QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 23:31 (GMT+7)
Huyện Lương Tài đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với tăng cường quốc phòng-an ninh
Lương Tài là huyện đồng bằng nằm ở phía đông nam của tỉnh Bắc Ninh, được tái thành lập năm 1999. Nhân dân trong Huyện có truyền thống cách mạng, hiếu học, đoàn kết và lao động cần cù, sáng tạo. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Huyện đã đóng góp nhiều sức người, sức của vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong Huyện đã nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành tựu quan trọng, cả trong kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng, an ninh. Cơ cấu kinh tế đã chuyển biến tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp và xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Trong 5 năm gần đây, GDP tăng bình quân 12,2%, trong đó công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng tăng 24,4%. Sản xuất nông nghiệp phát triển với nhịp độ khá cao, giá trị sản xuất trên một héc-ta canh tác đạt 33 triệu đồng. Chăn nuôi theo phương thức công nghiệp đã từng bước được áp dụng; tỷ trọng giá trị ngành chăn nuôi trong nông nghiệp tăng từ 27% năm 2000 lên 37% năm 2005. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được quan tâm thích đáng, nổi bật là hệ thống đường giao thông nông thôn được đầu tư cải tạo, nâng cấp theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Dịch vụ, thương mại cũng đạt nhiều kết quả đáng khích lệ, kể cả dịch vụ tài chính, tiền tệ, bưu chính-viễn thông và khối lượng hàng hóa luân chuyển; giá trị tăng bình quân hằng năm 3,7%. Hiện nay, Huyện đã qui hoạch 2 cụm công nghiệp vừa và nhỏ, một cụm công nghiệp làng nghề. Bước đầu đã thu hút 2 dự án, đầu tư chế biến thức ăn chăn nuôi công nghệ cao Minh Tâm và nhà máy phôi thép Hưng Tài. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được quan tâm, công tác quản lý đảng viên được tăng cường; số tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh năm 2005 là 74%. Năng lực quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện của chính quyền các cấp có nhiều tiến bộ; quốc phòng, quân sự địa phương được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị xã hội ổn định. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo phát triển nhanh cả về qui mô và chất lượng; năm 2003, toàn Huyện đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở. Các lĩnh vực y tế, dân số, kế hoạch hoá gia đình, văn hoá, thể thao đều có sự phát triển. Thiết chế văn hóa cơ sở được tăng cường, phong trào xây dựng “làng văn hóa”, “cơ quan văn hóa”, “gia đình văn hóa” được đẩy mạnh; trong 5 năm đã có 269 lượt làng được công nhận “làng văn hóa”.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội và củng cố quốc phòng-an ninh của Huyện còn những hạn chế, bất cập. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của Huyện chưa tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ có tính đột phá; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Công tác qui hoạch vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các loại giống lúa, cây rau mầu có giá trị kinh tế cao chưa được các cấp chú trọng chỉ đạo. Đầu tư hỗ trợ sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế. Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế. Việc qui hoạch cụm công nghiệp, làng nghề còn lúng túng. Trong khi đó, nhận thức của một số cán bộ, đảng viên đối với nhiệm vụ kết hợp kinh tế với quốc phòng- an ninh chưa đầy đủ, còn biểu hiện chỉ quan tâm đến kinh tế đơn thuần, coi nhẹ sự kết hợp với quốc phòng-an ninh. Trước yêu cầu cao của công cuộc đổi mới, một số cán bộ, đảng viên đã bộc lộ những hạn chế, bất cập về phẩm chất đạo đức và trình độ năng lực.
Từ những thành tựu cũng như khó khăn, hạn chế và bài học kinh nghiệm qua 20 năm đổi mới, Đại hội Đảng bộ Huyện lần thứ XIX đã xác định phương hướng cơ bản trong giai đoạn tới là: "Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, tạo sự đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhằm phát triển kinh tế với nhịp độ cao, hiệu quả, bền vững... Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, xây dựng các tổ chức Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Không ngừng tăng cường, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...".
Phương hướng trên thể hiện sự quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng bộ Huyện về hai nhiệm vụ chiến lược trong thời kỳ mới mà biểu hiện cụ thể đối với Lương Tài đó là kết hợp phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường quốc phòng-an ninh. Trong đó phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, quốc phòng- an ninh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Huyện xác định để thực hiện tốt sự kết hợp đó trước hết phải có quan điểm, tư duy kết hợp đầy đủ; được thể hiện cả trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Đối với các ngành kinh tế, khi xây dựng qui hoạch, kế hoạch phát triển phải có sự gắn kết với quốc phòng, sao cho mỗi bước phát triển kinh tế-xã hội là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng-an ninh. Theo tinh thần đó, Huyện đã xây dựng chương trình, mục tiêu cụ thể cho từng ngành.
Về kinh tế, Huyện chủ trương phát triển toàn diện đi đôi với lựa chọn khâu đột phá. Phấn đấu đến năm 2010, tỷ trọng nông nghiệp, thủy sản giảm từ 45,1% xuống còn 34,7%; công nghiệp, tiểu-thủ công nghiệp và xây dựng tăng từ 30,1 lên 40,2%, GDP bình quân đầu người đạt trên 14 triệu đồng. Xuất phát từ đặc điểm là huyện đồng bằng, có điểm xuất phát kinh tế thấp, thuần nông, kết cấu hạ tầng và năng lực sản xuất chưa cao; không thuận lợi về giao thông và phát triển du lịch, dịch vụ, Huyện đã chủ trương tập trung vào giải pháp chủ yếu là đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn theo hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn sang sản xuất hàng hóa. Xác định đây là khâu đột phá, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường tiềm lực quốc phòng- an ninh. Mục tiêu đề ra đến năm 2010 tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản trong nông nghiệp chiếm 51,1%; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 45 triệu đồng/ha. Để thực hiện mục tiêu đó, Huyện chủ trương tập trung chỉ đạo bà con nông dân nuôi trồng các loại cây, con có giá trị kinh tế cao mà thị trường trong và ngoài nước có nhu cầu tiêu thụ mạnh, ổn định; khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình và trang trại theo mô hình VAC, AC. Chuyển mạnh các khu đất trũng thường bị úng ngập sang nuôi trồng thủy sản; mở rộng các mô hình chăn nuôi ngoài khu dân cư, phát triển đàn bò lấy thịt, lấy sữa ở ven đê, bãi sông; chăn nuôi lợn hướng nạc và chăn nuôi gia cầm. Đồng thời, chú trọng phát triển các dịch vụ thú y, tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. 
Thực hiện phương hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu-thủ công nghiệp và xây dựng, Huyện chủ trương tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, sản xuất kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư, phấn đấu lấp đầy quy hoạch trong hai cụm công nghiệp Lâm Bình và Táo Đôi. Đẩy mạnh phát triển làng nghề ở Quảng Bố, cụm cơ khí ở Thứa, Kênh Vàng, Quảng Phú; mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, tạo điều kiện phát triển ngành nghề truyền thống và chế biến nông sản thực phẩm. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu-thủ công nghiệp tăng bình quân hằng năm 36,9%.
Đối với phát triển kết cấu hạ tầng, coi trọng việc huy động các nguồn lực đầu tư  từ các thành phần kinh tế. Tập trung ưu tiên mở rộng một số tuyến đường chính, liên huyện, liên xã như Kênh Vàng-Thứa-Đông Bình, Thứa-Cẩm Giàng (Hải Dương). Qui hoạch mở rộng khu cảng sông Kênh Vàng để trở thành một cảng sông có thể tiếp nhận tàu vận tải cỡ lớn. Hệ thống đường giao thông, cảng sông đó được qui hoạch nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời sẵn sàng phục vụ quân sự, quốc phòng trong chiến tranh.
Về dịch vụ, thương mại, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh vận chuyển hàng hóa, chú trọng tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản, thực phẩm. Phối hợp, tạo điều kiện để các ngành đầu tư phát triển dịch vụ tài chính; mở rộng, nâng cao chất lượng bưu chính-viễn thông, phấn đấu năm 2010 đạt 10-12 máy/ 100 dân. Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế, chú trọng nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, văn hóa, thể thao, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân và thực hiện chính sách xã hội. Tiếp tục mở rộng quy mô các ngành học, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, xã hội hóa công tác giáo dục-đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao của nhân dân, tạo nguồn lực có trình độ cao cho phát triển kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh. Phấn đấu đến năm 2008, hoàn thành phổ cập trung học phổ thông.
Quán triệt quan điểm về quốc phòng, quân sự của Đảng, chúng tôi nhận thức, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; tăng cường củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân; trong đó lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Do đó, Huyện chủ trương đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng; thường xuyên quan tâm xây dựng hệ thống chính quyền vững mạnh toàn diện. Tổ chức, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5, khoá IX về “Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở”. Đẩy mạnh thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở gắn với cải cách hành chính, cải tiến lề lối, tác phong làm việc của cơ quan hành chính và cán bộ, công chức; đổi mới công tác tiếp dân; kiên quyết xử lý kỷ luật những cán bộ, đảng viên vi phạm dân chủ, tham nhũng, thoái hoá. Thực tiễn cho thấy, để giữ vững ổn định chính trị xã hội, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng-an ninh thì vấn đề quan trọng nhất là phải xây dựng được thế trận “lòng dân” vững chắc. Dân tin Đảng, tin chính quyền thì họ sẽ sẵn sàng tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, Huyện chủ trương giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, bức xúc của nhân dân ngay từ địa phương, cơ sở; thực hiện tốt qui chế dân chủ ở cơ sở.
Triển khai thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng theo tinh thần Chỉ thị 62-CT/TW ngày 12/02/2001 của Bộ Chính trị về "Tăng cường công tác giáo dục quốc phòng toàn dân trước tình hình mới" và Nghị định 15/2001/NĐ-CP của Chính phủ "Về Giáo dục quốc phòng". Trong đó, chú trọng công tác tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh cho đối tượng 4 và đối tượng 5 tại Huyện; triển khai nghiêm túc công tác giáo dục quốc phòng cho học sinh ở 3 trường trung học phổ thông. Đổi mới nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, giáo dục quốc phòng và phổ biến pháp luật cho toàn dân, góp phần nâng cao một bước ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc và nhận thức của nhân dân về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ.
Đi đôi với xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, cần tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang địa phương ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang; tăng cường quản lý nhà nước về quốc phòng-an ninh. Xây dựng cơ quan quân sự Huyện và Ban chỉ huy Quân sự xã, thị trấn đủ về số lượng có chất lượng cao, nhất là chất lượng về chính trị, đủ năng lực làm tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Thực hiện tốt qui chế phối hợp giữa quân đội và công an trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần tạo môi trường ổn định phát triển kinh tế-xã hội.
Xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ về mọi mặt, nhất là tổ chức huấn luyện và bảo đảm chế độ, chính sách; coi trọng việc nâng cao tỷ lệ đảng viên trong dân quân. Đối với lực lượng dự bị động viên, cơ quan quân sự Huyện phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị nhận quân, thường xuyên rà soát, quản lý, tổ chức sắp xếp đúng chỉ tiêu trên giao theo phương châm gần, gọn địa bàn; không ngừng nâng cao tỷ lệ đúng chuyên nghiệp quân sự. Triển khai kế hoạch quân sự, quốc phòng hằng năm, Ban chỉ huy Quân sự Huyện phải chủ động làm tham mưu cho Huyện ủy, Uỷ ban nhân dân Huyện chỉ đạo công tác diễn tập theo cơ chế Nghị quyết 02/BCT của Bộ Chính trị. Qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Với đặc điểm là huyện có hơn 10 km đê sông Thái Bình bao quanh nên các cấp phải coi trọng công tác giáo dục để lực lượng vũ trang tham gia có hiệu quả vào công tác phòng chống bão, lụt, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.
Trong giai đoạn tới, thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn vẫn đan xen tồn tại. Vì vậy, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong Huyện phải phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng, văn hiến, đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, xây dựng Huyện giàu về kinh tế, ổn định về chính trị-xã hội, vững mạnh về quốc phòng- an ninh.
 
Phạm Thanh Toàn
Chủ tịch UBND Huyện
 

Ý kiến bạn đọc (0)