Thứ Sáu, 22/11/2024, 21:04 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Quán triệt quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng về quốc phòng, quân sự và giáo dục-đào tạo (GD-ĐT), Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Học viện Quốc phòng lần thứ 8 đã xác định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác huấn luyện-đào tạo, nghiên cứu khoa học, tập trung đột phá vào 3 khâu: đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp huấn luyện-đào tạo; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học (NCKH) và xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ở tầm chiến dịch- chiến lược với chất lượng cao...”. Đây là những định hướng vừa mang tính cơ bản lâu dài, vừa mang tính cấp thiết đối với Học viện Quốc phòng hiện nay.
Với vị trí là một học viện lớn của cả nước, học viện hàng đầu của quân đội và một trung tâm NCKH quân sự, những năm gần đây, Học viện Quốc phòng đã có sự phát triển, đổi mới toàn diện. Từ đào tạo cán bộ chiến thuật- chiến dịch, Học viện phải tập trung cho đào tạo cán bộ chiến dịch- chiến lược, đào tạo sau đại học; đồng thời, thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức quốc phòng-an ninh (QP-AN) cho cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước. Theo đó, yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên của Học viện cao hơn, đòi hỏi phải có trình độ tương ứng; đồng thời, phải có sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy theo yêu cầu, nhiệm vụ: từ tư duy chiến thuật-chiến dịch lên tư duy chiến dịch-chiến lược, từ tư duy quân sự sang tư duy quốc phòng- quân sự- an ninh.
Trong công tác GD-ĐT, Học viện tập trung đổi mới quy trình, chương trình, nội dung phù hợp với từng đối tượng và tích cực đổi mới phương pháp dạy-học. Thực hiện nghiêm túc quy trình đào tạo, sử dụng cán bộ theo đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong quân đội”, trọng tâm là, tinh giản nội dung, rút ngắn thời gian một cách hợp lý, bảo đảm tính liên thông giữa các cấp học, bậc học. Trên cơ sở nguyên lý cơ bản của khoa học giáo dục hiện đại, tài liệu tổng kết hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc và nghiên cứu các cuộc chiến tranh diễn ra trong những năm gần đây cũng như xu hướng phát triển khoa học quân sự trên thế giới, Học viện đã kịp thời bổ sung, điều chỉnh chương trình đào tạo, bảo đảm tính toàn diện, tính khoa học và tính thực tiễn cao; đồng thời, tổ chức biên soạn hệ thống giáo trình tương đối hoàn chỉnh. Đến nay, đã hoàn thành 62 chuyên đề chuẩn làm cơ sở để xây dựng các chuyên đề đào tạo, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cụ thể cho từng đối tượng. Trong đó, Học viện đặc biệt quan tâm xây dựng nội dung về chiến lược quân sự và nghệ thuật chiến dịch trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm bám sát sự phát triển của đối tượng tác chiến, phù hợp với tổ chức, biên chế, vũ khí, trang bị và nghệ thuật quân sự Việt Nam.
Trước sự phát triển của tình hình thế giới, khu vực và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học- công nghệ cũng như nghệ thuật quân sự, Đảng ta đã đặc biệt quan tâm đến đổi mới tư duy về quốc phòng, quân sự. Theo tinh thần đó, thông qua chương trình, nội dung GD-ĐT, Học viện đã tập trung đổi mới tư duy cho các đối tượng đào tạo, bồi dưỡng tại Học viện; nhất là đối với cán bộ chiến dịch- chiến lược. Đó là, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới được thể hiện tập trung trong Nghị quyết Đại hội IX, X, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) của Đảng. Theo đó, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc là sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; sức mạnh của lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân với sức mạnh của lực lượng và thế trận an ninh nhân dân; đó là sức mạnh của sự kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữa kinh tế với QP-AN và QP-AN với kinh tế trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội; đó là quán triệt, thống nhất nhận thức về chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta hiện nay: tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và cùng có lợi, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế, nhưng sẵn sàng tự vệ chống mọi hành động xâm phạm lãnh thổ và lợi ích quốc gia, dân tộc; không chạy đua vũ trang, nhưng luôn củng cố sức mạnh quốc phòng đủ khả năng để tự vệ, đánh bại kẻ thù xâm lược dưới mọi hình thức.
Đi đôi với đổi mới về chương trình, nội dung, Học viện đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy-học. Đã tích cực tổ chức các lớp bồi dưỡng phương pháp giảng dạy cho giảng viên, cán bộ; trong đó, đặc biệt coi trọng vận dụng phương pháp dạy-học tích cực, nâng cao trình độ sử dụng các trang bị, thiết bị hiện đại trong giảng dạy và phương pháp phối hợp giữa thuyết trình với sự hỗ trợ của phương tiện, trang bị giảng dạy hiện đại. Chú trọng bồi dưỡng cho giảng viên về phương pháp chuẩn bị giáo án với dẫn chứng, minh họa nội dung bằng công cụ trình chiếu. Cùng với đó là các kiến thức lý luận về dạy-học, về tâm lý học, giáo dục học và một số nội dung về logic hình thức, phương pháp NCKH...Từng bước thống nhất quy trình, phương pháp giảng dạy trong từng bài giảng, bảo đảm yêu cầu “lý luận sắc, thực tiễn phong phú và tính chiến đấu cao”. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy được Học viện thực hiện bằng sự vận dụng linh hoạt giữa phương pháp giảng dạy truyền thống và phương pháp dạy - học tích cực. Đối với nội dung lý luận, kết cấu chương trình được thiết kế theo hướng tăng thời gian thảo luận trong các phần học; gắn lý luận với thực tiễn, đưa người học đến gần hơn với thực tiễn hoạt động quốc phòng, quân sự. Các phương pháp, hình thức giảng bài, thảo luận, tập bài, diễn tập, nghiên cứu thực tế... ngày càng đạt chất lượng cao hơn. Bên cạnh đó, Học viện chú trọng đầu tư tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giáo dục đào tạo, nhất là bảo đảm nguồn tài liệu phong phú để học viên tự nghiên cứu, nâng cao trình độ tư duy của mình. Học viện đã triển khai thực hiện dự án công nghệ thông tin, xây dựng trang website của Học viện, nối mạng vi tính cục bộ đến 7 giảng đường, liên kết 12 giảng đường bằng hệ thống cầu truyền hình. Hệ thống phần mềm quản lý khoa học, cơ sở dữ liệu khoa học, công nghệ phục vụ tra cứu, NCKH... được xây dựng. Đó là những điều kiện quan trọng, làm cơ sở để Học viện đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy-học, khuyến khích quá trình tự nghiên cứu, phát triển tư duy độc lập, sáng tạo của học viên, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.
Xác định rõ vị trí, trách nhiệm của Học viện Quốc phòng, trong công tác NCKH, Học viện tập trung trước hết vào nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn đề tài, giáo trình, tài liệu phục vụ giảng dạy và học tập tại Học viện đạt tầm chiến dịch-chiến lược; bảo đảm tính cơ bản, hệ thống, thống nhất và chuyên sâu cả lý luận và thực tiễn, có tính khái quát cao, phù hợp với loại hình đào tạo từng đối tượng. Tích cực nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng những chủ trương, giải pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân; hoạch định chính sách và chỉ đạo về QP-AN, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Dự báo âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch; các phương thức tiến hành chiến tranh xâm lược của chúng đối với đất nước Việt Nam; đề xuất những giải pháp ngăn ngừa và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh đối với đất nước. Đồng thời, có phương thức đánh bại các loại hình tác chiến địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, khi buộc phải tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, các đề tài còn hướng vào việc nghiên cứu tổng kết kinh nghiệm, truyền thống trong nghệ thuật quân sự Việt Nam; tư tưởng nghệ thuật “lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn, lấy vũ khí, trang bị chưa hiện đại và tương đối hiện đại thắng vũ khí, trang bị hiện đại”. Cập nhật những phát triển mới về khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự; thực hiện “đi trước, đón đầu”, đáp ứng sự phát triển của tình hình, sát thực tiễn nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Với nhiều giải pháp thiết thực, sát với yêu cầu, nhiệm vụ, công tác NCKH của Học viện ngày càng đạt chất lượng, hiệu quả cao. Trong 5 năm qua, Học viện đã hoàn thành 179 đề tài NCKH, 417 giáo trình, tài liệu, trong đó, đề tài cấp Nhà nước và nhiều đề tài cấp Bộ, cấp ngành và cấp Học viện đạt xuất sắc.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng GD-ĐT, NCKH, Học viện thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, xây dựng Học viện vững mạnh toàn diện. Trong đó, luôn chú trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên; đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ được giao. Duy trì và đẩy mạnh cuộc vận động “xây dựng, chỉnh đốn Đảng”. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng; có năng lực toàn diện, ngang tầm nhiệm vụ, nhất là giảng viên chiến lược - chiến dịch. Xây dựng đội ngũ giảng viên có số lượng phù hợp, có chất lượng cao, từng bước được chuẩn hóa về học vấn; cán bộ quản lý có kiến thức cơ bản và năng lực phù hợp với đối tượng đào tạo. Thực hiện đúng tiêu chuẩn, chức danh cán bộ, bảo đảm sự chuyển tiếp vững chắc giữa các thế hệ cán bộ, giảng viên, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài cho nhiệm vụ chính trị của Học viện. Phấn đấu đến năm 2010 có 95-98% giảng viên có trình độ sau đại học, trong đó 20-25% có trình độ tiến sĩ, 10-15% là giáo sư, phó giáo sư; nhiều khoa có đủ điều kiện thành lập Hội đồng khoa học chuyên ngành.
Cùng với đó, Học viện tăng cường cải cách hành chính quân sự, thường xuyên kiện toàn tổ chức, biên chế theo đúng quy định. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền nếp chính quy, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật của quân đội, tạo bước chuyển biến vững chắc về lễ tiết tác phong quân nhân. Đồng thời, quan tâm đổi mới công tác quản lý, điều hành GD-ĐT, xác định đây là vấn đề quan trọng, bảo đảm cho quá trình đào tạo được thực hiện đúng chương trình, nội dung và kế hoạch đã xác định, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, coi trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành; lấy kế hoạch GD-ĐT là trung tâm để xây dựng kế hoạch của các ngành khác, tạo nên sự đồng bộ trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ đào tạo. Trên cơ sở nội dung, chương trình, Học viện thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra huấn luyện, duy trì việc chấp hành nghiêm túc quy chế, quy định; đổi mới khâu ra đề thi, tổ chức và đánh giá kết quả huấn luyện khách quan, đúng chất lượng, năng lực của người học. Triển khai đồng bộ các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng, hướng vào nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GD-ĐT và NCKH.
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác GD-ĐT và NCKH quân sự là một nhiệm vụ quan trọng, là yêu cầu khách quan của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Phát huy kết quả đã đạt được, cán bộ, giảng viên, công nhân viên, chiến sĩ Học viện Quốc phòng tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, tích cực đổi mới tư duy, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực chuyên môn, xây dựng Học viện vững mạnh toàn diện, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Trung tướng, TS. Phạm Xuân Hùng
ủy viên BCHTƯ Đảng, Giám đốc Học viện
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011