QPTD -Chủ Nhật, 04/12/2011, 23:35 (GMT+7)
Huyện miền núi biên giới Đăk R’Lấp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh

Đăk R’Lấp là huyện miền núi, biên giới, thuộc tỉnh Đắk Nông, có diện tích tự nhiên 1.758,14 km2, dân số hơn 86 nghìn người, có 24 dân tộc, được phân bố trên 12 xã và 1 thị trấn, trong đó có khoảng 30% là đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện Đăk R'Lấp có Quốc lộ 14, với 2 tuyến 14A và 14C chạy dọc theo chiều dài Huyện, nối liền khu vực Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ, có trục giao thông tỉnh lộ chạy dọc tuyến biên giới qua cửa khẩu Bu Prăng sang Campuchia. Là mảnh đất địa đầu Tây Nguyên, có lợi thế về địa lý tự nhiên, với 42 km đường biên giới giáp tỉnh Muldulkiri của Vương quốc Campuchia, nên huyện Đăk R'Lấp có vị trí chiến lược quan trọng về phát triển kinh tế và quốc phòng-an ninh  của tỉnh Đắk Nông  trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Nhiều năm qua, nhờ có những chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước đối với các huyện miền núi, biên giới và sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong Huyện, nên  Đăk R’Lấp có sự phát triển khá toàn diện, vững chắc, tạo được diện mạo mới. Giai đoạn 2000-2005 vừa qua, tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 13,7%, tổng sản phẩm xã hội đạt khoảng 1.326 tỷ đồng, riêng năm 2005 thu ngân sách đạt 30 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, tiểu-thủ công nghiệp và dịch vụ; đời sống kinh tế, xã hội của đồng bào các dân tộc đã từng bước được cải thiện và nâng lên. Cùng với đó,  an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được ổn định, quốc phòng được củng cố, an ninh biên giới được giữ vững, văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế có chuyển biến tích cực Với những thành tích trong kháng chiến chống xâm lược và kết quả đạt được trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 31-12-2005 Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Đăk R'Lấp vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn Tây Nguyên, Đăk R'Lấp hiện vẫn là huyện nghèo, tỷ lệ đói nghèo còn cao, nguồn thu chủ yếu vẫn từ nông, lâm nghiệp, cơ sở vật chất và hạ tầng cơ sở  khó khăn. Trên địa bàn Huyện có nhiều đồng bào tôn giáo, dân tộc thiểu số và còn tồn tại những tập tục sinh hoạt cổ hủ, phương thức canh tác nông nghiệp của đồng bào các dân tộc thiểu số còn lạc hậu… Trong khi đó, lực lượng thù địch bên ngoài đang tìm cách móc nối, cung cấp tiền, phương tiện thông tin cho các tổ chức phản động ra sức chống phá, gây nên sự nghi kỵ, mất niềm tin của một bộ phận nhân dân. Một số đối tượng thuộc tổ chức Fulrô, “Nhà nước Đề ga độc lập”…nhen nhóm ngóc đầu hoạt động trở lại nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, làm tình hình chính trị, xã hội bất ổn định; nếu ta sơ hở, có thể chúng gây “điểm nóng”, tạo cớ can thiệp vào nội địa.
Trước những thuận lợi và những khó khăn, thách thức đặt ra, Huyện uỷ- UBND Huyện chủ trương phát huy những thành tựu đạt được trong 5 năm qua và 20 năm đổi mới, tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, tự lực, tự cường xây dựng huyện Đăc R’lấp phát triển nhanh, bền vững. Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế – xã hội với củng cố quốc phòng-an ninh gắn với bảo vệ môi trường, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; xây dựng, kiện toàn và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh. Chủ động xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân, giữ vững ổn định chính trị và bảo đảm trật tự an toàn xã hội,  góp phần cùng tỉnh Đắk Nông và cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.  
Trong qui hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Huyện chú trọng vào đầu tư chiều sâu cho các ngành nông nghiệp; điều chỉnh, bố trí cơ cấu kinh tế hợp lý, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn, tạo cơ sở cho nền kinh tế nhiều thành phần của Huyện từng bước phát triển bền vững, làm cơ sở cho củng cố quốc phòng, an ninh, ổn định nội địa, quản lý và bảo vệ tỉnh biên giới. Hyện Đăk R'Lấp có nhiều thuận lợi phát triển các loại cây công nghiệp, có mỏ quặng bôxít có trữ lượng lớn, sông, hồ nhiều, quĩ đất đai còn khá phong phú, có cửa khẩu giao lưu văn hoá, kinh tế, thương mại với các nước láng giềng và có thể mở rộng đường giao thông liên tỉnh đến các địa phương như Lâm Đồng, Bình Thuận và vùng Đông Nam Bộ…,nhưng những lợi thế đó vẫn ở dạng tiềm năng.  Hiện nay và những năm tới, Huyện chú trọng chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng trồng chuyên canh, chăn nuôi tập trung, mạnh dạn thay thế các loại cây, con giống kém chất lượng bằng loại có hiệu quả kinh tế hơn nhưng vẫn thích nghi với các tiểu vùng sinh thái và đáp ứng với yêu cầu thị trường. Tăng cường việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhất là công nghệ sinh học vào lai tạo giống mới và phục vụ công nghệ sau thu hoạch. Triển khai kế hoạch chuyển đổi số diện tích rừng nghèo kiệt sang sản xuất nông nghiệp, thực hiện giao khoán, quản lý rừng cho dân, ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Đồng thời, gắn các khu công nghiệp chế biến với vùng nguyên liệu cà phê, điều, cao su, hồ tiêu… tạo ra sản phẩm có thương hiệu truyền thống trên thị trường trong nước và khu vực. Chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Binh đoàn 16 làm nhiệm vụ kinh tế, quốc phòng trên địa bàn để tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, nhất là các vùng rừng đệm, rừng phòng hộ, rừng vùng biên giới. Phối hợp với Tỉnh triển khai dự án khai thác quặng bôxít và xây dựng khu công nghiệp Nhơn Cơ. Có cơ chế, chính sách phù hợp, tạo môi trường thông thoáng thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng về điện lưới, giao thông, bưu điện, y tế…, góp phần thúc đẩy kinh tế Huyện phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo các cấp, cải thiện mặt bằng dân trí, bảo đảm có trên 95% trẻ em trong độ tuổi học được lên lớp, 100% giáo viên đạt chuẩn hoá . Chủ động phối hợp, tạo điều kiện cho bộ đội biên phòng, các đội công tác 123 của Bộ chỉ huy quân sự Tỉnh tổ chức các lớp dạy văn hoá tình thương cho con em người dân tộc thiểu số  ở vùng sâu, vùng xa, duy trì phổ cập tiểu học và chống tái mù chữ, thực hiện xã hội hoá giáo dục, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các loại hình nhà trường ở những khu trung tâm dân cư, đào tạo nguồn lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội. Phối hợp với Trung tâm giáo dục thường xuyên, chi nhánh Trường đào tạo nghề miền Nam (Bộ Quốc phòng) đứng trên địa bàn, tổ chức đào tạo lại ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ cho thanh niên và các tầng lớp nhân dân. Coi trọng các chính sách dân tộc, tôn giáo và chăm lo chính sách đền ơn đáp nghĩa…Phấn đấu trong giai đoạn 2006- 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt trên 15%, công nghiệp tăng 34,5%, nông nghiệp tăng trên 9%, dịch vụ tăng 24%; bảo đảm 100% thôn, bản có điện lưới quốc gia, trên 90% số hộ được dùng điện; nhựa hoá 50% đường liên xã; 100 dân có 7-8 máy điện thoại, 95% số hộ dân được nghe đài truyền tranh và xem truyền hình; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1,4%; giảm số hộ nghèo (theo tiêu chí mới) mỗi năm từ 5-7%; hoàn thành phổ cập trung học cơ sở; xây dựng trên 50% trạm y tế xã, thị trấn đạt “Chuẩn quốc gia về y tế”, trên 80% dân số ở trung tâm thị trấn được sử dụng nước sạch…
Đi đôi với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, Huyện uỷ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị ở địa phương, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ địa phương, bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Huyện xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đặc biệt đối với một huyện miền núi, biên giới, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều tôn giáo, trình độ dân trí còn thấp như Đắk R’Lấp. Trên địa bàn Huyện, tình hình an ninh chính trị còn diễn biến khá phức tạp, các thế lực thù địch ra sức kích động, mua chuộc, tổ chức truyền đạo trái pháp luật, lừa mị đồng bào các dân tộc đấu tranh, chống đối chính quyền, lôi kéo vượt biên, tạo “điểm nóng” để gây bạo loạn, tạo cớ can thiệp vào địa phương.  Bởi vậy, Huyện uỷ tập trung chỉ đạo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân ở từng làng, xã, bon, buôn, trong đó đặc biệt coi trọng việc kiện toàn hệ thống chính trị ngày một trong sạch, vững mạnh, đủ năng lực điều hành, xử lý các tình huống tại chỗ. Thường xuyên củng cố “thế trận lòng dân”, tạo niềm tin cho đồng bào các dân tộc tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là cấp uỷ, chính quyền cơ sở. Để có “thế trận lòng dân” vững chắc, Huyện chỉ đạo các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng phải sâu sát, thực sự gần dân, thấu hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân nói chung và từng dân tộc thiểu số nói riêng. Trên cơ sở đó tham mưu cho Huyện uỷ, UBND Huyện có chủ trương, giải pháp đúng, có chính sách hợp lòng dân, sát thực với đời sống của nhân dân và động viên nhân dân thực hiện tốt nghĩa vụ của mình trước yêu cầu phát triển và bảo vệ địa phương trong tình hình mới. Với quan điểm đó, Huyện chỉ đạo từng ban, ngành, đơn vị bằng các hình thức kết nghĩa, đỡ đầu…phân công nhau xuống từng làng, xã, bon, buôn để tuyên truyền, giáo dục vận động đồng bào thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các đội công tác chuyên trách của công an, bộ đội được bồi dưỡng nghiệp vụ, học tập nắm vững chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, học tiếng dân tộc thiểu số, nâng cao hiểu biết phong tục, tập quán, tín ngưỡng của đồng bào và kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi…theo kỹ thuật mới được đưa về các địa bàn trọng điểm, thực hiện “4 cùng” với dân, giúp nhân dân phương thức canh tác, nuôi trồng tiên tiến, khoa học, có hiệu quả, giữ gìn vệ sinh buôn, làng. Các tập quán, truyền thống tốt đẹp của đồng bào được khuyến khích giữ gìn và phát triển như Lễ hội cồng chiêng, Lễ cúng Giàng, tập tục hát trường ca Oc Rong… góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá từng dân tộc, một số nơi đã bỏ được tập tục cổ hủ như phạt vạ, thách cưới... Nhờ đó, đồng bào các dân tộc trong Huyện luôn đoàn kết, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh của địa phương.
Rút kinh nghiệm từ vụ bạo động tháng 2/2001 trên địa bàn Tây Nguyên do bọn phản động gây ra, Huyện coi trọng việc sắp xếp, kiện toàn chi bộ quân sự xã, buôn, tạo sự gắn kết hơn nữa giữa công tác vận động quần chúng với công tác quân sự địa phương và các hoạt động xã hội. Đến nay, 100% chi bộ quân sự ở các xã, thị trấn hoạt động có nền nếp, với 100% xã đội trưởng, 78% xã đội phó là đảng viên, tỷ lệ lãnh đạo đạt 4,5%. Nhờ vậy, hệ thống cơ sở chính trị luôn nắm chắc tình hình, sự kiện tháng 4/2004 xảy ra trên một số địa bàn Tây Nguyên, nhưng an ninh chính trị và trật tự xã hội của Đắk R’Lấp vẫn được giữ vững.
Cùng với việc duy trì lực lượng thường trực, lực lượng tại chỗ, Huyện tập trung xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ cho các xã biên giới, trong nội địa và dân quân trong vùng dân tộc thiểu số, tôn giáo theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, đảm bảo chất lượng, trước hết là chất lượng chính trị, với tỷ lệ bình quân 2% dân số, trong đó Huyện chú trọng củng cố tổ chức trung đội dân quân cơ động ở các xã, tiểu đội dân quân thường trực ở một số xã biên giới, nhằm bảo đảm kịp thời xử lý tình huống, đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh vùng biên.  Lực lượng dự bị động viên luôn đảm bảo quân số chính thức và dự phòng (kể cả lực lượng chuyên môn quân sự  cho địa phương, Quân khu và Bộ) khi có yêu cầu động viên cho huấn luyện, diễn tập... Các lực lượng này đều được tổ chức huấn luyện theo nội dung, chương trình của trên, nhằm không ngừng nâng cao trình độ mọi măt và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Nhờ đó, cơ quan quân sự Huyện và các xã đã thực hiện tốt chức năng làm tham mưu về công tác quốc phòng, quân sự địa phương giúp cấp uỷ, chính quyền kịp thời điều chỉnh và hoàn thiện hệ thống văn kiện, kế hoạch tác chiến cơ bản và các phương án phối hợp tác chiến với các lực lượng công an, biên phòng, đơn vị của Bộ. Đồng thời, tổ chức trực sẵn sàng chiến đấu, trực phòng không, kiểm tra, kiểm soát địa bàn, chống xâm nhập, vượt biên, biểu tình, gây bạo loạn; phối hợp với các ban ngành và lực lượng khác tổ chức phát động quần chúng, bóc dỡ cơ sở ngầm của các tổ chức chống đối, làm trong sạch nội bộ đơn vị và địa bàn.
 
Lê Xuân Vọng
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy
 

Ý kiến bạn đọc (0)