QPTD -Chủ Nhật, 14/08/2011, 00:10 (GMT+7)
Hồ Chí Minh - biểu tượng sáng ngời của cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, vì tiến bộ xã hội

Hồ Chí Minh đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội - giai cấp và giải phóng con người. Người là biểu tượng sáng ngời của cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, vì tiến bộ xã hội đối với nhân dân Việt Nam và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.

Thế kỷ XX là thế kỷ đấu tranh để xoá bỏ một vết nhơ lớn nhất của nhân loại: chủ nghĩa thực dân. Trong thế kỷ này, Việt Nam là dân tộc tiên phong, là tâm điểm của cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc và vì sự tiến bộ, văn minh của nhân loại.

Việt Nam đã tiến hành cuộc đấu tranh quật khởi giành độc lập dân tộc, kết thúc bằng cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc: kỷ nguyên độc lập, tự do, đi lên CNXH. Sau đó, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (ngày 7-5-1954) kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, Việt Nam trở thành dân tộc mở đầu cho sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới. Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh (ngày 30-4-1975), Việt Nam đã báo hiệu cho một quá trình tan rã của chủ nghĩa thực dân mới trên thế giới.

Sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta gắn liền với tên tuổi của Hồ Chí Minh - lãnh tụ của nhân dân Việt Nam, người anh hùng dân tộc vĩ đại; chính Người đã đưa dân tộc Việt Nam lên hàng các dân tộc tiên phong trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, vì sự tiến bộ xã hội.

Tháng 1-1946, trả lời các nhà báo nước ngoài, Hồ Chí Minh khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”1. Ngày 14-7-1969, khi trả lời nữ đồng chí Mác-ta Rô-hát, phóng viên báo Granma (Cuba), Người nói: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”2. Người đã có lần tâm sự rằng, những khi ẩn nấp nơi núi non, ra vào chốn tù tội, xông pha giữa hiểm nghèo cũng là vì độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”3.

Suốt cả cuộc đời chỉ đau đáu lo cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân, Hồ Chí Minh đã tự nguyện dấn thân vào cuộc sống gian khổ. Người đã thoát khỏi mọi sự cám dỗ; dùng quyền lực của nhân dân uỷ thác để mưu việc lớn cho dân, cho nước, cho những người lao động. Trong Di chúc, đoạn viết về việc riêng, Hồ Chí Minh viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”4.

Hồ Chí Minh mồ côi mẹ lúc 10 tuổi, lo đám tang cho mẹ ở kinh thành Huế trong cái thời khắc vô cùng khó khăn. Ra nước ngoài tìm đường cứu nước với ý chí, nghị lực và khát vọng giải phóng dân tộc khỏi áp bức, khổ đau; và chính điều đó đã giúp Người làm được những công việc nặng nhọc kiếm tiền để sống và hoạt động cách mạng, vượt qua những dày vò về thể xác và tinh thần trong hai lần bị bọn đế quốc cầm tù, một án tử hình vắng mặt.

Lúc còn trẻ, Hồ Chí Minh đã được các bậc chí sĩ, cao niên khích lệ và tin tưởng. Trước việc tờ báo La Dépêche Coloniale có các bài viết phê bình gay gắt những bài báo của Nguyễn Ái Quốc tố cáo chủ nghĩa thực dân (đầu những năm 1920), khi cho rằng: Nguyễn Ái Quốc là người đầy tham vọng cá nhân; chẳng có sứ mệnh gì do nhân dân Việt Nam giao phó cho cả, Nguyễn Thế Truyền, một trí thức Việt Nam yêu nước tại Pháp lúc đó, đã viết bài “Un bolsévik jaune” (Một người bôn-sê-vích trẻ tuổi) đăng trên báo Pháp Le Paria, số 9, ngày 1-12-1922, rằng: “Anh Nguyễn đầy tham vọng ư? Đúng. Nhưng anh Nguyễn tham vọng cái gì? Tham vọng giải phóng anh em của anh bị rơi vào vòng bóc lột hết sức dã man. Có tham vọng nào cao quý hơn thế không?... Ngực anh không có huân chương. Túi anh không có ngân phiếu chính phủ. Nhưng anh mang nguyện vọng của một dân tộc bị áp bức”5, “Nguyễn Ái Quốc có tham vọng giải phóng đồng bào thoát khỏi cùm kẹp của thực dân Pháp, đem lại tự do, hạnh phúc cho dân Việt Nam… Nguyễn Ái Quốc không được chính quyền Đông Dương uỷ nhiệm bày tỏ ý kiến trên báo Le Paria. Nhưng tiếng nói của Nguyễn Ái Quốc phản ánh khát vọng của dân Việt Nam muốn được cơm no áo ấm, được tự do, không bị áp bức. Tiếng nói của Nguyễn Ái Quốc là tiếng nói của toàn dân Việt Nam”6. Cụ Phan Châu Trinh hồi ở bên Pháp đã nhiều lần tranh luận và không đồng tình với phương pháp cách mạng của Nguyễn Ái Quốc. Vốn là người kiệm lời khen, nhưng trong bức thư (ngày 28-2-1922) gửi Nguyễn Ái Quốc, Cụ đã viết: “Thực tình, từ trước đến nay, tôi không khinh thị anh mà ngược lại, tôi còn cảm phục anh nữa là đằng khác… Anh như cây dương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông…Tôi cầu chúc anh thành công và hy vọng thấy mặt nhau ở quê hương xứ sở”7. Cụ Phan Bội Châu đã tự tổng kết, cuộc đời của Cụ là “một trăm thất bại mà không có lấy một thành công”. Cụ khẳng định rằng, có một người khác giỏi hơn lớp của Cụ và xứng đáng đứng ra làm được việc giành độc lập dân tộc mà lớp của các Cụ không làm xong – người đó là Nguyễn Ái Quốc. Và trên thực tế, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một trong những người sáng lập ra Đảng Cộng sản Pháp, trực tiếp sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã từng bước thực hiện khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất gắn liền với CNXH và có nhiều đóng góp to lớn vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

Chính do tầm vóc to lớn của tư tưởng và sự nghiệp của Hồ Chí Minh trong công cuộc đấu tranh cho độc lập, tự do và tiến bộ xã hội, Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) đã nhất trí thông qua Nghị quyết Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người. Nghị quyết của UNESCO nhấn mạnh: Hồ Chí Minh là “một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”. Người đã được thế giới loài người tôn vinh danh hiệu “Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới”. Thực tế trên, tự nó hoàn toàn bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận về tư tưởng, phẩm chất, đạo đức của Người.

Hồ Chí Minh khẳng định: nếu nước đã độc lập rồi mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, dân cứ chết đói, chết rét thì độc lập chẳng có nghĩa lý gì. Độc lập dân tộc phải gắn liền với CNXH; chỉ có CNXH, chủ nghĩa cộng sản mới đem lại độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc thực sự cho con người. Cái đích mà Hồ Chí Minh tâm niệm là giải phóng con người, để con người thoát khỏi mọi sự áp bức, bất công, tha hoá, để được phát triển một cách toàn diện, vươn đến sự tất yếu của tự do. Điều này cũng được thể hiện trong tác phẩm bất hủ Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăng-ghen soạn thảo năm 1848:  “Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Hồ Chí Minh chính là Tổng công trình sư cho một xã hội mới ở Việt Nam, và với việc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 2-9-1945, Người đã cùng với Đảng lãnh đạo toàn dân dựng xây một chế độ mới, trong đó: Về chính trị, bảo đảm mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Nhân dân uỷ thác cho Đảng và Nhà nước đứng ra lãnh đạo, quản lý xã hội. Về kinh tế - đời sống, thực hiện các nguyên tắc sản xuất và phân phối của CNXH theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, làm cho mọi người dân sung sướng, ấm no, tự do, hạnh phúc. Về quan hệ con người, đó là dân chủ, là sự công bằng, bình đẳng - ước mơ vốn có từ xa xưa của loài người. Dân chủ gắn liền với tự do, mà điều này chỉ thực sự có ở xã hội XHCN đích thực. Không có tự do tuyệt đối theo quan niệm của tư sản. Tự do là sự nhận thức và hành động theo cái tất yếu. Nhân quyền cũng vậy. Quyền con người chỉ được bảo đảm nhất dưới CNXH và chủ nghĩa cộng sản. Về văn hoá, đó là một xã hội với nền văn hoá phát triển cao, kế thừa và phát triển nền văn hoá dân tộc để giữ gìn và phát huy bản sắc, cốt cách văn hoá dân tộc và luôn luôn tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại trong quá trình giao lưu, hội nhập, toàn cầu hoá. Về quan hệ quốc tế, đó là một xã hội luôn luôn coi trọng hoà bình, hợp tác, hữu nghị cùng phát triển giữa các dân tộc-quốc gia trên thế giới. Đó là sự hợp tác đa phương, song phương, tôn trọng quyền dân tộc cơ bản của mỗi quốc gia, bình đẳng, cùng có lợi.

Với cương vị là Chủ tịch Đảng và Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã cùng Đảng và Nhà nước lãnh đạo, quản lý đất nước, đưa đất nước ta phát triển theo con đường XHCN. Vào cuối những năm 50 của thế kỷ XX, khi miền Bắc bắt đầu đi vào xây dựng CNXH, Người viết: “Muốn tiến lên CNXH thì phải cải tạo xã hội cũ thành một xã hội mới, một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng, nghĩa là ai cũng phải lao động và có quyền lao động, ai làm nhiều thì hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng”8. Như vậy, Hồ Chí Minh nhấn mạnh hai đặc trưng phản ánh bản chất nhất của CNXH: về phương diện kinh tế, người dân phải được sống trong giàu có, sung sướng; còn về phương diện quan hệ giữa người với người thì người dân phải được sống trong tự do, dân chủ, công bằng. Quan niệm trên đây của Hồ Chí Minh cũng đồng thời là quan niệm chủ đạo về CNXH của những người mácxít – lêninnít trung thực trên thế giới. Ngày 27-3-1964, tại Hội nghị chính trị đặc biệt, tổng kết lại 10 năm miền Bắc xây dựng chế độ XHCN, Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong 10 năm qua, miền Bắc nước ta đã tiến những bước dài chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội và con người đều đổi mới”9.

Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là con đường duy nhất đúng mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn. Chúng ta kiên trì xây dựng một xã hội XHCN theo tư tưởng Hồ Chí Minh, mặc cho không ít người đang tìm mọi cách đả kích, phủ nhận nó. Thế giới dù có đổi thay, hệ thống XHCN thế giới hiện nay không còn, nhưng học thuyết Mác - Lênin về CNXH, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng một xã hội mới ở Việt Nam - xã hội XHCN -  vẫn có sức sống bền vững, bởi vì luôn luôn được nạp thêm năng lượng mới từ cuộc sống. Chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của cách mạng Việt Nam trên con đường phát triển trong thế kỷ XXI.

Hiện nay, đất nước ta đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiếp tục trung thành, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” theo định hướng XHCN và đóng góp vào sự phát triển văn minh, tiến bộ của nhân loại. Điều này được nhìn nhận trên một số vấn đề chủ yếu sau đây: 

Một, tiếp tục giữ vững định hướng độc lập dân tộc gắn liền với CNXH - con đường phát triển của dân tộc mà Hồ Chí Minh đã vạch ra. Trong quá trình phát triển, nhiệm vụ mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta là đưa đất nước đạt mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, không được phép chệch hướng cả trong đường lối, cả trong việc thực hiện đường lối đó trên thực tế. Luôn luôn giữ vững ổn định chính trị - xã hội để phát triển nhanh và bền vững.

Hai, tập trung phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh; đấu tranh có hiệu quả với những luận điệu sai trái, phản động, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Trước mắt, chúng ta cần chủ động, tích cực vượt qua những khó khăn, thử thách, nhất là tình hình khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, phấn đấu đưa đất nước đến năm 2020 về cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Ba, tích cực chống mọi sự suy thoái trong hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là đối với Đảng cầm quyền; khắc phục triệt để sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.

Hồ Chí Minh là một phần phát triển của nhân loại. Sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh có trong sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam và trong bước đường văn minh, tiến bộ của nhân loại. Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ là biểu tượng sáng ngời cho Chân, Thiện, Mỹ và của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do, vì sự tiến bộ xã hội của dân tộc Việt Nam và cả thế giới văn minh.

GS, TS. MẠCH QUANG THẮNG

 ______________

1 -  Hồ Chí Minh -  Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 1996, tr. 161.

2 - Hồ Chí Minh -  Sđd, Tập 12, tr. 560.

3-   Hồ Chí Minh: Sđd, Tập 12, tr. 512.

4 -  Hồ Chí Minh – Sđd, Tập 12, tr. 501.

5 - Theo Đặng Hoà - Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh: một nhân cách lớn, http:// www.tiasang.com.vn, 14:23:23, ngày 5-9-2007.

6,7 - Theo Ngô Đăng Lợi: “Nguyễn Thế Truyền - một nhà trí thức đáng kính”, Tạp chí Xưa và Nay, số 312, tháng 7 - 2008, tr. 19.

8 - Hồ Chí Minh: Sđd, Tập 9, tr. 23.

9 - Hồ Chí Minh: Sđd, Tập 11, tr. 224.

 

Ý kiến bạn đọc (0)