QPTD -Thứ Năm, 08/12/2011, 00:13 (GMT+7)
Huấn luyện theo hướng “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, đồng bộ và chuyên sâu ở Binh đoàn Quyết Thắng – kết quả và vấn đề đặt ra
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc theo tư duy mới về quốc phòng, quân sự của Đảng và đẩy mạnh xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới toàn diện công tác giáo dục, huấn luyện, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của tình hình mới. Quán triệt và nắm vững tư tưởng chỉ đạo đó, trong những năm qua, nhất là 5 năm gần đây, Binh đoàn Quyết Thắng đã tích cực triển khai thực hiện đổi mới huấn luyện theo hướng "cơ bản, thiết thực, vững chắc", coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu ở các cấp, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của Binh đoàn và các đơn vị, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Nổi bật là việc quán triệt nhiệm vụ huấn luyện đã được lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Binh đoàn quan tâm đúng mức. Ngay từ đầu năm, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn đã tiến hành tổ chức quán triệt Chỉ lệnh huấn luyện của Tổng Tham mưu trưởng, Mệnh lệnh huấn luyện của Tư lệnh Binh đoàn; đảng bộ các cấp ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo về công tác huấn luyện. Theo đó, tổ chức quán triệt tới mọi cán bộ, chiến sĩ, để mọi người nắm vững phương hướng, nhiệm vụ huấn luyện, xây dựng lòng tin và trách nhiệm cao, quyết tâm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ. Trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác huấn luyện, Binh đoàn xác định rõ phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, lấy đó làm tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong cả quá trình huấn luyện.

Nội dung huấn luyện được đổi mới, triển khai toàn diện, coi trọng cả huấn luyện cán bộ và huấn luyện phân đội, huấn luyện kỹ thuật và chiến thuật, huấn luyện bộ binh, bộ binh cơ giới và binh chủng, cả huấn luyện quân thường trực và quân dự bị động viên. Các năm trước, thời gian dành cho huấn luyện đêm các môn kỹ thuật chiến đấu bộ binh và binh chủng chưa nhiều, huấn luyện chiến thuật chủ yếu tập trung vào các hình thức cơ bản như tiến công địch phòng ngự và chiến đấu phòng ngự. Từ năm 2001 đến nay, Binh đoàn đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường huấn luyện đêm cả kỹ thuật và chiến thuật, lấy huấn luyện cơ bản về kỹ thuật làm cơ sở cho huấn luyện chiến thuật; tập trung nhiều thời gian huấn luyện cho bộ đội giỏi các hình thức chiến đấu tiến công (đánh địch cơ động, tạm dừng, đổ bộ đường không, lâm thời chuyển vào phòng ngự...); phổ cập huấn luyện cơ động phòng tránh, đánh trả hỏa lực tiến công của địch. Duy trì thành nền nếp việc tổ chức diễn tập hai lần/năm đối với cấp trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn.

Về tổ chức phương pháp huấn luyện, các đơn vị đã vận dụng tốt hơn ba quan điểm huấn luyện: phát huy dân chủ, khơi dậy tính tự giác, chủ động, sáng tạo của người học; kết hợp chặt chẽ lý luận với thực hành, lấy thực hành làm chính; truyền thụ kinh nghiệm, truyền thống cho người học. Đồng thời vận dụng linh hoạt các mối kết hợp trong huấn luyện, nhất là gắn xây dựng chính trị-tư tưởng, ý chí chiến đấu với rèn luyện năng lực, tác phong chỉ huy, kỹ năng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ; gắn kỹ thuật với chiến thuật; gắn lý luận với thực tiễn... Coi trọng huấn luyện và bồi dưỡng cán bộ theo phân cấp bằng nhiều hình thức và phương pháp thích hợp để nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ, nhất là năng lực thực hành huấn luyện. Huấn luyện phân đội được thực hiện theo phương pháp xoay vòng, xen kẽ các nội dung để tăng thời gian luyện tập, chia nhỏ tập nhiều, thực hiện sai đâu sửa đó. Kết hợp huấn luyện cơ bản với huấn luyện ứng dụng, huấn luyện theo chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị bộ binh, bộ binh cơ giới, binh chủng sát thực tế chiến đấu.
Công tác quản lý, điều hành huấn luyện của chỉ huy và cơ quan các cấp trong Binh đoàn được đổi mới và đi vào nền nếp, thể hiện chính quy, thống nhất từ cơ quan đến đơn vị. Chấp hành tốt điều lệ công tác tham mưu huấn luyện. Cuối tuần, tháng, quý các cấp đều tổ chức nghe báo cáo kết quả huấn luyện để rút kinh nghiệm, phát hiện những thiếu sót, khuyết điểm, tìm ra biện pháp kịp thời chỉ đạo huấn luyện tốt hơn.          
Công tác bảo đảm vật chất huấn luyện của cơ quan, đơn vị được cải tiến, thực hiện theo nguyên tắc phân chia kinh phí, xăng dầu một lần trong năm. Việc mua sắm các loại vật chất ở cơ quan Binh đoàn, sư đoàn, lữ đoàn theo chiều hướng giảm, trực tiếp giao kinh phí cho cấp trung đoàn, tiểu đoàn tự mua sắm ngày càng tăng. Cơ quan Binh đoàn chỉ cung ứng những vật chất không có bán trên thị trường như: đạn hơi, lựu đạn tập, cuốc, xẻng quân dụng, tài liệu, mẫu biểu... Với nguồn kinh phí, xăng dầu, hiện vật trên cấp, hằng năm Binh đoàn duy trì chặt chẽ nguyên tắc phân bổ theo nhiệm vụ, yêu cầu, mức độ huấn luyện của từng đơn vị, bảo đảm đến cấp dưới 85%, cơ quan chuyên môn, ngành dọc cấp Binh đoàn chỉ được giữ lại 15%. Do đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị cơ sở chủ động mua sắm, sử dụng thích hợp, kịp thời đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Với phương châm trên dưới cùng lo, cùng làm, đồng thời phát huy mạnh mẽ sức mạnh nội lực của mình, hằng năm các cơ quan, đơn vị đã sử dụng vốn tự có hàng trăm triệu đồng mua sắm trang, thiết bị, mô hình, học cụ, in ấn tài liệu, giáo án..., đầu tư vật liệu và hàng chục ngàn ngày công của bộ đội để xây dựng, tu sửa, nâng cấp hệ thống thao trường, bãi tập, phòng học. Đến nay, hệ thống công trình huấn luyện ở nhiều đơn vị đã và đang được đầu tư xây dựng cơ bản, đồng bộ, góp phần đáng kể nâng cao chất lượng huấn luyện của Binh đoàn.
Nhờ đổi mới và thực hiện đồng bộ các biện pháp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chất lượng huấn luyện của toàn Binh đoàn có sự chuyển biến, bước tiến bộ rõ rệt. Trình độ tổ chức chỉ huy và thực hành huấn luyện của đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ phân đội, cán bộ trực tiếp huấn luyện được nâng lên rõ rệt. Năm 2005, toàn Binh đoàn có 58% cán bộ cấp trung đội, 65% cán bộ cấp đại đội, 75% cán bộ cấp tiểu đoàn đạt trình độ huấn luyện khá, giỏi. Các phân đội bộ binh, bộ binh cơ giới, binh chủng từng bước đạt được yêu cầu nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật và chiến thuật, thích ứng nhanh với các tình huống chiến đấu. Qua kiểm tra các khoa mục, 100% đạt yêu cầu, trong đó có 75% trở lên đạt khá, giỏi.
Năm 2006 và những năm tiếp theo, nhiệm vụ xây dựng Binh đoàn vững mạnh toàn diện nói chung và nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu nói riêng có nhiều đặc điểm, yêu cầu mới. Đối với nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, Binh đoàn phải tiếp tục đổi mới huấn luyện đi vào chiều sâu, quán triệt sâu sắc hơn nữa phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu và vận dụng đúng vào thực tiễn các nội dung của phương châm đó.
Trước hết, phải coi trọng huấn luyện cơ bản cho các đối tượng, trên tất cả các nội dung, theo trình tự từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó, từ phân đoạn đến tổng hợp, từ tập tổng hợp đến diễn tập vòng tổng hợp có bắn chiến đấu; lấy huấn luyện từng người làm cơ sở để huấn luyện phân đội; thực hiện phương pháp huấn luyện xoay vòng, xen kẽ các nội dung để tăng thời gian luyện tập, chia nhỏ tập nhiều; kết hợp huấn luyện lý thuyết với thực hành, lấy huấn luyện thực hành làm chính; huấn luyện thành thục ban ngày trước khi huấn luyện ban đêm; kết hợp huấn luyện với rèn luyện, huấn luyện chính khóa với huấn luyện ngoại khóa. Vì vậy, đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị trong Binh đoàn phải tập trung chỉ đạo, xây dựng, điều hành kế hoạch huấn luyện thật sự khoa học, sát với nhiệm vụ, đặc điểm của đơn vị. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị bảo đảm huấn luyện, bao gồm cả chuẩn bị về nhận thức, tư tưởng của bộ đội đối với nhiệm vụ huấn luyện và chuẩn bị, bảo đảm về cơ sở vật chất phục vụ trực tiếp huấn luyện. Tập trung bồi dưỡng nâng cao kiến thức quân sự, trình độ, năng lực huấn luyện cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở trực tiếp huấn luyện bộ đội.
Huấn luyện cơ bản nhưng phải đáp ứng yêu cầu thiết thực, sát với thực tế chiến đấu, đối tượng tác chiến, yêu cầu nhiệm vụ và địa bàn hoạt động của từng lực lượng, phù hợp với tổ chức biên chế, khả năng trang bị hiện nay và những năm tới, phù hợp với nghệ thuật quân sự Việt Nam, kinh nghiệm chiến đấu của Binh đoàn. Huấn luyện bộ đội giỏi tác chiến bằng vũ khí trong biên chế, trên cơ sở đó giỏi tác chiến khi được tăng cường binh khí kỹ thuật, tác chiến hiệp đồng binh chủng, quân chủng quy mô cấp trung đoàn, sư đoàn và hiệp đồng ba thứ quân. Từng bước tiếp cận với vũ khí công nghệ cao; huấn luyện, khai thác, sử dụng thành thạo các vũ khí, khí tài, trang bị kỹ thuật... Thực tế vừa qua, huấn luyện cơ bản đã là một tiêu chí mà các đơn vị trong Binh đoàn đều thể hiện khá tốt, nhưng yếu tố “thiết thực”, nhất là trong huấn luyện đội ngũ chiến thuật và tập chiến thuật ở một số đơn vị còn chưa thật gắn với nhiệm vụ của đơn vị, với địa hình và thực tế chiến đấu. Để khắc phục điểm yếu này, ngoài việc tuân thủ nghiêm quy trình thông qua bài giảng theo quy định của Bộ và Binh đoàn, cán bộ trực tiếp huấn luyện cần nghiên cứu kỹ nhiệm vụ của đơn vị mình, nghiên cứu địa hình và thục luyện bài giảng ngay trên bãi tập; những tình huống trong huấn luyện cần được kết cấu mô phỏng dựa trên các phương án tác chiến và nhiệm vụ thực tế của đơn vị, kết hợp với truyền thụ có chọn lọc những kinh nghiệm trong chiến đấu để bộ đội có cơ sở vận dụng vào điều kiện tác chiến mới. Trong quá trình huấn luyện, chú trọng kết hợp huấn luyện với rèn luyện, nhất là rèn luyện hành quân xa mang vác nặng, vượt sông, qua các loại địa hình phức tạp, làm cho bộ đội có sức khỏe dẻo dai, có tinh thần, tâm lý vững vàng, phản ứng nhanh nhạy và khả năng thích ứng với yêu cầu chiến đấu liên tục, dài ngày trên các loại địa hình, thời tiết và những nhiệm vụ khác nhau. Để đối phó thắng lợi với chiến tranh công nghệ cao, cần trang bị cho bộ đội những nhận thức, kiến thức về chiến tranh hiện đại, về vũ khí công nghệ cao, những điểm mạnh, điểm yếu của chúng và cách phòng tránh, đánh trả. Trên cơ sở đó huấn luyện cho bộ đội biết xử trí các tình huống phòng tránh, đánh trả đòn hỏa lực ban đầu của địch; biết đánh và đánh thắng địch sử dụng vũ khí hóa học, vi trùng, tác chiến điện tử, vũ khí phi sát thương. Từng bước ứng dụng thành tựu khoa học-công nghệ tiên tiến vào huấn luyện để bảo đảm chỉ huy, quản lý và cải tiến mô hình học cụ huấn luyện.
Nâng cao tính cơ bản, thiết thực trong huấn luyện, trên cơ sở đó huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu cho từng đối tượng, từng lực lượng. Để thực hiện yêu cầu này, phải giải quyết tốt các khâu, từ tổ chức lực lượng đồng bộ các thành phần trong biên chế của đơn vị (cả cơ quan và đơn vị, cả xung lực, hỏa lực, thông tin, trinh sát, quân y, hậu cần...), đồng bộ về trang bị của đơn vị và từng người đến công tác bảo đảm cơ sở vật chất huấn luyện, kể cả phải đưa một số trang bị kỹ thuật hiện đại vào huấn luyện. Hiện nay, có một vấn đề đang đặt ra cần giải quyết trong khâu tổ chức lực lượng để bảo đảm yêu cầu huấn luyện là thời gian thực hiện nghĩa vụ của chiến sĩ giảm từ hai năm xuống còn 18 tháng; điều này dẫn đến một thực tế là hằng năm trong tổ chức biên chế của một đơn vị luôn tồn tại ba đối tượng huấn luyện: chiến sĩ mới nhập ngũ, chiến sĩ đang huấn luyện và chiến sĩ chuẩn bị ra quân. Để thực hiện yêu cầu huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, nhất là trong tập chiến thuật và diễn tập chiến thuật, các đơn vị phải tổ chức lại lực lượng, nhằm bảo đảm đủ thành phần trong biên chế và quân số huấn luyện. Điều đó dẫn đến việc bảo đảm cơ sở vật chất, chỉ huy, quản lý bộ đội, đánh giá kết quả và chất lượng huấn luyện của các đơn vị có nhiều khó khăn. Đề nghị cấp trên nghiên cứu chỉ đạo để các đơn vị trong toàn quân cũng như Binh đoàn Quyết Thắng có hướng khắc phục, nâng cao hơn nữa kết quả và chất lượng huấn luyện. Một vấn đề nữa là việc bảo đảm thao trường huấn luyện cho các đối tượng ngày càng phức tạp; các lực lượng bộ binh đã khó, lực lượng bộ binh cơ giới và xe tăng còn khó hơn, do việc giao đất, giao rừng trồng cây ở các địa phương, hoặc có thao trường thì việc cơ động ra thao trường của các lực lượng này cũng khó, bởi quá trình bê tông hóa, nhựa hóa các đường cơ động. Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần có kế hoạch ở tầm vĩ mô để bảo đảm thao trường huấn luyện cho các đơn vị quân đội. 
Huấn luyện cơ bản, thiết thực, đồng bộ và chuyên sâu phải đạt trình độ vững chắc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, đánh thắng địch trong mọi tình huống. Để thực hiện điều đó phải coi trọng tổ chức rút kinh nghiệm sau khi huấn luyện từng đề mục, khoa mục, thực hiện học đến đâu chắc đến đó, chưa chắc phải huấn luyện bổ sung ngay, bảo đảm khi huấn luyện xong phải vừa thuần thục động tác, vừa hiểu rõ ý nghiã từng động tác đó, biết vận dụng linh hoạt vào xử trí các tình huống cụ thể. Tăng cường công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất, nhất là kiểm tra đột xuất, không báo trước nội dung để đánh giá đúng kết quả, chất lượng huấn luyện. Duy trì đều đặn chế độ hội thi, hội thao, sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng những cá nhân, đơn vị điển hình tiên tiến và xử lý nghiêm các vụ vi phạm kỷ luật trong huấn luyện. Lấy kết quả huấn luyện và xây dựng đơn vị để đánh giá phẩm chất, năng lực của cấp ủy, chỉ huy và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị.
 
Thiếu tướng Tô Đình Phùng
Tư lệnh Binh đoàn
 

Ý kiến bạn đọc (0)