QPTD -Chủ Nhật, 14/08/2011, 00:47 (GMT+7)
Kết hợp kinh tế với quốc phòng ở huyện đảo Phú Quốc

Phú Quốc là một huyện đảo thuộc tỉnh Kiên Giang, cách thị xã Hà Tiên 46 km. Nằm trong vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, huyện đảo Phú Quốc tiếp giáp với vùng biển của nhiều nước trong khu vực, như: Thái Lan, Ma-la-xi-a, Cam-pu-chia. Toàn Huyện có 27 hòn đảo lớn, nhỏ; trong đó, Phú Quốc là đảo lớn nhất. Trên đảo lớn Phú Quốc có các tuyến đường vòng quanh đảo, đường trục chính Bắc - Nam và các tuyến đường nhánh đến các xã; có tuyến đường biển nối với quần đảo Thổ Chu, nối đảo lớn Phú Quốc với đất liền và tuyến đường hàng không Phú Quốc - thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc - thành phố Rạch Giá. Tổ chức hành chính của Huyện có 8 xã và 2 thị trấn, trong đó có 4 xã tuyến biên giới - hải đảo (xã trọng điểm), còn lại là các xã, thị trấn ven biển; số dân trên 90 ngàn người. Với điều kiện tự nhiên hiện có, huyện đảo Phú Quốc có tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế và có vị trí hết sức quan trọng về quốc phòng - an ninh (QP-AN) trong thế trận phòng thủ của tỉnh Kiên Giang và cả nước.

Xuất phát từ vị trí, tiềm năng, kinh nghiệm và truyền thống của một huyện Anh hùng, quân và dân huyện đảo Phú Quốc đang dồn sức cho phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), thế trận QPTD trên địa bàn ngày càng vững chắc.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp kinh tế với quốc phòng, Huyện đặc biệt coi trọng nâng cao nhận thức và kiến thức, trước hết là cho cấp uỷ, chính quyền các cấp, nhằm tạo sự thống nhất cao từ cấp huyện đến cơ sở về tình hình nhiệm vụ của địa phương và nhiệm vụ xây dựng nền QPTD trong thời kỳ mới; nhận thức rõ nếu chỉ chú trọng làm kinh tế, phát triển KT-XH mà coi nhẹ nhiệm vụ xây dựng, củng cố quốc phòng, thiếu chủ động và không sẵn sàng chuyển từ thời bình sang thời chiến, thì sẽ rất lúng túng và bị động khi xuất hiện các tình huống chiến tranh. Thực tế thời gian qua ở Huyện càng khẳng định: giữ vững được ổn định chính trị, tăng cường được QP-AN thì mới có điều kiện phát triển KT-XH, làm cơ sở vững chắc, bảo đảm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, CNH, HĐH.

Để nâng cao nhận thức và kiến thức cho đội ngũ cán bộ, Huyện đã chủ động tổ chức luân phiên cho những cán bộ chủ chốt trong hệ thống chính trị các cấp hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức QP-AN quy định. Hằng năm, Huyện ủy, Uỷ ban nhân dân (UBND) Huyện ban hành các nghị quyết, chương trình hành động, chỉ thị,... để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Trong đó, tập trung quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 12-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục QP-AN trong tình hình mới”, Nghị định 116/NĐ-CP của Chính phủ về giáo dục QP-AN. Đồng thời, Huyện thường xuyên kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng giáo dục QP-AN từ huyện đến xã, thị trấn, để đưa công tác này ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả hơn. Từ năm 2004 đến tháng 6-2009, Huyện đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN được 1.012 lượt cán bộ, đảng viên; giáo dục QP-AN cho 16.545 lượt học sinh và 25.326 lượt các tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, trình độ nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD, thế trận an ninh nhân dân được nâng lên, ý thức cảnh giác được đề cao, chủ động đối phó có hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ trong lãnh đạo, chỉ đạo ngành, địa phương theo chức danh, chức trách được phân công đã coi trọng kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng, an ninh với kinh tế. Nhiều nội dung về lý luận và đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn được vận dụng, đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả kết hợp kinh tế với quốc phòng, xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc.

Nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược (xây dựng và bảo vệ Tổ quốc), Huyện ủy, UBND Huyện luôn chú trọng kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với tăng cường tiềm lực QP-AN. Hiện tại, Huyện đang tập trung triển khai thực hiện Quyết định 178/2004/QĐ-TTg, ngày 5-10-2004 của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư phát triển Phú Quốc. Các dự án lớn đang thực hiện, như: gói thầu xây dựng sân bay quốc tế Dương Tơ sẽ hoàn thành vào quý 3 năm 2012 để mở rộng đường bay trong nước và quốc tế; xây dựng hệ thống cảng biển An Thới, Vịnh Đầm, bãi Đất Đỏ và hệ thống cảng sông tại thị trấn Dương Đông, rạch Cầu Sấu, thị trấn An Thới để có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lớn; tuyến đường vòng quanh đảo Phú Quốc dài 132 km và các tuyến đường Suối Cái- Gành Dầu, Bãi Thơm - Gành Dầu, Dương Đông - Cửa Cạn, tỉnh lộ 46, 47, đường trục chính Bắc - Nam đảo Phú Quốc... đang được đẩy nhanh tiến độ thi công. Công ty Điện lực 2 đang triển khai lắp đặt thêm 5 tổ máy phát điện đi-ê-zen và đang chuẩn bị khảo sát dự án cáp ngầm 110KV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc, dự án đầu tư Tổ hợp phong điện Phú Quốc để bổ sung nguồn điện cho Huyện. Sở Bưu chính-Viễn thông Kiên Giang đã khảo sát vị trí lắp đặt các trạm viễn thông trên đảo Phú Quốc để phủ sóng mạng di động trên phạm vi toàn đảo. Dự án xây dựng bệnh viện 500 - 1.000 giường và các trường dạy nghề đang xúc tiến kêu gọi đầu tư. Các khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị mới, khu tái định cư... đã cơ bản hoàn thành san lấp mặt bằng và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Mọi quy hoạch xây dựng đô thị, phát triển sản xuất, kể cả kinh doanh, dịch vụ đều gắn chặt với xây dựng, củng cố, phát triển, không ngừng nâng cao tiềm lực quốc phòng. Hệ thống giao thông, bến cảng, sân bay và những khu công nghiệp được coi trọng từ khâu quy hoạch đến kế hoạch sử dụng, tổ chức sản xuất đều phải gắn với QP-AN, bảo đảm có thể chuyển sản xuất từ thời bình sang thời chiến và sẵn sàng động viên phục vụ nhiệm vụ chiến đấu theo yêu cầu đặt ra. Các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, xí nghiệp của Huyện đã được quy hoạch tổng thể và có kế hoạch phát triển nhằm mục tiêu kinh tế và quốc phòng, là cơ sở trực tiếp tăng cường tiềm lực công nghiệp quốc phòng của địa phương để khi có tình huống chiến tranh sẽ đáp ứng tốt nhu cầu hậu cần-kỹ thuật phục vụ tác chiến khu vực phòng thủ (KVPT). Huyện đang chỉ đạo các cơ sở sản xuất, công ty, xí nghiệp, cơ quan chú trọng xây dựng, phát triển lực lượng tự vệ, lực lượng dự bị động viên, góp phần giữ gìn an ninh chính chính trị, trật tự, an toàn xã hội địa phương.

Quan điểm kết hợp kinh tế-quốc phòng được thể hiện rõ trong thực tiễn xây dựng KVPT. Những năm qua, Huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, huy động sức mạnh toàn dân thực hiện xây dựng KVPT, củng cố quốc phòng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp ở địa phương. Nhằm cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về QP-AN, hằng năm, Huyện ủy, UBND Huyện có các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; trong đó, chú trọng gắn xây dựng với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo. Thực hiện Quyết định 107/CP của Thủ tướng Chính phủ, các lực lượng: quân sự, công an, bộ đội Biên phòng, Vùng E Hải quân, Vùng E Cảnh sát biển…đã chủ động phối hợp theo dõi, nắm chắc tình hình trên các hướng, địa bàn trọng điểm. Đồng thời, Huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác đối ngoại, hợp tác với các quận, huyện, đồn, trạm của nước bạn nhằm giải quyết kịp thời những vụ việc phức tạp phát sinh trên vùng biển tiếp giáp, ngăn chặn các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép và buôn lậu.

Theo quy hoạch chung đã được phê duyệt, toàn đảo Phú Quốc có 2.300 ha đất xây dựng đô thị, 100 ha đất công nghiệp, 3.800 ha đất phát triển du lịch, 1.020 ha đất xây dựng các khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao, 600 ha đất xây dựng dân cư nông thôn. Hiện tại, công tác lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng đã cơ bản hoàn thành. Trong đó, có 6 chuyên ngành: du lịch, giao thông, cấp điện, thủy lợi, bưu chính - viễn thông, công nghệ thông tin, thương mại đã được phê duyệt. Ngoài ra, Đề án tổng thể bảo vệ môi trường đảo Phú Quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt. Hiện nay, UBND tỉnh Kiên Giang đang chỉ đạo Ban Quản lý đầu tư phát triển đảo Phú Quốc phối hợp với đơn vị tư vấn lập kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống thu gom và các khu xử lý nước thải tập trung trên đảo. Trong quy hoạch phát triển huyện đảo Phú Quốc, Huyện hết sức chú trọng việc bảo vệ rừng và nguồn tài nguyên rừng quốc gia; chú trọng xây dựng các trục giao thông vòng quanh đảo; nâng cấp, mở rộng đường Bắc - Nam đảo để phát triển tuyến du lịch sinh thái của đảo. Những dự án trên đều được thẩm định và bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với tăng cường tiềm lực QP-AN, xây dựng KVPT vững chắc. Theo đó, các ngành, các cấp tích cực triển khai phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ và khả năng của mình. Cùng với việc đẩy mạnh kết hợp phát triển KT-XH với củng cố QP-AN ở từng địa phương, Huyện tăng cường chỉ đạo xây dựng xã, thị trấn vững mạnh, an toàn, làm chủ; xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện; bố trí lại thế trận QP-AN phù hợp với sự phát triển KT-XH; tập trung đầu tư củng cố các công trình quốc phòng, nhất là các công trình phòng thủ trọng yếu; điều chỉnh các phương án bảo vệ mục tiêu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; tổ chức diễn tập KVPT theo quy định. Những kết quả đạt được trong quá trình kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN là cơ sở quan trọng để Huyện hoàn thành thắng lợi “Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

NGUYỄN THANH SƠN

Ủy viên dự khuyết BCHTƯ Đảng,

Bí thư Huyện ủy

 

Ý kiến bạn đọc (0)