QPTD -Thứ Sáu, 16/09/2011, 23:33 (GMT+7)
Hồ Chí Minh với nhiệm vụ xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân sau Cách mạng Tháng 8-1945

Chính quyền là vấn đề cơ bản của tất cả các cuộc cách mạng. Trong Tuyên ngôn thành lập Hội Liên hiệp công nhân quốc tế (9-1864), C.Mác viết: “Việc giành chính quyền trở thành nhiệm vụ vĩ đại của giai cấp công nhân”1. Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã hoàn thành một nhiệm vụ vĩ đại: giành chính quyền trong toàn quốc. Quán triệt tư tưởng của V.I Lê-nin: giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó khăn hơn, Hồ Chí Minh cho rằng, lật đổ chính quyền thực dân phong kiến là một nhiệm vụ khó khăn, lâu dài, nhưng công việc dọn dẹp, sắp đặt, giữ gìn, kiến thiết, xây dựng cái mới, chế độ mới, khó khăn hơn nhiều.

Trong điều kiện mới, Hồ Chí Minh vạch rõ, cách mạng đòi hỏi phải giải quyết “trăm nghìn đầu mối đều là những công việc mới lạ” nhưng chúng ta chưa có kinh nghiệm, tài năng hạn chế, vừa làm vừa học nên cần tập trung vào những nhiệm vụ thiết thực, cơ bản, cấp bách nhất. Đấy là việc xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân từ trung ương đến cơ sở.

14 giờ ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Hôm sau, ngày 3-9-1945, Chính phủ cách mạng họp phiên đầu tiên, phiên họp diễn ra trong tình hình hết sức khẩn trương. Một trong những nhiệm vụ cấp bách được Hồ Chí Minh đề ra trong cuộc họp này là sớm tổ chức cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Thực hiện chủ trương trên, ngày 18-12-1945, Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 76 ấn định ngày Tổng tuyển cử trong cả nước là ngày 6-1-1946.

Giành độc lập được 4 tháng 4 ngày, trong tình thế đất nước hiểm nghèo, thù trong giặc ngoài, chính quyền cách mạng đồng thời phải thực hiện các nhiệm vụ cấp bách là diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm... mà vẫn tiến hành Tổng tuyển cử là một quyết định dũng cảm, táo bạo nhưng rất đúng đắn của Hồ Chí Minh. Việc làm đó cho thấy, Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc về sự cần thiết của một nhà nước hợp hiến, hợp pháp: Nhà nước do nhân dân bầu ra. Hồ Chí Minh vạch rõ: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác việc nước nhà… Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là chính phủ của toàn dân”2. Nhận thức sâu sắc: hiến pháp là tiền đề của pháp quyền, có hiến pháp mới có pháp quyền. Vì thế, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 3-9-1945, Hồ Chí Minh vạch rõ: “Trước chúng ta bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có với hiến pháp dân chủ”3.

Với tinh thần cẩn trọng và khẩn trương để khi Quốc hội khoá I kỳ họp thứ nhất khai mạc phải có Dự thảo Hiến pháp trình Quốc hội, ngày 20-9-1945, Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 34 thành lập uỷ ban Dự thảo Hiến pháp gồm 7 thành viên, do Người làm trưởng ban. Trong điều kiện bộn bề công việc, công việc nào cũng quan trọng, khẩn cấp, dưới sự chủ trì của Hồ Chí Minh, Uỷ ban Dự thảo Hiến pháp đã tiến hành nhiều phiên họp để thảo luận bản Dự thảo Hiến pháp. Ngày 31-10-1945, chưa đầy hai tháng sau Tuyên ngôn độc lập, Hội đồng Chính phủ quyết định công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi đến các làng, xã bản Dự thảo Hiến pháp để xin ý kiến toàn dân. Thông cáo của Chính phủ chỉ rõ: “Muốn cho tất cả nhân dân Việt Nam dự vào việc lập hiến của nước nhà nên Chính phủ công bố bản Dự thảo hiến pháp này để mọi người đọc kỹ và được tự do bàn bạc, phê bình…Uỷ ban Dự thảo hiến pháp sẽ tập trung các đề nghị sửa đổi và ý kiến của nhân dân rồi trình toàn quốc dân đại hội bàn luận”4.

Vậy là, ngay từ năm 1945, Hồ Chí Minh đã đề xuất và chỉ đạo thực hiện một tư tưởng lớn: tạo mọi thuận lợi cho toàn dân tham dự đầy đủ vào việc lập hiến.

Ngày 2-3-1946, Quốc hội khoá I, kỳ họp thứ nhất khai mạc. Theo đề nghị của Hồ Chí Minh, Quốc hội đã thông qua danh sách các thành viên của Chính phủ gồm 10 người với nhiều thành viên là nhân sỹ, trí thức, là người ngoài Đảng. Trong lời tuyên thệ nhậm chức, Hồ Chí Minh nói: “Chúng tôi, Chính phủ kháng chiến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà… trước bàn thờ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội thề xin cương quyết lãnh đạo nhân dân kháng chiến, thực hiện nền dân chủ cộng hoà Việt Nam, mang lại tự do hạnh phúc cho dân tộc”5. Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá I đã bầu ra Ban Dự thảo Hiến pháp, gồm 11 thành viên. Bản dự thảo Hiến pháp mới đã tiếp thu bản Dự thảo Hiến pháp do Hội đồng Chính phủ công bố tháng 10-1945. Qua nhiều lần sửa chữa, bổ sung trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đóng góp của nhân dân, tham khảo hiến pháp của một số nước trên thế giới, ngày 9-11-1946 Quốc hội khoá I, kỳ họp thứ hai đã thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, với 240/242 đại biểu tán thành. Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, các dự thảo luật, pháp lệnh đều được đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân được tham gia ý kiến là một minh chứng cho thấy: chúng ta đã và đang quán triệt và phát huy tư tưởng đó của Người.

Một vấn đề cấp bách nữa được Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm sau cách mạng tháng Tám là xây dựng Uỷ ban nhân dân các cấp. Từ sau Tuyên ngôn độc lập đến hết năm 1945, Hồ Chí Minh đã có hàng chục bài viết, bài nói, thư, điện tập trung vào chủ đề xây dựng ủy ban nhân dân các cấp. Chưa đầy 10 ngày sau Tuyên ngôn độc lập - văn kiện lập quốc kiệt xuất của Hồ Chí Minh, ngày 11-9-1945, Người đã viết bài “Cách tổ chức uỷ ban nhân dân”. Tiếp đó, liên tục là các bài: “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà (Nghệ An)”, “Chính phủ là công bộc của dân”, “Thiếu óc tổ chức là một khuyết điểm của ủy ban nhân dân”, “Tinh thần tự động trong các ủy ban nhân dân”, “Sao cho được lòng dân”, “Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng…”. Qua hàng loạt bài về ủy ban nhân dân, Hồ Chí Minh nhấn mạnh một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, ủy ban nhân dân các cấp là hình thức Chính phủ ở các địa phương được lập nên sau thắng lợi của cách mạng tháng Tám 1945. Do đó, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở là chính quyền của nhân dân, chỉ có một mục đích là phụng sự lợi ích của nhân dân; cần được nhân dân giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm tròn nhiệm vụ của mình. Đồng thời, Uỷ ban nhân dân các cấp phải được tổ chức và làm việc theo tinh thần mới trong chế độ mới, khác về chất so với các cơ quan do bọn thống trị đặt ra. Hồ Chí Minh khẳng định: “Nói tóm lại bao nhiêu những cái xấu xa, thối nát, bất công, áp bức của chế độ cũ, của các hội đồng kỳ mục trước sẽ không thể tồn tại trong các uỷ ban nhân dân bây giờ”6.

Hai là, cán bộ trong uỷ ban nhân dân các cấp phải luôn nhận rõ và giữ đúng mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân: chính quyền là chính quyền của nhân dân, mình chỉ là đày tớ của nhân dân chứ không phải là những “ông quan cách mạng”. Vì thế, muốn được được dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết các vấn đề dầu khó đến đâu cũng mặc lòng, những vấn đề quan hệ đến đời sống nhân dân.

Ba là, mọi chủ trương, chính sách, mọi quy định của Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đều phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, “... Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”7.

Ngoài ra, Hồ Chí Minh còn sớm nhận thấy những tiêu cực xuất hiện trong các uỷ ban nhân dân các cấp. Đặc biệt là những biểu hiện sa sút, yếu kém về phẩm chất, đạo đức của một số cán bộ, đảng viên trong bộ máy Nhà nước. Do đó, tháng 10-1947, Người viết cuốn “Sửa đổi lối làm việc” làm tài liệu tu dưỡng tư tưởng, đạo đức và tác phong cho cán bộ, đảng viên. Tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng chính chính quyền cách mạng, trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, Đảng, Nhà nước ta cũng đặc biệt quan tâm xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của ủy ban nhân dân các cấp, nhất là cấp cơ sở. Tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Đảng ta đã ra nghị quyết quan trọng về “ Đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn”nhằm mục tiêu đó.

Để xây dựng thành công chính quyền “của dân, do dân, vì  dân” trong điều kiện mới, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta cần kiên quyết làm đúng theo những điều do Người đề ra và thường xuyên kiểm tra trong quá trình thực hiện. Đấy là:

- Các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể chính trị-xã hội đều phải do nhân dân lập ra một cách dân chủ. Tổ chức bộ máy, cơ chế vận hành và cán bộ Nhà nước đều do nhân dân quyết định. Hiến pháp và pháp luật phải do Quốc hội-cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân thông qua, sau khi được đông đảo các tầng lớp nhân dân thảo luận, đóng góp ý kiến.

- Các vấn đề trọng đại của đất nước đều phải hỏi ý kiến nhân dân. Mọi ý kiến đề xuất, góp ý, tố cáo, khiếu nại của nhân dân đều phải được tôn trọng và xem xét kịp thời, nếu đúng thì phải tiếp thu, thực hiện nghiêm túc; nếu không đúng thì phải giải quyết, thuyết phục.

- Các cơ quan Nhà nước, các ban chấp hành của các đoàn thể chỉ là người thi hành, được nhân dân ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ do nhân dân giao cho và chịu trách nhiệm trước nhân dân về kết quả công việc của mình.

- Nhà nước và các đoàn thể phải có hình thức tổ chức và phương thức hành động thích hợp, thuận tiện nhất để thu thập ý kiến, sáng kiến, nguyện vọng của nhân dân, để nhân dân tham gia trực tiếp vào công việc quản lý đất nước và cộng đồng; giám sát hoạt động của các cơ quan và nhân viên Nhà nước; góp ý xây dựng Đảng và đoàn thể. Định kỳ, các cơ quan Nhà nước và đoàn thể phải báo cáo công khai trước nhân dân về kết quả công việc, thuận lợi và khó khăn, thành tựu và khuyết điểm. Nhân dân có quyền theo dõi các phiên họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân; chất vấn các sai lầm và các đại biểu phải trả lời nghiêm túc; có quyền kiểm tra và bãi miễn những đại biểu không còn xứng đáng là đại biểu của dân. Các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội có trách nhiệm trả lời trước công luận những ý kiến do tổ chức xã hội khác và các cơ quan báo chí nêu ra...

Chính quyền các cấp vững mạnh, trong sạch, hoạt động có hiệu lực là nền tảng để nhân dân phấn khởi, đem hết lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, trí tuệ và tài năng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PGS,TS. Nguyễn Khánh Bật

Học viện CT-HC Quốc gia Hồ Chí Minh

_________

1- Mác- Ăngghen - Tuyển  tập, Nxb ST, H. 1982, Tập 3, tr 20.

2- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, Tập 4, tr 133.

3- Hồ Chí Minh, Sdd, Tập 4, tr8.

4- Văn phòng Quốc hội - Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946  - 1960, Nxb CTQG, H.1994, tr 40.

5- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, Tập 4, tr 195.

6- Hồ Chí Minh- Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, Tập 4, tr 23.

7- Hồ Chí Minh, Sđd, Tập 7, tr 572.

 

Ý kiến bạn đọc (0)