QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 00:49 (GMT+7)
Kết hợp kinh tế-xã hội với quốc phòng-an ninh trong quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, khu công nghiệp
      

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 10 của Đảng xác định  mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời gian tới là: "Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đạt được bước chuyển biến quan trọng về nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hoá và tinh thần của nhân dân. Đẩy mạnh  CNH,HĐH và phát triển kinh tế tri thức, tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia. Nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế".

Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về các lĩnh vực xây dựng, kiến trúc quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật đô thị, vật liệu xây dựng, quản lý và phát triển nhà; đồng thời, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ (gồm 15 Tổng công ty, 14 công ty độc lập, 12 trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, 5 viện nghiên cứu và các đơn vị sự nghiệp khác), ngành Xây dựng nói chung và các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng nói riêng đã nỗ lực phấn đấu, từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức trong tiến trình CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế; tích cực tham gia vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng-an ninh (QP-AN) của đất nước và đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng trên các lĩnh vực được giao. Trong những năm gần đây, nhiệm vụ sản xuất-kinh doanh và đầu tư phát triển của ngành Xây dựng tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao. Năm 2006, giá trị sản xuất- kinh doanh của các đơn vị thuộc Bộ tăng 15,4% ; giá trị đầu tư tăng 18,4% so với năm 2005. Riêng lĩnh vực quy hoạch phát triển đô thị và nông thôn có bước phát triển nhanh, tạo nên một khối lượng xây dựng bằng cả chục năm trước đây cộng lại.      
Hiện nay, cả nước đã có 792 khu đô thị và trên 630 thị trấn, với dân số đô thị gần 23 triệu người, cộng với 161 khu công nghiệp mới được quy hoạch và thành lập. Nhìn chung, các đô thị đã đảm nhiệm được vai trò là trung tâm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, trung tâm giao lưu thương mại trong nước và ngoài nước, trung tâm dịch vụ phát triển văn hoá, giáo dục, nâng cao dân trí và phát triển nguồn lực, đồng thời, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp củng cố QP-AN. Đặc biệt, nhận thức của các cấp, các ngành về kết hợp  phát triển KT-XH với tăng cường tiềm lực QP-AN trong quy hoạch phát triển đô thị, khu công nghiệp và xây dựng nông thôn đã được nâng cao. Nhiều văn bản pháp luật về xây dựng, quản lý đô thị trên các lĩnh vực, trong đó có yêu cầu về bảo đảm QP-AN đã được ban hành và thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả thiết thực. Trong công tác lập quy hoạch xây dựng các đô thị, khu công nghiệp và phát triển nông thôn, nhất là quy hoạch xây dựng ở các khu vực trọng điểm chiến lược, xây dựng các công trình quan trọng của địa phương và quốc gia, đều tính đến khả năng "lưỡng dụng" về KT-XH và QP-AN trong thời bình cũng như khi chiến tranh xảy ra. Các đơn vị trong Ngành cũng phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trong việc quy hoạch, xét duyệt, thẩm định đề án xây dựng, dự án đầu tư và triển khai thực hiện xây dựng theo quy hoạch, để các đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư tập trung vừa bảo đảm được yêu cầu phát triển sản xuất-kinh doanh, điều kiện sinh hoạt, cải thiện môi trường sống cho nhân dân, vừa đáp ứng được yêu cầu tăng cường tiềm lực QP-AN cho đất nước.
Tuy nhiên, trước yêu cầu mới hiện nay, công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, khu công nghiệp còn hạn chế, bất cập làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thúc đẩy tiến trình CNH, HĐH đô thị, nông thôn và tăng cường QP-AN trên một số địa bàn, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Xét về tổng thể, quy hoạch xây dựng các đô thị, khu công nghiệp hiện nay đang mất cân đối, vẫn chỉ  tập trung nhiều ở khu vực đồng bằng và ven biển - nơi mật độ dân cư cao, nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng lớn và cấp thiết. Tại một số địa phương, việc lập quy hoạch xây dựng đô thị, khu công nghiệp, lựa chọn địa điểm xây dựng các công trình hạ tầng KT-XH chưa thật hợp lý, chưa nghiên cứu sâu và kỹ đến yêu cầu QP-AN. Đặc biệt là việc sử dụng quỹ đất không theo quy hoạch, tình trạng di dân tự do, sử dụng đất nông nghiệp sai quy định để tự ý xây dựng các khu đô thị, khu dân cư tập trung vẫn diễn ra phức tạp, có ảnh hưởng đối với việc đảm an ninh lương thực và thực phẩm, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Hơn nữa công tác quy hoạch còn thiếu tầm chiến lược, không đồng bộ, dẫn đến nhiều công trình quan trong thiếu tính khả thi, vừa gây lãng phí, vừa ảnh hưởng đến phân bổ dân cư, phát triển KT-XH, xây dựng và bố trí thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD) và an ninh nhân dân (ANND) trên từng vùng và cả nước.
Phát triển đô thị, khu công nghiệp theo hướng hiện đại (trong đó, một số đô thị, khu công nghiệp ngang tầm khu vực và thế giới) là yêu cầu khách quan, là một trong những nhiệm vụ quan trọng của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, nhất là khi nước ta đã là thành viên của WTO. Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đầu tư, đổi mới cơ chế, cải tiến các thủ tục hành chính, đề ra nhiều chính sách ưu đãi về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, xây dựng cơ sở hạ tầng... nhằm khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển lĩnh vực này. Như vậy, có thể thấy, việc quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, khu công nghiệp đang đặt ra những yêu cầu mới cao hơn, nhất là yêu cầu kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN, sao cho mỗi đô thị, khu công nghiệp theo vị trí, chức năng của mình, phát huy đầy đủ thế mạnh, thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong thời kỳ mới.
Để thực hiện có hiệu quả những mục tiêu, yêu cầu đó, Bộ Xây dựng chủ trương và  áp dụng đồng bộ, hệ thống các giải pháp thích hợp trong quản lý và phát triển đô thị, khu công nghiệp; trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện tốt những nhiệm vụ và giải pháp cơ bản sau:
1. Tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả  các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về  kết hợp KT-XH với QP-AN trong quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị, nông thôn. Trong quá trình triển khai quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, khu công nghiệp, cần nắm vững định hướng và thực hiện mục tiêu: từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị cả nước có cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội và kỹ thuật hiện đại, môi trường trong sạch, được phân bổ và phát triển hợp lý trên địa bàn cả nước, bảo đảm cho mỗi đô thị theo vị trí, chức năng, phát huy được đầy đủ vai trò, thế mạnh của mình. Căn cứ vào điều kiện và khả năng của từng vùng mà mở rộng, phát triển đô thị cho sát hợp với nhu cầu phát triển sản xuất và đời sống nhân dân trong vùng, tránh phô trương, hình thức gây lãng phí đất đai, tiền của, công sức của nhân dân.
2. Tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển đô thị, khu công nghiệp theo định hướng quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm nhanh chóng đổi mới bộ mặt đô thị, nông thôn và cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị. Coi trọng việc xây dựng các đô thị mới tại các vùng chưa phát triển, nhất là các đô thị tiền đồn ven biển, ngoài khơi và các cửa khẩu biên giới,  bảo đảm những đô thị đó phải vừa là trung tâm KT-XH, trung tâm dân cư, vừa là căn cứ vững chắc bảo vệ Tổ quốc XHCN; cần hạn chế tối đa việc sử dụng đất nông nghiệp và đất có giá trị về quốc phòng, quân sự để phát triển đô thị, khu công nghiệp. Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đang tiến hành lập quy hoạch xây dựng các vùng kinh tế trọng điểm, vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào, Việt Nam - Cam-pu-chia nhằm tổ chức phân bố các cơ sở sản xuất công nghiệp, các đô thị, khu dân cư nông thôn một cách hợp lý, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm QP-AN. Cụ thể:
Đối với các vùng kinh tế trọng điểm, trong xây dựng và phát triển đô thị, khu công nghiệp cần kết hợp chặt chẽ giữa việc xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị với xây dựng các công trình quốc phòng và phòng thủ dân sự; từng bước xây dựng các công trình ngầm lưỡng dụng, bảo vệ tối đa các địa hình, địa vật, khu có giá trị về quốc phòng, quân sự. Các giải pháp quy hoạch xây dựng, phát triển mở rộng đô thị ở những vùng này phải phù hợp với yêu cầu thúc đẩy phát triển KT-XH và tổ chức xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện; chú trọng dành quỹ đất hợp lý để phát triển hệ thống giao thông chiến lược như đường vành đai, đường cao tốc, sân bay, bến cảng, hệ thống kho tàng, bệnh viện, trường học...
Đối với vùng miền núi, biên giới, cần ưu tiên phát triển các đô thị mới, trung tâm cấp huyện, các thị trấn, thị tứ có cơ sở hạ tầng thiết yếu, kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng, liên huyện, liên xã, bảo đảm  phục vụ nâng cao đời sống nhân dân, thu hút dân đến tái định cư, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế, bố trí lực lượng kinh tế-quốc phòng, hình thành thế trận QPTD và ANND bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia.
Đối với vùng ven biển, hải đảo, cần quy hoạch hợp lý khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư. Trong quy hoạch xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp và đô thị mới trên vùng này phải kết hợp hài hoà giữa yêu cầu đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, ven biển với yêu cầu bảo đảm QP-AN, nhất là trong việc xác định vị trí, hướng phát triển, sử dụng đất đai, xây dựng kết cấu hạ tầng... góp phần hình thành các tuyến phòng thủ vững chắc trên biển, bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia trên biển.
3. Tăng cường quản lý nhà nước về xây dựng và phát triển đô thị. Ưu tiên lập các quy hoạch đô thị, xây dựng các chương trình, dự án đầu tư, bảo đảm cho các đô thị phát triển theo quy hoạch phù hợp với chủ trương đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về quản lý xây dựng đô thị, khu công nghiệp, xây dựng cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ việc phê duyệt quy hoạch phát triển khu công nghiệp, nhất là khu công nghiệp liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài; không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà vi phạm nguyên tắc xây dựng, gây tổn hại đến lợi ích quốc gia và bảo đảm QP-AN của đất nước; đồng thời, nâng cao năng lực và trách nhiệm của  cơ quan chức năng và các cơ quan liên quan trong quản lý nhà nước về công tác này. Tăng cường xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trên cơ sở quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của các bộ, ngành, địa phương, tránh sự chồng chéo hoặc buông lỏng quản lý về xây dựng. Tích cực nghiên cứu, đề xuất chủ trương, chính sách, cơ chế huy động vốn đầu tư phát triển đô thị, khu công nghiệp theo từng giai đoạn, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tập trung đẩy mạnh phát triển đô thị, khu công nghiệp và nông thôn ngày càng "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".
4. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quân sự, QP-AN, đưa công tác QP- AN của Ngành đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố kiện toàn Ban chỉ huy Quân sự các cấp từ cơ quan Bộ đến các đơn vị thành viên, cơ sở; tích cực rà soát, củng cố, xây dựng lực lượng tự vệ, lực lượng dự bị động viên có đủ số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Chủ động kết hợp chặt chẽ với chính quyền và cơ quan quân sự địa phương trong huấn luyện, diễn tập các phương án tác chiến bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên từng địa bàn, địa phương nơi đơn vị đứng chân, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.
Cao Lại Quang
Ủy viên Ban cán sự Đảng
Thứ trưởng Bộ Xây dựng
 

Ý kiến bạn đọc (0)