QPTD -Thứ Sáu, 25/11/2011, 00:08 (GMT+7)
Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh ở tỉnh biên giới Long An

Tỉnh Long An thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, có đường biên giới tiếp giáp với Vương quốc Cam-pu-chia, dài 137,7 km, có 2 cửa khẩu là Bình Hiệp - Mộc Hoá (cửa khẩu quốc gia) và Tho Mo- Đức Huệ. Trên địa bàn Tỉnh còn có các trục giao thông thuỷ, bộ nối liền thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Là thành viên của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, lại nằm trong vành đai phát triển công nghiệp, đô thị của trung tâm kinh tế lớn và là cửa ngõ phía tây thành phố Hồ Chí Minh, nên Long An có vị trí quan trọng về nhiều mặt, đặc biệt là về quốc phòng-an ninh (QP-AN) trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Long An luôn đoàn kết, thống nhất, vượt qua nhiều khó khăn, nỗ lực phấn đấu giành được những thành tựu quan trọng; trong đó có một số mặt phát triển mang tính “đột phá”, tạo ra thế và lực mới đối với Tỉnh. Nổi bật là, Tỉnh có hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật khá đồng bộ; gồm hệ thống giao thông thủy bộ, các khu công nghiệp, các dịch vụ bưu chính-viễn thông, bảo hiểm, ngân hàng, điện, cấp thoát nước… đang phát triển và nhiều khu dân cư mới thành lập. Những thành tựu trong xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đã tạo cho Tỉnh có diện mạo mới và là cơ sở để tiếp tục thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Phát huy truyền thống “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”, quân và dân tỉnh Long An đang tập trung mọi nỗ lực cho phát triển KT-XH, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của Đảng ở địa phương thời kỳ mới.
    Xuất phát từ vị trí, tiềm năng và kinh nghiệm của những năm đổi mới, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ VIII xác định rõ mục tiêu xây dựng Long An trở thành tỉnh công nghiệp phát triển và hội nhập vững chắc vào vùng kinh tế trọng điểm của phía Nam và cả nước; khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của Tỉnh, phát huy nội lực, xây dựng Tỉnh thật sự vững mạnh về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường sức mạnh QP-AN trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH). Trong các giải pháp tổ chức thực hiện, Tỉnh chú trọng “Kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm QP-AN với phát triển KT-XH ngay từ công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch và hình thành các dự án đầu tư phát triển; có chính sách phát triển, nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới. Xây dựng vững chắc các khu vực phòng thủ (KVPT) tỉnh, huyện”.
Từ kết quả đạt được và những mặt còn hạn chế, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và nhân dân Long An nhận thức rõ và đầy đủ hơn về sự cần thiết phải kết hợp chặt chẽ phát triển KT-XH với QP-AN. Thực tế ở Long An đã khẳng định, chính trị ổn định, QP-AN được tăng cường là điều kiện để phát triển KT-XH và ngược lại, kinh tế phát triển nhanh, bền vững sẽ tạo cơ sở nền tảng vật chất cho giữ vững ổn định chính trị, tăng cường QP-AN. Với nhận thức đó, Bộ Chỉ huy Quân sự  Tỉnh đã chủ động phối hợp cùng các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tích cực tham mưu giúp Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân  Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo địa phương thực hiện kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế ngay từ trong  quy hoạch phát triển KT-XH của Tỉnh và của từng ngành. Ngoài ra, Bộ Chỉ huy Quân sự thực hiện tốt chức năng, quyền hạn trong việc thẩm định các dự án KT-XH; kiến nghị với Tỉnh điều chỉnh và bổ sung vào các dự án những nội dung cần thiết, gắn kết với yêu cầu quân sự, quốc phòng như: hệ thống giao thông vận tải, bưu chính-viễn thông, tạo nguồn nhân lực, tạo nguồn huy động tại chỗ về hậu cần, kỹ thuật đảm bảo cho KVPT... Đến nay, quy hoạch của từng ngành bước đầu đã có sự gắn kết giữa kinh tế ngành với đáp ứng yêu cầu quốc phòng, có thể chuyển sản xuất từ thời bình sang thời chiến và sẵn sàng động viên phục vụ nhiệm vụ quốc phòng theo yêu cầu đặt ra. Nhiều nhà máy, xí nghiệp của Tỉnh đã được đưa vào quy hoạch cả trước mắt và lâu dài, sản xuất theo kế hoạch phát triển kinh tế và đồng thời cũng là cơ sở tiềm lực quốc phòng, là lực lượng dự bị động viên (con người và phương tiện kỹ thuật), lực lượng hậu cần - kỹ thuật của KVPT khi có tình huống chiến tranh. Các khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hiệu quả ở Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Tân An; các cụm, tuyến dân cư vượt lũ được xây dựng ở vùng Đồng Tháp Mười... là sự thể hiện cụ thể và rõ nhất về phát triển kinh tế vùng, ngành kết hợp với đảm bảo những yêu cầu của QP-AN. Không những thế, Tỉnh còn chỉ đạo các cơ sở sản xuất, công ty, xí nghiệp, cơ quan chú trọng xây dựng, phát triển lực lượng tự vệ, lực lượng dự bị động viên, góp phần giữ gìn an ninh chính chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Trong phát triển KT-XH, Long An xác định rõ ba vùng kinh tế đặc trưng gồm: Vùng kinh tế trọng điểm: tập trung phát triển kinh tế công nghiệp, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp ven đô, nông nghiệp công nghệ cao; dân cư được bố trí lại theo hướng tập trung, phát triển đô thị... Vùng Đồng Tháp Mười: tập trung sản xuất chuyên canh, thâm canh lương thực, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, phát triển du lịch sinh thái, kinh tế cửa khẩu; tổ chức xây dựng các cụm, tuyến dân cư vượt lũ. Vùng Hạ: tập trung phát triển kinh tế đa dạng, kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, thủy sản, dịch vụ cảng... Trước mắt, Tỉnh tập trung phát triển các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất và các dịch vụ công cộng như: cấp điện, cấp thoát nước, bưu chính - viễn thông, ngân hàng, phương tiện giao thông,... có đủ khả năng cung ứng phục vụ cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Tính đến tháng 6 năm 2007, toàn Tỉnh đã quy hoạch và xây dựng tập trung được 60 khu công nghiệp, khu chế xuất; giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động, góp phần làm chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế  của Tỉnh theo hướng CNH, HĐH. Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng 27,9%; nông nghiệp giảm còn 42,6%... Chương trình khai thác tiềm năng vùng Đồng Tháp Mười đạt hiệu quả tích cực, sản lượng lương thực đạt gần 1,8 triệu tấn. Đồng thời, Tỉnh cũng đã xây dựng hoàn chỉnh 187 cụm, tuyến dân cư vượt lũ ở các huyện Tân Hưng, Mộc Hoá, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hoá, Thủ Thừa và Đức Huệ, giải quyết cho hàng nghìn người dân có chỗ ở, ổn định cuộc sống, yên tâm bám địa bàn tham gia sản xuất, phát triển kinh tế, hình thành các thị trấn, thị tứ, các cụm dân cư, tạo nguồn nhân lực, vật lực tại chỗ. Quy hoạch phát triển trong tương lai, Tỉnh hết sức chú trọng các vấn đề về kiểm soát lũ, xây dựng các trục giao thông nội địa, trên tuyến biên giới để vừa làm đê ngăn lũ, làm tuyến du lịch Đồng Tháp Mười, vừa làm trục đường cơ động lực lượng bảo đảm kịp thời phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng của địa phương. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng chốt cho các đơn vị dân quân thường trực, trụ sở Ban Quân sự các xã trên tuyến biên giới và các công trình chiến đấu trong hệ thống phòng thủ của Tỉnh. Từ thực tiễn có thể khẳng định việc kết hợp kinh tế- quốc phòng ở Long An đã đạt kết quả bước đầu quan trọng được thể hiện cả trong nhận thức và hành động. Nhiệm vụ xây dựng KVPT tỉnh vững chắc được thực hiện tốt, có sự chuyển biến toàn diện và về chiều sâu.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc theo Chỉ thị 56/CT của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo gắn với sự nghiệp CNH, HĐH; đẩy mạnh kết hợp phát triển KT-XH với QP- AN ở từng địa phương và trên địa bàn Tỉnh. Trong đó, chú trọng tiếp tục xây dựng các cụm QP -AN, bố trí lại thế trận QP- AN phù hợp với sự phát triển KT-XH. Trên cơ sở phân bố mới về phát triển kinh tế, từng bước điều chỉnh, củng cố, hình thành các cụm, tuyến phòng thủ trên tuyến biên giới và nội địa. Tập trung xây dựng xã, phường vững mạnh, xây dựng các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, KVPT then chốt... Củng cố các công trình quốc phòng, nhất là các công trình, trận địa phòng thủ trọng điểm, bổ sung các phương án bảo vệ mục tiêu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, các cơ quan lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp; tổ chức diễn tập KVPT theo kế hoạch.
Khắc phục tình trạng: một số cán bộ cơ sở nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của sự kết hợp KT-XH với QP-AN nên trong thực hiện chỉ chú trọng phát triển kinh tế, chưa quan tâm đúng mức đến công tác quân sự, quốc phòng; Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân Tỉnh đã đặc biệt coi trọng việc nâng cao nhận thức, trước hết là của cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp, nhằm tạo ra sự thống nhất cao từ tỉnh đến huyện và cơ sở về  yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân ở địa phương thời kỳ mới; chú trọng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch trên địa bàn. Những năm gần đây, Tỉnh đã chủ động tổ chức luân phiên cho 12 cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, 235 cán bộ chủ chốt các ban, ngành cấp tỉnh và lãnh đạo cấp huyện, thị xã tham dự các khóa bồi dưỡng kiến thức QP-AN theo yêu cầu. Ngoài ra, gần 2.000 lượt cán bộ lãnh đạo xã, phường, thị trấn; 4.300 lượt cán bộ xã, thị trấn, các bí thư chi bộ ở cơ sở; hơn 200 chức sắc, chức việc tôn giáo cũng được tham dự các lớp bồi dưỡng kiến thức QP- AN do Tỉnh và các huyện tổ chức.
Những kết quả mà Long An đạt được trên các lĩnh vực, nhất là về QP-AN, kết hợp phát triển KT-XH với  tăng cường QP-AN thời gian qua mới chỉ là bước đầu, nhưng rất quan trọng, tạo cơ sở, nền tảng để Tỉnh thực hiện ngày càng tốt hơn hai nhiệm vụ: xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc ở địa phương, cơ sở trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế.
Đại tá Nguyễn Văn Kìa
Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy
Chỉ huy trưởng BCHQS Tỉnh
 
Ý kiến bạn đọc (0)