QPTD -Chủ Nhật, 30/10/2011, 22:18 (GMT+7)
Hợp tác quốc phòng - quân sự giữa Liên bang Nga và Việt Nam

Hợp tác quốc phòng – quân sự là một bộ phận quan trọng trong quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Liên bang (LB) Nga và Việt Nam. 57 năm qua, được sự quan tâm của Chính phủ, quân đội và nhân dân hai nước, quan hệ hữu nghị nói chung, quan hệ hợp tác quốc phòng - quân sự nói riêng giữa LB Xô-viết trước đây và hiện nay là LB Nga với Việt Nam không ngừng được củng cố, phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, đáp ứng lợi ích của cả hai nước, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định cho khu vực và quốc tế.

Ngày 30/1/1950, Chính phủ Liên Xô (trước đây) đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, trở thành một trong những nước đầu tiên trên thế giới công nhận về mặt ngoại giao nền độc lập của Việt Nam, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển quan hệ mọi mặt giữa hai nước về sau này. Trong chiến tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, Liên Xô đã ủng hộ, giúp đỡ rất to lớn cả về tinh thần và vật chất, đặc biệt là lĩnh vực quốc phòng và vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, góp phần quan trọng để nhân dân Việt Nam chiến đấu và đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc.

Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước và thành lập nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước tiếp tục được củng cố và phát triển. Liên Xô (trước đây) và sau này là LB Nga đã giúp Việt Nam xây dựng các ngành công nghiệp cơ bản, nhất là ngành sản xuất năng lượng, khai thác dầu khí, xây dựng, tái thiết các hải cảng, hệ thống đường giao thông và nhiều công trình kỹ thuật quan trọng khác có ý nghĩa to lớn về kinh tế –xã hội và quốc phòng - quân sự. Hai nước rất chú trọng tăng cường hợp tác trong đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn cho lĩnh vực kinh tế, quốc phòng - quân sự và các lĩnh vực khác của Việt Nam. Theo thống kê của Chính phủ LB Nga, trong hơn 50 năm qua, trên 30 nghìn lưu học sinh Việt Nam đã được đào tạo đại học và sau đại học ở nước bạn. Trong số đó, nhiều người đã trưởng thành và là cán bộ hiện đang đảm nhiệm những trọng trách trong bộ máy lãnh đạo, quản lý kinh tế, quốc phòng và an ninh hay đang công tác tại các học viện, nhà trường, các trung tâm nghiên cứu khoa học- công nghệ hàng đầu của Việt Nam. Bên cạnh đó, nước bạn cũng giúp đỡ Việt Nam xây dựng hệ thống các trường dạy nghề trong nước, nhờ đó thời gian qua, đã đào tạo được hàng chục nghìn công nhân, nhân viên chuyên môn kỹ thuật phục vụ cho các ngành kinh tế, khoa học-kỹ thuật, quốc phòng, quân sự. Đây là nguồn nhân lực quan trọng, có trình độ và tay nghề cao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN; đồng thời là cơ sở vững chắc để tăng cường hơn nữa sự hợp tác toàn diện và có hiệu quả giữa hai nước.

Đầu thập niên 90 thế kỷ XX, kế thừa quan hệ hữu nghị Liên Xô - Việt Nam, quan hệ hữu nghị LB Nga – Việt Nam tiếp tục được củng cố và phát triển, phù hợp với lợi ích của hai nước trong điều kiện tình hình mới. Chính phủ hai nước đã tăng cường các cuộc viếng thăm, hội đàm cấp cao nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước. Năm 1994, Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt đã thăm chính thức LB Nga, hai bên đã ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ hữu nghị, đánh dấu bước phát triển mới hết sức quan trọng trong quan hệ Việt Nam - LB Nga. Sau đó, Thủ tướng và Chủ tịch Đu-ma quốc gia LB Nga cũng đã tới thăm Việt Nam, hai bên đã ký “Tuyên bố chung” tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật và các lĩnh vực có liên quan đến hợp tác kỹ thuật quân sự - quốc phòng.

Năm 1998, Chủ tịch nước Cộng hoà XHCN Việt Nam Trần Đức Lương đã thăm chính thức LB Nga, mở ra một trang mới trong lịch sử quan hệ Việt Nam – LB Nga. Trong chuyến thăm, hai bên đã khẳng định tiếp tục phát triển năng động và toàn diện mối quan hệ song phương, coi đó là mối quan hệ “đối tác chiến lược”; đồng thời đã ký “Tuyên bố chung” xác định những phương hướng chiến lược cơ bản cho hợp tác Việt Nam – LB Nga trong tương lai.

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga V. Putin (từ 28/2 đến 2/3/2001) là chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước trong lịch sử hơn 50 năm quan hệ Liên Xô -Việt Nam và sau đó là LB Nga – Việt Nam. Chuyến thăm của Tổng thống V. Pu-tin đánh dấu bước phát triển mới hết sức quan trọng, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa hai nước lên tầm cao mới, trên tinh thần tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi.

Các hiệp ước, hiệp định được các nhà lãnh đạo và Chính phủ hai nước ký kết là những văn kiện chính trị làm cơ sở pháp lý vững chắc để hai nước củng cố, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện trên các mặt kinh tế, chính trị, quân sự, quốc phòng, đối ngoại và nhiều lĩnh vực khác. Lĩnh vực hợp tác có tầm quan trọng chiến lược trong quan hệ giữa LB Nga và Việt Nam là hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí. Xí nghiệp liên doanh “Vietsovpetro” được thành lập năm 1981 với các đối tác là công ty “Zarubezhneft” của LB Nga và công ty quốc doanh “PetroVietnam” của Việt Nam, đang giữ vị trí đầu đàn trong số những công ty nước ngoài đang hoạt động trên thềm lục địa của Việt Nam. Thời gian qua, xí nghiệp liên doanh “Vietsovpetro” đã khai thác được hàng chục triệu tấn dầu, chiếm hơn 90% tổng sản lượng khai thác dầu ở Việt Nam; đồng thời cũng góp phần thu về cho nền kinh tế của LB Nga từ 300 triệu đến 500 triệu USD mỗi năm. Căn cứ theo chỉ số hiệu quả kinh tế, xí nghiệp này đã trở thành một trong những công ty dầu khí hàng đầu thế giới. Mở rộng sự hợp tác với các đối tác Việt Nam, tháng 11/1998, công ty “Zarubezhneft” đã ký hiệp ước về việc thành lập xí nghiệp liên doanh mới “Vietross” chịu trách nhiệm xây dựng và khai thác nhà máy lọc dầu ở Dung Quất với công suất 6,5 triệu tấn/năm. Sự hợp tác của Việt Nam với các đối tác Nga trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí đang ngày được mở rộng tương xứng với tiềm năng và lợi ích của hai nước. Cùng với đó, hai nước cũng chú trọng hợp tác phát triển các ngành sản xuất năng lượng khác, như hiện đại hóa nhà máy nhiệt điện Uông Bí, Phả Lại; xây dựng các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Yaly và Hàm Thuận - Đami. Đây là những hợp tác về kinh tế nhưng có ý nghĩa rất quan trọng đối với quốc phòng - an ninh của Việt Nam, đồng thời cũng nâng cao vị thế và vai trò của LB Nga ở khu vực và trên trường quốc tế.

Hợp tác trong lĩnh vực quân sự là một mặt đặc biệt quan trọng trong quan hệ “đối tác chiến lược” giữa LB Nga và Việt Nam. Do Quân đội nhân dân Việt Nam được trang bị vũ khí, kỹ thuật chủ yếu là từ LB Xô-viết trước đây, nên đây là điều kiện hết sức thuận lợi để hai nước tiếp tục mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực này. Năm 1994, hai nước đã ký kết các hiệp định về tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học kỹ thuật, công nghệ quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự hiện đại và thành lập ủy ban Liên Chính phủ về hợp tác quân sự giữa hai nước. Bộ Quốc phòng hai nước cũng thường xuyên tổ chức các cuộc hội đàm cấp cao, trao đổi ý kiến về những vấn đề thế giới, khu vực cùng quan tâm, về quan điểm, đường lối, chính sách quân sự, quốc phòng và các chương trình, kế hoạch trong quan hệ hợp tác quốc phòng - quân sự giữa hai nước. Quân đội hai nước cũng đã ký kết những cam kết, thỏa thuận về phương hướng và nội dung hợp tác quân sự trong giai đoạn trước mắt và lâu dài. Theo các thỏa thuận này, Việt Nam đã nhập của LB Nga nhiều loại vũ khí, kỹ thuật quân sự hiện đại và có thể sản xuất một số loại phương tiện kỹ thuật quân sự theo thiết kế của LB Nga. Quân đội LB Nga cũng tăng cường mở rộng hợp tác với Quân đội nhân dân Việt Nam trong nghiên cứu phát triển khoa học quân sự, nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học quân sự của các trung tâm, các học viện, nhà trường quân đội. Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ nhiệt đới hỗn hợp Việt – Nga (Trung tâm nhiệt đới Việt– Nga) là một mô hình hợp tác khoa học công nghệ quân sự hiệu quả giữa quân đội LB Nga và Quân đội nhân dân Việt Nam. Những năm qua, Trung tâm này đã hoàn thành hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học quân sự có giá trị thực tiễn cao về sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái vùng nhiệt đới; về phát triển các công nghệ vật liệu mới chống được sự tác động của môi trường nhiệt đới; các biện pháp y sinh phòng, chống các bệnh nhiệt đới nguy hiểm, v.v. Nhiều đề tài khoa học đã được ứng dụng hiệu quả vào hoạt động quốc phòng, quân sự, phát triển kinh tế, xã hội và các lĩnh vực khác của hai nước. Bên cạnh đó, LB Nga cũng coi trọng giúp Việt Nam hiện đại hóa ngành công nghiệp Quốc phòng; nhờ đó, ngành công nghiệp Quốc phòng của Việt Nam đã có khả năng nghiên cứu phát triển nhiều loại vũ khí, trang bị hiện đại, cải tiến nâng cấp nhiều loại vũ khí, trang bị hiện có, góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của các lực lượng vũ trang và  Quân đội nhân dân Việt Nam trong điều kiện mới. Cơ quan hợp tác khoa học – kỹ thuật quân sự của LB Nga hằng năm đã dành cho Bộ Quốc phòng Việt Nam 50 suất học bổng dân sự toàn phần, học tại các nhà trường ở LB Nga. Mới đây, Tổng thống Nga V. Putin đã phê duyệt nghị định cấp học bổng ưu đãi cho Việt Nam trên cơ sở đào tạo miễn phí tại các học viện, nhà trường của Bộ Quốc phòng Nga, bắt đầu từ năm 2006-2007.

Quan hệ hợp tác quốc phòng - quân sự giữa LB Nga và Việt Nam  dựa trên quan điểm, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế của mỗi nước, trên nguyên tắc của luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp nội bộ của nhau, tôn trọng, bình đẳng và cùng có lợi, được củng cố và phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, góp phần củng cố, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa hai nước phát triển toàn diện, ngày càng tốt đẹp. Hợp tác quốc phòng –quân sự giữa LB Nga và Việt Nam cũng được tăng cường thông qua các hoạt động hợp tác đa phương, nhất là thông qua các tổ chức, các diễn đàn kinh tế - chính trị – an ninh của khu vực, như Diễn đàn khu vực các nơước ASEAN (ARF), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Tham gia trong khuôn khổ các tổ chức, các diễn đàn này, hai nước tích cực phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, cùng với các đối tác thành viên khác tăng cường hợp tác giải quyết những vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu, như đẩy mạnh các hoạt động “ngoại giao phòng ngừa” thông qua những biện pháp nhằm tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, đối thoại giải quyết hòa bình các bất đồng, tranh chấp. Hợp tác giữa các nước trong đối phó với những thách thức toàn cầu, như phòng, chống thiên tai, các thảm họa về môi trường, các loại dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia, hoạt động khủng bố, chủ nghĩa bá quyền, cường quyền; phối hợp cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ môi trường sinh thái; trao đổi thông tin quân sự, tổ chức tuần tra chung trên biển..., góp phần tích cực trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, an ninh, ổn định cho khu vực và thế giới.

Đại tá Nguyễn Kim Lân

Viện Chiến lược, Bộ Quốc phòng

 

Ý kiến bạn đọc (0)