QPTD -Thứ Ba, 23/08/2011, 23:36 (GMT+7)
Hợp tác quốc phòng ASEAN và tiến trình hiện thực hóa cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)

Là khu vực được coi là cơ bản ổn định và phát triển năng động, nhưng Đông - Nam Á vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể gây xung đột. Để ngăn chặn các nguy cơ, hướng tới xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng chung, ASEAN không chỉ cần đẩy mạnh hợp tác về quốc phòng trong khuôn khổ Hiệp hội, mà còn phải mở rộng hợp tác về quốc phòng với các đối tác ngoài khu vực. Ý tưởng tổ chức ADMM+ được Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ tư hiện thực hóa thành công, là bước đi ban đầu góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu đó.  

Trước đây, hợp tác quốc phòng trong nội bộ ASEAN chỉ được tiến hành chủ yếu thông qua các cơ chế hợp tác song phương, hoặc hợp tác trong một nhóm nước, mà chưa hình thành một cơ chế hợp tác quốc phòng chung cho tất cả các nước thành viên. Do vậy, kết quả của quá trình hợp tác đó mới chỉ dừng lại ở một số vấn đề có liên quan, như: xây dựng Đông - Nam Á thành khu vực không có vũ khí hạt nhân; đàm phán và ký kết Tuyên bố ứng xử Biển Đông với Trung Quốc (DOC)... Sau này, trên cơ sở nhận thức rằng không một nước nào có thể đủ sức tự mình loại bỏ các nguy cơ mang tính khu vực và quốc tế liên quan trực tiếp đến an ninh của mình, nên các thành viên ASEAN xét thấy cần phải có một cơ chế hợp tác quốc phòng trong phạm vi toàn Hiệp hội. Từ thực tiễn đó, các thành viên ASEAN đã thống nhất tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) hằng năm, bắt đầu từ năm 2006 và coi đó là cơ chế hợp tác quốc phòng cao nhất của Hiệp hội. Nhờ việc tổ chức thường xuyên đó nên quá trình hợp tác quốc phòng ASEAN đã có những bước đi mới, toàn diện, ngày càng hiệu quả và thực chất hơn. Các sáng kiến và biện pháp thúc đẩy hợp tác quốc phòng ASEAN được các ADMM đưa ra và thông qua là cơ sở quan trọng để xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh, một trong ba trụ cột của cộng đồng ASEAN. ADMM còn là dịp gặp gỡ, trao đổi về các vấn đề liên quan mà hầu hết các thành viên của Hiệp hội quan tâm, từ đó, tạo sự hiểu biết, xây dựng lòng tin và nâng cao tình đoàn kết giữa các lực lượng quốc phòng ASEAN. Đặc biệt, việc xây dựng lòng tin đã đặt cơ sở rất quan trọng để Hiệp hội tăng cường hợp tác không chỉ trên lĩnh vực quốc phòng mà còn trên nhiều lĩnh vực khác. Cơ chế ADMM cũng đưa ra các quyết định chung của ASEAN về các lĩnh vực và hình thức hợp tác quốc phòng-an ninh với các đối tác ngoài khu vực, làm cho vai trò chủ đạo của ASEAN trong các cơ chế an ninh khu vực được tăng cường, qua đó nâng cao vai trò và vị thế của ASEAN trong các vấn đề an ninh ở Đông - Nam Á nói riêng, ở châu Á - Thái Bình Dương nói chung.

Cho đến nay, ASEAN đã tổ chức 4 lần ADMM và qua mỗi lần nhóm họp, ADMM đều để lại dấu ấn riêng cho quá trình hợp tác quốc phòng ASEAN. Đầu tháng 5 năm 2010, với chủ đề "Tăng cường hợp tác quốc phòng ASEAN vì một khu vực ổn định và phát triển", ADMM lần thứ tư (ADMM-4) đã được tổ chức tại Hà Nội. Tại Hội nghị này, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đã nghe thông báo về những diễn biến gần đây trong hợp tác ASEAN, về kết quả Hội nghị Không chính thức Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ bảy (ACDFIM-7), kết quả Hội nghị Quan chức Quốc phòng Cấp cao ASEAN lần thứ tư (ADSOM-4) vừa được tổ chức thành công tại Hà Nội, cũng như trao đổi và chia sẻ quan điểm về tình hình an ninh khu vực và tự nguyện thông báo về chính sách quốc phòng của mỗi nước. Đặc biệt, tại ADMM-4, các Bộ trưởng đã tập trung xem xét và thông qua hai tài liệu: “ADMM+: Cơ cấu và Thành phần” và tài liệu “ADMM+: Thể thức và Thủ tục”. Đây là hai tài liệu quan trọng nhằm hoàn tất giai đoạn chuẩn bị về mặt pháp lý và thủ tục cho việc thực hiện và bắt đầu chuyển sang một giai đoạn triển khai thực hiện trên thực tế các hoạt động hợp tác quốc phòng giữa ASEAN với các đối tác quan trọng nhất có liên quan trực tiếp đến an ninh khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN cũng đã nhất trí để Việt Nam tổ chức ADMM+ lần đầu tiên vào tháng 10 năm 2010.

Với thành công trên, có thể nói, ADMM-4 là hội nghị để lại dấu ấn quan trọng nhất kể từ khi cơ chế ADMM được thiết lập. Việc hiện thực hóa thành công ý tưởng ADMM+ đã đánh dấu một chương mới trong quan hệ hợp tác quốc phòng ASEAN. Đây cũng là kết quả tất yếu của quá trình hợp tác quốc phòng ASEAN, thể hiện sự đồng thuận cao của các thành viên ASEAN về việc hợp tác quốc phòng giữa ASEAN với các đối tác quan trọng nhất có liên quan trực tiếp đến an ninh khu vực. 

Ý tưởng về ADMM+ đã được nêu ra ngay tại ADMM lần thứ nhất tại Ma-lai-xi-a năm 2006. Ý tưởng này ra đời trước một thực tế là, từ năm 1994, ASEAN đã có một cơ chế hợp tác quốc phòng-an ninh với các đối tác ngoài khu vực, đó là Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Sau hơn 15 năm hình thành và phát triển, ARF đã có 28 thành viên gồm 10 nước ASEAN, 17 quốc gia khác và một tổ chức khu vực là Liên minh châu Âu (EU). ARF đã không ngừng phát triển và đạt được nhiều thành tựu trong hợp tác quốc phòng-an ninh. Hiện nay ARF đã đi qua giai đoạn "Xây dựng lòng tin" để bước vào giai đoạn mới – giai đoạn "Ngoại giao phòng ngừa". Trong chương trình của mình, ARF đề cập đến nhiều vấn đề an ninh truyền thống cũng như phi truyền thống có liên quan mật thiết đến an ninh khu vực. Tuy nhiên, ARF chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu hợp tác quốc phòng của ASEAN với các đối tác ngoài khu vực. Để giải quyết các vấn đề an ninh khu vực, ASEAN cần một cơ chế hợp tác quốc phòng chính thức, có năng lực và hiệu quả hơn. Cơ chế ADMM+ được thiết lập nhằm đáp ứng nhu cầu đó của ASEAN.

Khác với ARF, nội dung hợp tác trong ADMM+ là các vấn đề quốc phòng trong khi ARF hợp tác rộng trên các vấn đề chính trị và an ninh, trong đó hợp tác quốc phòng chỉ là một nội dung. Do nội dung hợp tác tập trung hơn nên ADMM+ có thể hợp tác sâu hơn vào các vấn đề quốc phòng mà ASEAN đang quan tâm. Hơn nữa, về tính chất, ADMM+ là cơ chế hợp tác chính thức về quốc phòng giữa ASEAN với các đối tác ngoài khu vực ở cấp Bộ trưởng Quốc phòng, mà ở đây, ADMM giữ vai trò trung tâm. Còn ARF là diễn đàn hợp tác cả về chính trị, ngoại giao, quốc phòng, bao gồm cả các hoạt động ngoại giao kênh 1, kênh 2 và cấp tham gia về quốc phòng là Thứ trưởng Quốc phòng. Như vậy, xét dưới góc độ hợp tác quốc phòng thì ADMM+ là cơ chế hợp tác quốc phòng cao nhất của ASEAN với các đối tác ngoài khu vực. Mặt khác, yêu cầu đối với các thành viên tham gia ADMM+ cũng có những điểm khác ARF. Các đối tác tham gia ADMM+ phải là những đối tác chính, có liên quan mật thiết với an ninh khu vực, có năng lực hợp tác và phải là đối tác đầy đủ của ASEAN. Trong khi đó, ARF là tập hợp rộng rãi các đối tác có liên quan đến an ninh khu vực và nhiều nước không phải là đối tác đầy đủ của ASEAN. Do thành phần, nội dung và tính chất nêu trên nên ADMM+ hứa hẹn là một kênh hợp tác quốc phòng có hiệu quả giữa ASEAN với các đối tác ngoài khu vực. Nói như vậy không có nghĩa là việc hình thành ADMM+ sẽ loại bỏ hay làm giảm vai trò của ARF, mà ARF và ADMM+ sẽ cùng tồn tại như hai kênh hợp tác quốc phòng-an ninh chủ yếu của ASEAN với các đối tác ngoài khu vực. Hai kênh hợp tác này không chồng chéo nhau, không loại trừ nhau; trái lại, chúng bổ sung, hỗ trợ cho nhau để cùng phát triển vì các lợi ích của ASEAN cũng như lợi ích của các đối tác ngoài khu vực. 

Theo dự kiến, ADMM+ lần đầu tiên sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 10 năm 2010 tại Hà Nội. Thành phần của Hội nghị này là Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác ngoài khu vực, đó là: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Nga và Ấn Độ. Các nước được ASEAN mời tham gia ADMM+ là những nước được lựa chọn theo tiêu chí: phải là Bên Đối tác đối thoại đầy đủ  của ASEAN; có ảnh hưởng và có quan hệ quan trọng với các thể chế quốc phòng ASEAN; có khả năng hợp tác với ADMM để tăng cường an ninh khu vực một cách thực chất. Tám đối tác nêu trên đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đặt ra. Tuy nhiên, ADMM+ là một cơ cấu mở nên trong tương lai, số thành viên tham gia có thể sẽ tăng lên nếu các nước khác muốn tham gia hội đủ các điều kiện và được ASEAN chấp nhận. ADMM+ sẽ được tổ chức 3 năm một lần, song cũng có thể được triệu tập bất thường khi các bên thấy cần thiết. Ở cấp thực hiện, ADMM+ có thể thành lập các nhóm làm việc để chuẩn bị cho Hội nghị cấp Bộ trưởng Quốc phòng và thực hiện các hoạt động hợp tác quốc phòng cụ thể. Đánh giá về vai trò của ADMM+, tại Hội nghị An ninh châu Á lần thứ chín (Đối thoại Shangri-La, Xinh-ga-po) diễn ra vào tháng 6 năm 2010, Đại tướng Phùng Quanh Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đã nhấn mạnh: "ADMM+ có ý nghĩa thực tiễn rất quan trọng cho việc định hình một cấu trúc an ninh mới tại khu vực với sự tham gia của các cường quốc có lợi ích và ảnh hưởng tại đây. Mục tiêu chính trị cao nhất của ADMM+ là hướng tới xây dựng một khu vực hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng chung. Mặt khác, ADMM+ còn có vai trò kết nối các nguồn lực, hỗ trợ ASEAN xây dựng thành công Cộng đồng Chính trị - An ninh vào năm 2015". Nhận định này đã được đại biểu của 26 nước tham gia Đối thoại Shangri-La nhiệt liệt hoan nghênh. Trưởng đoàn các nước Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nga, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân, Hàn Quốc, Nhật Bản... tại Đối thoại Shangri-La cũng bày tỏ sự ủng hộ và sẵn sàng tham gia ADMM+ lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam.

Việc hiện thực hoá ý tưởng ADMM+, tiếp đến là tổ chức thành công ADMM+, sẽ là đóng góp quan trọng ghi đậm dấu ấn của Việt Nam trong tiến trình hợp tác quốc phòng ASEAN. Thành công này có ý nghĩa về mặt chính trị rất sâu sắc. Trước hết, việc Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng ASEAN, tích cực mở rộng quan hệ đối tác với các quốc gia ngoài khu vực ASEAN, là sự thể hiện về một chính sách quốc phòng hoà bình, tự vệ, rộng mở, sẵn sàng làm bạn và là đối tác tin cậy của các nước trên thế giới. Điều này cũng thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác quốc phòng của Hiệp hội khi Việt Nam trên cương vị là Chủ tịch ASEAN. Thứ hai, việc góp phần hiện thực hoá ý tưởng ADMM+, tổ chức thành công ADMM+ là cách Việt Nam xây dựng lòng tin với các nước để tạo ra sự ổn định chung trong khu vực và trên thế giới. Hơn nữa, trong quan hệ quốc tế, hợp tác luôn đi đôi với đấu tranh. Việc Việt Nam thúc đẩy ADMM+ thể hiện rõ mong muốn và quyết tâm của Việt Nam trong việc giải quyết những khác biệt, mâu thuẫn, xung đột một cách hoà bình. Thứ ba, việc đóng góp to lớn vào các thành công về hợp tác quốc phòng ASEAN thời gian qua làm cho uy tín, vị thế của Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục được nâng cao; con người và văn hoá Việt Nam được thế giới và khu vực biết đến và tôn trọng. Sau cùng, cũng là tựu trung của các vấn đề có ý nghĩa nêu trên, là sự thể hiện quyết tâm và khả năng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, chế độ xã hội chủ nghĩa của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Thành công của việc hiện thực hóa ADMM+ là thành quả chung của ASEAN, song nó cũng ghi nhận nỗ lực to lớn của Việt Nam. Mặc dù ý tưởng về ADMM+ đã được nêu ra ngay tại ADMM lần thứ nhất, nhưng qua 3 kỳ ADMM, ý tưởng này vẫn chưa trở thành hiện thực. Đến ADMM hẹp họp tại Băng Cốc, Thái Lan tháng 11 năm 2009, sau khi đánh giá đúng tình hình, được sự đồng ý của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh bày tỏ mong muốn và quyết tâm cao của Việt Nam tổ chức Hội nghị ADMM+ lần đầu tiên tại Hà Nội trong năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam. Đề xuất này được Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đồng tình ủng hộ. Trong thời gian rất ngắn (chưa đầy 6 tháng), Việt Nam đã làm được một khối lượng công việc rất lớn để Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN tham dự ADMM-4 cùng đồng thuận hoàn tất các cơ sở pháp lý cho việc tổ chức ADMM+ tại Hà Nội vào cuối năm 2010, mở ra một chương mới của ADMM trong hợp tác quốc phòng với các đối tác bên ngoài ASEAN. Để có sự đồng thuận của các nước ASEAN,sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của các nước đối tác và vượt qua các rào cản trong các vấn đề kỹ thuật, Việt Nam đã làm rất nhiều việc để có được thành công nêu trên. Chẳng hạn, nhằm đạt được sự đồng thuận trong các nước ASEAN, chúng ta đã tổ chức tham vấn, trao đổi với từng nước ASEAN về nhu cầu, thời cơ, điều kiện tiến hành ADMM+. Mặt khác, chúng ta đã tích cực tham vấn các nước đối tác ngoài ASEAN, đặc biệt là các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân… Trên thực tế, để đạt được đồng thuận trong các nước ASEAN và nhận được các tín hiệu tích cực từ phía các nước đối tác, chúng ta đã phải tham vấn rất nhiều lần, đặc biệt là về các vấn đề kỹ thuật, thậm chí là các chi tiết rất nhỏ. Chúng ta cũng phải hoàn thành các tài liệu cơ bản "Cơ cấu và thành phần", "Thể thức và thủ tục" với các nội dung mang ý nghĩa quyết định sự vận hành ADMM+ trong tương lai.

Như vậy, hợp tác quốc phòng ASEAN đã và đang có bước phát triển hết sức năng động, không chỉ trong khuôn khổ Hiệp hội, mà còn mở rộng tới các đối tác quan trọng bên ngoài khu vực. Với thực tiễn sinh động đó, chúng ta tin tưởng rằng, quan hệ hợp tác quốc phòng ASEAN sẽ tiếp tục tạo ra được những đột phá mới, đóng góp xứng đáng vào việc xây dựng Đông - Nam Á thành khu vực hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

Trung tướng NGUYỄN CHÍ VỊNH

Thứ trưởng Quốc phòng

 

Ý kiến bạn đọc (0)