QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 03:05 (GMT+7)
Kết hợp huấn luyện dã ngoại với làm công tác dân vận - một hình thức hoạt động dân vận có hiệu quả ở Đoàn B.20
Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng-an ninh (QP-AN); có những lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế, nhưng cũng là nơi các thế lực thù địch thường lợi dụng để tiến hành các hoạt động chống phá ta nhằm gây mất ổn định về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Đứng chân trên địa bàn có ý nghĩa quan trọng như vậy, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn bộ binh cơ giới B.20 (thuộc Binh đoàn Tây Nguyên) xác định: cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện, xây dựng chính quy, nâng cao trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, còn phải làm tốt công tác dân vận, góp phần đưa nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống, tạo ra những tiền đề chính trị, xã hội quan trọng đảm bảo cho việc giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn. Việc làm này còn thiết thực thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng còn nhiều khó khăn. Để thực hiện công tác dân vận có hiệu quả, Đoàn đã vận dụng nhiều hình thức như kết nghĩa, phối hợp hoạt động giữa đơn vị với các đoàn thể ở địa phương, cơ sở; cử các tổ, đội công tác tham gia xây dựng cơ sở xã, phường; huấn luyện dã ngoại kết hợp với làm công tác dân vận... Mỗi hình thức công tác dân vận trên đều đạt được hiệu quả thiết thực, trong đó kết hợp huấn luyện dã ngoại với làm công tác dân vận là một hình thức hoạt động dân vận phù hợp với một đơn vị bộ đội chủ lực, được Đoàn vận dụng thường xuyên hằng năm, mang lại hiệu quả cao. Từ hoạt động thực tiễn, chúng tôi xin nêu một số việc làm cụ thể, cũng là những kinh nghiệm bước đầu về công tác dân vận trong quá trình tổ chức cho bộ đội huấn luyện dã ngoại ở Đoàn B.20 để cùng trao đổi.

Xác định công tác dân vận là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, Đoàn đã thường xuyên làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực hoạt động thực tiễn của cán bộ, chiến sĩ, nhất là cán bộ chủ trì các cấp. Hằng năm, gắn với các đợt sinh hoạt, học tập chính trị thường xuyên và đột xuất, với các đợt hành quân huấn luyện dã ngoại kết hợp với làm công tác dân vận, Đoàn đã tổ chức để cán bộ, chiến sĩ nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân đội về công tác vận động quần chúng trong tình hình mới. Tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ nghiên cứu, học tập về chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chủ trương phát triển KT-XH kết hợp với bảo đảm QP-AN trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên của Đảng và Nhà nước ta. Kết hợp với việc sinh hoạt, học tập, Đoàn đã chủ động bồi dưỡng, hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ nắm chắc phong tục, tập quán, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số; tổ chức nhiều lớp học tiếng dân tộc thiểu số (chủ yếu là tiếng Gia Rai) vào ngày thứ 6 hằng tuần cho cán bộ, chiến sĩ tại các đơn vị. Công tác thông tin về tình hình chính trị, KT-XH, QP-AN với các động thái và chiều hướng diễn biến trên địa bàn được tiến hành kịp thời, thường xuyên tới cán bộ, chiến sĩ. Các đơn vị hành quân huấn luyện dã ngoại kết hợp với làm công tác dân vận cũng như đơn vị hành quân dã ngoại làm nhiệm vụ đột xuất tăng cường xuống cơ sở làm công tác vận động quần chúng trong ngày lễ, Tết Nguyên đán đều được phổ biến cụ thể về yêu cầu, nội dung, bồi dưỡng về phương pháp tiến hành. Nhờ thực hiện tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng một cách toàn diện, đặc biệt là chú trọng nâng cao hiểu biết về quan điểm, đường lối của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, về bản chất cách mạng, truyền thống của Quân đội nhân dân, truyền thống của Đoàn và các đơn vị nên cán bộ, chiến sĩ của Đoàn đều có nhận thức đúng về tầm quan trọng của công tác dân vận, về trách nhiệm của đơn vị mình, cá nhân mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Trong tổ chức thực hiện, Đoàn đã tiến hành khảo sát, nắm chắc tình hình, đặc điểm, những thuận lợi, khó khăn của địa bàn; trên cơ sở đó xác định chương trình, kế hoạch tiến hành công tác dân vận cụ thể, thiết thực. Bám sát kế hoạch huấn luyện dã ngoại kết hợp với làm công tác dân vận đã được cấp trên phê duyệt, chỉ huy Đoàn đã chỉ đạo các đơn vị xác định, lựa chọn khu vực huấn luyện phù hợp yêu cầu thực hiện hai mặt công tác trên; tiếp đó, triển khai xây dựng kế hoạch huấn luyện, kế hoạch làm công tác dân vận và tổ chức lực lượng cán bộ đi trinh sát trước nắm chắc tình hình, đặc điểm địa bàn. Quá trình trinh sát là quá trình thực hiện các nội dung như thống nhất đường hành quân, khu vực trú quân, khu vực huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật bộ binh, khu vực huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật các binh chủng; đồng thời, tổ chức khảo sát nắm chắc tình hình, đặc điểm, những thuận lợi, khó khăn của địa bàn. Qua khảo sát, nghiên cứu tại các địa bàn mà Đoàn có các đơn vị tăng cường xây dựng cơ sở và huấn luyện dã ngoại cho thấy, nhân dân các dân tộc ở đây vốn giàu truyền thống cách mạng, kiên cường, bất khuất trong kháng chiến, trung thực, cần cù trong lao động, đã góp phần vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, ở nhiều cơ sở, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa hiện còn nhiều khó khăn: cơ sở hạ tầng, sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục còn thấp kém; đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều thiếu thốn; tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao. “Thế trận lòng dân” chưa thật sự vững chắc, một bộ phận quần chúng, nhất là trong đồng bào các dân tộc thiểu số còn bị các thế lực thù địch và bọn phản động lừa mỵ, lôi kéo, mua chuộc, ép buộc, gây mất ổn định về chính trị. Chất lượng chính trị của lực lượng dự bị động viên, dân quân, tự vệ chưa đồng đều. Cơ sở chính trị ở một số nơi còn yếu. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng có nơi, có lúc còn bị động; chưa kịp thời đập lại luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước... Qua khảo sát tình hình, kế hoạch công tác dân vận trong thời gian huấn luyện dã ngoại từ Đoàn đến các đơn vị, phân đội được xây dựng tỷ mỷ, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân, báo cáo cấp trên duyệt; tập trung vào việc tham gia giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, bức xúc về KT-XH và QP-AN đang đặt ra ở từng địa phương, cơ sở. Việc làm này đã khắc phục được tình trạng chung chung, hình thức, thiếu thiết thực trong công tác dân vận.
Thực hiện kế hoạch đã được phê duyệt, chỉ huy Đoàn yêu cầu các đơn vị nắm vững chức năng, nhiệm vụ, xác định tốt trách nhiệm, không ngại khó khăn, gian khổ, tích cực, chủ động, sáng tạo triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Chấp hành chỉ thị, mệnh lệnh huấn luyện của cấp trên, hằng năm, các đơn vị của Đoàn thường tổ chức cho bộ đội hành quân huấn luyện dã ngoại kết hợp với làm công tác dân vận thời gian từ 1-2 tháng, với cung đường trên dưới 100 km. Sau khi kết thúc nội dung huấn luyện ở từng điểm đã xác định, các đơn vị chuyển sang nội dung làm công tác dân vận. Cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã đi sâu vào các làng bản tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu đúng và tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào đường lối phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thấu hiểu đường lối, chính sách dân tộc, tôn giáo nhất quán của Đảng, pháp luật của Nhà nước; không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng, nhận rõ chiến lược “diễn biến hòa bình” do các thế lực thù địch, phản động tiến hành, nhất là âm mưu, thủ đoạn lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền để nói xấu Đảng, chế độ, kích động ly khai, gây mất ổn định chính trị trên địa bàn. Các đơn vị đã làm tốt chức năng tham mưu, đề xuất những chủ trương, biện pháp nhằm góp phần xây dựng, củng cố, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở; trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, năng lực điều hành của chính quyền, hiệu quả hoạt động của đoàn thể chính trị-xã hội ở địa phương, cơ sở. Chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, nhất là xây dựng các phương án phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, phương án tác chiến trị an, bảo vệ địa phương, xây dựng lực lượng dự bị động viên, dân quân, tự vệ vững mạnh làm chỗ dựa vững chắc cho nền quốc phòng toàn dân ngay ở mỗi địa phương, cơ sở. Tích cực giúp dân phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo như: xây dựng cơ sở hạ tầng; thực hiện chính sách xã hội đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng; hướng dẫn đồng bào kỹ thuật sản xuất, kỹ thuật chăn nuôi và thay đổi cách nghĩ, cách làm, tập tục canh tác; giao lưu, thúc đẩy phong trào thể thao, văn hóa, văn nghệ ở địa phương, cơ sở... Trong năm 2006, Đoàn tổ chức 3 đợt huấn luyện dã ngoại kết hợp với làm công tác dân vận tại 8 xã vùng sâu, vùng xa, biên giới trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Các đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương tuyên tuyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được 12 buổi với 2.112 lượt người; 5 buổi phổ biến kiến thức phòng chống dịch bệnh, giữ gìn sức khỏe cho nhân dân; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc cho 300 lượt người; cùng nhân dân tu sửa 4 km đường liên thôn, củng cố 4 trường học, dọn vệ sinh công sở, đường làng; giúp dân thu hoạch 5 ha hoa màu; tổ chức 18 trận giao hữu bóng đá, bóng chuyền, 7 buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ... Đoàn còn nhận nhiệm vụ đột xuất tổ chức một số đại đội hành quân dã ngoại tăng cường xuống cơ sở “điểm nóng” về an ninh chính trị trong các ngày lễ, Nô-en, Tết Nguyên đán làm công tác vận động quần chúng. Tại các địa bàn này, cán bộ, chiến sĩ Đoàn B.20 đã quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt phương châm 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm), 4 bám (bám nghị quyết, bám địa bàn, bám dân, bám công việc), phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động, làm cho nhân dân nhận thức đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách về tôn giáo, dân tộc; phân tích để đồng bào hiểu rõ bản chất của cái gọi là “Nhà nước Đề Ga”, “Tin lành Đề Ga” và những thủ đoạn kích động đồng bào vượt biên trái phép ra nước ngoài... đó là âm mưu chống phá cách mạng, mê hoặc nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch đối với từng địa phương, cơ sở. Kiên trì thuyết phục đồng bào không nghe theo lời dụ dỗ, lừa gạt, kích động của bọn phản động; không tụ tập gây rối, làm mất trật tự trị an làng, xã; hỗ trợ, tạo thế cho chính quyền địa phương giữ vững ổn định chính trị, kỷ cương, pháp luật; cảm hóa được 34 đối tượng chống đối. Tích cực tham gia cùng địa phương và nhân dân sửa chữa mạng đường giao thông nông thôn, đường mương dẫn nước; giúp dân quy hoạch vườn tạp, trồng hoa màu; trích quỹ của đơn vị thăm, tặng quà 70 gia đình chính sách, khó khăn, trị giá 2 triệu đồng, tặng sổ tiết kiệm cho 15 gia đình, trị giá 7.500.000 đồng, tặng qùa Tết cho 15 gia đình, trị giá 1.500.000 đồng, cấp 1.200 kg gạo cho 220 gia đình... Những việc làm cụ thể, thiết thực đó đã góp phần tô thắm thêm bản chất, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới; cũng là tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mỗi cán bộ, chiến sĩ Đoàn B.20 Anh hùng đối với sự cưu mang, đùm bọc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, đồng bào dân tộc trên địa bàn đứng chân của Đoàn nói riêng trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành hiện nay.
 Công tác dân vận là một chức năng, một mặt hoạt động của quân đội, thể hiện bản chất tốt đẹp của quân đội ta. Để thực hiện ngày càng hiệu quả nhiệm vụ chính trị quan trọng này, chúng tôi thấy, cùng với nỗ lực của đơn vị, còn cần sự chỉ đạo sát sao của cấp trên, nhất là cơ quan dân vận các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương. Trong thực hiện nhiệm vụ hành quân huấn luyện dã ngoại kết hợp với làm công tác dân vận, ngoài việc bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí cho huấn luyện, cấp trên cần nghiên cứu, bổ sung cơ sở vật chất bảo đảm cho các lực lượng làm công tác dân vận, nhất là nghiên cứu cải tiến nâng cao chất lượng các loại trang bị hậu cần, phục vụ ăn, ở cho bộ đội; đồng thời, cần có nguồn kinh phí nhất định để các đơn vị thực hiện thăm hỏi, tặng quà, mua sắm dụng cụ, phương tiện thể thao, văn hóa, văn nghệ giúp các cơ sở đẩy mạnh phong trào xây dựng môi trường văn hóa mới lành mạnh ở các thôn, bản.
Đại tá Nguyễn Xuân Trương
Chính ủy Đoàn B.20
 

Ý kiến bạn đọc (0)