Thứ Bảy, 23/11/2024, 14:16 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Nằm ở vùng Vịnh Bắc Bộ, gồm 2 quần đảo lớn là Kế Bào và Vân Hải với hơn 600 hòn đảo lớn, nhỏ thuộc Bái Tử Long và bao bọc một phần vùng mỏ Hồng Gai, huyện đảo Vân Đồn có vị trí rất quan trọng về kinh tế-xã hội (KT-XH), quốc phòng-an ninh (QP-AN) của tỉnh Quảng Ninh và khu vực Đông Bắc Tổ quốc. Hơn 15 năm thành lập (ngày 23-3-1994 Chính phủ ra quyết định đổi tên huyện Cẩm Phả thành huyện Vân Đồn và tách 2 xã: Cô Tô, Thanh Lân thành lập huyện Cô Tô), nhất là từ khi được Chính phủ phê duyệt đề án xây dựng Khu KT-XH Vân Đồn (31-5-2006) thành khu vực kinh tế chiến lược và địa bàn trọng điểm về QP-AN vùng Bắc Bộ, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang (LLVT) của Huyện đã chủ động khắc phục khó khăn, giành được kết quả quan trọng trong khai thác tiềm năng, lợi thế (nuôi trồng thủy sản, khai thác kinh tế biển, du lịch sinh thái,...), kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN. Về phát triển kinh tế, Huyện đạt tốc độ tăng trưởng bình quân gần 16%; năm 2008 đạt 17,5 %. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng: ngư nghiệp- nông, lâm nghiệp-dịch vụ, du lịch biển-công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Thủy sản giữ vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của Huyện (tổng sản lượng thủy sản năm 2008 đạt gần 9.000 tấn) với trên 1.200 phương tiện hoạt động trên cả 3 tuyến (bờ - lộng - khơi) và gần 10.000 lao động tham gia khai thác thủy sản; nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh và đa dạng, nhất là tùi hài, hầu biển, ngọc trai, chế biến sứa, nước mắm,... Các ngành kinh tế khác phát triển đồng đều cả về quy mô và chất lượng, từng bước gắn với thị trường. Lĩnh vực văn hóa, y tế, xã hội có nhiều tiến bộ, đi vào chiều sâu; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và xây dựng “Làng văn hóa” được triển khai đến từng thôn, xóm, từng hộ gia đình; các hủ tục, hoạt động mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi; các chính sách xã hội được Huyện quan tâm giải quyết trên cơ sở công bằng xã hội. Chính trị ổn định, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh trên 60%, không có cơ sở yếu, kém; hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng có nhiều tiến bộ. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ đói nghèo còn rất thấp, “thế trận lòng dân” được củng cố, nhân dân yên tâm bám biển, giữ đảo.
Gắn chặt với phát triển KT-XH, Đảng bộ, chính quyền huyện Vân Đồn thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ QP-AN, nhằm giữ vững chủ quyền biển, đảo và an ninh, trật tự nội địa, tạo điều kiện cho công cuộc phát triển KT-XH của huyện nhà. Huyện đã tổ chức quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng (QS-QP) của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị (khóa VI), Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và các nghị quyết, chỉ thị của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về nhiệm vụ QP-AN. Trên cơ sở đó, Huyện ủy, Uỷ ban nhân dân Huyện đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, các chương trình hành động,... lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ QS-QP địa phương và an ninh nhân dân. Cuối năm 2008, Huyện đã tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) và một số mặt công tác QP-AN; qua đó, thấy rõ những kết quả cũng như những mặt còn hạn chế trong tổ chức thực hiện. Điểm nổi bật, xuyên suốt của Vân Đồn là triển khai thực hiện sáng tạo chủ trương kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN của Đảng vào điều kiện cụ thể ở một huyện đảo có vị trí chiến lược quan trọng thuộc khu vực Bắc Bộ. Trong quá trình phát triển KT-XH, Huyện luôn chú trọng lồng ghép các chương trình, dự án phát triển KT-XH với tăng cường tiềm lực và thế trận quốc phòng toàn dân (QPTD), mà trọng tâm là xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT), tạo cơ sở thực hiện thắng lợi nhiệm vụ QP-AN trong thời bình và sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ địa bàn khi có chiến tranh. Theo đó, các chương trình, dự án phát triển KT-XH của địa phương đều được Huyện thẩm định chặt chẽ, chỉ cấp phép các dự án vừa có hiệu quả KT-XH, vừa phục vụ nhiệm vụ QP-AN. Đến nay, nhiều công trình, dự án thuộc các chương trình: Biển Đông- hải đảo, Chương trình 135 (xóa đói, giảm nghèo), Chương trình 327 (trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc); các chương trình: phủ sóng phát thanh và truyền hình, đánh bắt cá xa bờ, quân- dân y kết hợp,...đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, như: hệ thống đường giao thông nông thôn, đường xuyên đảo, bến cảng, cầu (trong đó có cầu Vân Đồn nối huyện đảo với thị xã Cẩm Phả), các cơ sở công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, chế biến hải sản, các loại phương tiện vận tải, các chương trình, dự án phủ xanh đồi trọc, các mô hình vườn đồi, trang trại, các khu nuôi trồng hải sản, nhuyễn thể, các công trình văn hóa, y tế, giáo dục,...vừa phục vụ phát triển KT-XH, vừa tăng cường tiềm lực, thế trận QP-AN; trong đó, nhiều công trình phục vụ thiết thực cho công tác hậu cần KVPT huyện. Cùng với đó, Huyện luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ QS-QP địa phương. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 62-CT/TW, Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị về giáo dục QP-AN và các nghị định của Chính phủ về thực hiện các chỉ thị trên, Vân Đồn đẩy mạnh công tác giáo dục QP-AN toàn dân, trước hết là bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Huyện đã thành lập và thường xuyên kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Giáo dục QP-AN huyện để làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quan trọng này; chỉ đạo bổ sung đủ số lượng, chất lượng và xây dựng quy chế hoạt động để Hội đồng Nghĩa vụ quân sự xã, thị trấn kiêm nhiệm công tác giáo dục QP-AN. Ngoài việc cử cán bộ đối tượng 2 đi bồi dưỡng kiến thức QP-AN ở Trường Quân sự Quân khu 3 và Trường Quân sự Tỉnh, Huyện đã tổ chức mở 12 lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng 3, 4, 5 với 594 học viên; giáo dục QP-AN cho 6828 học sinh trung học phổ thông theo chương trình, nội dung quy định; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các tầng lớp nhân dân. Thông qua đó, nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ QP-AN ở địa phương, cơ sở đã được nâng cao; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về QP-AN được nâng lên, nhất là trong thực hiện kết hợp kinh tế với quốc phòng, tuyển quân, huấn luyện, diễn tập, hội thi, hội thao...Hằng năm, Huyện đều hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, bảo đảm chất lượng; tổ chức tiếp đón chu đáo quân nhân hoàn thành nghiã vụ quân sự về địa phương và đăng ký, sắp xếp, quản lý nguồn dự bị động viên (DBĐV) theo đúng quy định.
LLVT của Huyện được quan tâm xây dựng vững mạnh toàn diện, trước hết về bản lĩnh chính trị; đồng thời, thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, chủ động đối phó có hiệu quả với mọi tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ. Cơ quan quân sự, công an đã xây dựng quy chế hoạt động phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên biển, đảo theo tinh thần Quyết định 107/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan quân sự Huyện đã phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ QS-QP địa phương; thường xuyên chỉ đạo củng cố, kiện toàn và duy trì nền nếp hoạt động của Ban Chỉ huy Quân sự các xã, thị trấn, các đơn vị dân quân, tự vệ (DQTV), tiểu đoàn DBĐV. Lực lượng DBĐV được đăng ký, quản lý chặt chẽ; thường xuyên được rà soát, bổ sung, kiện toàn đủ biên chế và duy trì nghiêm túc nền nếp huấn luyện; Huyện đã phát lệnh kiểm tra 1.516 lượt quân nhân DBĐV, bảo đảm yêu cầu đặt ra. Lực lượng DQTV được xây dựng “vững mạnh, rộng khắp” (hiện nay có 29 đầu mối DQTV) với số lượng phù hợp, chiếm tỷ lệ khoảng 1,5% so với số dân; trong đó, Huyện chú trọng xây dựng lực lượng dân quân biển, lực lượng cơ động, phòng không và các tổ, tiểu đội chiến đấu trị an tại chỗ. Hằng năm, cơ quan quân sự thực hiện có nền nếp công tác giáo dục, huấn luyện cho lực lượng DQTV theo nội dung, chương trình quy định và tăng cường luyện tập, diễn tập, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng này. Chỉ tính 5 năm gần đây, Huyện đã tổ chức 7 cuộc diễn tập (trong đó có 1 cuộc diễn tập KVPT) về vận hành cơ chế theo Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị, chuyển hoạt động của địa phương, cơ quan từ thời bình sang thời chiến, cơ chế huy động và phối hợp, hiệp đồng xử lý tình huống xảy ra; ngoài ra, tham gia diễn tập phối hợp tác chiến giữa KVPT huyện với các lực lượng của Bộ, Quân khu đứng chân trên địa bàn. Lực lượng công an đã tổ chức nhiều cuộc luyện tập, hội thi, hội thao về truy bắt tội phạm, phòng cháy, chữa cháy, quản lý đối tượng hình sự...Thông qua diễn tập, đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và toàn dân về xây dựng và hoạt động của KVPT, bảo vệ địa bàn, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác.
Với những kết quả đạt được, huyện Vân Đồn đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (năm 2000); được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Tuy vậy, Vân Đồn vẫn còn đối mặt với những hạn chế. Đó là, kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng; đến nay vẫn là huyện nghèo; một số vấn đề bức xúc về xã hội chưa được giải quyết kịp thời; các loại tội phạm hình sự, ma túy còn diễn biến phức tạp. Nhận thức, trách nhiệm và kiến thức về QP-AN của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cán bộ các ngành kinh tế chưa ngang tầm yêu cầu trong tình hình mới; việc thực hiện kết hợp kinh tế với quốc phòng ở một số ngành chưa chặt chẽ; khả năng huy động và thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra của lực lượng dân quân cơ động, dân quân tại chỗ, lực lượng an ninh, bảo vệ còn hạn chế. Tiềm lực và thế trận KVPT còn mỏng; hiệu lực quản lý nhà nước về QP-AN chưa cao, nhất là công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện của các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp...
Phát huy kết quả, kinh nghiệm đạt được và để thực hiện thắng lợi phương hướng, mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Huyện lần thứ 21 đã xác định đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, thời gian tới, Huyện tiếp tục quán triệt và thực hiện chủ trương của Chính phủ về đầu tư phát triển Khu kinh tế tổng hợp Vân Đồn (du lịch sinh thái chất lượng cao, gắn với nuôi trồng, chế biến đặc hải sản) thành khu kinh tế chiến lược khu vực Bắc Bộ và cả nước (với vị trí là trung tâm phát triển ra biển và giao thương quốc tế); gắn chặt tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Bên cạnh đó, phải tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng CNH, HĐH, gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của kinh tế biển đảo để đẩy mạnh phát triển sản xuất hàng hóa và xuất khẩu. Kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN; phát huy sức mạnh toàn dân và cả hệ thống chính trị để xây dựng nền QPTD, thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, mà then chốt là xây dựng KVPT vững mạnh toàn diện; gắn phát triển kinh tế biển với quản lý, bảo vệ biển, đảo. Đối với LLVT, phải thường chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp, trước hết là chất lượng chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, sức chiến đấu, khả năng nắm và dự báo tình hình, không để bị động, bất ngờ; tăng cường đầu tư xây dựng lực lượng DQTV biển, trọng tâm là trên các tàu, các đội tàu đánh cá xa bờ; tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp hoạt động của các LLVT; thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động đối phó có hiệu quả với mọi tình huống xảy ra, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc xây dựng huyện đảo Vân Đồn giàu mạnh về kinh tế, tiến bộ về xã hội, vững vàng thế trận QP-AN trên vùng biển đảo Đông Bắc của Tổ quốc.
NGUYỄN VĂN MINH
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND Huyện
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011