QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 22:46 (GMT+7)
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên tuyến biên giới, hải đảo Quân khu 3

Quân khu 3 án ngữ một vùng rộng lớn trên hướng Đông Bắc của Tổ quốc, có 132,8 ki-lô-mét đường biên giới quốc gia trên đất liền, hơn 450 ki- lô-mét bờ biển và trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước. Địa bàn Quân khu là vùng đất giàu tiềm năng và thế mạnh, nơi tập trung nhiều trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội, là một trong ba vùng kinh tế động lực của cả nước, trong đó Hải Phòng và Quảng Ninh là hai cực của tam giác tăng trưởng kinh tế miền Bắc. Vì vậy, thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng trên địa bàn Quân khu, đặc biệt là trên các địa bàn trọng điểm biên giới, hải đảo chắc chắn không chỉ làm biến đổi sâu sắc bộ mặt kinh tế-xã hội của vùng đồng bằng Bắc Bộ, mà còn tạo nên thế trận phòng thủ vững chắc của Quân khu và cả nước trước mắt và lâu dài.

Nhận thức rõ điều đó và quán triệt sâu sắc hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, những năm qua, lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu cũng như các địa phương trên địa bàn đã nỗ lực phấn đấu, tạo bước chuyển biến quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Rõ nét nhất là trong việc thực hiện các chương trình kinh tế-xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng như làm đường giao thông, xây dựng hệ thống thủy lợi, bưu điện, điện lưới quốc gia, trạm xá, bố trí và ổn định dân cư trên tuyến biên giới, ven biển, hải đảo,... nhiều địa phương, cơ sở đã quan tâm đến cả yêu cầu phát triển sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân và tăng cường quốc phòng-an ninh. Đối với LLVT Quân khu, là lực lượng nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, cùng với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu đã tích cực huy động sức người, sức của thực hiện có hiệu quả các dự án kinh tế kết hợp với quốc phòng trên một số địa bàn trọng điểm chiến lược biên giới, ven biển, hải đảo. Các công trình kinh tế kết hợp với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế như công trình lấn biển Cồn Thoi với dự án Bình Minh 1, Bình Minh 2 (Kim Sơn-Ninh Bình), lấn biển Bắc Cửa Lục (Hoành Bồ-Quảng Ninh)... đã hoàn thành từng phần, bàn giao cho địa phương hàng nghìn héc-ta đất nông nghiệp và đất nuôi trồng thủy sản; hình thành nhiều làng, xã mới với hàng nghìn hộ dân ra lập nghiệp. Các dự án lấn biển Cồn Vành (Tiền Hải-Thái Bình), Cồn Xanh (Nghĩa Hưng-Nam Định) và Bình Minh 3 (Kim Sơn-Ninh Bình) được triển khai từ cuối năm 2001, khi hoàn thành sẽ đạt hiệu quả nhiều mặt: tăng quỹ đất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho địa phương hàng nghìn héc-ta, tăng diện tích dãn dân, tăng thu nhập của địa phương, mở ra một số ngành nghề mới, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động; đồng thời với tổ chức các điểm dân cư mới sẽ tăng khả năng phòng thủ, bảo vệ an ninh trên địa bàn ra sát mép nước. Các dự án Biển Đông-Hải đảo trên tuyến đảo Đông Bắc (Quảng Ninh) được triển khai từ năm 1994, đến nay đã hoàn thành nhiều hạng mục công trình như: đường xuyên đảo, bến cập tàu, hồ và bể chứa nước ngọt, kè, cống các loại, các giàn năng lượng mặt trời, đường điện hạ thế... phục vụ có hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội và củng cố quốc phòng-an ninh trên tuyến đảo. Trên hướng biên giới, Quân khu đã chỉ đạo Đoàn kinh tế-quốc phòng 327 phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng hai khu kinh tế-quốc phòng Bắc Hải Sơn và Bình Liêu-Quảng Hà-Móng Cái để giải quyết việc di, dãn dân từ các vùng đông dân, kinh tế khó khăn đến sinh cơ lập nghiệp, hình thành hệ thống các điểm dân cư tập trung (xã, làng, bản) tương đối phát triển về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh dọc tuyến biên giới. Sau 5 năm triển khai thực hiện nhiệm vụ, bằng các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, các chương trình vốn của địa phương và huy động nội lực của Quân khu, đến nay Đoàn kinh tế-quốc phòng 327 đã hoàn thành nhiều hạng mục công trình xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội như mạng đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trường học, trạm xá, hệ thống thông tin liên lạc, cấp điện và cải tạo nguồn nước ở các hồ, đập phục vụ thâm canh nông nghiệp, chăn nuôi và sinh hoạt của bộ đội và nhân dân các thôn, bản; trồng được 2.000 héc-ta rừng, 10 héc-ta chè cao sản; khảo sát quy hoạch 2.500 héc-ta vùng đầm lầy sú vẹt, trực tiếp san lấp trên 200 héc-ta đầm nuôi tôm công nghiệp, quảng canh và quảng canh cải tiến, thu hoạch mỗi năm trên 100 tấn;  di, dãn được gần 600 hộ dân từ các tỉnh phía sau và tại địa phương ra định cư lâu dài ở khu vực biên giới. Các đơn vị còn tích cực vận động đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn biên giới định canh, định cư, thay đổi tập quán sản xuất, thu hút đồng bào vào các hoạt động kinh tế, tạo nền tảng vững chắc thực hiện điều chỉnh dân cư, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí theo chỉ tiêu của Chính phủ giao cho từng dự án. Cùng với dự án xây dựng khu kinh tế-quốc phòng, Quân khu đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án xây dựng tuyến đường biên giới trên bộ, phục vụ kịp thời cho việc phân giới cắm mốc, tuần tra bảo vệ biên giới và di, dãn dân hình thành các cụm dân cư gắn với xây dựng thế trận phòng thủ trên tuyến đầu Tổ quốc.
Bên cạnh những kết quả quan trọng đó, việc thực hiện các dự án kết hợp kinh tế với quốc phòng và làm đường biên giới của Quân khu cũng còn những khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ. Vốn đầu tư cho các dự án đã được phê duyệt, nhưng cấp không đúng tiến độ, ảnh hưởng đến việc thi công các hạng mục công trình theo hạn định. Vấn đề di, dãn dân, hướng dẫn dân phát triển sản xuất, ổn định đời sống cho dân trong vùng dự án là việc làm rất phức tạp, liên quan đến nhiều chế độ chính sách của Nhà nước và địa phương phải cân nhắc làm từng bước thận trọng. Sự phối hợp giữa các đơn vị kinh tế-quốc phòng với địa phương trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng đón nhận dân, bố trí đất ở, đất sản xuất, giải quyết các chế độ chính sách... cũng còn nhiều bất cập. Trước tình hình đó, Quân khu đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức rút kinh nghiệm, tìm biện pháp từng bước khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng luôn được duy trì, ngày càng phát triển mạnh về quy mô và chất lượng, hiệu quả.
Năm 2006 và những năm tiếp theo, LLVT Quân khu tiếp tục triển khai các dự án xây dựng khu kinh tế-quốc phòng, dự án lấn biển, rà phá vật cản, làm đường biên giới phục vụ cho phân giới cắm mốc, và di, dãn dân theo kế hoạch, tiến độ đã xác định. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, cần có sự đồng tâm hiệp lực, cộng đồng trách nhiệm của các cấp, các ngành, các đơn vị quân đội và địa phương trong vùng dự án. LLVT Quân khu, nhất là các đơn vị trực tiếp thực hiện các dự án xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng và làm đường biên giới cần nỗ lực phấn đấu, chủ động phối hợp, hiệp đồng với các cấp, các ngành, địa phương liên quan, xây dựng hành lang pháp lý, cơ cấu đầu tư, cơ chế phối hợp huy động các nguồn lực và giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng-an ninh. Tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, để mọi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm của mình trong việc tham gia lao động sản xuất, làm kinh tế, làm đường biên giới, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường quốc phòng-an ninh trên các địa bàn trọng điểm chiến lược biên giới, hải đảo. Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 54/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020. Đồng thời nắm vững quan điểm chỉ đạo của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng: trong khi thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất, làm kinh tế, làm nòng cốt tham gia vận động nhân dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên các địa bàn trọng điểm chiến lược biên giới, hải đảo phải gắn với nhiệm vụ củng cố tổ chức, huấn luyện, xây dựng chính quy, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, bảo đảm thực hiện đúng chức năng là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và lao động sản xuất trong thời kỳ mới.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, coi trọng cả hiệu quả về kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trình độ dân trí của đồng bào và hiệu quả về quốc phòng-an ninh, lấy mục tiêu tăng cường quốc phòng-an ninh là chủ yếu. Trên cơ sở nội dung dự án đã được phê duyệt, bằng mọi cách huy động hợp lý và có hiệu quả sức mạnh về tổ chức, lao động và khả năng phương tiện kỹ thuật của đơn vị để hoàn thành nhiệm vụ. Tăng cường và thực hiện tốt công tác bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về lĩnh vực kinh tế, nhất là kiến thức về quản lý kinh tế, kỹ thuật chuyên ngành, cùng những kiến thức cần thiết về xã hội, pháp luật, dân tộc, tôn giáo, vận động quần chúng cho cán bộ, chiến sĩ, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt, bảo đảm đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ trên mặt trận mới. Đề xuất với cấp trên và định ra những chính sách hợp lý, hấp dẫn, giải quyết thỏa đáng giữa trách nhiệm và quyền lợi, giữa trước mắt và lâu dài, bảo đảm cho lực lượng làm nhiệm vụ lao động sản xuất, làm kinh tế, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng của Quân khu thực sự yên tâm, phấn khởi thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Mặt khác, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ và tranh thủ sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn, xây dựng kế hoạch, bước đi tương đối đồng bộ, phù hợp với khả năng đầu tư của Nhà nước. Tranh thủ và phối hợp nhiều nguồn vốn, cả vốn đầu tư của Nhà nước, vốn địa phương, vốn đầu tư qua biên phòng, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia,... để thực hiện dự án đạt chất lượng, hiệu quả cao. Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ di, dãn dân, hướng dẫn dân phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng đón nhận dân, bố trí đất ở, đất sản xuất, giải quyết hộ khẩu, yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân và học tập của con em họ. Các đơn vị làm nhiệm vụ kinh tế kết hợp với quốc phòng còn phải thường xuyên hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị chủ lực của Quân khu, bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng, với cấp ủy, chính quyền trên địa bàn thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, hải đảo của Tổ quốc.
 
Trung tướng Nguyễn Văn Lân
Tư lệnh Quân khu
 

Ý kiến bạn đọc (0)