Thứ Bảy, 23/11/2024, 04:22 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Sau nhiều năm nghiên cứu khả năng phục vụ mục tiêu chiến lược vì lợi ích của hai nước, với tinh thần quốc tế cao cả, ngày 7 tháng 3 năm 1987, đại diện chính phủ hai nước Việt Nam và Liên Xô đã ký Hiệp định về hợp tác xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam "Trung tâm Nghiên cứu khoa học và thử nghiệm nhiệt đới hỗn hợp Việt Nam-Liên Xô" (gọi tắt là Trung tâm Nhiệt đới Việt-Xô, nay là Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga). Sự kiện này mở ra thời kỳ hợp tác mới trong lĩnh vực khoa học-công nghệ (KHCN) nhiệt đới giữa hai nước.
Trên cơ sở Hiệp định, một năm sau, ngày 7 tháng 3 năm 1988, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ký Nghị định số 25/HĐBT về việc thành lập Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga (TTNĐV-N) và giao cho Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ quản phía Việt Nam. Thực hiện Nghị định số 25/HĐBT, ngày 2 tháng 5 năm 1988, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký Quyết định số 115/QĐ-QP về việc thành lập TTNĐV-N. Từ khi thành lập đến nay, với mong muốn kế thừa tình đoàn kết hữu nghị truyền thống và trên cơ sở những thành tựu hợp tác trong nghiên cứu khoa học, đào tạo, Chính phủ hai nước đã ba lần ký Nghị định thư bổ sung Hiệp định (năm 1989, 1993, 2004) xây dựng và thúc đẩy Trung tâm phát triển ngày càng hiệu quả hơn.
Theo Hiệp định và các Nghị định thư, TTNĐV-N có chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức KHCN và một cơ sở đào tạo. Đó là nghiên cứu, thử nghiệm trên ba hướng khoa học: độ bền nhiệt đới, sinh thái nhiệt đới, y sinh nhiệt đới; triển khai các dịch vụ khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ; phối hợp hoạt động giữa các tổ chức KHCN của hai nước; đào tạo cán bộ KHCN trình độ cao. Về phía Việt Nam, TTNĐV-N trực thuộc Bộ Quốc phòng; đồng thời, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ KHCN-Môi trường về hoạt động KHCN và các Bộ, Ngành có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm.
Sau hai mươi năm thực hiện Hiệp định, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của Thường vụ Đảng uỷ Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, TTNĐV-N đã không ngừng được củng cố và phát triển ngày càng vững chắc. Đội ngũ cán bộ KHCN có bước trưởng thành nhanh chóng, trình độ và năng lực nghiên cứu từng bước được nâng cao, có lĩnh vực đạt trình độ tiên tiến. Trung tâm được đánh giá là một trong những mô hình hợp tác quốc tế có hiệu quả với hoạt động phối hợp và hợp tác ngày càng mở rộng, cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển nhanh, tiềm lực KHCN được tăng cường đáng kể, hoạt động KHCN luôn phát triển, đóng góp thiết thực thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, phát triển kinh tế-xã hội.
Bằng những công trình khoa học, những kết quả khảo sát, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, TTNĐV-N đã khẳng định vai trò, vị thế của mình không chỉ ở Việt Nam, Liên bang Nga mà còn ở nhiều nước khác. Trên hướng nghiên cứu độ bền nhiệt đới, Trung tâm đã góp phần tích cực trong việc nâng cao độ bền, độ tin cậy của vũ khí, trang bị kỹ thuật trong điều kiện nhiệt đới nóng ẩm; đưa được nhiều sản phẩm vào phục vụ công tác bảo quản vũ khí, trang bị kỹ thuật ở nhiều đơn vị trong quân đội và cơ quan Nhà nước. Những sản phẩm này đã qua thử nghiệm ở các vùng đồng bằng, rừng, núi, biển, đảo. Nhiều loại vật liệu và công nghệ tiên tiến, điển hình là công nghệ bảo quản, niêm cất máy bay, tăng thiết giáp, tên lửa, ôtô, khí tài quang học, tư liệu, vật liệu, lương thực, thực phẩm… đã được ứng dụng vào thực tế, góp phần duy trì sức chiến đấu và nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Những kết quả nghiên cứu và thử nghiệm trên khẳng định Liên bang Nga cần phải nghiên cứu nhiệt đới hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật do nền công nghiệp quốc phòng Nga sản xuất.
Phát huy thế mạnh về tiềm năng khoa học và đội ngũ cán bộ có uy tín trong lĩnh vực sinh thái của phía Nga và mối quan hệ truyền thống của các nhà khoa học sinh thái hai nước, TTNĐV-N đã triển khai nhiều nghiên cứu và đã thu được những kết quả có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, dần tiếp cận trình độ quốc tế trong lĩnh vực sinh thái nhiệt đới. Đó là công trình nghiên cứu hậu quả nghiêm trọng và lâu dài của chiến tranh hoá học về sinh thái và độc học sinh thái đối với môi trường và con người. Kết quả thu được góp phần làm rõ hơn bức tranh tồn lưu và chu kỳ bán huỷ của chất độc da cam/Dioxin, góp phần tích cực khắc phục hậu quả chiến tranh hoá học tại Việt Nam; đồng thời đóng góp quan trọng vào chương trình nghiên cứu Dioxin ở Liên bang Nga. Những kết quả nghiên cứu về đa dạng sinh học và hiện trạng các hệ sinh thái nhiệt đới tiêu biểu; sự phát hiện những giống loài động vật, thực vật mới đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác điều tra nghiên cứu tài nguyên sinh vật và môi trường sinh thái, nhất là các vùng chịu ảnh hưởng của chiến tranh hoá học và phát triển một trường phái mới trong nghiên cứu đa dạng sinh học.
Với gần 20 năm nghiên cứu về y sinh nhiệt đới, TTNĐV-N cũng thu được nhiều kết quả khả quan về tác động của chất độc sinh thái chứa Dioxin đến sức khoẻ con người; xây dựng những cơ sở khoa học cho việc chẩn đoán, giám định y khoa, dự phòng và phục hồi sức khoẻ con người đạt đến trình độ tiên tiến. Các kiến nghị về phương pháp luận khoa học nghiên cứu độc học trong các vùng có nguy cơ cao ở Nga và Việt Nam đã nhận được sự công nhận rộng rãi của các chuyên gia trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực độc học, y học của Dioxin. Các kết quả nghiên cứu ở lĩnh vực này đã đưa TTNĐV-N trở thành một trong những cơ quan nghiên cứu đầu ngành về y sinh nhiệt đới không chỉ của Việt Nam mà cả Liên bang Nga.
Đặc biệt, kết luận khoa học không có ổ dịch hạch tự nhiên ở Tây Nguyên nhưng có các ổ dịch lưu hành, đã làm thay đổi đáng kể phương pháp luận và biện pháp phòng chống dịch cũng như việc lựa chọn hệ thống chẩn đoán để bảo vệ dân cư và lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn có lưu hành bệnh này. Ngoài ra, Trung tâm còn áp dụng những tiến bộ về y dược học để nghiên cứu điều trị và dự phòng, trong đó nổi bật là đã ứng dụng thành công ôxy cao áp vào chữa bệnh. Những năm gần đây, TTNĐV-N còn tập trung nghiên cứu và sản xuất được nhiều thiết bị bảo vệ môi trường như thiết bị lọc nước sinh hoạt, thiết bị lọc nước siêu tinh khiết dùng pha dịch truyền, các thiết bị Box, Hote vô trùng dùng trong bệnh viện và vệ sinh phòng dịch, công nghệ xử lý rác thải bệnh viện tuyến huyện,... được khách hàng đánh giá cao.
Như vậy, ra đời trong bối cảnh lịch sử đặc biệt, có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức liên quan đến sự tan rã của Liên Xô, tình hình phức tạp ở Liên bang Nga những năm cuối thế kỷ XX, cùng với những khó khăn về kinh tế, xã hội ở Việt Nam trong những năm đầu khi Trung tâm mới thành lập, nhưng những lợi ích thiết thực mà hoạt động của TTNĐV-N mang lại đã được lãnh đạo hai nước quan tâm và đánh giá là mẫu hình của sự hợp tác có hiệu quả về KHCN. Đặc thù địa lý, khí hậu của Việt Nam, đặc trưng văn hoá của các trường phái khoa học, sự hợp tác có hiệu quả qua nhiều năm giữa hai nước, không chỉ cho phép TTNĐV-N phát triển thành công các hướng khoa học truyền thống mà còn hình thành các điều kiện và phương pháp khoa học mới để giải quyết những vấn đề cấp bách khác. TTNĐV-N trên thực tế đã trở thành một cơ sở nghiên cứu KHCN hỗn hợp quốc tế đa ngành về nhiệt đới, từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của mình, bước đầu được sự thừa nhận của quốc tế ở một số lĩnh vực. Vào cuối năm 2006, Thường vụ Đảng uỷ Quân sự Trung ương đã có Quyết nghị; Thủ tướng Chính phủ đã có công văn về việc kéo dài thời hạn hiệu lực Hiệp định và đầu năm 2007, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã có Quyết định nâng cấp và thành lập mới một số cơ quan, đơn vị của Trung tâm, đưa Trung tâm vào thời kỳ phát triển mới.
Những kết quả mà TTNĐV-N đạt được đã góp phần vào sự nghiệp phát triển KHCN, kinh tế, quốc phòng ở hai nước; đồng thời, góp phần củng cố, phát triển tình đoàn kết hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc.
TTNĐV-N đã chứng minh một loại hình hợp tác quốc tế về KHCN có hiệu quả, có khả năng thực hiện nhiệm vụ không chỉ trong khuôn khổ Hiệp định mà còn có khả năng giải quyết hoặc tham gia giải quyết nhiều vấn đề KHCN mang tầm quốc tế. Điều đó khẳng định sự đúng đắn, tính cấp thiết, ý nghĩa chiến lược của Hiệp định về TTNĐV-N, mở ra một loại hình hợp tác mới, một mô hình hợp tác mới chưa từng có trong lịch sử quan hệ về hợp tác KHCN giữa hai nước.
Những thành tích trên là kết quả hội tụ của nhiều nhân tố, trước hết là sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ hai nước, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Quốc phòng Việt Nam, Uỷ ban phối hợp,... cùng sự nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng của tập thể các thế hệ cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ hai phía của Trung tâm. TTNĐV-N đã quy tụ được những nhà khoa học có trình độ và uy tín cao, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành của hai nước tham gia nghiên cứu và phát triển các hoạt động KHCN; xây dựng được những tập thể cán bộ nghiên cứu, khảo sát và thử nghiệm của hai nước luôn đoàn kết và hoạt động có nền nếp. Kết hợp với việc nghiên cứu khoa học, TTNĐV-N còn góp phần đào tạo được nhiều cán bộ khoa học có trình độ cao cho hai nước. Trên cơ sở đó, Trung tâm cũng không ngừng củng cố tổ chức, lực lượng, xây dựng được đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học trong biên chế vững về chính trị, có trình độ chuyên môn ngày một cao; xây dựng được một lực lượng nhân viên kỹ thuật có kiến thức và kỹ năng thực hành tốt. Đồng thời, Trung tâm cũng không ngừng được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật ngày một hoàn thiện, với 19 phòng thí nghiệm, hai trạm thử nghiệm khí hậu và sinh thái, trong đó có một số thiết bị chuyên dùng, một số phòng thí nghiệm tương đối đồng bộ và hiện đại.
Một nhân tố khác, cùng với định hướng đúng là sự hợp tác có hiệu quả của các cơ quan, tổ chức của hai phía. Hai phía luôn coi trọng mối quan hệ truyền thống, chiến lược và sự hợp tác khoa học kỹ thuật quân sự giữa hai nước; kiên trì khắc phục khó khăn để xây dựng Trung tâm, nhất là trong những ngày đầu thành lập và vào những thời điểm nhạy cảm trong quan hệ hai nước.
Nhìn lại hai mươi năm thực hiện Hiệp định, những thành tựu về KHCN, về mô hình tổ chức, về quan hệ đối ngoại... của TTNĐV-N rất đáng trân trọng và tự hào. Kỷ niệm 20 năm ngày ký Hiệp định về TTNĐV-N, phát huy những kết quả đạt được, với phương châm "phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, chung sức đồng lòng, vươn lên làm chủ", khai thác hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế hiện có, Trung tâm sẽ tiếp tục phấn đấu đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Hiệp định lên ngang tầm quan hệ chiến lược giữa hai nước, xứng đáng với mong muốn của lãnh đạo hai phía, vì lợi ích hai nước, trực tiếp góp phần phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng quân đội, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Đại tá, TS. Trần Đăng Bộ
Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trung tâm
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011