QPTD -Thứ Ba, 06/09/2011, 00:37 (GMT+7)
Học phong cách làm báo của Bác Hồ

1. Sự nghiệp báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng rất sôi động của Người. Bác Hồ là một nhà báo vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đồng thời là một nhà báo quốc tế nổi tiếng, nhà báo xuất sắc của phong trào cách mạng thế giới, một ngọn bút tiên phong giàu tính chiến đấu trên mặt trận báo chí của phong trào giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX.

Kể từ bài báo đầu tiên “Bản yêu sách của dân tộc Việt Nam", đăng trên báo Nhân loại, ngày 18- 6- 1919, ký tên Nguyễn ái Quốc, đến bài báo cuối cùng "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng", đăng trên báo Nhân Dân, ngày 1- 6- 1969, với bút danh T.L, Bác có cuộc đời làm báo tròn 50 năm. Trong khoảng thời gian đó, Người đã sáng lập, chỉ đạo nhiều tờ báo (có thời kỳ là chủ bút kiêm chủ báo), viết hàng ngàn bài đủ các thể loại, bằng nhiều thứ tiếng, với hàng trăm bút danh (có nhiều bài không ký tên hoặc bút danh) cho trên 50 tờ báo, tạp chí xuất bản ở nước ngoài và trong nước. Đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh là người đặt nền móng, người sáng lập và tổ chức. Dưới sự chỉ đạo, giáo dục, rèn luyện của Người, báo chí cách mạng Việt Nam thực sự là vũ khí sắc bén truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê-nin, lên án chủ nghĩa thực dân, đế quốc; cổ vũ, động viên toàn dân tham gia đấu tranh cách mạng. Lịch sử báo chí cách mạng và Hội nhà báo Việt Nam gắn liền với quá trình đấu tranh anh dũng, thắng lợi vẻ vang của nhân dân ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng qua các thời kỳ cách mạng, ghi đậm dấu ấn Hồ Chí Minh với tư cách vừa là người sáng lập, lãnh đạo, chỉ đạo báo chí, vừa là nhà báo cách mạng vĩ đại trong sự nghiệp báo chí. Vậy mà, với đức khiêm tốn, Người chỉ nhận mình là nhà báo có kinh nghiệm, là người có duyên với báo chí.

Đọc những bài báo của Người, dù ở thể loại nào, đề cập vấn đề gì, chúng ta đều dễ nhận thấy một sắc thái rất riêng, không lẫn với bất cứ ai, hết sức độc đáo, sáng tạo. Nó độc đáo, sáng tạo từ cách chọn tiêu đề, nội dung đề cập, đến cách thức thể hiện, ngôn ngữ sử dụng... Các bài viết của Người vừa nhuần nhụy, đậm đà tính dân tộc, vừa giàu tính hiện đại; vừa chứa chan tính quần chúng, vừa hừng hực tinh thần chiến đấu, có giá trị lý luận và thực tiễn cao, có sức cảm hóa, thuyết phục mạnh mẽ đối với người đọc. Đó là cách viết Hồ Chí Minh, hay nói đúng hơn, rộng hơn, là phong cách báo chí Hồ Chí Minh.

2. Hiện nay, Đảng ta đang đẩy mạnh thực hiện bước 2 Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn xã hội. Đó là một sự kiện có ý nghĩa chính trị- văn hóa sâu rộng. Đối với những người làm báo, Hồ Chí Minh là một nhà báo cách mạng vĩ đại, một nhân cách lớn và tấm gương sáng để chúng ta noi theo. Vì thế, học và làm theo Người, không gì thiết thực hơn là học và làm theo phong cách làm báo của Người.

Phong cách báo chí Hồ Chí Minh thể hiện trên nhiều phương diện, nhưng biểu hiện tập trung nhất là tính trung thực và tính chiến đấu. Tính trung thực là cái đức và cũng là cái gốc của người làm báo. Là một nhà báo cách mạng, nhà báo chân chính thì không thể chỉ giỏi nghề mà kém đức. Như vậy, thì lợi chẳng những không có, mà chỉ có hại, nên không thể tách rời hoặc thiếu một trong hai nhân tố đó. Hoạt động báo chí trong cơ chế thị trường hiện nay lại càng đòi hỏi những người làm báo phải đề cao tính trung thực, giữ vững phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, đi đôi với chống những biểu hiện thiếu trung thực, chạy theo lợi nhuận, xu hướng thương mại hóa báo chí, nhằm mục đích vụ lợi dưới các hình thức trong hoạt động báo chí. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, học và làm theo phong cách làm báo của Người, các cơ quan báo chí và những người làm báo đã và đang ngày càng được nhân dân tin tưởng, trân trọng, tạo dư luận tốt trong xã hội. Hầu hết các thông tin trên các phương tiện truyền thông, bao gồm: báo viết, báo nói, báo hình, báo điện tử… là chân thực, khách quan, chính xác; những tin, bài thiếu tính khách quan, sai sự thật chỉ là cá biệt và đang giảm. Đặc biệt, từ khi Đại hội VIII Hội Nhà báo Việt Nam đề ra Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, thì hiện tượng vi phạm Luật Báo chí và quy định trên lại càng giảm mạnh. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và hướng dẫn của Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, đã có nhiều cơ quan báo chí, liên chi hội, chi hội nhà báo xây dựng quy chế hoạt động báo chí, trong đó có nội dung quy định về đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ lãnh đạo và phóng viên trong hoạt động lãnh đạo, quản lý và tác nghiệp báo chí. Ngoài ra, cũng đã có không ít cơ quan báo chí, trong quy chế tuyển chọn cán bộ, phóng viên về công tác tại tòa soạn đã rất chú trọng tiêu chuẩn phẩm chất đạo đức, coi đó là tiêu chí hàng đầu; tương tự như vậy là với chi hội nhà báo trong việc xét kết nạp hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Đó là điều đáng mừng và cũng là thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” một cách thiết thực nhất của các cơ quan báo chí, hoạt động báo chí.

Tính chiến đấu là một trong những biểu hiện tập trung nhất, rõ nhất phong cách làm báo của Bác Hồ, đồng thời cũng là một chức năng, một thuộc tính của báo chí cách mạng. Báo chí là công cụ của Đảng, tiếng nói của nhân dân, phục tùng sự lãnh đạo của Đảng, nhằm phục vụ lợi ích của đất nước, của nhân dân. Những người làm báo là những cán bộ, viên chức của Đảng và cũng là của nhân dân, được Đảng phân công hoạt động, công tác trong lĩnh vực báo chí. Cho nên báo chí, mà trực tiếp là những người cầm bút phải có bản lĩnh chính trị, tinh thần chiến đấu cao, đấu tranh không khoan nhượng với mọi đối tượng, hiện tượng xâm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân. Đặc biệt, tình hình hiện nay diễn biến phức tạp, do các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình” hết sức thâm độc, nguy hiểm; chúng chống phá ta toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là về chính trị- tư tưởng. Trong bối cảnh đó, báo chí càng có vị trí quan trọng, như Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) của Đảng đã khẳng định. Điều đó đòi hỏi báo chí phải có tính chiến đấu cao, phải cùng với các cơ quan tuyên truyền phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, xung kích trong đấu tranh, phản bác quan điểm, luận điệu xuyên tạc, thù địch trên mặt trận tư tưởng - lý luận, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng, trước hết là bảo vệ Cương lĩnh, đường lối của Đảng. Đáng mừng là trong thời gian qua, nhiều tờ báo đã kế thừa, phát huy phong cách báo chí của Bác Hồ, nêu cao tính chiến đấu, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quan trọng này. Đã có ngày càng nhiều bài viết sắc sảo, đấu tranh trực diện, hiệu quả với những quan điểm sai trái, thù địch. Cùng với đó, báo chí cũng đã tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, góp phần thực hiện thắng lợi quyết tâm chính trị của Đảng: hạn chế, từng bước đẩy lùi nạn tham nhũng trong cơ quan của Đảng, Nhà nước. Thông qua báo chí, nhiều vụ việc tiêu cực, tham nhũng đã được phát hiện, xử lý kịp thời, tạo dư luận tốt trong xã hội. Qua đó, tăng cường "thế trận lòng dân", củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Cách viết Hồ Chí Minh là biểu hiện đặc trưng phong cách báo chí của Người. Vì thế, đối với những người cầm bút, điều quan trọng trong học phong cách báo chí của Người là học cách viết. Phong cách báo chí Hồ Chí Minh thể hiện sự kết hợp nhuần nhụy những đặc điểm cơ bản của nhà báo vô sản với sắc thái cá nhân, nhằm lý giải một cách tốt nhất mục tiêu: viết cho ai xem? viết để làm gì? từ đó đi đến viết như thế nào? Những bài Người viết luôn ngắn gọn, cô đọng, văn phong giản dị, khoáng đạt, có sức thuyết phục cao đối với người đọc.

Để nâng cao trình độ nghiệp vụ báo chí, chất lượng bài viết, tất thảy những người làm báo, nhất là những người mới vào nghề cần phải học cách viết đó. Tất nhiên, học và viết được như thế không hề đơn giản. Vậy phải học như thế nào? Hãy học Bác. Bác là mẫu mực của đức tính bền bỉ. Học cách Bác rèn luyện trong bộn bề khó khăn để có những bài viết đầu tay. Do đó, muốn trở thành "cây bút", nhất thiết phải “lao tâm, khổ tứ”, kiên trì, nhẫn nại và đặc biệt là phải tâm huyết với nghề, tận tâm với công việc. Có nhà báo đã tâm sự: để có bài báo thực sự ưng ý, chất lượng, có khi phải viết đi viết lại hàng chục lần. Những người lâu năm trong nghề, giàu kinh nghiệm làm báo đều cho rằng: viết bài ngắn mới khó. Và không phải ai cũng có đủ trình độ, đủ thời gian để viết ngắn. Tất nhiên bài viết ngắn hay dài chỉ là khái niệm tương đối và cũng còn tuỳ theo quan niệm của mỗi người. Nhưng có điều dễ thống nhất là viết sao cho "ít chữ mà không thiếu" và "nhiều chữ nhưng không thừa" là bài viết chất lượng. Thiết nghĩ, hiểu và học cách viết Hồ Chí Minh như vậy là đúng nhất.

Ngày nay, những người làm báo chúng ta có điều kiện thuận lợi hơn hẳn so với Bác Hồ khi bắt đầu công việc báo chí. Hầu hết chúng ta đều được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản về lý luận, nghiệp vụ, ngoại ngữ,… tại các học viện, nhà trường chính quy. Nhưng để làm ra được sản phẩm báo chí thực sự có chất lượng, có giá trị lý luận, thực tiễn cao, được người đọc thích thú lại là cả một quá trình không ngừng rèn luyện, học tập. Cốt yếu là học tập phong cách làm báo Hồ Chí Minh. Bởi lẽ đơn giản, Bác là nhà báo cách mạng vĩ đại, là người thầy, là tấm gương của tất cả chúng ta.

Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng

 

Ý kiến bạn đọc (0)