QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 21:55 (GMT+7)
Kết hợp kinh tế với quốc phòng nhìn từ góc độ quy hoạch sử dụng đất hiện nay

Đất đai là một trong những điều kiện không thể thiếu để tiến hành các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh... Đất đai sử dụng vào mục đích quốc phòng ở nước ta trong thời gian qua và hiện nay có những đặc điểm mà chúng ta không thể không lưu ý, trong khi tiến hành việc quy hoạch sử dụng đất.

Do các cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ chống lại cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân ta, dân tộc ta, nên chúng đã triển khai hoạt động quân sự trên địa bàn rộng lớn. Vì vậy, hệ thống căn cứ, cứ điểm, đồn bốt của chúng được xây dựng ở khắp nơi, từ miền núi, đồng bằng đến đô thị, đã sử dụng một diện tích đất khá lớn cho mục đích quân sự.
Công cuộc xây dựng tiềm lực quốc phòng ở miền Bắc XHCN để chi viện cho miền Nam và sẵn sàng đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, cũng đòi hỏi quân đội ta phải sử dụng đất để triển khai các cơ sở đảm bảo hậu cần-kỹ thuật, huấn luyện bộ đội, trận địa pháo, tên lửa phòng không trên quy mô lớn.
Sau khi nước nhà thống nhất, diện tích đất sử dụng cho mục đích quốc phòng trong cả nước, bao gồm: đất do quân đội ta sử dụng và đất do quân đội Mỹ, chư hầu và quân đội ngụy sử dụng trước đó, về cơ bản do các đơn vị quân đội ta quản lý. Đó là chưa kể diện tích đất sử dụng cho mục đích quốc phòng trong thời kỳ chúng ta tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc và phía Tây Nam.
Hiện nay, trước yêu cầu sử dụng đất cho mục đích phát triển kinh tế và dân sinh, một bộ phận đất sử dụng cho mục đích quốc phòng đã được chuyển sang làm mặt bằng cho phát triển các khu công nghiệp, cơ sở dịch vụ, văn hóa, xã hội và phát triển khu dân cư, trong đó có nhà ở cho cán bộ, sĩ quan quân đội. Trong hai năm 1999 và 2000, tất cả các quân khu, quân chủng, binh chủng, quân đoàn trong quân đội đã tiến hành việc quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, cùng với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác định nhu cầu sử dụng đất và diện tích đất cụ thể sử dụng cho mục đích quốc phòng trên từng địa bàn, trình Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ đó đến nay, nhiều diện tích đất do quân đội trực tiếp quản lý đã được chuyển cho địa phương để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời, một số diện tích đất do địa phương quản lý đã được chuyển sang sử dụng cho mục đích quốc phòng.
Việc lập và phê duyệt quy hoạch đất quốc phòng có ý nghĩa rất quan trọng, không những tạo điều kiện để sử dụng cho mục đích sử dụng ổn định đất đai cho mục đích quốc phòng, bảo đảm yêu cầu phòng thủ bảo vệ đất nước, mà còn tạo điều kiện sử dụng hợp lý, hiệu quả hơn nhiều diện tích đất vốn do quân đội quản lý.
Trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất cho mục đích quốc phòng, giữa quân khu, quân chủng, binh chủng, quân đoàn và từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có sự bàn bạc thống nhất. Các quy hoạch sử dụng đất cho mục đích quốc phòng trên từng địa bàn đều có chữ ký xác nhận của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố. Nhìn chung các quân khu, quân chủng, binh chủng, quân đoàn theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đã tạo thuận lợi để chuyển một bộ phận không nhỏ đất do quân đội quản lý cho mục đích kinh tế và dân sinh. Các địa phương cũng đã giao một số diện tích đất cho các đơn vị quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng. Tuy nhiên, trong thời gian qua và hiện nay, đây đó vẫn đang tồn tại một số vấn đề xung quanh việc sử dụng đất cho mục đích quốc phòng. Một số địa phương cho rằng, đất do quân đội quản lý còn “quá lớn”, nhiều diện tích không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, trong khi địa phương rất cần đất cho phát triển kinh tế-xã hội, phát triển khu dân cư. Mặt khác, tình trạng người dân lấn chiếm diện tích đất sử dụng cho mục đích quốc phòng hoặc các ngành, địa phương xây dựng các công trình dân dụng ảnh hưởng đến hoạt động quân sự vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, nhưng vẫn không được ngăn chặn, xử lý kịp thời và triệt để...
Thực tế hiện nay, đất sử dụng cho mục đích quốc phòng không lớn, xét tổng thể, chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong diện tích đất tự nhiên của cả nước. Tuy nhiên, theo nguyên tắc “giữ nguyên hiện trạng” nên tại một số đô thị, nhất là ở phía Nam, trong một số trường hợp, đất sử dụng cho mục đích quốc phòng chiếm tỷ lệ đáng kể. Đây chính là vấn đề mà một số địa phương thường đặt ra, nhất là mỗi khi có các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Trung ương về thăm và làm việc tại địa phương.
Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN là hai nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội là nhiệm vụ trung tâm, quan trọng hàng đầu, nhưng tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc là nhiệm vụ chiến lược rất quan trọng, không thể xem nhẹ. Để giải quyết vấn đề đất đai đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quân sự-quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, mà vẫn bảo đảm được nhu cầu đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội, phát triển khu dân cư, cần giải quyết tốt các vấn đề sau:
Một là, trong công tác quy hoạch sử dụng đất, phải vừa bảo đảm nhu cầu đất cần thiết để sử dụng hẳn cho mục đích quốc phòng trong điều kiện hòa bình, vừa dự kiến diện tích đất phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế-xã hội, nhưng sẽ chuyển sang sử dụng cho mục đích quốc phòng trong điều kiện tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đối với đất vừa phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế-xã hội, vừa sẵn sàng chuyển sang sử dụng cho mục đích quốc phòng khi cần thiết, phải được quy định cụ thể diện tích nào được xây dựng công trình, diện tích nào được liên doanh với nước ngoài. Trong thời gian qua, việc này tuy có bàn nhưng chưa thành những quy định có tính chất bắt buộc, vẫn còn nhiều nơi do chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt, đã đưa vào liên doanh với nước ngoài hoặc cho nước ngoài đầu tư trên những diện tích cần thiết sử dụng cho quốc phòng, thậm chí có trường hợp phá bỏ công trình phòng thủ đã được xây dựng để xây dựng các công trình phục vụ kinh tế-xã hội. Vì vậy, trong xây dựng kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2006-2010, Bộ Quốc phòng và Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có sự phối hợp, hướng dẫn các địa phương và các đơn vị quân đội thực hiện đúng chủ trương quy hoạch đất đai cho mục đích quốc phòng và phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng của Chính phủ.
Hai là, tiếp tục rà soát nhu cầu đất sử dụng cho mục đích quốc phòng và việc sử dụng đất vào mục đích quốc phòng hiện có để điều chỉnh cho phù hợp. Việc điều chỉnh bao gồm: chuyển một số diện tích đất đang sử dụng cho mục đích quốc phòng sang mục đích dân sự và chuyển một số diện tích đất sử dụng cho mục đích dân sự sang mục đích quốc phòng. Việc điều chỉnh này là yêu cầu khách quan, cần thiết nhằm sử dụng đất đai một cách hiệu quả, hợp lý, đáp ứng nhiệm vụ củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh, xây dựng quân đội nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội trước mắt cũng như lâu dài. Hiện nay, đất đai tại các đô thị và vùng ven đô thị có giá trị rất cao. Vì vậy, cần xác định trong đô thị và vùng ven đô thị, diện tích nào cần giữ cho quốc phòng và diện tích nào cần chuyển sang mục đích phát triển kinh tế-xã hội, phát triển khu dân cư. Đối với diện tích đất sử dụng cho mục đích quốc phòng chuyển sang mục đích phát triển kinh tế-xã hội, phát triển khu dân cư, cần trích một tỷ lệ nhất định “tiền sử dụng đất” thông qua ngân sách Nhà nước để cấp cho các đơn vị quân đội xây dựng cơ sở mới hoặc tăng cường tiềm lực quốc phòng. Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể bàn bạc thống nhất, đề xuất Chính phủ có chủ trương về việc này. Trong khi quân đội thiếu điều kiện để tăng cường khả năng phòng thủ bảo vệ đất nước, địa phương thiếu đất ở và những vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội thì việc giải quyết theo hướng nêu trên là cần thiết. Mặt khác, ở một số nơi cũng cần thiết phải tăng thêm đất cho quốc phòng để xây dựng cơ sở hậu cần-kỹ thuật, trung tâm huấn luyện, trường bắn, thao trường, bãi tập..., đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và huấn luyện của các đơn vị quân đội.
Ba là, đối với đất sử dụng cho mục đích quốc phòng do quân đội trực tiếp quản lý, cần quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích. Những diện tích đất hiện tại chưa sử dụng, các đơn vị quân đội đang trực tiếp quản lý cần thông báo cho chính quyền địa phương biết sẽ được sử dụng như thế nào để tránh những vướng mắc, hiểu nhầm. Các đơn vị quân đội trực tiếp quản lý đất sử dụng cho mục đích quốc phòng cần phối hợp với chính quyền địa phương trong việc bảo vệ, chống lấn chiếm trái phép, nhất là đối với các sân bay, trung tâm huấn luyện, trường bắn, thao trường, bãi tập...
Trên đây là những đề xuất ban đầu để nâng cao chất lượng, tính khả thi trong quy hoạch sử dụng đất cho mục đích quốc phòng. Đây là vấn đề lớn, cần có thời gian tiếp tục nghiên cứu, nhất là tham khảo ý kiến của các địa phương, các quân khu, quân chủng, binh chủng, quân đoàn... về hướng giải quyết, để bảo đảm thực hiện thắng lợi cả hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
 
Mai Ái Trực
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
 

Ý kiến bạn đọc (0)