QPTD -Thứ Tư, 30/11/2011, 00:39 (GMT+7)
Học viện Kỹ thuật quân sự tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học - công nghệ
Trước yêu cầu mới về xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, những năm gần đây,  nhiệm vụ của Học viện Kỹ thuật quân sự ngày càng phát triển, quy mô đào tạo mở rộng, lưu lượng đào tạo tăng, đối tượng, loại hình đào tạo đa dạng. Nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình, Học viện đã không ngừng đổi mới, đạt được nhiều thành tích trong giáo dục- đào tạo (GD-ĐT), nghiên cứu khoa học, công nghệ (NCKH,CN) cũng như xây dựng tiềm lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội, tăng cường sức mạnh quốc phòng, phục vụ CNH, HĐH đất nước; thực hiện tốt chức năng của một trung tâm đào tạo cán bộ, NCKH,CN lớn của Quân đội và Nhà nước. Trong công tác đào tạo, Học viện chú trọng đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo của các bậc học, ngành học, phù hợp với sự phát triển của ngành Kỹ thuật quân đội, góp phần xây dựng đất nước; tích cực xây dựng các yếu tố bảo đảm, nhất là đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất huấn luyện; nhờ đó, đã tạo được sức mạnh tổng hợp để nâng cao chất lượng GD-ĐT. Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng  hàng vạn sĩ quan, kỹ sư quân sự, cán bộ chỉ huy- tham mưu kỹ thuật cấp chiến thuật- chiến dịch; hàng ngàn kỹ sư dân sự phục vụ CNH, HĐH đất nước; coi trọng đào tạo cao học, đào tạo tiến sĩ, đáp ứng nguồn nhân lực trình độ cao của Quân đội và Nhà nước. Kết quả các khóa đào tạo gần đây cho thấy: tỷ lệ học viên tốt nghiệp khá, giỏi ngày càng tăng; khả năng hoàn thành nhiệm vụ được nâng lên rõ nét, nhiều kỹ sư có sáng kiến trong thực tiễn sản xuất, bảo đảm kỹ thuật cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu; tỷ lệ học viên được kết nạp vào Đảng đạt gần 70%... Những kết quả đó khẳng định chất lượng, hiệu quả đào tạo và uy tín của Học viện.

Cùng với đào tạo, Học viện rất quan tâm công tác NCKH,CN, coi đó là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng GD- ĐT. Học viện đã có nhiều giải pháp phát huy thế mạnh của cơ sở đào tạo đa ngành và khả năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ khoa học, giảng viên, đông đảo học viên vào tham gia NCKH,CN. Hoạt động NCKH,CN của Học viện được triển khai theo 3 hướng: nghiên cứu phục vụ đào tạo, phục vụ sẵn sàng chiến đấu của quân đội, phục vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế dân sinh. Học viện đã xây dựng thành công mô hình kết hợp: đào tạo- NCKH,CN- sản xuất, vừa thực hiện nhiệm vụ đào tạo, vừa  ứng dụng kết quả nghiên cứu phục vụ sản xuất, đời sống. Đi đôi với nghiên cứu, biên soạn hệ thống giáo trình, tài liệu giảng dạy, đổi mới trang thiết bị phục vụ đào tạo, Học viện đã tổ chức đi sâu NCKH,CN ở các lĩnh vực mũi nhọn mà nhà trường có ưu thế để phục vụ quốc phòng và kinh tế. Đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện đã tham gia nghiên cứu nhiều đề tài, dự án thuộc các chương trình KH,CN trọng điểm của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, đáp ứng được nhu cầu gắn thực tế của quân đội với phát triển kinh tế- xã hội; tham gia các đề tài khoa học trọng điểm phục vụ bảo đảm vũ khí, trang bị của quân đội. Số lượng đề tài, dự án cấp Nhà nước tăng 52,6%, sáng kiến cấp Bộ tăng 81,25%; tổng kinh phí các đề tài, dự án các cấp tăng gấp 3,23 lần so với nhiệm kỳ trước. Phần lớn các đề tài, dự án hoàn thành đúng tiến độ, có hiệu quả và được đưa vào thử  nghiệm, khai thác sử dụng.  

Cơ sở đào tạo của Học viện được quy hoạch, xây dựng tương đối khang trang, đồng bộ với hệ thống giảng đường, phòng thí nghiệm, phòng học chuyên dùng, thao trường huấn luyện, phục vụ công tác GD- ĐT, NCKH,CN và bảo đảm đời sống, sinh hoạt của cán bộ, giáo viên, học viên. Trang thiết bị, vật chất phục vụ GD- ĐT được tăng cường, tiếp cận với công nghệ hiện đại và tương đối hiện đại. Học viện đã xây dựng, bồi dưỡng được đội ngũ cán bộ, giảng viên (trên 700 giảng viên) đạt tiêu chuẩn quy định về phẩm chất, năng lực, trình độ học vấn, phương pháp sư phạm. 100% cán bộ, giảng viên có trình độ đại học; trong đó, gần 80% giảng viên có trình độ trên đại học, chủ yếu là thạc sĩ, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học; có 73 giáo sư, phó giáo sư. Các hoạt động của Học viện đi vào nền nếp chính quy, khoa học; môi trường văn hóa và môi trường đào tạo lành mạnh. Đảng bộ đoàn kết, thống nhất cao, nhiều năm liên tục đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh; đơn vị vững mạnh toàn diện. Vị thế của Học viện trong hệ thống nhà trường quân đội và trong ngành GD- ĐT của Nhà nước được nâng cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Học viện còn bộc lộ những mặt  hạn chế. Đó là: chương trình đào tạo, định hướng đào tạo cho một số chuyên ngành mới chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình; việc đổi mới giáo trình, tài liệu còn thiếu đồng bộ và chưa kịp thời; chất lượng huấn luyện thực hành có mặt còn hạn chế; chưa tích cực đổi mới phương pháp dạy- học. Công tác NCKH,CN chưa được đầu tư thích đáng, kết quả chưa tương xứng với tiềm năng. Thêm nữa, nhiều cán bộ, giảng viên có kinh nghiệm, có học hàm, học vị khoa học, nhưng đến tuổi nghỉ hưu, việc bồi dưỡng người thay thế đang là vấn đề cấp bách...        
Kế thừa, phát huy kết quả, kinh nghiệm những năm qua và để khắc phục những hạn chế trên, thời gian tới, Học viện Kỹ thuật quân sự tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Học viện lần thứ 7 mà phương hướng chủ yếu là: phát huy cao độ mọi nguồn lực, trước hết là nguồn nhân lực để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được cấp trên giao, không ngừng nâng cao chất lượng GD- ĐT, NCKH,CN; xây dựng Học viện vững mạnh toàn diện, xứng đáng là trung tâm đào tạo, nghiên cứu KH, CN chất lượng cao của  Quân đội, Nhà nước.  
Theo đó, Học viện đã và đang tập trung giải quyết những vấn đề chủ yếu sau:
Trước hết, đẩy mạnh đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ 8 và các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về GD- ĐT, tập trung trí tuệ nghiên cứu, tiếp tục đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo sát với thực tiễn quân đội, đất nước; bảo đảm tính liên thông giữa các bậc học từ kĩ sư, thạc sĩ đến tiến sĩ theo hướng cơ bản, thiết thực, hệ thống, thống nhất, chuyên sâu, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo của từng đối tượng, hướng trọng tâm vào phục vụ công tác thiết kế, chế tạo; ưu tiên các lĩnh vực mũi nhọn, phù hợp với yêu cầu tác chiến trong chiến tranh hiện đại. Triển khai xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo thí điểm các ngành và chuyên ngành phục vụ công nghiệp quốc phòng. Quá trình đổi mới cũng là quá trình thực hiện rà soát, loại trừ những nội dung trùng lắp và khắc phục sự thiếu hụt về kiến thức giữa các bậc học, bảo đảm tính khoa học của phát triển nhận thức từ thấp đến cao trong quá trình đào tạo. Tích cực, chủ động liên kết đào tạo với các trường ở Nga, Trung Quốc, mở rộng quan hệ với các nước khác để học hỏi kinh nghiệm, xây dựng Học viện phát triển toàn diện.
Hai là, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Đẩy mạnh kết hợp phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp dạy học hiện đại; vận dụng có hiệu quả các phương pháp dạy học tiên tiến, nhằm phát huy tính chủ động, tự giác, độc lập, sáng tạo của người học. Yêu cầu đó đặt ra cho người dạy phải có đủ năng lực, trình độ thực hiện chức năng của người thầy là "người dạy cách học", biết vận dụng sáng tạo, nhuần nhuyễn các phương pháp để truyền thụ cho người học phương pháp tư duy, phương pháp nghiên cứu, học tập. Tăng cường vận dụng phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực: giảm hình thức giảng dạy theo lối độc thoại, tăng giảng dạy theo phương pháp hướng dẫn nghiên cứu, tập trung giải quyết những vấn đề mới và khó; chú trọng huấn luyện cơ bản, kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành, sát với yêu cầu thực tiễn hiện nay và khi có chiến tranh. Coi trọng phát huy dân chủ, tinh thần trách nhiệm, tính tự giác, khả năng tư duy, sáng tạo của người học, vận dụng sáng tạo nguyên lý gắn lý luận với thực tiễn, học kết hợp với NCKH,CN, “biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo”.   
Ba là, tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài và cần kết hợp đồng bộ các chủ trương, giải pháp để bảo đảm sự chuyển tiếp vững chắc các thế hệ nhà giáo. Phấn đấu đến năm 2010, 100% cán bộ, nhà giáo có trình độ học vấn bậc đại học trở lên; trong đó, trên 85% nhà giáo có trình độ học vấn trên đại học, 30-35% là tiến sĩ, tiến sĩ khoa học; 100% nhân viên kỹ thuật của các bộ môn có trình độ học vấn bậc cao đẳng, đại học. Theo đó, tiếp tục rà soát lại quy hoạch, xác định hướng sử dụng đội ngũ cán bộ, nhà giáo và căn cứ vào thực trạng hiện nay để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm đủ số lượng, năng lực toàn diện, trước hết là phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tương ứng với cấp đào tạo; tích cực bồi dưỡng phương pháp, năng lực sư phạm, kinh nghiệm thực tiễn và những vấn đề mới về khoa học kỹ thuật quân sự; tăng cường đi thực tế đơn vị. Chú trọng khâu tuyển chọn "đầu vào" đội ngũ nhà giáo, ưu tiên lựa chọn những học viên giỏi, những giáo viên trẻ có khả năng sư phạm để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lâu dài. Đẩy mạnh đào tạo trên đại học mà chủ yếu là thạc sĩ, tiến sĩ tại Học viện và các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước; đồng thời, Học viện tổ chức các lớp học tại chức, vừa bắt buộc, vừa động viên, khuyến khích đội ngũ nhà giáo tự học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ học vấn, tin học, ngoại ngữ..., theo tiêu chí quy định của từng đối tượng cán bộ.  
Bốn là, nâng cao chất lượng hoạt động KH,CN. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, thu hút đông đảo cán bộ, giáo viên, học viên tích cực tham gia NCKH,CN, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên có học vị, chức danh khoa học, những chuyên gia đầu ngành. Phấn đấu có nhiều đề tài, dự án trong các chương trình trọng điểm của Quân đội, Nhà nước ở các lĩnh vực mà Học viện có ưu thế như: công nghệ thông tin; tự động hóa và kỹ thuật điều khiển; vật liệu mới; các công trình đặc biệt; bảo đảm kỹ thuật cho quân đội trong thời bình và khi có chiến tranh. Tăng cường đầu tư các cơ sở đủ mạnh phục vụ chế thử, thử nghiệm và hoàn thiện các sản phẩm nghiên cứu. Đẩy mạnh nghiên cứu, đổi mới chương trình, nội dung; chuẩn hóa giáo trình, tài liệu giảng dạy; hiện đại hoá trang thiết bị dạy- học; đổi mới phương pháp huấn luyện. Tăng cường xây dựng tiềm lực khoa học, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, nhà giáo có chức danh khoa học. Nâng cao hiệu lực công tác quản lý khoa học và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng khoa học các cấp. Duy trì nền nếp và nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin tư liệu, hội nghị, hội thảo khoa học..., từng bước đưa công tác NCKH,CN phát triển ngang tầm với nhiệm vụ GD-ĐT và góp phần phát triển khoa học kỹ thuật quân sự trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế.
Năm là, đẩy mạnh xây dựng Học viện chính quy, mẫu mực. Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, biên chế theo hướng “gọn, mạnh, hiệu quả”, đáp ứng yêu cầu phát triển của Học viện. Tăng cường thực hiện cải cách hành chính, sử dụng mạng nội bộ hiệu quả. Nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự cho các đối tượng, tạo cơ sở xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật; mọi người làm việc đúng chức trách, cơ quan sâu sát đơn vị, giảm kỷ luật thông thường dưới 0,3%. Đẩy mạnh phong trào thi đua Quyết thắng; tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thực hiện “nói lời hay, làm việc tốt”; xây dựng Học viện chính quy, mẫu mực, xứng đáng là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới.
Thiếu tướng Hoàng Khánh Hưng
Chính ủy Học viện
 

Ý kiến bạn đọc (0)