Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:13 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Năm 1947, cuộc kháng chiến của quân và dân ta chống thực dân Pháp xâm lược đã thu được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa chiến lược; đồng thời đã tích lũy được những kinh nghiệm vô cùng quý báu. Sau thắng lợi của chiến dịch Việt Bắc-Thu Đông 1947, đập tan cuộc tiến công bao vây toàn bộ căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc của 12.000 quân tinh nhuệ Pháp, Bộ Quốc phòng-Tổng Chỉ huy tổ chức Hội nghị toàn quân rút kinh nghiệm, tổng kết chiến thắng, chuẩn bị cho những hoạt động quân sự tiếp sau.
Chấp hành Chỉ thị của Bác Hồ về cần thu thập những kinh nghiệm vừa qua để phổ biến cho các nơi nghiên cứu và học tập, Bộ Tổng Tham mưu đã quyết định xuất bản tờ Quân sự Tập san (QSTS). Thế là, trong bộn bề khó khăn của những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa lớn, Nhà báo lão thành của báo chí cách mạng Việt Nam, QSTS - tiền thân của Tạp chí Quốc phòng toàn dân (QPTD) - cơ quan lý luận quân sự và chính trị của Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng - ngày nay, chào đời. Sự ra đời của tờ Tạp chí lý luận quân sự, chính trị của quân đội trong cuộc kháng chiến chống Pháp là một minh chứng tiếp theo khẳng định tầm vóc vĩ đại của Đảng ta và Bác Hồ: rất coi trọng vai trò của lý luận quân sự cách mạng. Nếu Hội nghị Quân sự Bắc kỳ (từ 15 đến 20-4-1945) được coi là mốc son đánh dấu bước phát triển mới về tư tưởng, lý luận quân sự của Đảng góp phần vào thắng lợi to lớn của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8-1945, thì đến Hội nghị Quân sự toàn quốc lần thứ 3 (từ 12 đến 15-6-1947), tư tưởng, lý luận quân sự của Đảng đã trở thành nhân tố không thể thiếu trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến thành công. Tiếp sau đó, Hội nghị Trung ương 14 (từ 14 đến 18-1-1949) đã chỉ ra : "Phải xây dựng nền lý luận quân sự Việt Nam". Hội nghị ra Nghị quyết tổ chức việc tự học cho cán bộ. Bộ Tổng Chỉ huy sẽ quy định một số tài liệu bắt buộc các cấp chỉ huy phải đọc trong một thời gian nhất định; sẽ ra một tờ Quân chính Tập san (QCTS) do Bộ Tổng Chỉ huy chủ trì; hằng tháng các Khu phải gửi bài hoặc kinh nghiệm về QCTS.
Là lãnh tụ tối cao của Đảng, linh hồn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ vai trò quan trọng của báo chí cách mạng: phương tiện tuyên truyền, quán triệt đường lối chính trị, quân sự của Đảng và là một binh chủng quan trọng thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân sự. Sự có mặt của tạp chí lý luận quân sự–chính trị sẽ góp phần tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, xây dựng đường lối quân sự, khoa học quân sự và nghệ thuật quân sự đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập nâng cao tư duy quân sự của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quân sự cho phù hợp với những phát triển mới của cuộc kháng chiến.
QSTS ra số đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư căn dặn ba vấn đề: phải bám sát thực tiễn phát triển lý luận quân sự cách mạng; cán bộ chỉ huy các cấp và chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam phải tích cực học tập lý luận quân sự để nâng cao hiệu quả hoạt động thực tiễn (đánh giặc, giải phóng đất nước); những người làm công tác lý luận phải tìm mọi hình thức và biện pháp để đưa lý luận quân sự cách mạng đến với từng cán bộ, chiến sĩ, giúp cho cho họ hiểu một cách sâu sắc để vận dụng sáng tạo vào thực tiễn.
Làm theo Lời dạy của Bác, những người làm công tác lý luận của QSTS xác định: Tạp chí phải có phương hướng rõ ràng, có nội dung phong phú, có sức sống mạnh mẽ, có tác dụng thực tế hướng dẫn nhận thức, tư tưởng và hành động của cán bộ và chiến sĩ, nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự và chính trị mà Đảng và Hồ Chủ tịch đã giao cho các lực lượng vũ trang nhân dân. Không làm như thế thì công tác lý luận dễ rơi vào tình trạng chung chung, xa rời thực tế, trở thành lý luận suông. V.I. Lê-nin đã từng nói: không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng; lý luận cách mạng phải và có thể trở thành sức mạnh vật chất. Quán triệt đường lối quân sự của Đảng là bài học đầu tiên có tính chất nguyên tắc; là biểu hiện tính Đảng của QSTS và sau đó là QCTS. Do đó, các bài chuyên luận thời kỳ này tập trung quán triệt, phân tích một cách sâu sắc đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra. Theo chiến lược này, Đảng động viên toàn dân, tập trung lực lượng của toàn thể quốc dân, đồng bào vào cuộc chiến đấu, khiến cho quân Pháp xâm lược phải đương đầu không phải chỉ với quân đội mà với cả một dân tộc có tổ chức, có người lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản. Mỗi “quốc dân” là một chiến sĩ, mỗi nhà là một ổ kháng chiến, mỗi phố là một mặt trận, mỗi làng là một pháo đài. Do đó, chiến tranh chống xâm lược của ta có một hình thái khác thường: một cuộc chiến tranh không có chiến tuyến nhưng đâu đâu cũng là mặt trận; một cuộc chiến tranh với thế cài răng lược, xen kẽ, chia cắt, bao vây làm cho địch không có hậu phương, bị bao vây trong một cái lưới khổng lồ nhiều tầng, nhiều lớp; địch ở đâu là gặp quân ta ở đó, ta gặp địch ở đâu là mở mặt trận ở đó. Kháng chiến toàn dân của ta dựa trên khối đại đoàn kết toàn dân tộc tập hợp trong mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Chiến lược kháng chiến toàn diện của ta là nhằm khai thác, phát huy mọi tiềm năng và sức mạnh hiện thực của đất nước, vượt qua mọi khó khăn, bẻ gãy mọi âm mưu của địch. Địch không chỉ đánh ta về quân sự, chúng còn đánh ta về kinh tế, chính trị, văn hóa. Quân sự là việc chủ chốt của kháng chiến, nhưng không thể tách rời các mặt khác. Chỉ biết đánh và đánh giỏi chưa đủ, còn phải có chính sách đối nội, đối ngoại khôn khéo, bảo đảm ăn no đánh thắng, thực túc binh cường, xây dựng nền văn hóa mới, đời sống mới, động viên mọi người hăng hái kháng chiến, tạo ra sức mạnh để kháng chiến. Chiến lược kháng chiến lâu dài của ta là bí quyết giành thắng lợi, là quy luật tất yếu của cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, nhỏ đánh lớn, ít địch nhiều. Do so sánh lực lượng chênh lệch, cần có thời gian để chuyển hóa nhỏ thành lớn, chuyển yếu thành mạnh, nên Đảng ta dự kiến cuộc kháng chiến phải trải qua 3 giai đoạn. Những người làm công tác lý luận của QSTS và sau đó là QCTS chúng tôi đã thông qua bài viết, phân tích, làm rõ những vấn đề cơ bản đó trong đường lối kháng chiến của Đảng để toàn quân, toàn dân thấm nhuần và thực hiện.
QSTS ra đời theo Quyết nghị của Hội nghị Quân sự toàn quốc lần thứ 3 (từ 12 đến 15-6-1947) và Chỉ thị của Hồ Chủ tịch, là “để nâng cao trình độ quân sự, để thỏa mãn nhu cầu về học hỏi của bộ đội, để phổ biến và thực hiện sự trao đổi kinh nghiệm giữa các cấp chỉ huy ”1. Buổi đầu, QSTS được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Tổng Tham mưu; sau 6 tháng hoạt động ra được 6 số có tác dụng tích cực trong việc nâng cao trình độ cán bộ quân sự, Bộ Quốc phòng-Tổng Chỉ huy quyết định đổi QSTS thành QCTS, mở rộng đối tượng bạn đọc của Tạp chí, nhằm “ giúp cho các cấp cả về phương diện quân sự và chính trị nữa”. Do vậy, nội dung tổng kết, trao đổi kinh nghiệm huấn luyện, chiến đấu và công tác đảng, công tác chính trị là một trong những nội dung hết sức quan trọng của tờ Tạp chí lý luận này. Năm 1951, Đảng Lao động Việt Nam ra hoạt động công khai. Giữa tháng 3-1951, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (Khóa II) ra nghị quyết một số vấn đề về phương châm tác chiến và xây dựng lực lượng vũ trang, nhấn mạnh: củng cố các trung đoàn chủ lực đã thành lập, cải tiến tổ chức, giáo dục tư tưởng chiến thuật mới và học tập kinh nghiệm của chiến trường Bắc Bộ. Quán triệt Nghị quyết của Hội nghị và làm theo lời dạy của Bác Hồ, bám sát thực tiễn để làm công tác lý luận, cán bộ nghiên cứu - biên tập của Tạp chí đã tỏa đi các chiến trường, tham gia các chiến dịch, bám sát các hoạt động công tác, chiến đấu của các đơn vị. Do đó, để lại dấu ấn đậm nét trên QCTS số 26, như: “Những kinh nghiệm lớn trong chiến dịch Trung Du"; "Chiến thuật bôn tập"; "Mấy ý kiến về đánh viện"; "Trận vận động đánh viện"; "Kinh nghiệm sử dụng pháo binh"; "Lãnh đạo tân binh"... Các số tiếp sau có nhiều bài viết về phong trào luyện quân lập công của dân quân, tự vệ và bộ đội toàn quốc; nâng cao năng lực, trình độ tinh thông kỹ thuật, chiến thuật cho cán bộ; nâng cao trình độ chỉ huy đi đôi với rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng; xây dựng bộ đội chủ lực tinh nhuệ, lực lượng dự bị hùng mạnh; những bài khái quát, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn từ những trận chiến đấu, nhằm phổ cập sâu, rộng trong đội ngũ cán bộ chỉ huy các cấp và trong toàn thể bộ đội và dân quân. Ngoài ra, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, cán bộ nghiên cứu, biên tập QCTS tích cực tìm tòi, nghiên cứu những kinh nghiệm quân sự trên thế giới; những vấn đề về chuyên môn sâu như: vũ khí, tình báo, pháo binh, công binh..., cung cấp cho cán bộ toàn quân tham khảo, chọn lọc để áp dụng vào thực tiễn.
Phát huy thành quả đã đạt được, trên cơ sở thực tiễn phát triển của cuộc kháng chiến, cán bộ nghiên cứu, biên tập của QCTS còn được Bộ Quốc phòng - Tổng Chỉ huy giao cho nhiệm vụ tham gia cùng một số cơ quan của Bộ nghiên cứu, biên soạn những tài liệu chiến thuật, kỹ thuật phục vụ cho các đơn vị huấn luyện, chiến đấu đạt hiệu suất cao. Những tài liệu này được phát hành theo đường công văn gửi cho những đơn vị cần thiết. QCTS còn ra những số đặc biệt, chuyên đề về “Du kích chiến tranh” như: "Đẩy mạnh phong trào du kích” (Lời tựa cho bản dịch cuốn “Tỉnh ủy bí mật” của Phê -đô-rốp, dịch giả Hồ Chí Minh); “Phát triển du kích cao độ” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; “Càn quét và chống càn quét ở Tả ngạn Liên khu III từ chiến dịch Quang Trung đến nay” và nhiều bài khác. Những bài viết nêu trên có tác dụng lớn đối với toàn thể quân-dân-chính, các cán bộ đang trực tiếp lãnh đạo phong trào du kích chiến tranh trong vùng bị địch tạm chiếm.
Tháng 1-1953, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa II) họp. Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo cáo Chỉ đạo kháng chiến và chính sách quân sự. QCTS kịp thời quán triệt tinh thần của Hội nghị với các bài viết trên số 34 . Sau số 34, một bộ phận cán bộ nghiên cứu, biên tập của QCTS chuyển về trực thuộc Phòng nghiên cứu, Cục Quân huấn. QCTS tạm ngừng hoạt động để cán bộ tham gia viết tài liệu phục vụ cho chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và nhất là để phục vụ trực tiếp cho những cuộc chiến đấu sắp diễn ra trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.
Như vậy, trong 5 năm, từ tháng 4- 1948 đến tháng 10- 1953, QSTS và QCTS đã ra được 34 số. Nhờ bám sát thực tiễn cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, QSTS và QCTS hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình. Cán bộ nghiên cứu, biên tập của Tạp chí không quản ngại khó khăn, gian khổ, luôn hành động theo lời dạy của Bác Hồ: nghiên cứu đi đôi với thực hành, "nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới". Để có bài viết nóng hổi hơi thở cuộc sống do cán bộ chỉ huy các đơn vị viết cho Tòa soạn, bộ phận biên tập được biên chế hẳn một tiểu đội gồm những chiến sĩ trẻ, giỏi cưỡi ngựa để chuyên đi nhận bài viết về. Bên cạnh đó, thành công của Tạp chí, một phần quan trọng còn do lực lượng cộng tác viên, những cán bộ chỉ huy các cấp trong toàn quân đã nhiệt tình viết bài, gửi bài về đăng Tạp chí, cho dù thời gian đó, Tạp chí chưa có chế độ nhuận bút (tác giả chỉ được gửi báo biếu và có thể có một tặng phẩm nhỏ như cây bút, quyển sách). Thành công của QSTS, QCTS còn có sự đóng góp to lớn của Nhà in. Trong điều kiện kháng chiến gian khổ, cán bộ, công nhân Nhà in phải vượt qua biết bao gian khổ, khó khăn, tìm mua giấy, mua mực in ở nhiều nơi (thậm chí phải vào tận vùng địch hậu) để in Tạp chí, đáp ứng yêu cầu của bạn đọc. Lực lượng phát hành Tạp chí cũng phải vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ để đưa Tạp chí đến tay bạn đọc. Phương thức phát hành khi ấy chủ yếu là vận chuyển theo đường bộ, gánh gùi, vì thế có lúc biên chế của Tạp chí lên đến gần 100 người.
Làm theo lời dạy của Bác Hồ, tuân thủ tôn chỉ, mục đích của tờ tạp chí lý luận của Đảng trong quân đội, bám sát thực tiễn, phát triển lý luận quân sự – chính trị đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là lời nhắn gửi của chúng tôi, những người làm QSTS, QCTS trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đến đội ngũ cán bộ, biên tập viên, phóng viên, nhân viên, chiến sĩ đang công tác ở Tạp chí Quốc phòng toàn dân hôm nay.
Trung tướng Đặng Quân Thụy
Nguyên Trưởng ban Biên tập Quân sự Tập san
_____________
1- Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi toàn thể các cấp chỉ huy trong Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam”- 50 năm Tạp chí quốc phòng toàn dân, Biên niên sự kiện, Nxb QĐND, H.1998, tr 21.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011