mún, chưa đáp ứng yêu cầu để phát huy toàn diện tiềm năng tài nguyên biển. Cơ cấu ngành, nghề kinh tế biển chưa hợp lý, phương thức khai thác chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên biển, đảo còn yếu kém và chưa đồng bộ, chưa xây dựng được những cảng biển lớn; năng lực vận tải biển còn hạn chế; các cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ biển và các cơ sở dự báo thiên tai từ biển chưa ngang tầm yêu cầu đòi hỏi. Môi trường biển và ven biển bị ô nhiễm nặng, nhất là ở các vùng phát triển công nghiệp. Cùng với đó, vùng biển nước ta tiềm ẩn những biến động bất thường, một số vùng thường xảy ra thiên tai, đặc biệt là bão, lụt với cường độ lớn và tần suất cao, làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân và khai thác tiềm năng biển. Văn hóa, xã hội ở vùng biển còn nhiều mặt hạn chế, trình độ dân trí ở nhiều nơi còn thấp; cuộc sống của nhân dân, nhất là vùng bãi ngang còn rất khó khăn và chịu nhiều rủi ro.

Nhận thức về biển của một bộ phận nhân dân, trong đó có không ít cán bộ, đảng viên chưa ngang tầm với vị trí, vai trò của biển, mới chỉ thấy lợi ích về kinh tế, chưa gắn phát triển kinh tế với tăng cường QP-AN bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển, đảo. Tình hình an ninh trên Biển Đông và vùng biển nước ta đã và đang diễn ra phức tạp, tiềm ẩn những nguy cơ khó lường. Các hoạt động tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của nước ta, tranh chấp ranh giới ngoài vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa nước ta diễn ra quyết liệt. Bên cạnh đó, một số tàu thuyền nước ngoài xâm phạm vùng biển nước ta đánh bắt trộm hải sản, buôn bán trái phép; nạn cướp biển có chiều hướng gia tăng; nguy cơ ô nhiễm môi trường và tai nạn trên biển tăng cao... làm cho an ninh, trật tự trên biển, đảo không ổn định.

Điều đáng nói là các diễn biến trên xảy ra thường xuyên, trong đó có nhiều vụ nghiêm trọng, nhưng việc đấu tranh, giải quyết, xử lý của các lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo, có lúc, có nơi chưa kịp thời, kém hiệu quả. Thực trạng đó do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là sự phối hợp giữa các lực lượng QP-AN theo Quyết định số107/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ còn những mặt hạn chế; sức mạnh chiến đấu của các LLVT bảo vệ biển, đảo chưa được tăng cường đúng mức, nhất là lực lượng nòng cốt. Tổ chức, biên chế, trang bị của Quân chủng Hải quân hiện nay mới chỉ đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo vệ biển, đảo trong thời bình, chưa đủ sức thực hiện vai trò nòng cốt trong chiến tranh nhân dân trên biển, chống chiến tranh xâm lược quy mô lớn, cường độ cao bằng vũ khí công nghệ cao của địch. Lực lượng cảnh sát biển, biên phòng, không quân, các quân khu ven biển chưa được đầu tư xây dựng đủ mạnh theo yêu cầu, nhiệm vụ. LLVT địa phương (bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ biển) của các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) ven biển mặc dù đã được đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp, nhưng nhìn chung chưa ngang tầm với yêu cầu đòi hỏi. Lực lượng kinh tế trên biển mới chỉ tập trung chủ yếu vào sản xuất, chưa thật chú trọng gắn kết với tổ chức lực lượng QP-AN, trực tiếp là dân quân, tự vệ biển, nên việc tham gia vào các hoạt động tuần tra, nắm tình hình, quản lý, bảo vệ biển, đảo còn nhiều hạn chế. Thế trận QPTD, chiến tranh nhân dân trên biển chưa thật bảo đảm tính liên hoàn, vững chắc, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, còn mang dấu ấn riêng của từng ngành. Việc bố trí lực lượng, trang thiết bị, phương tiện chưa thật phù hợp với yêu cầu quản lý, bảo vệ biển, đảo trong tình hình mới, nhất là trên các vùng biển, đảo xa. Hệ thống chỉ huy, điều hành tác chiến trên hướng biển chưa bảo đảm sự thống nhất, tập trung; công tác phối hợp giữa các LLVT trên biển, đảo chưa chặt chẽ, trao đổi thông tin và cung cấp tình hình cho nhau chưa kịp thời; việc phối hợp giữa các lực lượng quân đội với lực lượng kinh tế của các bộ, ngành, địa phương tuy có tiến bộ nhưng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu tăng cường quản lý, bảo vệ biển, đảo. Cơ sở hạ tầng phục vụ QP-AN bảo vệ biển, đảo còn hạn chế, nhất là quy mô cảng biển (kể cả cảng quân sự) còn nhỏ, các cảng nước sâu còn ít; hệ thống cơ sở hạ tầng tuyến đảo chưa được xây dựng đồng bộ. Hơn thế, chúng ta còn thiếu một cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về biển đủ mạnh, bảo đảm quản lý một cách tập trung, thống nhất (hiện nay có 7 bộ, ngành  liên quan đến biển, đảo).

Thực trạng kinh tế biển và QP-AN trên biển, đảo nêu trên, đang đặt ra cho chúng ta những vấn đề cần được quan tâm. Đó là: Nâng cao nhận thức cho cán bộ các cấp, các ngành và toàn dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước về biển, đảo. Đẩy mạnh công tác khảo sát, điều tra, kết hợp phát triển kinh tế biển với tăng cường QP-AN bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tập trung nguồn lực xây dựng lực lượng QP-AN vững mạnh toàn diện, trước hết là Quân chủng Hải quân, đủ khả năng bảo vệ vững chắc chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc. Tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển để khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng kinh tế biển; đồng thời, bảo đảm tốt nhiệm vụ QP-AN trong mọi tình huống, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Chỉ có như vậy mới phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa X) của Đảng về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu “Đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo”.       

(Số sau: III. Những giải pháp cơ bản đẩy mạnh kết hợp phát triển kinh tế biển với tăng cường QP-AN, bảo vệ chủ quyền biển, đảo).

Quốc Toản, Mạnh Hùng, Mạnh Dũng

 __________

* Xem: Tạp chí Quốc phòng toàn dân, số 9-2008.      

   

 

Ý kiến bạn đọc (0)