QPTD -Thứ Bảy, 17/09/2011, 00:41 (GMT+7)
Hiệu quả từ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Nhà máy Z.133

Là một nhà máy cấp chiến lược, có nhiệm vụ sửa chữa lớn vũ khí, trang bị, sản xuất vật tư kỹ thuật phục vụ công tác đảm bảo kỹ thuật cho toàn quân; đồng thời, tận dụng năng lực tham gia sản xuất một số mặt hàng kinh tế, góp phần vào sự nghiệp CNH, HĐH đất nước; những năm qua, Z.133 (Tổng cục Kỹ thuật) đã không ngừng phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Liên tục từ năm 2003 đến năm 2007, Nhà máy được tặng Bằng khen và Cờ thi đua của Tổng cục Kỹ thuật và của Bộ Quốc phòng về thành tích xây dựng đơn vị. Trong thành tích đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của Nhà máy có vai trò rất quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp,... của đội ngũ cán bộ, công nhân viên, lao động quốc phòng toàn Nhà máy.

Nét nổi bật là, công tác PBGDPL luôn được cấp ủy, người chỉ huy, cán bộ chủ trì các phòng, ban, phân xưởng của Nhà máy coi trọng và có sự đồng thuận cao về mục đích, ý nghĩa, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Ai cũng nhận thức rằng, mỗi sản phẩm của Nhà máy làm ra không chỉ là kết quả của công sức, trí tuệ, tay nghề, sự sáng tạo, mà còn kết tinh trong đó tình cảm, lương tâm, đạo đức, trách nhiệm chính trị, ý thức pháp quyền và tính kỷ luật của mỗi người thợ. Không xây dựng được điều đó, Nhà máy không thể làm tốt được nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật đòi hỏi độ chính xác cao; sản xuất ra những sản phẩm tinh xảo, có giá trị về mặt kinh tế; dù rằng gần đây, Nhà máy đã được trang bị một số máy móc hiện đại, có khả năng thay thế con người ở một số công đoạn phức tạp. Từ nhận thức như vậy, Đảng uỷ Nhà máy và từng chi bộ phòng, ban, phân xưởng đều chú trọng đưa yêu cầu lãnh đạo công tác PBGDPL vào nội dung nghị quyết lãnh đạo của cấp uỷ; cán bộ chủ trì các cấp chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các nội dung PBGDPL một cách nghiêm túc. Mỗi khi có một văn bản pháp luật ra đời (có thể là một bộ luật hoặc văn bản dưới luật), lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Nhà máy đều quan tâm, tìm hiểu, khai thác những nội dung sát với đặc điểm, hoạt động của Nhà máy và của người lao động; trên cơ sở đó, tổ chức quán triệt cho các đối tượng và biên soạn thành tài liệu phân phát tới từng bộ phận.

Để chỉ đạo công tác PBGDPL đúng với kế hoạch, hướng dẫn của trên, Nhà máy luôn kiện toàn Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL, bảo đảm đủ số lượng, thành phần và yêu cầu về chất lượng. Hội đồng thường xuyên duy trì hoạt động, tích cực tham mưu cho Đảng uỷ, Ban Giám đốc xây dựng kế hoạch triển khai công tác PBGDPL 6 tháng và hằng năm, phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động của Nhà máy; đồng thời, chỉ đạo cơ quan chính trị, các phòng, ban, phân xưởng thực hiện kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL theo đúng yêu cầu đề ra. Khó khăn đặt ra hiện nay là, trong cơ chế thị trường, Nhà máy luôn phải chạy đua với công việc và chất lượng sản phẩm, thậm chí phải tăng ca, tăng kíp mới đảm bảo tiến độ các hợp đồng kinh tế; do đó, thời gian tổ chức cho cán bộ, công nhân viên, người lao động học tập, nghiên cứu pháp luật là không nhiều. Giải quyết bài toán này, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Nhà máy đã đề xuất phương án linh hoạt, kết hợp giữa tổ chức giáo dục chung với giáo dục riêng, giao cho từng phòng, ban, phân xưởng chủ động căn cứ vào quỹ thời gian, lịch làm việc của từng ca, kíp lao động để bố trí kế hoạch tuyên truyền, giáo dục cho phù hợp; các đồng chí cấp uỷ viên phụ trách công tác PBGDPL của các chi bộ và cán bộ chủ chốt của các phòng, ban, phân xưởng chịu trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong đơn vị thuộc quyền. Đối với các luật chung, Nhà máy thực hiện tuyên truyền dưới hình thức phát tài liệu cho các đối tượng nghiên cứu, đồng thời sử dụng hệ thống loa truyền thanh nội bộ, tranh thủ tuyên truyền hằng ngày vào thời điểm trước giờ làm việc sáng và chiều. Những luật thiết thân với người lao động, như: Luật Lao động, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Giao thông đường bộ,... được Nhà máy tổ chức học tập chặt chẽ thành các lớp học, phân công giáo viên có kinh nghiệm chuẩn bị tài liệu và giới thiệu (thông thường, chia thành 2 lớp: lớp dành cho cán bộ, đảng viên do đồng chí chính uỷ giới thiệu; lớp cho quần chúng, do cơ quan chính trị đảm nhiệm). Đối với một số chuyên đề khác (Luật Hôn nhân và gia đình, Pháp lệnh Dân số và gia đình, Luật Bảo vệ bà mẹ và trẻ em,..), Nhà máy chủ động liên hệ với các báo cáo viên cấp trên hoặc bên ngoài tham gia giới thiệu. Để bảo đảm chất lượng, sau khi nghiên cứu, học tập, Nhà máy đều tổ chức viết thu hoạch và kiểm tra, đánh giá kết quả, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong học tập, nghiên cứu và ứng dụng hiểu biết vào lao động, sinh hoạt.

Trên cơ sở nhận thức rằng, ý thức về pháp luật và kỷ luật của mỗi người lao động trong Nhà máy là một phần quan trọng trong ý thức chính trị của họ đối với công việc, Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Nhà máy còn chỉ đạo lồng ghép các nội dung pháp luật vào giáo dục chính trị cho các đối tượng theo quy định và các phong trào thi đua của Nhà máy. Điều này đã được Nhà máy hết sức chú trọng khi tiến hành công tác tuyên truyền, giáo dục nói chung và làm công tác tư tưởng nói riêng. Cũng vì lẽ đó, ở Nhà máy Z.133, các hình thức tuyên truyền, giáo dục, truyền thông, cổ động,... đều được vận dụng linh hoạt và tạo được hiệu ứng nhiều chiều. Gần đây, các hoạt động của Công đoàn cơ sở, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ cơ sở của Nhà máy không chỉ hướng tới xây dựng đời sống chính trị-tinh thần, đời sống văn hoá cho người lao động, mà còn tham gia vào xây dựng tập thể Nhà máy với những thành viên sống có trách nhiệm, có kỷ cương, kỷ luật, vừa có ý thức tuân thủ luật pháp Nhà nước, vừa chấp hành đúng các yêu cầu đối với việc xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Các hội thi của chị em phụ nữ về “Tìm hiểu Luật Bình đẳng giới”, “Tìm hiểu Luật Hôn nhân và gia đình”; các buổi diễn đàn: “Thanh niên với Bác Hồ, Bác Hồ với Thanh niên”, “Tìm hiểu Luật Thanh niên”,... không chỉ  có tác dụng nâng cao nhận thức về chính trị, pháp luật, mà còn góp phần phê phán, cảnh tỉnh sâu sắc đối với mọi người, nhất là thế hệ trẻ của Nhà máy về những suy nghĩ, hành động chưa phù hợp với khuôn khổ của luật pháp và yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới. Các phong trào thi đua, như: “5 nhất, 3 không”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Cuộc vận động 50”,... đặc biệt là Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong Nhà máy, với các chỉ tiêu đặt ra không tách rời với yêu cầu chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội, kỷ luật lao động, đã thực sự có ý nghĩa trong việc xây dựng ý thức, thái độ, hành vi của mỗi cán bộ, công nhân viên, người lao động.  

Làm cho luật pháp Nhà nước, kỷ luật quân đội thực sự đi vào cuộc sống, trở thành nền nếp, thói quen hằng ngày của đội ngũ cán bộ, công nhân viên, lao động quốc phòng là mục đích chính yếu của công tác PBGDPL. Để thực hiện điều đó, Đảng uỷ, Ban Giám đốc Nhà máy đã lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hoá các văn bản pháp luật thành các quy định, quy chế hoạt động của tập thể. Việc xây dựng các quy định, quy chế đó được thực hiện chặt chẽ, thông qua dân chủ bàn bạc của các tổ chức quần chúng, trực tiếp là vai trò của tổ chức Công đoàn cơ sở, sau đó được Ban Giám đốc Nhà máy ký quyết định ban hành. Đến nay, Nhà máy đã xây dựng được 32 quy chế, quy định trên các lĩnh vực hoạt động; các quy chế, quy định đó được in thành sách nội bộ và được mọi người sử dụng như một thứ cẩm nang trong lao động và giao tiếp hằng ngày. Thực tế những năm qua cho thấy, hệ thống quy định, quy chế này đã phát huy tác dụng rõ rệt và đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hành vi, xây dựng nền nếp, tác phong, thói quen lao động của từng cán bộ, công nhân viên, người lao động cả trong giờ làm việc, ngày làm việc cũng như giờ nghỉ, ngày nghỉ; trong Nhà máy cũng như ngoài Nhà máy, đặc biệt là ý thức chấp hành luật khi tham gia giao thông. Ngoài ra, hệ thống quy định, quy chế đó không chỉ mang ý nghĩa là công cụ điều chỉnh thái độ, hành vi của mỗi người, mà đã trở thành căn cứ để tập thể cán bộ, công nhân viên chức, lao động quốc phòng của Nhà máy nâng cao chất lượng công tác tự phê bình và phê bình, đấu tranh, xử lý kỷ luật có căn cứ pháp lý với các trường hợp vi phạm pháp luật, kỷ luật quân đội, kỷ luật lao động.

Một vấn đề khác mà lãnh đạo, chỉ huy Nhà máy luôn tâm đắc, đó là phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, cán bộ chủ trì các cấp ở mọi lúc, mọi nơi. Để bảo đảm đời sống của người lao động trong cơ chế thị trường, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của Nhà máy đã luôn tự đặt mình vào hoàn cảnh chung, trăn trở tìm việc làm, giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với người lao động; làm gương cho quần chúng về đạo đức, tác phong, lối sống cũng như chấp hành các quy chế, quy định của tập thể. Chính điều đó đã là động lực tinh thần giúp cho mỗi người lao động của Nhà máy không chỉ thêm yêu công việc, gắn bó với phân xưởng, với Nhà máy, mà còn thấy rõ trách nhiệm của cá nhân trong việc góp phần xây dựng Nhà máy thành một tập thể tiên tiến, vững mạnh, đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, kỷ luật, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

 Có thể nói rằng, bằng những việc làm và cách làm trên đây, công tác PBGDPL trong những năm vừa qua của Nhà máy đã thiết thực góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Từ năm 2003 đến nay, Nhà máy luôn hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế-xã hội với kết quả các năm sau cao hơn năm trước; riêng năm 2007, đạt 51.606 triệu đồng (tăng 28% so với năm 2006). Một số sản phẩm kinh tế đã tạo được sự tín nhiệm cao đối với khách hàng, như các các loại bàn, ghế hội trường và một số sản phẩm cơ khí. Thu nhập của cán bộ, công nhân viên ngày càng được cải thiện; đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao,v.v. 

Trước mắt và những năm tiếp theo, nhiệm vụ của Nhà máy càng nặng nề, yêu cầu đòi hỏi cao cả về số lượng và chất lượng, nhất là công tác sản xuất vật tư kỹ thuật (phụ tùng, chi tiết, cụm chi tiết vũ khí) để thay thế, phục vụ cho việc sửa chữa tại Nhà máy và sửa chữa cơ động. Trong khi đó, một số vật tư đặc chủng để chế tạo phụ tùng, chi tiết vũ khí rất khan hiếm, khó khai thác trên thị trường nội địa. Bên cạnh đó, yêu cầu tinh giản biên chế, tổ chức lực lượng cũng đang là khó khăn cho Nhà máy. Ngoài ra, đóng quân trên địa bàn Thủ đô, bên cạnh những thuận lợi, áp lực của đô thị hoá và tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường đến tư tưởng của cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên ngày càng tăng,... Đó là những khó khăn, thách thức lớn đối với lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Nhà máy và đặt ra cho công tác giáo dục chính trị-tư tưởng nói chung, công tác giáo dục pháp luật, kỷ luật nói riêng những yêu cầu mới cao hơn, để góp phần nâng cao ý thức tự giác trong chấp hành của cán bộ, đảng viên, quần chúng.

Với tinh thần "chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường" của Tổng cục Kỹ thuật và truyền thống "Tận tụy, dũng cảm, phục vụ đánh thắng" của Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; với bản lĩnh, lập trường của người quân nhân cách mạng, mọi cán bộ, đảng viên, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên trong Nhà máy sẽ đoàn kết, phát huy dân chủ, đề cao kỷ luật, tạo sức mạnh tổng hợp, chủ động vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống Nhà máy Anh hùng (01-01-1969- 01-01-2009).

Đại tá Nguyễn Thiện Lưỡng

Chính ủy Nhà máy

 

Ý kiến bạn đọc (0)