Thứ Bảy, 23/11/2024, 18:28 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Học viện Hải quân là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học (NCKH) của Quân chủng Hải quân và Quân đội đã có bề dày truyền thống 55 năm (26-4-1955 - 26-4-2010). Mặc dù đã nhiều lần thay đổi địa điểm đóng quân, tên gọi, loại hình đào tạo và phát triển nhiệm vụ đào tạo, NCKH, nhưng các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, công nhân viên, chiến sĩ của Nhà trường vẫn luôn chủ động khắc phục khó khăn, phát huy nội lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới đất nước, nhất là từ khi được nâng cấp thành Học viện Hải quân (ngày 03-4-1993) và có Nghị quyết 93/NQ-ĐUQSTW, ngày 01-6-1994 của Đảng ủy Quân sự Trung ương về “Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo cán bộ, nhân viên, chuyên môn kỹ thuật và xây dựng nhà trường chính quy”, nhiệm vụ giáo dục- đào tạo (GD- ĐT) của Học viện có bước phát triển toàn diện cả về quy mô, đối tượng, hình thức và chất lượng. Ngoài việc đào tạo sĩ quan cấp phân đội bậc đại học, sĩ quan chỉ huy-tham mưu, chỉ huy-kỹ thuật cấp chiến thuật-chiến dịch và đào tạo sau đại học (chủ yếu là cao học và tiến sĩ khoa học quân sự hải quân), Học viện còn được giao nhiệm vụ đào tạo sĩ quan cho Quân đội Hoàng gia Căm-pu-chia, đào tạo chính trị viên tàu Hải quân, thuyền trưởng tàu mặt nước, bổ túc kiến thức cho sĩ quan và huấn luyện nghiệp vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển cho các lực lượng hoạt động trên biển (Hải quân, Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển, Tổng cục Dầu khí, Cục Hàng hải Việt Nam…). Công tác đào tạo của Học viện đã gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ, tổ chức biên chế, trang bị của Quân chủng Hải quân và Quân đội, phù hợp với phương thức tác chiến mới, tiếp cận với khoa học và công nghệ tiên tiến; gắn truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm chiến đấu với giáo dục truyền thống. 55 năm qua, Học viện đã đào tạo, bồi dưỡng được hàng vạn sĩ quan chỉ huy, kỹ thuật với các trình độ, chuyên ngành khác nhau và hơn 1.000 học viên là cán bộ của trung tâm tìm kiếm, cứu nạn của các bộ, ngành, địa phương, đáp ứng yêu cầu chiến đấu, phát triển lực lượng hải quân và quân đội trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ). Chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngày càng được nâng cao; học viên tốt nghiệp ra trường có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận nhiệm vụ; trình độ chuyên ngành khá, khai thác, sử dụng thành thạo các phương tiện, trang thiết bị thuộc chuyên ngành đào tạo; có khả năng tổ chức, quản lý, chỉ huy, huấn luyện theo cương vị, chức trách, hoàn thành tốt nhiệm vụ theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo; nhiều học viên đã trở thành những cán bộ chỉ huy, cán bộ kỹ thuật chủ chốt ở các cấp của Quân chủng Hải quân và Quân đội.
Bên cạnh công tác GD-ĐT, Học viện coi trọng hoạt động NCKH với nội dung và hình thức phong phú. Cùng với việc xây dựng tiềm lực khoa học mà trước hết là nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, giảng viên và đầu tư nâng cấp cơ sở kỹ thuật phục vụ NCKH, Học viện đã triển khai nghiên cứu hàng chục dự án, hàng trăm đề tài khoa học các cấp (Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Quân chủng, Học viện); trong đó, nhiều đề tài được đưa vào ứng dụng phục vụ hoạt động tác chiến bảo vệ biển, đảo và NCKH, đào tạo tại Học viện.
Vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm, Học viện vừa chú trọng xây dựng Nhà trường chính quy, mẫu mực, vững mạnh toàn diện. Tiềm lực đào tạo và NCKH của Học viện được nâng lên một bước mới. Vị thế của Học viện ngày càng được nâng cao trong hệ thống GD-ĐT của quốc gia và quân đội. Học viện đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, giảng viên “vừa hồng, vừa chuyên”, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết với nghề nghiệp, trình độ học vấn ngày càng cao (100% giảng viên có trình độ đại học; trong đó, trên 50% có trình độ sau đại học, với 25 tiến sĩ, 5 phó giáo sư, 1 Nhà giáo Nhân dân, 6 Nhà giáo Ưu tú), có năng lực chuyên môn vững và năng lực sư phạm khá, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, NCKH. Hệ thống doanh trại, nhất là nhà làm việc, nhà ăn, nhà ở, giảng đường, phòng học chuyên dùng, hội trường… được quy hoạch, xây dựng đồng bộ, khang trang, “xanh, sạch, đẹp”. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ GD-ĐT từng bước được tăng cường tương đối hiện đại và hiện đại, như: thư viện điện tử, phòng học vũ khí, phòng thí nghiệm vũ khí dưới nước, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ đào tạo, NCKH và chỉ huy, điều hành tại Học viện, Trung tâm Ngoại ngữ- Tin học, Tổ hợp Mô phỏng huấn luyện “Laguna-1241RE/ 1241.8” của tàu hải quân mặt nước thế hệ mới, Trung tâm Mô phỏng huấn luyện chiến thuật hải quân, Trung tâm Huấn luyện thực hành và huấn luyện kíp tàu, với biên đội tàu có khả năng bảo đảm cho học viên thực tập dài ngày trên biển, có quân cảng với vị trí thuận lợi cho tàu hoạt động… đã tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng đào tạo. Với thành tích đạt được, Học viện đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương BVTQ hạng Nhì, hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đây là cơ sở vững chắc để Học viện tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Trước nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, tiến trình cải cách GD-ĐT quốc gia, đổi mới và nâng cao chất lượng GD-ĐT trong quân đội, đã và đang đặt ra cho nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và NCKH của Học viện những yêu cầu mới rất cao. Trong khi đó, Học viện phải đào tạo nhiều đối tượng, lưu lượng học viên đông; quy trình, chương trình, nội dung, phương pháp chưa được đổi mới đồng bộ. Đội ngũ giảng viên còn thiếu về số lượng, chưa cân đối về cơ cấu; thiếu cán bộ giảng dạy trình độ cao, nhất là trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật quân sự hải quân; kiến thức tin học, ngoại ngữ còn hạn chế. Trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo, NCKH chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đòi hỏi; ngân sách bảo đảm cho nhiệm vụ đào tạo còn hạn hẹp; tổ chức biên chế của Học viện đang trong quá trình tinh giảm...
Để nâng cao chất lượng GD-ĐT lên một bước mới, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới, Học viện tiếp tục quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo đường lối, quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về GD-ĐT, trực tiếp là Nghị quyết 86/NQ-ĐUQSTW của Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Nghị quyết 8157/NQ-ĐUQC của Đảng uỷ Quân chủng Hải quân “Về công tác GD-ĐT trong tình hình mới” và các nghị quyết, chỉ thị có liên quan. Trên cơ sở đó, Đảng uỷ, Ban Giám đốc Học viện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đổi mới toàn diện công tác GD- ĐT theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa”, tạo sự chuyển biến cơ bản, vững chắc về chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức vụ và có trình độ học vấn tương ứng; có trình độ toàn diện cả về phẩm chất chính trị, kiến thức, năng lực và tác phong công tác, đảm nhiệm tốt chức vụ ban đầu, có khả năng phát triển, hoàn thành nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống, đáp ứng nhiệm vụ BVTQ trên biển, đảo và xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Theo đó, Học viện tập trung thực hiện tốt những giải pháp chủ yếu sau.
Vấn đề quan trọng hàng đầu là xây dựng Học viện vững mạnh về chính trị, tư tưởng. Cùng với việc tổ chức học tập, quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Học viện chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; không ngừng nâng cao nhận thức về tình hình, nhiệm vụ, về đối tượng, đối tác, giáo dục truyền thống; giữ vững định hướng chính trị trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, xây dựng động cơ, thái độ đúng đắn trong học tập, rèn luyện của học viên; kết hợp tốt việc dạy nghề với dạy người. Tăng cường giáo dục cho học viên về lịch sử, truyền thống của dân tộc, Quân đội, Quân chủng, Học viện và nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; bảo đảm 100% học viên tốt nghiệp ra trường sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng và các phong trào: “Đẩy khá, xóa yếu”, “Học giỏi, rèn nghiêm”, phấn đấu trở thành học viên giỏi, sĩ quan hải quân ưu tú tại Học viện.
Tập trung điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chương trình, nội dung các loại hình đào tạo; trọng tâm là xây dựng hoàn thiện chương trình, nội dung đào tạo sĩ quan phân đội bậc đại học theo hướng “Chuẩn hóa, hiện đại hóa”, phù hợp với chức vụ ban đầu, vừa bảo đảm kiến thức tiềm năng cho sự phát triển, vừa bảo đảm tính toàn diện và tính liên thông với các bậc học cao hơn, tránh chồng chéo; bảo đảm trình độ ngoại ngữ của các đối tượng học viên đạt chuẩn quy định (TOEIC đạt từ 450 điểm trở lên). Nội dung từng môn học phải bảo đảm tính thiết thực, hiện đại, bám sát sự tiến bộ của khoa học- công nghệ, nghệ thuật quân sự lĩnh vực hải quân, sự phát triển của Quân chủng, Quân đội, giảm lý thuyết, tăng thực hành; trang bị kiến thức toàn diện kết hợp với chuyên sâu; trau dồi phẩm chất cách mạng, rèn luyện bản lĩnh, tác phong chỉ huy, tính độc lập, sáng tạo, khả năng thích ứng cao với hoàn cảnh, điều kiện công tác, có khả năng hội nhập xã hội cao và từng bước hội nhập quốc tế.
Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy-học ở các khâu, các cấp từ Học viện, các khoa, đến từng tổ bộ môn, bằng nhiều biện pháp thích hợp; trọng tâm là đẩy mạnh phương pháp dạy-học hiện đại và tăng cường bồi dưỡng, tập huấn về ứng dụng các phương tiện công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng trong giảng dạy. Đổi mới phương pháp giảng dạy của giảng viên; vận dụng nhuần nhuyễn các phương pháp để giúp học viên nâng cao năng lực tư duy; đẩy mạnh vận dụng phương pháp nêu vấn đề, hướng dẫn nghiên cứu, tổ chức thảo luận nhóm trong tổ chức giảng bài, thảo luận… nhằm phát huy tính tự giác, độc lập, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu của học viên, thực hiện “biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo”. Đổi mới phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên theo hướng: từ đánh giá tái hiện kiến thức sang đánh giá khả năng vận dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề thực tế. Cùng với đó, Học viện có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời các giảng viên có phương pháp giảng dạy tốt và lấy đó làm tiêu chuẩn quan trọng để bình xét giảng viên giỏi.
Đẩy mạnh xây dựng, kiện toàn và phát triển đội ngũ nhà giáo, bảo đảm chuẩn hóa về số lượng, cơ cấu, tổ chức và về chất lượng (giảng viên được đào tạo đúng ngành nghề, có phẩm chất chính trị tốt, có năng lực sư phạm vững vàng, có trình độ học vấn tương xứng với cấp đào tạo, có trình độ ngoại ngữ, tin học, đáp ứng yêu cầu giảng dạy và NCKH, có chức vụ phù hợp theo quy chuẩn của Bộ Quốc phòng, có đầy đủ nhân cách về sư phạm và nhân cách của người chỉ huy quân sự hải quân để vừa là người thầy, vừa là cấp trên của người học...). Quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ giảng dạy có trình độ cao (tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư, chuyên gia đầu ngành); phấn đấu đến năm 2015, đội ngũ giảng viên của Học viện có trên 70% đạt trình độ sau đại học (với ít nhất từ 20-30% trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ chủ trì khoa giảng viên có học vị tiến sĩ, 100% trưởng bộ môn và thủ trưởng các phòng chức năng có trình độ sau đại học); ưu tiên đào tạo cán bộ đầu ngành về kỹ thuật đặc thù trong lĩnh vực hải quân (vũ khí hải quân, tự động điều khiển, máy và điện tàu quân sự...). Theo đó, Học viện thực hiện nghiêm quy hoạch và quy trình tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng giảng viên bằng nhiều hình thức phù hợp: lựa chọn gửi đi đào tạo sau đại học (chủ yếu là thạc sĩ, tiến sĩ) ở các học viện, trường đại học trong và ngoài quân đội, nước ngoài; mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng tại đơn vị cho đội ngũ cán bộ, giảng viên; khuyến khích, động viên đội ngũ cán bộ, giảng viên tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học, năng lực sư phạm, kiến thức thực tiễn, trình độ ngoại ngữ (tiếng Anh); đồng thời, thực hiện tốt các chế độ, chính sách về đãi ngộ, khen thưởng, tôn vinh nhà giáo, bảo đảm điều kiện làm việc, sinh hoạt cho đội ngũ giảng viên, vừa khuyến khích, động viên, vừa là điều kiện cần thiết để giảng viên tích cực học tập, nâng cao trình độ.
Tăng cường đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho đào tạo. Tận dụng tốt mọi nguồn kinh phí, thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên lĩnh vực công nghệ thông tin, mô phỏng. Tổ chức khai thác, sử dụng có hiệu quả các phòng thực hành, thực nghiệm, mô hình, mô phỏng, thư viện điện tử hiện có; đồng thời, tăng cường đầu tư hoàn thiện hệ thống giảng đường, các phòng thí nghiệm, phòng học chuyên dùng của các loại vũ khí kỹ thuật hải quân hiện đại, đầu tư hiện đại hóa thư viện theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin. Triển khai xây dựng các trung tâm ứng dụng một số ngành mũi nhọn, như: Trung tâm Mô phỏng chiến thuật hải quân (có thể tiến hành diễn tập chỉ huy - cơ quan trên bản đồ điện tử 2 bên 2 cấp), Trung tâm Ứng dụng công nghệ tin học vào các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và khoa học quân sự hải quân, Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật sona và các thiết bị ngầm dưới biển. Đầu tư nâng cấp đội tàu thực tập của Học viện để có thể không chỉ hoạt động ở vùng biển gần, mà còn có khả năng vươn ra các vùng biển xa, góp phần nâng cao khả năng thực hành chuyên môn và rèn luyện kỹ năng đi biển của học viên.
Đẩy mạnh công tác NCKH, tạo động lực nâng cao chất lượng GD-ĐT. Tăng cường công tác tuyên truyền, động viên đông đảo đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên tham gia NCKH, nhất là đội ngũ cán bộ, giảng viên có học vị, chức danh khoa học, nhằm nâng cao trình độ, phát triển tư duy khoa học, tính độc lập, sáng tạo trong giảng dạy, học tập và ứng dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề cụ thể trong thực tiễn. Cùng với việc lựa chọn, tiếp thu, làm chủ và ứng dụng công nghệ tự động hoá, công nghệ thông tin kết hợp với cải tiến trang bị kỹ thuật cũ, đẩy mạnh nghiên cứu những vấn đề thực tiễn đang đặt ra mà Học viện có ưu thế, trọng tâm là công nghệ chế tạo các thiết bị ngầm (lưới quét thuỷ lôi, thuỷ lôi, rô-bốt ngầm), công nghệ mô phỏng, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hoá và điều khiển, nghệ thuật quân sự hải quân, môi trường biển… Trước mắt, tập trung nghiên cứu, biên soạn giáo trình, tài liệu theo quy trình, chương trình đào tạo mới cho từng đối tượng, nhất là chương trình phục vụ giảng dạy về khoa học hải quân, như: huấn luyện chiến đấu hải quân, vũ khí hải quân, các phương tiện kỹ thuật hải quân (ra-đa điều khiển vũ khí, sona), hệ thống động lực tàu chiến đấu...
Kế thừa, phát huy truyền thống 55 năm qua, Học viện Hải quân tiếp tục phấn đấu, nâng cao chất lượng GD-ĐT và NCKH lên một bước mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ hải quân - lực lượng nòng cốt của Quân chủng Hải quân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.
Chuẩn đô đốc, PGS, TS. PHẠM HỒNG THUẬN
Giám đốc Học viện
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011