Thứ Bảy, 23/11/2024, 01:17 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Tăng cường kết hợp giữa phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) với củng cố quốc phòng-an ninh (QP-AN) là vấn đề được Hòa Bình quan tâm, tích cực thực hiện. Việc làm đó đã thiết thực tạo ra các yếu tố bảo đảm cho sự ổn định và phát triển của Tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước.
Là một tỉnh miền núi, Hòa Bình có diện tích 4.596 km2, dân số trên 83 vạn người; bao gồm 7 dân tộc, trong đó dân tộc Mường chiếm 63,4%. Chịu sự tác động từ điều kiện địa lý, lịch sử, hiện nay Hòa Bình còn nhiều xã thuộc vùng khó khăn, trong đó có 79 xã đặc biệt khó khăn. Nhìn chung, các địa phương trong Tỉnh kinh tế chậm phát triển; cơ sở hạ tầng bảo đảm cho đời sống và sản xuất còn thiếu thốn, lạc hậu; ở nhiều địa phương, tỷ lệ hộ nghèo còn tới 30 – 35%; trình độ dân trí hạn chế, một số hủ tục, tệ nạn xã hội còn chậm được khắc phục... Thực trạng đó cùng với tác động của những vấn đề xã hội phức tạp nảy sinh trong quá trình phát triển, đặc biệt là từ âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên địa bàn, đã tạo ra các yếu tố tiềm ẩn ảnh hưởng không nhỏ tới sự ổn định và phát triển của Tỉnh.
Để vượt qua khó khăn, thách thức, đưa Tỉnh tiến kịp cùng đất nước trong tiến trình đẩy mạnh CNH,HĐH; trên cơ sở quán triệt nghiêm túc các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ mới, Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân Tỉnh đã có những phương hướng, giải pháp xây dựng, phát triển Tỉnh phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể của địa phương. Trong đó, đẩy mạnh xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện (VMTD), gắn kết chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với củng cố QP-AN là một trong những chủ trương, giải pháp cơ bản đã được cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân trong Tỉnh chú trọng, tích cực thực hiện.
Các cấp ủy đã thường xuyên chú trọngcủng cố, tăng cường sự đồng thuận, thống nhất về chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ cách mạng nói chung và nhiệm vụ chính trị của địa phương nói riêng. Các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, địa phương về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, đặc biệt là về các vấn đề dân tộc, miền núi, tôn giáo..., các vấn đề liên quan trực tiếp tới địa bàn đã được phổ biến, quán triệt kịp thời, phù hợp với từng đối tượng. Bên cạnh các định hướng về phát triển KT-XH, định hướng về củng cố QP-AN đã được chú trọng đúng mức. Một số nội dung trọng tâm về nhiệm vụ QP-AN đã được tập trung quán triệt, tổ chức thực hiện, như: Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) “Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Luật Quốc phòng; Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ (KVPT) vững chắc trong tình hình mới”; Nghị quyết 37 - NQ/TW của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN vùng Trung du và miền Núi Bắc Bộ đến năm 2010”; các chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với QP-AN;
Trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng cơ sở vững mạnh, trên cơ sở quan tâm toàn diện tới các yêu cầu đã được Chỉ thị 36/2005/CTTg của Thủ tướng Chính phủ xác định, Tỉnh tập trung trước hết vào 2 lĩnh vực: phát triển kinh tế và xây dựng Đảng; coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Trong 5 năm qua, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong Tỉnh đã đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu giành được những thành tựu quan trọng, toàn diện, trước hết về KT-XH, xây dựng hệ thống chính trị. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 12%, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực. So với năm 2005, tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm 8,5%; công nghiệp, xây dựng tăng 9%; thu nhập bình quân đầu người đạt 13,3 triệu đồng (tăng hơn 3 lần so với 2005); thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2010 tăng gấp 4 lần... Tỉnh đã chú trọng phát triển hạ tầng KT-XH ; nhất là các lĩnh vực: giao thông, giáo dục-đào tạo, điện, nước, y tế... Toàn Tỉnh hiện có 8.800 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố chiếm 61,6%. Việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp các bệnh viện đa khoa cấp tỉnh, huyện, khu vực liên huyện đã và đang được triển khai tại 11 huyện, thành phố... Công tác xóa đói, giảm nghèo và giải quyết việc làm đã được các cấp quan tâm thường xuyên. Hằng năm, Tỉnh tạo việc làm cho khoảng 1,6 vạn lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 14%.... Những thành tựu trên đã góp phần tăng cường tiềm lực QP-AN và tạo ra các tiền đề thuận lợi để động viên nhân dân tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội. Trong xây dựng cơ sở VMTD, Tỉnh tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, xóa cơ sở yếu, kém. Đến nay, gần 100% số thôn, bản trong Tỉnh đã có chi bộ, các xã, phường, thị trấn có đảng bộ cơ sở. Số tổ chức cơ sở Đảng đạt tiêu chuẩn TSVM bình quân trong 5 năm qua đạt 77%; đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, đoàn thể trong đó có cán bộ quân sự cấp cơ sở, được quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, cơ bản đủ về số lượng, nâng lên về chất lượng. Điều đó đã tạo ra sự bảo đảm để hệ thống chính trị các cấp ngày càng phát huy tốt hơn vai trò trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội trên địa bàn, trong đó có nhiệm vụ QP-AN nói chung, kết hợp phát triển KT-XH với củng cố QP-AN nói riêng.
Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ QP-AN, quốc phòng - quân sự địa phương được đan lồng, gắn kết đồng thời với quy hoạch tổng thể các dự án phát triển KT-XH và tiến trình triển khai các nhiệm vụ KT-XH. Do tổ chức quán triệt nghiêm túc các quan điểm, chỉ thị, nghị quyết của Đảng; luật, nghị định, pháp lệnh, quyết định của nhà nước về QP-AN, nên đã nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ này.
Cùng với tăng cường các yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội từ việc xây dựng cơ sở VMTD, Tỉnh tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc; xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương VMTD, thực sự làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ QP-AN trên địa bàn. Thực hiện chủ trương "tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc" Tỉnh đã có nhiều chủ trương, giải pháp tích cực, có hiệu quả. Điều đó đã làm cho tiềm lực chính trị tinh thần, trận địa tư tưởng của Đảng, thế trận lòng dân được củng cố vững chắc; tiềm lực kinh tế, văn hóa, xã hội của KVPT được tăng cường; khả năng tác chiến phòng thủ, phòng chống “Diễn biến hòa bình” kết hợp với bạo loạn, lật đổ được nâng lên. Trong 5 năm qua, Tỉnh đã tổ chức tốt 1 cuộc diễn tập KVPT cấp tỉnh, 15 cuộc diễn tập KVPT cấp huyện, thành phố và ngành công thương; 218 lượt diễn tập chiến đấu trị an cấp xã, phường, thị trấn.Qua đó đã thiết thực nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng; quản lý, điều hành của chính quyền và khả năng tổ chức, chỉ huy, hiệp đồng của đội ngũ cán bộ các cấp, ngành, địa phương.
Lực lượng dân quân tự vệ trong Tỉnh được xây dựng rộng khắp, tinh gọn, đạt tỷ lệ 1,7% so với số dân, trong đó đảng viên là 15,2%. Tất cả các xã, phường, thị trấn đều có trung đội dân quân cơ động; các bản, làng, thôn, xóm, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy có tổ, tiểu đội (dân quân hoặc tự vệ) chiến đấu tại chỗ. Lực lượng dự bị động viên được phúc tra, đăng ký, quản lý, kiểm tra, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu theo Pháp lệnh. Chính quyền các cấp thực hiện chính sách đối với dân quân tự vệ và dự bị động viên theo đúng Nghị định số 184/NĐ- CP của Chính phủ. LLVT thường trực sẵn sàng chiến đấu thực hiện huấn luyện gắn với rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, kết hợp làm công tác dân vận, thực hiện chính sách hậu phương quân đội, phòng chống thiên tai; phối hợp với lực lượng công an trong giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn theo Quyết định số 107/2003/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ...
LLVT Tỉnh đã thường xuyên phát huy trách nhiệm chính trị, phẩm chất cách mạng, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của đội quân chiến đấu, công tác và lao động, sản xuất. Cơ quan quân sự các cấp đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ QP-AN, giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở; đồng thời, phát huy vai trò nòng cốt trong tổ chức, hiệp đồng triển khai công tác quốc phòng, quân sự địa phương; tham gia có hiệu quả vào việc phát triển kinh tế, chính trị, xã hội ở cơ sở. Công tác quốc phòng, quân sự luôn bám sát mục tiêu KT-XH thông qua nhiều hình thức thiết thực, như: huấn luyện, diễn tập kết hợp với làm công tác dân vận, xây dựng cơ sở hạ tầng; tuyển quân gắn với bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ cơ sở... Đảng bộ Quân sự Tỉnh đã vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; tiến hành có hiệu quả việc giúp đỡ 3 xã đặc biệt khó khăn phát triển KT-XH; phối hợp với các cơ quan chức năng, các đơn vị di chuyển nhân dân 2 xã Tân Mai, Phúc Sạn huyện Mai Châu đến nơi định cư mới, tích cực triển khai thực hiện một số đề án có giá trị thực tiễn đối với yêu cầu xây dựng cơ sở và củng cố QP-AN, như: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội; đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm QP-AN ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò huyện Mai Châu”; “Xây dựng mô hình “Làng, bản văn hóa - quốc phòng” ở địa bàn đặc biệt khó khăn trong KVPT tỉnh Hòa Bình”. Chủ trương “Phát triển đảng viên trong thanh niên nhập ngũ năm 2009 và các năm tiếp theo”, góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng chính trị của LLVT địa phương trong Tỉnh và tạo nguồn cán bộ, đảng viên cho cơ sở, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Việc gắn kết chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với củng cố QP-AN trên cơ sở tăng cường xây dựng cơ sở VMTD đã tạo ra những chuyển biến tích cực, toàn diện, tạo đà vững chắc cho sự ổn định và phát triển tiếp theo của Hòa Bình. Đoàn kết, nỗ lực phấn đấu nâng cao hơn nữa hiệu quả việc làm trên là trách nhiệm chính trị chung của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và LLVT Tỉnh. Cùng với phát huy đầy đủ những thành tựu đã làm được, quá trình này đồng thời còn đòi hỏi phải kiên quyết khắc phục những hạn chế, bất cập về nhận thức, tư tưởng cũng như về tổ chức thực hiện vừa qua. Một trong những vấn đề cần được khắc phục kịp thời là sự hạn chế, bất cập trong nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nói chung, sự gắn kết giữa phát triển KT-XH với củng cố QP-AN nói riêng.
HOÀNG VIỆT CƯỜNG
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Tỉnh
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011