Thứ Sáu, 22/11/2024, 20:52 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Đánh giá vai trò, vị trí của giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ), Đại hội X của Đảng khẳng định: “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”1. GD-ĐT trong quân đội là một bộ phận của hệ thống giáo dục quốc dân, nhằm đào tạo con người cho nhiệm vụ BVTQ. Nghị quyết số 86/NQ-ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương về công tác GD-ĐT trong tình hình mới đã xác định: “Phát triển GD-ĐT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu của cấp ủy và chỉ huy các cấp, các ngành trong quân đội. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực về con người, ngân sách và có chính sách ưu tiên phù hợp để GD-ĐT phát triển trước một bước”.
Với vị trí là học viện hàng đầu trong hệ thống học viện, nhà trường của quân đội, Học viện Quốc phòng được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo cán bộ chiến dịch- chiến lược của quân đội và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (QP-AN) cho cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Để đẩy mạnh đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng GD-ĐT, Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện xác định vấn đề có tính nguyên tắc, quyết định là: phải thường xuyên quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, giữ vững mục tiêu, phương hướng chính trị của GD-ĐT; trong đó, tập trung vào Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX “Về Chiến lược BVTQ trong tình hình mới”, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 10 của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng. Trên cơ sở các Nghị quyết số 93, 94, 86 của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Học viện xác định mục tiêu GD-ĐT của Học viện là: đào tạo cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng; có kiến thức toàn diện và trình độ chuyên môn cao, có tư duy sâu về QP-AN; có khả năng tham gia hoạch định, tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và các nhiệm vụ khác được giao, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD) vững mạnh.
Đặc trưng cơ bản của đào tạo cán bộ chiến dịch-chiến lược là trang bị cho người học hệ thống kiến thức quốc phòng, quân sự ở tầm vĩ mô, với phương pháp tư duy độc lập, nhạy bén, sáng tạo. Vì vậy, chương trình, nội dung đào tạo ở Học viện được xây dựng có tính tổng hợp cao, vừa toàn diện, vừa chuyên sâu, tính lý luận cao và tính thực tiễn phong phú; luôn quán triệt sâu sắc tư duy mới của Đảng về quốc phòng, quân sự (nhất là các quan điểm về tổ chức xây dựng nền QPTD và nền an ninh nhân dân; về sức mạnh BVTQ trong tình hình mới; quan điểm, chính sách đối ngoại của Đảng trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế). Trên cơ sở đó, Học viện đã tổ chức biên soạn mới nhiều chuyên đề về nghệ thuật quân sự và xã hội nhân văn quân sự, sắp xếp theo ba khối kiến thức cơ bản là: khối kiến thức chung (học thuyết Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, học thuyết quân sự Việt Nam...); khối kiến thức quốc phòng (chiến lược QP-AN, xây dựng thế trận QPTD, xây dựng khu vực phòng thủ, chiến tranh nhân dân BVTQ...); khối kiến thức quân sự (lịch sử nghệ thuật quân sự, chiến tranh nhân dân, nghệ thuật chiến dịch, chiến lược...). Chương trình GD-ĐT được xây dựng theo hướng mở, luôn được bổ sung những vấn đề mới, nhất là kiến thức về sự phát triển của khoa học quân sự. Nội dung của các chuyên đề luôn bảo đảm tính đảng, tính giai cấp, tính cách mạng và khoa học; cung cấp cho người học kiến thức toàn diện, tri thức hiện đại và thông tin cập nhật.
Cùng với đổi mới chương trình, nội dung, Học viện coi trọng đổi mới phương pháp dạy học, với yêu cầu không dừng lại ở việc cung cấp thông tin, tư liệu, truyền thụ kinh nghiệm một chiều, mà tập trung truyền thụ cho người học phương pháp tư duy; chuyển mạnh từ tư duy đánh địch trong chiến tranh giải phóng sang tư duy đánh địch trong chiến tranh BVTQ; từ tư duy quân sự đơn thuần sang tư duy QP-AN; đồng thời, kế thừa và phát triển tư tưởng nghệ thuật quân sự truyền thống của dân tộc vào tác chiến trong điều kiện mới. Phương pháp dạy học tích cực được đội ngũ giảng viên tăng cường vận dụng; quá trình lên lớp luôn chú trọng kết hợp giới thiệu chuyên đề với hướng dẫn tự nghiên cứu, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học. Đó cũng là cơ sở để xây dựng tư duy độc lập, khắc phục bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa của người chỉ huy. Hiện nay, Học viện đang đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy theo quy trình, chương trình đào tạo mới, với phương châm gắn lý luận với thực tiễn; tập trung giải quyết những vấn đề mà thực tiễn nhiệm vụ QP-AN của đất nước đang đặt ra.
Từ năm 1998, cùng với nhiệm vụ đào tạo cán bộ cấp chiến dịch- chiến lược và một số đối tượng khác, Học viện được giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể do Ban Bí thư Trung ương quản lý (gọi tắt là đối tượng 1)2. Ngày 01-02-2008, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tiếp tục ra Chỉ thị số 06/CT-BQP về nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ đối tượng 1 tại Học viện Quốc phòng. Theo đó, trong năm 2009 và 2010, mỗi năm Học viện tổ chức từ 5-7 khoá; đồng thời, số học viên trong mỗi khoá cũng tăng lên để đáp ứng nhu cầu trang bị kiến thức QP-AN cho cán bộ cao cấp của các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Xác định đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ BVTQ trong tình hình mới, Học viện đã tập trung quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, nghị định của Đảng và Chính phủ, nhất là Chỉ thị số 12- CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ về giáo dục QP-AN; tạo sự thống nhất trong nhận thức và trách nhiệm tổ chức thực hiện ở tất cả các cấp trong Học viện. Đến nay, Học viện đã tổ chức được 32 khóa cho hơn 2.400 cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước; trong đó, có 570 đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, thứ trưởng và tương đương. Chương trình, nội dung giảng dạy đã tập trung bồi dưỡng cho người học quan điểm, đường lối của Đảng về nhiệm vụ BVTQ; bồi dưỡng phương pháp quản lý nhà nước về quốc phòng, quân sự; nội dung, phương pháp tổ chức xây dựng nền QPTD, kết hợp kinh tế với QP-AN...; qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người học đối với nhiệm vụ BVTQ. Mặt khác, Học viện còn phát huy trí tuệ và kinh nghiệm về lĩnh vực công tác của học viên trong việc tham gia ý kiến với Đảng, Nhà nước những vấn đề liên quan đến QP-AN cũng như nhiệm vụ BVTQ hiện nay.
Quán triệt quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng và chỉ thị của Bộ Quốc phòng, Học viện đã thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng học viên quân sự nước ngoài theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và chính phủ các nước; tích cực thực hiện Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo trong quân đội giai đoạn 2007-2015 và những năm tiếp theo", góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng: độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực.
Công tác nghiên cứu khoa học của Học viện được gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ GD-ĐT, hướng vào giải quyết các vấn đề thuộc lý luận cơ bản của môn học, ngành học. Trong 10 năm qua, Học viện đã thực hiện 33 đề tài cấp Bộ, 210 đề tài cấp học viện, biên soạn 614 giáo trình, tài liệu. Các giáo trình, tài liệu đó luôn quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, tập trung phát triển lý luận về nghệ thuật tạo sức mạnh tổng hợp; kết hợp các mặt trong đấu tranh quốc phòng; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung lý luận về xây dựng nền QPTD, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố). Trong lĩnh vực nghệ thuật quân sự, Học viện chú trọng tổ chức nghiên cứu phương thức tiến hành chiến tranh BVTQ, sự phát triển của phương thức tác chiến chiến lược, phát triển lý luận các loại hình tác chiến chiến dịch... Bên cạnh đó, Học viện còn tham gia nghiên cứu nhiều đề tài khoa học xã hội và nhân văn quân sự; tham gia đóng góp vào tổng kết Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX); tổng kết, bổ sung phát triển Cương lĩnh 1991 về xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH; bổ sung hoàn thiện cơ chế thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với nhiệm vụ QP-AN cũng như đối với quân đội trong thời kỳ mới.
Đánh giá đúng vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ, giảng viên trong việc đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT, Học viện đã xây dựng quy hoạch tổng thể có tính chiến lược về đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ, giảng viên; bảo đảm đủ về cơ cấu, có tính liên tục, kế thừa và phát triển, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ GD-ĐT của Học viện. Trên cơ sở Đề án "Kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo quân đội đến năm 2010" đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt, Học viện tiến hành rà soát, bổ sung số lượng giảng viên còn thiếu, chú trọng xây dựng và thực hiện “Quy hoạch đào tạo tiến sĩ từ năm 2010 đến 2020”; đồng thời, vận dụng nhiều hình thức tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên; kết hợp đào tạo, bồi dưỡng với khuyến khích mỗi người tự nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ... Vì vậy, những năm gần đây, số giảng viên có học hàm, học vị không ngừng tăng lên. Đến nay, Học viện đã cơ bản hoàn thành chuẩn hoá đội ngũ giáo viên, có 54,6% đạt trình độ sau đại học (trong giảng viên chiếm 83,4%); trong đó, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ chiếm tỷ lệ 16,7%.
Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, Học viện tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng, đẩy mạnh xây dựng Đảng bộ Học viện vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; xây dựng tổ chức đảng các cấp trong sạch, vững mạnh; phấn đấu 100% tổ chức đảng đạt trong sạch, vững mạnh, 100% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ (trong đó có 25-30% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ). Cùng với đó, Học viện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện bước hai Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn Cuộc vận động với nâng cao chất lượng GD-ĐT, nghiên cứu khoa học, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và BVTQ trong tình hình mới.
Trung tướng, TS. NGUYỄN NHƯ HOẠT
Giám đốc Học viện
________
1- ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H.2006, tr. 94-95.
2- Bao gồm đối tượng là: bộ trưởng, thứ trưởng, các trưởng và phó ban, ngành Trung ương; cán bộ lãnh đạo chủ chốt các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc và bí thư đảng ủy các tổng công ty trực thuộc Chính phủ; vụ trưởng, viện trưởng, hiệu trưởng các trường đại học trọng điểm.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011