QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 22:46 (GMT+7)
Kết hợp kinh tế với quốc phòng - một nhân tố cơ bản tạo nên sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới

Trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội X của Đảng có đoạn viết: "Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh của đất nước; đẩy mạnh xây dựng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố; tiếp tục phát huy hiệu quả các khu kinh tế- quốc phòng (KT-QP), đặc biệt là các khu quốc phòng- kinh tế và nghiên cứu mở rộng đối với vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo...". Tôi nghĩ rằng, đây là một quan điểm đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Và điều đó đúng với quan điểm mới trong tư duy về quốc phòng của Đảng ta là nêu cao ý chí độc lập tự chủ, tự lực tự cường, dựa vào sức mình là chính để xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

Là một Binh đoàn được Nhà nước và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ làm kinh tế- quốc phòng trên địa bàn chiến lược hơn 20 năm qua, chúng tôi càng hiểu ý nghĩa sâu sắc của quan điểm trên qua thực tiễn hoạt động của Binh đoàn. Kết hợp chặt chẽ KT-QP là một quan điểm xuyên suốt được đặt ra với yêu  cầu ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn của Đảng ta trong thời kỳ mới. Việc phát huy vai trò quân đội tham gia lao động sản xuất, làm nòng cốt về xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng- an ninh (QP-AN) trên địa bàn chiến lược; lập ra các khu KT-QP là một yêu cầu quan trọng đáp ứng đòi hỏi khách quan về xây dựng Quân đội nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong tình hình mới và đã đạt được một số kết quả quan trọng về KT-XH và QP-AN góp phần hoàn thành nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của Quân đội.
Đối với các khu KT-QP trong toàn quân, mỗi khu KT-QP, mỗi đơn vị có chức năng, nhiệm vụ và những nét đặc trưng riêng; nhưng đều phải đạt được mục tiêu chung đó là: Phát triển KT-XH nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong các vùng dự án, hướng dẫn nhân dân phát triển sản xuất và phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, kết hợp bảo đảm QP-AN ở địa bàn chiến lược, biên giới, ven biển, trên cơ sở đó bố trí lại dân cư theo quy hoạch của sản xuất và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở địa phương vững mạnh; từ đó củng cố thế trận QP-AN, xây dựng các làng, xã biên giới ổn định, tạo cho vành đai biên giới có dân, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc trong thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.
Đối với Binh đoàn 15, trải qua hơn 20 năm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với củng cố quốc phòng trên địa bàn Tây Nguyên (một số đơn vị thành viên có hơn 30 năm). Binh đoàn đã hoàn thành mọi chỉ tiêu đặt ra với một Tổng công ty cấp Nhà nước theo cơ chế tự hạch toán. Thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, Binh đoàn đã tham gia tích cực vào các chương trình của Nhà nước và của địa phương: điều chỉnh lao động, tạo việc làm, bố trí lại dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng, định cư, xóa đói, giảm nghèo; tham gia thiết thực vào việc xây dựng cơ sở chính trị- xã hội, góp phần tạo lập nên thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Vận động, tổ chức tạo việc làm ổn định cho gần 9.000 hộ gia đình với hơn 1,5 vạn lao động và trên 5 vạn người trong vùng dự án, trong đó có hơn 4.000 hộ hơn 8.000 lao động là người dân tộc thiểu số ở địa phương vào làm việc tại các khu KT-QP. Binh đoàn phối hợp với các địa phương tổ chức giáo dục, hướng dẫn khuyến nông, khuyến lâm, giúp đỡ đồng bào chuyển đổi sản xuất theo phương thức mới, tạo điều kiện xóa đói giảm nghèo cho đồng bào và được hưởng các lợi ích kinh tế từ hoạt động của các khu KT-QP đem lại. Kết hợp chặt chẽ với công tác vận động quần chúng do Binh đoàn phối hợp với địa phương tiến hành. Đây là những nhân tố quan trọng tạo nên ý thức giác ngộ chính trị của người lao động và đồng bào các dân tộc trên địa bàn, vì vậy, qua 2 sự kiện xảy ra tại Tây Nguyên vào tháng 2/2001 và tháng 4/2004, trong 120 làng, bản của 24 xã do Binh đoàn đảm nhiệm vẫn giữ vững sự ổn định, không có lao động của Binh đoàn, cũng như đồng bào trong vùng dự án tham gia.
Để có sự phát triển tích cực như trên, chúng tôi đã quan tâm giải quyết đồng bộ nhiều yếu tố cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và chính sách. Từ thực tiễn xây dựng và củng cố các khu KT-QP chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc quán triệt nhận thức, tư tưởng mà còn phải vận dụng các khâu cơ bản của quá trình sản xuất kinh tế; xây dựng địa bàn; xây dựng cơ sở chính trị; xây dựng đơn vị. Chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh tế luôn là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Vì có giải quyết được yếu tố hiệu quả kinh tế  thì mới thực hiện được các mặt công tác khác.
Cùng với sự phát triển kinh tế, Binh đoàn đã ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu dân cư tập trung. Tham gia xây dựng địa bàn và tiến hành nhiệm vụ QP-AN. Trên thực tế một số chủ trương Binh đoàn đã thực hiện có hiệu quả như: "vườn cây đến đâu, bố trí cụm điểm dân cư đến đó", "Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với bản, làng". Từ những chủ trương đó, trong những năm qua Binh đoàn đã xây dựng được 120 điểm với 7 trung tâm khu dân cư ở các huyện biên giới của 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Đăk Lăk. Các cụm dân cư này được tổ chức gắn với các khu sản xuất tập trung của các nông trường, công ty, đội sản xuất đan xen với các bản làng của địa phương tạo thành các tuyến KT-QP, KT-XH. Song song với sự phát triển dân cư xã hội, Binh đoàn đã mở mới, nâng cấp đưa vào sử dụng hơn 600 km đường giao thông các loại; xây dựng 3 nhà máy thủy điện với công suất vừa và nhỏ; 3 nhà máy chế biến mủ cao su và phân bón; 60 km đường dây điện cao thế; 33 hồ đập. Hệ thống trường học, mẫu giáo, bệnh xá được phát triển.
Từ kết quả trên có thể khẳng định rằng: hiệu quả về kinh tế chưa cao nhưng hiệu quả tổng hợp về chính trị- xã hội, QP-AN là rất lớn và có ý nghĩa thiết thực trong điều kiện hiện nay trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên.
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng các khu KT-QP Binh đoàn 15 vẫn tồn tại một số vấn đề còn bất cập: Đó là nhận thức của một số cấp ủy, chỉ huy về xây dựng các khu KT-QP chưa đầy đủ, do vậy công tác giáo dục chưa sâu, chưa kỹ, một số cơ chế chính sách thiếu đồng bộ. Trong khi đó số cán bộ được đào tạo chính quy ở các trường của Bộ về công tác tại Binh đoàn rất ít. Việc chăm lo giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, nhất là chính sách dân tộc, tôn giáo... có nơi có lúc làm chưa được thường xuyên.
Từ thực tế xây dựng các khu KT-QP Binh đoàn 15 chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm sau:
- Nắm vững và vận dụng đúng đắn, sáng tạo các quan điểm của Đảng, của Quân đội về xây dựng, phát triển kinh tế gắn với quốc phòng trên địa bàn chiến lược. Triển khai các dự án phải bảo đảm tiến độ, thực hiện đến đâu chắc đến đó, không nóng vội, chủ quan hoặc duy ý chí. Xây dựng các khu KT-QP phải lấy phát triển KT-XH làm trung tâm, và là cơ sở để củng cố và giữ vững QP-AN. Không ngừng nâng cao nhận thức chính trị tư tưởng, trình độ nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ cán bộ, đảng viên; tuyên truyền thuyết phục để đồng bào các dân tộc hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết dân tộc xây dựng cho được thế trận lòng dân trên địa bàn.
Nhìn lại kết quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng các khu KT-QP trong nhiệm kỳ qua và trong thời kỳ đổi mới, chúng tôi thấy rằng cần có nhận thức mới, tư duy mới, cách làm mới để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ KT-QP và xây dựng các khu KT-QP phát triển toàn diện đạt được mục tiêu đề ra. Đồng thời khẳng định rằng: chủ trương xây dựng các khu KT-QP của Đảng, của Quân đội là đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển Quân đội trong thời bình và đặc biệt là đã đáp ứng với đòi hỏi thực tế của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.
Với phương hướng xây dựng các khu KT-QP trong nhiệm kỳ 2006 - 2010, tôi nhất trí cao với dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ VIII đã nêu, đó là: "Xây dựng các khu KT-QP với mục tiêu tăng cường QP-AN là chủ yếu, tập trung xây dựng và phát huy hiệu quả các khu KT-QP, tiếp tục phát triển các khu KT-QP ở các địa bàn chiến lược và những khu vực nhạy cảm trên biên giới đất liền, biển đảo. Đổi mới phương pháp quản lý, điều hành hoạt động của các đoàn KT-QP, quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả vốn KT-QP của Nhà nước giao, đầu tư giải quyết dứt điểm ở từng khu vực, nhằm nhanh chóng phát huy hiệu quả, xây dựng cơ sở hạ tầng để tiếp nhận 100.000 hộ dân vào các khu KT-QP theo chỉ tiêu của Chính phủ giao".
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng các khu KT-QP, tôi xin đề xuất một số vấn đề sau:
- Quán triệt và giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ và người lao động nhận thức sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước và của Quân đội về nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng trong tình hình hiện nay. Từ đó xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ.
- Xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ, bảo đảm tính đặc thù của nhiệm vụ, đặc biệt là chính sách về vốn. Quy hoạch phải phù hợp, tổ chức thực hiện đúng tiến độ và chất lượng.
- Kết hợp chặt chẽ giữa giải quyết việc làm với công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống của người lao động. Tổ chức tốt công tác định canh, định cư và di dân trên cơ sở bố trí lại các cụm điểm dân cư hợp lý, phục vụ tốt cho công tác QP-AN mà tập trung là ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.
- Xây dựng các phương án sẵn sàng chiến đấu, nâng cao chất lượng, lực lượng thường trực sẵn sàng chiến đấu phù hợp với từng đơn vị. Xây dựng cơ sở hạ tầng vừa phục vụ cho nhiệm vụ sản xuất kinh doanh và sẵn sàng chiến đấu khi có chiến tranh xảy ra.
- Phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với cấp ủy, chính quyền địa phương. Tập trung xây dựng cơ sở chính trị và xây dựng địa bàn các cấp, trước hết là cấp xã, phường, thôn bản. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, các đoàn thể quần chúng. Khơi dậy niềm tự hào dân tộc, phát huy bản sắc văn hóa của từng dân tộc trong vùng dự án. Tạo sự đồng thuận và giữ yên lòng dân trong quá trình thực hiện mục tiêu của các dự án, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.
 
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang
Tư lệnh Binh đoàn 15

 

Ý kiến bạn đọc (0)