QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 23:02 (GMT+7)
Hồ Chí Minh với đấu tranh ngoại giao bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ hòa bình trong thời gian trước ngày ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến
Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, nước Việt Nam mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản ra đời. Ngay từ những ngày đầu “trứng nước”, rất nhiều khó khăn và nguy cơ đe dọa sự tồn tại của chính quyền nhân dân non trẻ, trong đó nguy cơ lớn nhất là các nước đế quốc hùa nhau xâm lược, khiến nước ta lâm vào tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”. Trên đất nước ta khi đó, hiện diện lực lượng các nước: Mỹ, Anh, Pháp, Tàu Tưởng. Đấy là chưa kể một bộ phận quân Nhật đang chờ Đồng Minh giải giáp, sẵn sàng bị thực dân Pháp lợi dụng danh nghĩa Đồng Minh sai khiến. Để thoát ra khỏi vòng vây của chủ nghĩa đế quốc, nhiệm vụ đối ngoại hàng đầu của ta lúc này là làm sao duy trì hòa bình càng lâu càng tốt trên phần lớn đất nước để “ tập trung ngọn lửa” vào kẻ thù chính là thực dân Pháp; đồng thời có sách lược mềm dẻo, hòa hoãn với các loại kẻ thù khác nhằm tránh đối đầu với nhiều kẻ thù cùng một lúc. Là người đứng mũi chịu sào trước vận mệnh của quốc gia, dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương, trong tình hình đặc biệt nghiêm trọng này, chúng ta không chỉ đơn thuần hòa hoãn mà phải biết sống chung với kẻ thù để kiềm chế chúng. Đây là sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo sách lược của chủ nghĩa Mác-Lê-nin về tranh thủ khả năng hòa hoãn với kẻ thù, là sự thỏa hiệp có nguyên tắc trong hoạt động ngoại giao của Bác Hồ và Đảng ta trong vòng 15 tháng (23-9-1945/ 19-12-1946) trước ngày nổ ra kháng chiến toàn quốc.
Đối với Mỹ, Hồ Chí Minh vốn đã có mối quan hệ từ trước với các sĩ quan Mỹ từng huấn luyện cho quân đội Việt Minh trước Cách mạng Tháng 8-1945 nên hiểu rõ về người Mỹ. Hiện trên danh nghĩa, Mỹ vẫn là nước đứng đầu các nước Đồng Minh và họ tuyên bố sẵn sàng ủng hộ nền độc lập của các dân tộc, nhưng thực chất đối với nước ta, Mỹ là kẻ đứng đằng sau, ngầm giúp Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược trở lại Việt Nam. Từ phân tích, đánh giá trên, Hồ Chí Minh và Đảng ta chủ trương tiếp tục giữ vững quan hệ, tranh thủ những mặt tích cực trong thái độ của Mỹ vì tiếng nói của Mỹ trên diễn đàn Liên hợp quốc có ảnh hưởng rất lớn đến các mối quan hệ quốc tế sau chiến tranh. Người đã tranh thủ mối quan hệ cá nhân với tướng Mỹ Ga-leg-he, vận động ông này tích cực đóng góp vào việc thành lập Hội hữu nghị Việt – Mỹ vào cuối năm 1945 ở Hà Nội. Đặc biệt, trong các bài nói, bài viết, trong các cuộc tiếp xúc với báo chí trong và ngoài nước, Người luôn đề cập đến vai trò đứng đầu Đồng Minh của Mỹ, nhấn mạnh những điều Mỹ đã công khai tuyên bố, dựa vào đó để đấu tranh trên lĩnh vực ngoại giao và thông qua Mỹ để tác động đến Pháp. Ngoài ra trong thời gian này, Người còn nhân danh Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa gửi thư, điện cho tổng thống Mỹ, nội dung xoay quanh vấn đề cơ bản nhất là quyền độc lập của Việt Nam, khẳng định sự hợp pháp về mặt pháp lý của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Đối với quân đội Tàu Tưởng, Hồ Chí Minh và Đảng ta chủ trương hòa hoãn, sử dụng mọi biện pháp linh hoạt, khôn khéo làm cho họ rút quân ra khỏi miền Bắc nước ta càng nhanh càng tốt . Cái khó là vừa phải tranh thủ họ, vừa phải chống lại âm mưu “diệt cộng cầm Hồ”, tiếp sức cho bọn tay sai hòng lập một chính quyền chống cộng, chí ít là thành lập chính quyền không cộng sản của họ. Trong những lần tiếp xúc với các tướng lĩnh của Tưởng Giới Thạch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều nêu chủ trương “Hoa - Việt thân thiện” và sẵn sàng hợp tác với quân Tưởng trong thời gian họ làm nhiệm vụ tiếp quản sự đầu hàng của quân Nhật. Bằng uy tín cá nhân và những ứng xử tuyệt vời, Hồ Chí Minh đã cảm hóa được họ. Để tránh những điều hiểu nhầm ở ngoài nước và trong nước có thể trở ngại đến độc lập dân tộc, các cấp chính quyền nhân dân ta đã kiềm chế trước những hành vi  cướp bóc, ức hiếp của quân Tưởng, kể cả giải pháp như công khai tuyên bố “giải tán Đảng” để rút vào hoạt động bí mật, để bọn Việt quốc, Việt cách tay sai Tưởng tham gia 70 ghế trong Quốc hội... Nhờ những sách lược hòa hoãn đúng đắn đó, ta đã đẩy được 20 vạn quân Tàu Tưởng ra khỏi đất nước.
Đối với Anh, Hồ Chí Minh và Đảng ta chủ trương, trong giao thiệp thể hiện thiện chí của nước chủ nhà, hợp tác với Đồng Minh, kiên quyết phản đối những hành động sai trái của quân Anh khi họ có những hành động không đúng so với quy định của các nước Đồng Minh, dung túng cho quân Pháp xâm lược Việt Nam.
Đối với Pháp, ngay sau khi Pháp nổ súng, gây hấn ở Nam Bộ (23-9-1945), Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định, Pháp là kẻ thù chính, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng. Thế nhưng, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh quan điểm của chúng ta là đấu tranh cho độc lập dân tộc, cụ thể là kiên quyết “đấu tranh với bọn phản động Pháp”, đồng thời không muốn phá vỡ quan hệ gắn bó vốn có giữa hai dân tộc Việt - Pháp. Do đó, Đảng ta chủ trương, phải liên lạc mật thiết với Đảng Cộng sản Pháp để thực hiện sự hành động chung giữa ta và các đồng chí Pháp. Ta tranh thủ đàm phán sớm với Pháp lúc này là có lợi, vì tình hình chính trị ở Pháp đang có biến động. Ngày 20-1-1946, Chính phủ Đờ Gôn đổ, Chính phủ liên hiệp ba đảng: Cộng sản, Xã hội, Cộng hòa bình dân lên cầm quyền, chủ trương thương lượng với Việt Nam. Vì thế, sau 5 tháng đánh Pháp ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và hòa hoãn với quân Tưởng ở miền Bắc, nay quân Pháp lại thay thế quân Tưởng tiếp quản từ vĩ tuyến 16 trở ra (theo Hiệp định Trùng Khánh), Ban Thường vụ Trung ương Đảng ta ra chỉ thị “Tình hình và chủ trương”. Chỉ thị vạch rõ: “Muốn cứu vãn quyền lợi chung của đế quốc, chống phong trào cách mạng vô sản và cách mạng thuộc địa, Anh, Pháp, Mỹ và Tàu Tưởng đã tạm dẹp mâu thuẫn nội bộ ở Đông Dương, do đó hiệp ước Hoa –Pháp không phải chuyện riêng của Tàu Tưởng và Pháp, nó là chuyện chung của 4 đế quốc và tay sai  của chúng ở thuộc địa”1. Do đó, Ban Thường vụ Trung ương khẳng định: “Nếu Pháp giữ chủ trương cho Đông Dương tự trị theo bản tuyên ngôn ngày 24 - 3 -1945 thì nhất định đánh và rất có thể đánh lâu dài theo lối du kích. Nhưng nếu Pháp công nhận Đông Dương tự chủ thì có thể hòa, hòa để phá tan âm mưu của bọn Tàu trắng, bọn phản động Việt Nam và bọn phát xít xứ Pháp còn sót lại, chúng định hãm ta vào tình thế cô lập, buộc ta phải đánh với nhiều kẻ thù một lúc để thực lực của ta tiêu hao”2. Do đó, hòa với Pháp, ta có thể phá tan được âm mưu của chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động, bảo toàn lực lượng, có thời gian chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn.
           
Hiệp định sơ bộ (6-3-1946). Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh: cân nhắc kỹ lợi hại, chọn cái nào ít hại nhất thì làm, lập trường của ta khi đến Hội nghị là hòa với Pháp trên nguyên tắc độc lập, nhưng liên minh với Pháp; Pháp phải thừa nhận quyền tự quyết dân tộc và thống nhất quốc gia của ta. Ta có thể chấp nhận quyền đóng quân của Pháp, nhưng quyền ấy chỉ có thể tạm thời và có hạn. Còn lập trường của Pháp trước khi đến Hội nghị vẫn hết sức cứng nhắc theo tuyên ngôn ngày 24-3-1945 và đương nhiên ta không chấp nhận ký kết theo lập trường như vậy. Hồ Chí Minh bằng tài trí ngoại giao của mình đã có những tác động đến tướng lĩnh quân đội Tưởng. Vì thế, đến ngày 4-3-1946, phía Tưởng nêu rõ, nếu Pháp chưa ký kết được với Chính phủ Việt Nam thì quân Tưởng sẽ không để quân Pháp vào miền Bắc Việt Nam. Lý do, “để tránh phía Việt Nam cho rằng quân Tưởng phản bội, rồi Việt Nam sẽ trả thù Hoa kiều khi quân Tưởng rút đi”. Trước thái độ của quân Tưởng, phía Pháp không thể trì hoãn việc ký hiệp định với ta. Thêm vào đó, một sự kiện khác bất lợi cho quân Pháp đã xảy ra: sáng ngày 6-3-1946, quân Tưởng đã nổ súng vào tàu đổ bộ của Pháp ở Hải Phòng. Nếu xung đột Pháp – Tưởng nổ ra, phía Pháp sẽ bất lợi. Vì thế, Pháp vội vàng thúc giục ta ký Hiệp định sơ bộ trong ngày 6-3-1946 tại Hà Nội, với sự chứng kiến của các phái bộ Đồng Minh: Anh, Mỹ, Trung Quốc và ông Lu-i Ca-puýt với danh nghĩa đại diện cho nhân dân Pháp.
Hiệp định sơ bộ được ký kết, thắng lợi của ta là đã buộc chính phủ Pháp phải công nhận quyền tự chủ và thống nhất đất nước của Việt Nam. Tuy Pháp vẫn chưa công nhận nền độc lập hoàn toàn của nhân dân ta nhưng hòa với Pháp, ta “Tránh tình trạng bất lợi, phải cô lập chiến đấu cùng một lúc với nhiều lực lượng phản động... Bảo toàn được lực lượng, giành giây phút nghỉ ngơi và củng cố vị trí đã chiếm được, chấn chỉnh đội ngũ cách mạng, bổ sung cán bộ, bồi dưỡng và củng cố phong trào... chuẩn bị đầy đủ, nhằm cơ hội tốt tiến lên giai đoạn cách mạng mới”3.
           
Hội nghị Phông-ten-nơ-blô và việc ký Tạm ước 14-9-1946. Chữ ký Hiệp định sơ bộ chưa ráo mực, Pháp đã tìm mọi cách phá hoại. Trước sức ép của dư luận Pháp, sự phản đối mạnh mẽ của nhân dân Việt Nam và đường lối đối ngoại đúng đắn của Hồ Chí Minh, Chính phủ Pháp buộc phải chấp nhận đàm phán chính thức với Việt Nam và mời Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp với tư cách là thượng khách. Nhưng để đến được hội nghị chính thức, Pháp còn bày ra chuyện họp hội nghị trù bị mà Hiệp định sơ bộ không quy định. Hội nghị trù bị họp ở Đà Lạt từ ngày 19-4-1946 đến ngày 10-5-1946 không thành công do phía Pháp vẫn giữ lập trường chia cắt nước ta, lập liên bang Đông Dương, không chịu ngừng bắn, trưng cầu dân ý ở Nam Bộ, âm mưu tách Nam Bộ ra khỏi nước ta. Song, mặc những bất đồng, ngày 31-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và phái đoàn Chính phủ ta do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu vẫn sang thăm và đàm phán với Pháp. Cuộc đàm phán được tổ chức vào tháng 7 -1946 ở lâu đài Phông-ten-nơ-blô. Tuy nhiên, tại cuộc đàm phán này, thái độ ngang ngược của đoàn Pháp khiến Hội nghị hoàn toàn tan vỡ. Trước tình hình đó, có hai khả năng đặt ra: hoặc là ra về; hoặc là nhân nhượng thêm một bước nữa, tiếp tục giữ mối quan hệ hòa hoãn, dù chỉ rất mong manh với Chính phủ Pháp, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân Pháp và thế giới. Giữa hai con đường ấy, Hồ chí Minh đã chọn con đường thứ hai. Sau những trăn trở, cân nhắc, Người đã đi một nước cờ táo bạo: ngày 14-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký với Bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại Mu-tê bản Tạm ước Việt Pháp, gồm 11 điều khoản, có hiệu lực từ ngày 30-10-1946. Đây là một quyết định đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khai thác được những khả năng ít ỏi nhất đạt được sự hòa hoãn với Pháp trong khi con đường gần như bế tắc. Tạm ước là một bước nhân nhượng cần thiết để cứu vãn thêm nền hòa bình Việt Nam, điều tối quan trọng với ta lúc ấy. Nhờ đó, ta kéo dài hòa hoãn với Pháp thêm 3 tháng nữa, một khoảng thời gian cực kỳ quý giá để chuẩn bị cho một cuộc đụng đầu không cân sức, không thể tránh khỏi với thực dân Pháp.
Tổng kết, đánh giá những đóng góp trong hoạt động đấu tranh ngoại giao dưới sự lãnh đạo, tham gia trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở giai đoạn  lịch sử đặc biệt của dân tộc, từ ngày Pháp gây hấn ở Nam Bộ (23-9-1945) đến ngày Toàn quốc kháng chiến, Tổng Bí thư Lê Duẩn viết: “Những biện pháp cực kỳ sáng suốt đó đã được ghi vào lịch sử cách mạng nước ta như một mẫu mực tuyệt vời của sách lược Lê-nin- nít về lợi dụng những mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ địch và sự nhân nhượng có nguyên tắc"4. Cụ thể là, lúc thì tạm hòa hoãn với Tưởng để rảnh tay đối phó với thực dân Pháp, lúc thì tạm hòa hoãn với Pháp để đuổi quân Tưởng ra khỏi nước ta mà không dùng đến biện pháp chiến tranh. Chúng ta tranh thủ hòa bình, tạo điều kiện cho nhân dân miền Nam tổ chức và phát triển cuộc chiến đấu, bảo vệ thành quả cách mạng, chuẩn bị thực lực cho kháng chiến toàn quốc.
Ngày nay, nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế, gia nhập WTO, nhiệm vụ của công tác đối ngoại hết sức nặng nề, có tác động lớn đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong Nghị quyết Đại hội X, Đảng ta chỉ rõ, bên cạnh những nhiệm vụ chủ yếu khác, công tác đối ngoại phải “Chủ động tham gia cuộc đấu tranh chung vì quyền con người. Sẵn sàng đối thoại với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan về vấn đề nhân quyền. Kiên quyết làm thất bại các âm mưu, hành động xuyên tạc và lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “dân tộc”, “tôn giáo” hòng can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và ổn định chính trị của Việt Nam”5. Thiết nghĩ, những biện pháp đấu tranh ngoại giao mà Hồ Chí Minh đã thực hiện trong giai đoạn lịch sử đặc biệt của dân tộc nêu trên sẽ là bài học vô cùng quý giá và thiết thực trong công tác đối ngoại bảo vệ Tổ quốc mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã chỉ ra.
 
Nguyễn Khánh Phúc
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
 
1- Những sự kiện lịch sử Đảng, Nxb ST, H, 1979, T.2, tr. 59.
2- Những sự kiện lịch sử Đảng, Sdd, tr.54.
3- Văn kiện Quân sự của Đảng, Nxb QĐND, H,1976, T.2, tr. 39,40.
4- Lê Duẩn - Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb ST, H, 1980, tr. 31.
5- ĐCSVN - Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X,  Nxb CTQG, H, 2006, tr. 113.
    
 
Ý kiến bạn đọc (0)