Thứ Năm, 24/04/2025, 11:38 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Biển, đảo nước ta có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế-xã hội (KT-XH), quốc phòng-an ninh (QP-AN) và đối ngoại trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ). Hội nghị Trung ương 4 (Khóa X) đã đề ra Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, với mục tiêu phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với đảm bảo QP-AN trên hướng biển. Việc thực hiện có hiệu quả phát triển KT-XH gắn với củng cố QP-AN, xây dựng tiềm lực hậu cần sẽ tạo ra một cơ cấu ngành nghề đa dạng, phân bố rộng khắp trên các vùng miền của Tổ quốc, bao gồm một số ngành tương ứng với hậu cần là: công nghiệp chế tạo, công nghiệp chế biến, nông nghiệp, dịch vụ, xây dựng, vận tải, y tế… cùng các loại sản phẩm tương ứng như: các trang thiết bị hậu cần, chế biến các sản phẩm cho nhu cầu quân sự; cung cấp lương thực, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt; xây dựng công trình quân sự; các lực lượng, phương tiện vận tải, y tế, cơ sở điều trị, cung ứng nhiên liệu… Vì vậy, kết hợp KT-XH với QP-AN, xây dựng tiềm lực hậu cần trên các vùng biển, đảo là yêu cầu khách quan, nhằm đảm bảo để các lực lượng vũ trang (LLVT) bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển KT-XH gắn với QP-AN trên hướng biển, đảo, các cấp, các ngành và LLVT đã thực hiện nhiều chương trình, dự án khác nhau, bước đầu đạt được một số kết quả. Về gắn phát triển KT-XH với xây dựng tiềm lực hậu cần tại chỗ, chúng ta đã thực hiện có hiệu quả khai thác dầu khí ở thềm lục địa, phát triển ngành thủy sản vươn ra đánh bắt xa bờ, phát triển nguồn lực hậu cần trong ngành vận tải biển; từng bước xây dựng khu vực Hải Phòng-Quảng Ninh thành trung tâm kinh tế mạnh, phát triển các khu vực kinh tế tổng hợp, khu thương mại gắn với vành đai kinh tế ở vùng biển Bắc Bộ; xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm phát triển các lĩnh vực có liên quan đến biển của vùng duyên hải miền Trung; hình thành các hành lang kinh tế, các khu công nghiệp tổng hợp, khu kinh tế hàng hải và du lịch biển trên vùng biển, đảo Đông Nam Bộ; từng bước xây dựng khu kinh tế ven biển phía tây Rạch Giá, Hà Tiên, đông Bạc Liêu, Cà Mau, ở huyện đảo Phú Quốc thuộc vùng biển, đảo Tây Nam Bộ… Quá trình phát triển KT-XH trên 4 vùng biển của cả nước không chỉ tạo nguồn lực cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước mà còn góp phần tạo tiềm lực hậu cần tại chỗ đảm bảo cho LLVT hoạt động bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Bên cạnh đó, LLVT cũng đã chủ động chuẩn bị tiềm lực hậu cần theo phân cấp. Hậu cần chiến lược tập trung cho việc đầu tư các loại phương tiện vận tải thủy có sức cơ động cao; triển khai dự trữ nhiên liệu ở một số khu vực trọng điểm trên vùng biển, đảo miền Trung; đầu tư xây dựng cơ sở quân y trên các đảo và cơ sở điều trị ở các vùng hải quân. Hậu cần các quân khu ven biển đang từng bước triển khai xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng: Bắc Hải Sơn, Bình Liêu-Quảng Hà-Móng Cái; đầu tư xây dựng lực lượng vận tải thủy và các phân đội quân y cơ động nhằm đảm bảo cho các LLVT hoạt động thực hiện nhiệm vụ trên biển, đảo, ven biển trong thời bình và sẵn sàng khi có chiến tranh. Hậu cần Quân chủng Hải quân đang từng bước đầu tư mua sắm các trang bị vận tải thuỷ hiện đại, xây dựng bệnh viện của Quân chủng ở Khánh Hoà, hình thành lực lượng hậu cần tại chỗ vững mạnh ở cả 4 vùng Hải quân… Hậu cần các khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) ven biển tập trung xây dựng lực lượng hậu cần địa phương, hậu cần nhân dân ở vùng ven biển và trên các đảo gần bờ có dân sinh sống; thực hiện kết hợp quân-dân y trên các huyện đảo, xã đảo, xây dựng các đội tàu đánh bắt hải sản gắn với hình thành các phân đội vận tải thủy để phục vụ cho hoạt động bảo vệ biển, đảo khi có tình huống.
Nhìn chung, việc xây dựng tiềm lực hậu cần trên các vùng biển, đảo trong thời gian qua đã có bước phát triển mới, dựa vào kết quả của sự kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN trên các vùng biển, đảo trong thời kì đổi mới và chủ động chuẩn bị của hậu cần quân đội các cấp, đáp ứng nhu cầu bảo vệ biển, đảo. Tuy nhiên, hiệu quả của sự kết hợp trên và thông qua đó gắn với xây dựng tiềm lực hậu cần đảm bảo cho các lực lượng, trước hết là LLVT tác chiến bảo vệ biển, đảo chưa cao. Để giải quyết tốt vấn đề này, trong thời gian tới, theo chúng tôi, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau.
Một là, phát triển các ngành kinh tế biển gắn với phương án chuyển đổi một số bộ phận sang phục vụ nhu cầu quốc phòng khi có tình huống hoặc chiến tranh xảy ra.
Các ngành kinh tế biển là nơi trực tiếp tạo ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu dân sinh, nhưng cũng là ngành trực tiếp tạo ra một số sản phẩm hậu cần đảm bảo cho nhu cầu quốc phòng. Tuy nhiên, do nguồn lực hậu cần mang tính quân sự hóa cao, nên để trở thành tiềm lực hậu cần phải tính đến khả năng lưỡng dụng trong các sản phẩm được tạo ra từ các ngành kinh tế. Vì vậy, các ngành kinh tế biển, nhất là các ngành kinh tế mũi nhọn, trong chiến lược phát triển nên xác định theo hướng đa ngành, đa sở hữu, để vừa phục vụ tốt cho nhu cầu dân sinh, vừa đáp ứng nhu cầu quốc phòng khi cần thiết.
Trong lĩnh vực y tế, cần tập trung xây dựng các bệnh viện tỉnh, thành phố, huyện, quận ven biển, các bệnh viện huyện đảo; chú trọng xây dựng các bệnh xá, cơ sở y tế theo hướng quân-dân y kết hợp trên các đảo có dân, để vừa phục vụ nhu cầu dân sinh, vừa phục vụ LLVT hoạt động bảo vệ biển, đảo tại địa bàn. Trong lĩnh vực vận tải, cần ưu tiên xây dựng các lực lượng vận tải thuộc các công ty vận tải biển. Đặc biệt, cần xây dựng Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thành tập đoàn hàng hải mạnh trong khu vực, đa sở hữu, đa ngành kinh doanh; trong đó, chú trọng đầu tư xây dựng các đội tàu vận tải biển theo hướng hiện đại, đồng bộ, gắn với xây dựng các hải đoàn, hải đội, phân đội vận tải tự vệ chuyên ngành để sẵn sàng huy động tham gia vận chuyển phục vụ nhu cầu bảo vệ biển, đảo. Tăng cường xây dựng lực lượng vận tải thuỷ ở các địa phương ven biển, ở các xã đảo, huyện đảo; thực hiện tốt việc đăng ký, quản lý chặt chẽ các phương tiện vận tải dự bị động viên để huy động nhanh khi có tình huống xảy ra; thực hiện đồng bộ các biện pháp xây dựng lực lượng xếp chỗ, tiếp nhận hàng ở các cảng: Đình Vũ, Lạch Xuyên (Hải Phòng); Cái Lân (Quảng Ninh); Hiệp Phước (TP Hồ Chí Minh); Cái Mép, Thị Vải và Bến Đình-Sao Mai (Bà Rịa-Vũng Tàu); Vân Phong (Khánh Hoà); Cái Thui (Cần Thơ), nhằm nâng cao năng lực tiếp nhận hàng quân sự khi có tình huống xảy ra. Đối với các ngành KT-XH khác tương ứng với hậu cần, thực hiện kết hợp KT-XH với chuẩn bị tiềm lực hậu cần theo hình thức phát triển các tập đoàn kinh tế lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, nhằm vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển, vừa có thể phối hợp sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm, phục vụ nhu cầu quốc phòng, đặc biệt là cho các lực lượng bảo vệ biển, đảo, ven biển cả trong thời bình và thời chiến.
Hai là, các LLVT tích cực tham gia phát triển kinh tế biển, làm nòng cốt trong xây dựng các khu kinh tế-quốc phòng ở vùng ven biển trọng điểm, trên các đảo, quần đảo lớn xa bờ.
Trên cơ sở quán triệt chủ trương của Đảng về chiến lược biển, LLVT thuộc các quân khu ven biển, quân chủng Hải quân, bộ đội Biên phòng và các quân, binh chủng khác hoạt động trên biển, đảo cần tích cực tham gia các chương trình, dự án phát triển KT-XH các vùng biển, đảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Trước hết, tích cực tham gia cùng địa phương thực hiện các dự án di dãn dân, tổ chức các điểm dân cư mới vùng ven bờ, trên các huyện đảo, xã đảo có dân. Đồng thời, tích cực tham gia bảo đảm một số mặt cho các dự án đưa dân ra đảo lập nghiệp. Các quân khu ven biển, lực lượng hải quân, công binh cần phối hợp chặt chẽ với địa phương, các cấp, các ngành có liên quan, thực hiện xây dựng tiềm lực hậu cần tại chỗ, như: xây dựng hồ và bể chứa nước ngọt, giàn năng lượng mặt trời... để vừa phục vụ nhu cầu dân sinh, vừa phục vụ bộ đội bám trụ trên các đảo.
Bên cạnh việc tích cực tham gia phát triển KT-XH trên các vùng biển, đảo, LLVT phải làm nòng cốt trong việc tổ chức, xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trên địa bàn các tỉnh (thành phố) ven biển trọng điểm, trên các đảo, quần đảo lớn quan trọng, theo quyết định của Chính phủ. Trước mắt, tập trung triển khai thực hiện tốt dự án khu kinh tế-quốc phòng Bắc Hải Sơn và Bình Liêu- Quảng Hà - Móng Cái ở vùng biển đảo Đông Bắc. Sau khi rút kinh nghiệm thực hiện xây dựng các mô hình trên, có thể nhân rộng mô hình khu kinh tế-quốc phòng trên hướng biển, đảo ở vùng biển, đảo miền Trung, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Đây là giải pháp rất quan trọng, không chỉ góp phần phát triển kinh tế biển, đảo mà còn góp phần xây dựng tiềm lực hậu cần tại chỗ ở những vùng khó khăn để đảm bảo cho LLVT hoạt động trên biển, đảo đủ khả năng hoạt động tác chiến độc lập liên tục, dài ngày trong điều kiện bị chia cắt giữa các vùng, giữa đảo và bờ khi đất nước có chiến tranh.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp lý; thực hiện phân rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương đối với nhiệm vụ xây dựng tiềm lực hậu cần trên các vùng biển, đảo.
Để chuyển tiềm năng của các ngành KT-XH thành tiềm lực hậu cần đảm bảo cho nhu cầu phòng thủ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, điều quan trọng là phải xây dựng kế hoạch tổng thể, phải tổ chức, điều hành chặt chẽ, phân cấp trách nhiệm rõ ràng, theo đúng yêu cầu quản lí nhà nước về quốc phòng. Công tác điều hành xây dựng tiềm lực hậu cần phải được thể chế bằng các quy định, chính sách đồng bộ, cùng với sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước; phân cấp, phân nhiệm rõ ràng để các ngành kinh tế thực hiện theo chức năng. Tổng cục Hậu cần là cơ quan tham mưu cho Bộ Quốc phòng để Bộ đề xuất với Nhà nước, (thông qua Ban Chỉ đạo nhà nước về biển Đông và hải đảo) về những nội dung liên quan đến xây dựng tiềm lực hậu cần. Đồng thời, Tổng cục Hậu cần phải phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành KT- XH có liên quan thực hiện chuẩn bị tiềm lực hậu cần của từng ngành theo quyết định của Nhà nước. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (thành phố) ven biển phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo biển, đảo của địa phương về nhu cầu xây dựng tiềm lực hậu cần ở địa phương để sẵn sàng huy động đảm bảo cho LLVT địa phương phòng thủ bảo vệ biển, đảo thuộc phạm vi địa phương. Các ngành KT-XH cần thực hiện tốt việc phát triển ngành kết hợp với tăng cường QP-AN, góp phần xây dựng tiềm lực hậu cần theo chức năng. Nội dung kết hợp phải được xác định và thể hiện rõ trong chiến lược phát triển ngành.
Kết hợp KT-XH với QP-AN xây dựng tiềm lực hậu cần trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài, không chỉ của ngành Hậu cần Quân đội mà còn là trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nơi có biển, đảo. Vì vậy, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, các ngành, các cấp và các địa phương để không ngừng tăng cường tiềm lực hậu cần, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Đại tá, TS. Thiều Sĩ Đăng
Trưởng khoa Hậu cần Chiến dịch-HVHC
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011