Thứ Sáu, 22/11/2024, 16:20 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Hoạt động khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, thiên tai, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường… là những mối đe dọa “an ninh phi truyền thống”1. Những mối đe dọa này ngày càng vượt ra khỏi sự kiểm soát của mỗi nước và trở thành vấn đề toàn cầu khiến không một quốc gia nào có thể tự mình ngăn chặn nổi. Trước thực tế đó, trong những năm gần đây, hợp tác để đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống luôn là một nội dung được ASEAN đặc biệt quan tâm.
ASEAN đang hiện hữu những vấn đề rất lớn liên quan đến an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Đó là khu vực có vùng “tam giác vàng” - nơi giáp giới giữa Mi-an-ma, Thái Lan và giáp giới với vùng “mặt trăng vàng” của khu vực Nam Á. Tại hai vùng này và cả những nơi giáp ranh với chúng, tội phạm ma túy đã phát triển thành các tập đoàn, mạng lưới và được trang bị vũ khí hiện đại. ASEAN còn là khu vực luôn bị hiểm họa động đất, sóng thần rình rập, nơi bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, v.v. Do tính chất phức tạp và sự tác động sâu xa của những thách thức mang tính “không biên giới” đó, mỗi quốc gia không thể chỉ dựa vào nỗ lực của một nền kinh tế, mà phải cần có sự nỗ lực và hợp tác giữa các nền kinh tế thành viên. Nhận thức được thực tế đó, trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong vòng 10 năm gần đây, hợp tác quốc phòng ASEAN đã có sự phát triển năng động và ngày càng đạt được hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, việc cùng nhau đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống được các thành viên ASEAN coi là một hướng hợp tác mới, cả trong khuôn khổ Hiệp hội, cũng như giữa Hiệp hội với các nước ngoài khu vực ASEAN.
Giai đoạn hợp tác mới về quốc phòng của các thành viên ASEAN được phản ánh rõ trong những năm đầu của thế kỷ XXI. Hàng loạt hội nghị về quốc phòng được tổ chức. Đó là Hội nghị Tư lệnh Lục quân các nước ASEAN (ACAMM), Hội nghị không chính thức Tư lệnh các lực lượng quốc phòng (ACDFIM), Hội nghị không chính thức những người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự (AMIIM), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), v.v. Việc tổ chức các hội nghị và diễn đàn này là bước đi cần thiết và quan trọng để ASEAN xây dựng lòng tin, củng cố tình đoàn kết; trên cơ sở đó, từng bước thiết lập và hoàn chỉnh cơ chế hợp tác song phương và đa phương về hợp tác quốc phòng nói chung, hợp tác đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống trong khu vực nói riêng.
Từ năm 2000 đến nay, Hội nghị ACAMM trở thành hội nghị thường niên để Tư lệnh Lục quân các nước ASEAN gặp gỡ, trao đổi về các vấn đề nổi lên trong khu vực. Đáng chú ý là, các Hội nghị ACAMM đều đề cập đến các mối đe dọa về an ninh, cũng như về cách thức tiếp cận để đối phó với chúng. Việc xác định vai trò của Lục quân các nước ASEAN trước các thách thức an ninh phi truyền thống cũng được Tư lệnh Lục quân các nước ASEAN đặc biệt quan tâm. Gần đây, Hội nghị ACAMM-10 (diễn ra tại Xin-ga-po từ ngày 18 đến 21-10-2009) đã đánh giá lại toàn bộ tình hình an ninh khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là những thách thức an ninh phi truyền thống mà khu vực này phải đối mặt. Hội nghị cho rằng, ASEAN đang tham gia giải quyết những thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên ở khu vực, như: khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, cướp biển, buôn lậu vũ khí, tội phạm mạng, dịch bệnh, thay đổi khí hậu và các thảm họa thiên nhiên... kể cả những hậu quả của các cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính, năng lượng tác động đến khu vực. Đặc biệt, Hội nghị ACAMM-10 đã đưa ra các đề xuất về tăng cường hợp tác Lục quân các nước ASEAN, bao gồm: tiếp tục tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin; phát triển xây dựng năng lực liên quan đến huấn luyện chung và chia sẻ kinh nghiệm, nhất là trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa; xây dựng một cơ chế đảm bảo cho việc thực hiện các đề xuất, sáng kiến.
Cùng với các hội nghị ACAMM, Hội nghị Tư lệnh các quân chủng Hải quân, Hội nghị Tư lệnh các quân chủng Không quân các nước ASEAN cũng được tổ chức. Từ các hội nghị này, lực lượng Hải quân, Không quân các thành viên của ASEAN đã có thêm sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau và bước đầu đã có sự phối hợp trong việc đảm bảo an ninh hàng hải, chống cướp biển, chống vận chuyển ma túy, nhập cư trái phép..., nhất là hỗ trợ cho nhau trong việc khắc phục hậu quả thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên vùng biển giáp ranh. Tuy vậy, để đáp ứng với tình hình mới, ASEAN nhận thấy cần phải có một cơ chế hợp tác quốc phòng đầy đủ trong toàn Hiệp hội. Vì vậy, năm 2006, các thành viên ASEAN đã thống nhất tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) hằng năm và coi đó là cơ chế hợp tác quốc phòng cao nhất của Hiệp hội. Với cơ chế mới này, quá trình hợp tác quốc phòng-an ninh ASEAN nói chung, hợp tác về đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống nói riêng, đã có những bước đi mới, toàn diện và thực chất hơn. Trong 4 hội nghị ADMM đã được tổ chức, Hội nghị ADMM-3 (diễn ra tại Pát-tay-a, Thái Lan từ 25 đến 27-2-2009) với chủ đề: “Tăng cường quốc phòng ASEAN đối phó với thách thức an ninh phi truyền thống”. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đã trao đổi quan điểm về các vấn đề an ninh và tự nguyện thông báo các vấn đề quốc phòng-an ninh. Các bên nhất trí cho rằng, các nguy cơ an ninh phi truyền thống là một trong những yếu tố gây mất ổn định đối với hòa bình và ổn định khu vực. Hội nghị cũng nhận thấy, do những nguy cơ an ninh phi truyền thống liên kết với nhau ngày càng phức tạp nên ASEAN phải đẩy mạnh hợp tác quốc phòng nhằm đưa ra những giải pháp hiệu quả. Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Ma-lai-xi-a Ba-đa-uy đưa ra ý kiến về mối liên hệ giữa ADMM với Diễn đàn ARF và cho rằng, đại diện quân đội các nước ASEAN, ngoài việc tham gia ADMM nên tăng cường có mặt tại Diễn đàn ARF.
Đặc biệt, gần đây nhất, Hội nghị ADMM-4 (diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam, từ ngày 10 đến 13-5-2010) với chủ đề “Tăng cường hợp tác quốc phòng ASEAN vì một khu vực ổn định và phát triển” đã thành công tốt đẹp, đạt được sự đồng thuận cao của các nước thành viên. Tại Hội nghị này, các Bộ trưởng cho rằng, Hiệp hội cần phải hợp tác chặt chẽ và thực chất hơn nữa trên lĩnh vực quốc phòng-an ninh, đặc biệt trong việc đối phó với những thách thức an ninh phi truyền thống. Các đại biểu cũng nhận thấy, mặc dù việc hợp tác về quốc phòng giữa các thành viên ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác ngoài khu vực diễn ra sau nhiều lĩnh vực khác, nhưng lĩnh vực hợp tác này đã có bước tiến vững chắc và ngày càng đi vào thực chất, góp phần quan trọng vào việc đẩy nhanh tiến trình hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Hội nghị ghi nhận những kết quả ban đầu quan trọng trên lĩnh vực hợp tác quốc phòng ASEAN thông qua việc triển khai thực hiện các sáng kiến được phê chuẩn tại các Hội nghị ADMM trước. Đó là sáng kiến về “Sử dụng nguồn lực và khả năng của quân đội các nước ASEAN trong hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa”, sáng kiến về “Hợp tác giữa các cơ sở quốc phòng ASEAN và các tổ chức xã hội dân sự về các vấn đề an ninh phi truyền thống”. Bên lề hội nghị, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam cho rằng, ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức về an ninh phi truyền thống như cướp biển, buôn bán ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, khủng bố và tội phạm xuyên biên giới v.v. Bộ trưởng nhấn mạnh đó là những vấn đề không một quốc gia nào có thể đơn phương giải quyết được, vì thế phải tăng cường hợp tác quốc phòng giữa các nước trong và ngoài khu vực Đông Nam Á. Sự hợp tác đó, theo Bộ trưởng, không vì mục đích tạo thành khối quân sự hay liên minh quân sự nhằm vào nước thứ ba.
Một nội dung quan trọng và là thành công nổi bật của ADMM-4 là Hội nghị đã thông qua 2 văn kiện thành lập ADMM+, đó là “Cơ cấu và thành phần”, “Thể thức và thủ tục”. Đây là việc hoàn tất thủ tục pháp lý quan trọng để đi đến hiện thực hóa ADMM+, đảm bảo cho ASEAN chủ động mở rộng hợp tác quốc phòng-an ninh với các đối tác ngoài khu vực, mà khởi điểm là Hội nghị ADMM+ 8(2) lần đầu tiên sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10-2010 tại Việt Nam.
Việc hiện thực hóa thành công ý tưởng ADMM+ đánh dấu một chương mới trong quan hệ hợp tác quốc phòng ASEAN. Đó là thành quả của quá trình phấn đấu không mệt mỏi của các thành viên ASEAN, thể hiện sự đồng thuận cao của Hiệp hội đối với lĩnh vực hợp tác quốc phòng. Trong tương lai, việc các hội nghị ADMM+ được tổ chức thường xuyên là một trong những cơ sở quan trọng để ASEAN tạo ra nguồn lực mới, hỗ trợ cho Hiệp hội xây dựng thành công Cộng đồng Chính trị-an ninh vào năm 2015 và đảm bảo cho Hiệp hội đối phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống, cũng như xây dựng một khu vực hòa bình và phát triển.
NGUYỄN THỊ HẰNG
Viện Quan hệ Quốc tế về Quốc phòng
___________
1 - Năm 2002, khái niệm “an ninh phi truyền thống” được ASEAN chính thức sử dụng trong các văn bản hợp tác của Hiệp hội.
2 - Thành phần dự Hội nghị ADMM+ bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại đầy đủ của ASEAN là: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Ốt-xrây-li-a và Niu Di-lân.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011