QPTD -Thứ Ba, 23/08/2011, 01:14 (GMT+7)
Hiệp ước START mới và tiến trình hướng tới một thế giới phi hạt nhân

Nga và Mỹ hiện sở hữu phần lớn kho vũ khí hạt nhân của thế giới. Vì vậy, việc ký Hiệp ước START mới về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (VKTCCL) không chỉ là câu chuyện của hai nước, mà còn là một sự kiện quốc tế quan trọng trong tiến trình hướng tới một thế giới phi hạt nhân.

 

Vũ khí hạt nhân (VKHN) là loại vũ khí hủy diệt hàng loạt nguy hiểm nhất mà con người phát minh ra. Cuối Chiến tranh thế giới thứ hai (tháng 6-1945), Mỹ cho ra đời một loại vũ khí mới - VKHN. Hai quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống hai thành phố của Nhật Bản (tháng 8-1945) là Hi-rô-si-ma và Na-ga-xa-ki là tấn thảm kịch đối với nhân loại trong thế giới đương đại. Năm 1949, Liên Xô thử thành công bom nguyên tử, sau đó VKHN tiếp tục được chế tạo tại Anh, Pháp, Trung Quốc... Sự ra đời của thứ vũ khí hủy diệt khủng khiếp này khiến cuộc chạy đua vũ trang toàn cầu bước vào giai đoạn mới, khốc liệt hơn. VKHN đã làm thay đổi tận gốc rễ phương thức tiến hành chiến tranh nói chung, cũng như cơ cấu tổ chức các lực lượng vũ trang nói riêng. Không còn là cảnh báo nữa, mà một sự thực hiện hữu rằng, một khi thế giới xảy ra chiến tranh hạt nhân tổng lực thì không có người thắng, kẻ bại; thay vào đó, tất cả đều bị hủy diệt. Đứng trước hiểm họa khôn lường ấy, kết hợp với sự đấu tranh mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, từ năm 1972 đến trước tháng 4-2010, hai cường quốc hạt nhân là Nga (trước đây là Liên Xô) và Mỹ đã ký kết nhiều hiệp ước về hạn chế và cắt giảm VKHN. Đó là: Hiệp ước Xô-Mỹ hạn chế VKTCCL giai đoạn 1 (Hiệp ước SALT-1) và Hiệp ước Xô-Mỹ về hạn chế hệ thống phòng thủ chống tên lửa (Hiệp ước ABM) được ký cùng một lúc vào năm 1972; Hiệp ước Xô-Mỹ hạn chế VKTCCL giai đoạn 2 (SALT-2); Hiệp ước Xô-Mỹ về hủy bỏ tên lửa tầm trung ký năm 1987; Hiệp ước Xô-Mỹ về cắt giảm vũ khí chiến lược giai đoạn 1 (START-1) ký năm 1991; Hiệp ước Nga-Mỹ về cắt giảm vũ khí chiến lược giai đoạn 2 (START-2) ký năm 1992 và Hiệp ước giữa Nga và Mỹ về cắt giảm và hạn chế VKTCCL ký năm 2002. Lần này, xuất phát từ chỗ thống nhất cho rằng, những mối đe dọa và thách thức toàn cầu đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới đối với việc phối hợp hành động về toàn bộ mối quan hệ chiến lược Nga-Mỹ, cũng như xuất phát từ lợi ích của hai nước, ngày 8-4-2010, tại Thủ đô Pra-ha (Cộng hòa Séc), Nga và Mỹ đã ký Hiệp ước START mới về cắt giảm VKTCCL.

 Hiệp ước START mới, kèm theo Nghị định thư, gồm 16 điều, khi bắt đầu có hiệu lực sẽ thay thế Hiệp ước giữa Nga và Mỹ về cắt giảm và hạn chế VKTCCL ký ngày 24-5-2002 và Hiệp ước START-1 ký năm 1991 (đã hết hiệu lực vào ngày 5-12-2009). Hiệp ước mới này có hiệu lực trong 10 năm kể từ ngày có hiệu lực, trừ phi trước thời hạn này nó được thay thế bằng một hiệp ước kế tiếp về cắt giảm và hạn chế VKTCCL. Theo Hiệp ước, về mức cắt giảm phương tiện, thì Mỹ cắt giảm từ 1.188 phương tiện xuống còn 800 phương tiện, Nga cắt giảm từ 809 phương tiện xuống còn 800 phương tiện.Về mức cắt giảm đầu đạn hạt nhân, thì Mỹ cắt giảm từ 5.916 đầu đạn hạt nhân xuống còn 1.150; Nga cắt giảm từ 3.897 đầu đạn hạt nhân xuống còn 1.150. Trong tổng số đầu đạn hạt nhân mà mỗi bên có thể giữ lại, thì máy bay ném bom chiến lược được tính như một đầu đạn hạt nhân chiến lược. Chẳng hạn, một máy bay B-52 của Mỹ có khả năng mang 14 tên lửa hành trình được lắp đầu đạn hạt nhân cùng với 4 bom hạt nhân B-61-7 và 23 bom hạt nhân B-83, nhưng cũng chỉ tính như một đầu đạn hạt nhân.

Mục 7, Điều III của Hiệp ước ghi rõ Mục đích của bản Hiệp ước, đó là: (a) Chủng loại tên lửa được chế tạo và thử nghiệm chỉ nhằm mục đích đánh chặn và chống lại những mục tiêu không nằm trên bề mặt Trái đất, không được xem như tên lửa đạn đạo mà các điều khoản của Hiệp ước này áp dụng; (b) Trong cùng một chủng loại, máy bay ném bom hạng nặng được trang bị cho lực lượng hạt nhân cần phải khác với máy bay ném bom hạng nặng được trang bị cho lực lượng phi hạt nhân; (c) Các máy bay ném bom hạng nặng cùng chủng loại sẽ không chịu tác động hay hạn chế của Hiệp ước này khi máy bay ném bom hạng nặng cuối cùng thuộc chủng loại này được trang bị cho lực lượng hạt nhân được loại bỏ hoặc chuyển đổi thành máy bay ném bom hạng nặng được trang bị cho lực lượng phi hạt nhân, phù hợp với Mục 3 của Nghị định thư kèm theo Hiệp ước này. Phần đầu Mục 11, Điều IV cũng ghi rõ: VKTCCL chịu sự tác động của Hiệp ước này, chúng không được bố trí bên ngoài lãnh thổ mỗi nước.

Nga và Mỹ còn thỏa thuận nhiều điều khoản quan trọng khác; đáng chú ý là: hai bên không áp dụng các biện pháp ngụy trang bằng các phương tiện kỹ thuật giám sát quốc gia để gây phương hại cho hoạt động giám sát việc thực hiện các điều khoản của Hiệp ước; mỗi bên không đảm nhận gánh vác bất cứ cam kết quốc tế và nghĩa vụ quốc tế nào mà chúng đi ngược lại các điều khoản của Hiệp ước; không chuyển giao cho bên thứ ba các loại VKTCCL chịu sự tác động của Hiệp ước. Ngoài ra, Điều XI cũng quy định rõ về các quyền của mỗi bên trong quá trình thực hiện Hiệp ước, như: quyền thanh tra để xác minh tính chính xác các số liệu về VKTCCL đã được tuyên bố; quyền thanh tra tại các cơ sở tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), cơ sở tàu ngầm và sân bay để xác minh tính chính xác về số lượng và chủng loại VKTCCL, số lượng đầu đạn được trang bị cho ICBM và tên lửa đạn đạo phóng đi từ tàu ngầm (SLBM), số lượng VKHN trang bị cho máy bay ném bom hạng nặng đã triển khai và chưa triển khai (gọi tắt là các cuộc thanh tra Loại I); quyền thanh tra tại các cơ sở đã được liệt kê trong Nghị định thư để xác minh tính chính xác số liệu đã tuyên bố về số lượng, chủng loại và các đặc điểm kỹ thuật của VKTCCL chưa triển khai, cũng như khẳng định thực tế việc tái vũ trang hoặc dỡ bỏ VKTCCL, quyền thanh tra tại các cơ sở đã tuyên bố trong Nghị định thư kèm theo Hiệp ước này để khẳng định những cơ sở như thế không được sử dụng với mục đích không phù hợp với Hiệp ước này (gọi tắt là các cuộc thanh tra Loại II); và quyền tiến hành các cuộc thao diễn, quyền tham gia vào các cuộc thao diễn, phô diễn của bên còn lại về đặc điểm kỹ thuật của các chủng loại mới và về kết quả tái vũ trang phương tiện đầu tiên của mỗi chủng loại VKTCCL chịu sự tác động của Hiệp ước này.

Tóm lại, theo Hiệp ước START mới, Nga và Mỹ phải cắt giảm 30% kho VKHN của mình. Với Hiệp ước lịch sử này, một lần nữa, Nga và Mỹ đã giải tỏa được căng thẳng đối đầu giữa hai nước từng kéo dài trong suốt thời kỳ “chiến tranh lạnh”. Việc ký kết Hiệp ước START mới trong bối cảnh hiện nay còn chứng tỏ rằng, ông chủ Điện Crem-li và ông chủ Nhà Trắng đang cố gắng tạo ra nền tảng mới cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, giúp hai nước bắt tay vào việc tổ chức các cuộc hội đàm đa phương về cắt giảm VKHN chiến lược trên phạm vi toàn cầu. Nhìn ở một góc độ khác, trong trường hợp chưa có các cuộc hội đàm như thế, thì sau khi Hiệp ước START mới có hiệu lực, tự nó cũng trở thành áp lực không nhỏ lên tham vọng của một số nước muốn sở hữu VKHN hoặc muốn trở thành cường quốc hạt nhân.

Tuy nhiên, con đường đi đến một thế giới không VKHN còn đầy gập ghềnh, trắc trở. Không thể phủ nhận rằng, cộng đồng quốc tế đã có những nỗ lực không nhỏ để hướng đến một thế giới phi hạt nhân trong suốt nửa thế kỷ qua, nhưng cuộc chạy đua hạt nhân vẫn đang diễn ra hết sức quyết liệt. Nói đúng hơn, thực tế là tổng VKHN đã được giảm một cách căn bản*, song số quốc gia sở hữu VKHN lại có xu hướng tăng lên. Hiện nay, ngoài Nga và Mỹ, còn một số quốc gia khác sở hữu VKHN, đó là: Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pa-ki-xtan... Nhưng số các quốc gia sở hữu VKHN chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo các chuyên gia, nếu cộng đồng quốc tế không có các biện pháp cấp bách thì số nước sở hữu VKHN có thể lên tới 25 quốc gia. Đó là nghịch lý và mâu thuẫn xuyên thế kỷ. Sở dĩ còn tồn tại nghịch lý đó là vì, không ít quốc gia vẫn còn tham vọng coi VKHN là loại vũ khí để tranh tài cao thấp nhằm khẳng định vị thế sức mạnh quân sự-chính trị của mình. Cũng có quốc gia hoặc xem VKHN như là một loại “vắc-xin” đặc hiệu để phòng “vi-rút” chiến tranh, hoặc xem nó như là con ngáo ộp để mang ra răn đe, mặc cả với các quốc gia phi hạt nhân... Chưa hết, nguyên nhân của vấn đề trên còn nằm ở ngay mâu thuẫn ứng xử trong cuộc chiến chống phổ biến VKHN. Chúng ta đều biết, một số điều trong Hiệp ước Không phổ biến VKHN (NPT) ra đời năm 1968 còn chứa đựng mâu thuẫn. Ví dụ, Hiệp ước này quy định các quốc gia phát triển VKHN trước năm 1968 được phép sở hữu VKHN, còn những nước không nằm trong nhóm đó thì bị cấm (và buộc phải làm theo những chỉ dẫn nhất định về phát triển năng lượng hạt nhân). Đó là quy định không thuyết phục. Nguyên nhân của việc phổ biến VKHN còn thể hiện ở chỗ, chính sự sở hữu VKHN của các quốc gia láng giềng, vô hình trung lại tạo ra sự uy hiếp, cũng như lại trở thành động lực (hoặc cái cớ) để một quốc gia nào đó phát triển chương trình hạt nhân.

Như vậy, lô-gích của vấn đề là phải triệt tiêu các mâu thuẫn; vì thế, cộng đồng quốc tế còn rất nhiều việc phải làm, trước hết là đối với Hiệp ước START mới. Bởi lẽ, việc ký kết nó mới chỉ là “khúc dạo đầu”. Trong trường hợp hoặc Nga, hoặc Mỹ rút khỏi Hiệp ước thì Hiệp ước này sẽ trở nên vô giá trị. Điều này là không loại trừ, như phía Nga đã đơn phương tuyên bố: Mát-xcơ-va sẽ rút khỏi START mới nếu hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) của Mỹ đạt tới quy mô có thể đe dọa đến an ninh của nước Nga. Bên cạnh đó, để thế giới không còn bất kỳ “bóng ma” hạt nhân nào, thì không chỉ có Nga và Mỹ, các quốc gia sở hữu hạt nhân còn lại cần phải có những hành động thiện chí, tích cực, như: công khai số lượng VKHN của mình; đồng thời, cam kết cắt giảm mạnh mẽ chúng theo những lộ trình cụ thể. Trước khi có thể làm được điều đó, Liên hợp quốc cần vận động, thuyết phục Ấn Độ, Pa-ki-xtan, I-xra-en và Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên tham gia NPT. Chỉ có tham gia NPT, tức là thừa nhận các điều khoản của Hiệp ước này, thì những nước đang sở hữu VKHN mới đi đến cắt giảm và giải giáp hạt nhân; những nước vốn phi hạt nhân mới loại bỏ được ý định phát triển VKHN. Đương nhiên, đối với cả hai vấn đề: ngăn chặn phổ biến, phát triển VKHN và giải giáp VKHN thì Liên hợp quốc phải luôn đóng vai trò trọng tâm. Hành động đơn phương, hành xử bằng biện pháp quân sự không giải quyết được vấn đề; trái lại, nó còn có thể châm ngòi cho chiến tranh hạt nhân. Việc “thay đổi chính thể” bằng cách tác động từ bên ngoài để tìm lối thoát cho một quốc gia đã hoặc đang muốn sở hữu VKHN cũng không mang lại kết quả. Chỉ có thông qua đàm phán, kết hợp với đấu tranh chính trị, ngoại giao, trong đó nhấn mạnh yếu tố đạo đức và trách nhiệm của các nước sở hữu VKHN đối với nhân loại, mới là phương cách tốt nhất để thế giới đi đến chỗ loại bỏ hoàn toàn VKHN trong tương lai.

ĐỨC LÊ

                        

[*] Theo thống kê năm 1991, Mỹ duy trì 10.563 đơn vị hạt nhân cùng 2.246 phương tiện vận chuyển chiến lược; hai con số đó đối với Liên bang Xô-viết là 8.757 và 2.288. Đến trước ngày 8-4-2010, kho vũ khí chiến lược này của hai bên đã giảm tới gần 50%, tức là Mỹ chỉ còn duy trì 5.916 đơn vị hạt nhân và 1.195 phương tiện vận chuyển; tương tự, với Nga là 3.897 và 811.  

 

Ý kiến bạn đọc (0)