QPTD -Thứ Năm, 25/08/2011, 22:34 (GMT+7)
Hiệp định về phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa Việt Nam và Thái Lan

Hiệp định về phân định ranh giới trên biển giữa Việt Nam và Thái Lan được Chính phủ Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Thái Lan ký ngày 9 tháng 8 năm 1997 và chính thức có hiệu lực vào ngày 27 tháng 2 năm 1998; gồm các nội dung chính sau:

Về vùng chồng lấn trên biển: Vịnh Thái Lan (còn gọi là vịnh Xiêm) là một biển nửa kín, với diện tích khoảng 300.000 km2, giới hạn bởi bờ biển bốn nước là Thái Lan (1.560 km), Việt Nam (230 km), Ma-lai-xi-a (150 km) và Cam-pu-chia (460 km). Vịnh thông ra biển Đông ở phía Nam bằng một cửa duy nhất hợp bởi mũi Cà Mau và mũi Treng-gra-nu cách nhau chừng 400 km (215 hải lý). Vịnh khá dài (khoảng 450 hải lý), nhưng có diện tích nhỏ, chiều rộng trung bình là 385 km (208 hải lý). Do đó, theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, toàn bộ Vịnh là đối tượng của các yêu sách mở rộng quyền tài phán của các quốc gia ven biển ra tới hạn 200 hải lý. Việt Nam và Thái Lan là hai nước có bờ biển đối diện, cùng có quyền mở rộng vùng biển của mình, do đó đã tạo ra một vùng chồng lấn rộng khoảng 6.074 km2.

Các quy định chung: Hiệp định được lập dựa trên cơ sở các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, điều kiện tự nhiên cụ thể của khu vực biển liên quan (chiều dài hướng chung của đường bờ biển, hiệu lực của đảo, phương pháp vạch đường trung tuyến, lợi ích của các bên...). 

- Đường phân chia thỏa thuận là một đường kéo dài từ điểm C (70 49'0" B; 103002'30" Đ) tới điểm K (8046'54"B; 102012'11"Đ). Điểm C chính là điểm nhô ra nhất về phía Bắc của khu vực phát triển chung Thái Lan - Ma-lai-xi-a, được xác định rõ trong Bản ghi nhớ ngày 21-2-1979, và trùng với điểm 43 của đường yêu sách thềm lục địa của Ma-lai-xi-a năm 1979. Điểm K nằm trên đường thẳng cách đều Thổ Chu và Poulo Wai, đây là đường "dàn xếp tạm thời" Việt Nam - Cam-pu-chia năm 1991. 

- Đường phân định này vừa là ranh giới thềm lục địa vừa là ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế của hai nước. Hai bên thừa nhận quyền tài phán, quyền chủ quyền của mỗi nước đối với vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế theo ranh giới nói trên.

- Về vùng khai thác chung giữa Thái Lan và Ma-lai-xi-a có một khu liên quan tới Việt Nam thì Việt Nam và Thái Lan sẽ thỏa thuận cùng với Ma-lai-xi-a giải quyết thông qua đàm phán; trường hợp có một mỏ dầu hoặc khí tự nhiên hoặc mỏ khoáng sản nằm vắt ngang qua đường ranh giới giữa hai bên thì các bên sẽ thông báo cho nhau mọi thông tin liên quan và thỏa thuận về cách thức khai thác, lợi nhuận sẽ được phân chia công bằng.

Hiệp định phân định ranh giới trên biển giữa Việt Nam và Thái Lan là hiệp định phân định biển đầu tiên đạt được trong vịnh Thái Lan. Đây cũng là hiệp định về phân định biển đầu tiên được ký kết tại khu vực Đông Nam Á sau khi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 có hiệu lực; đồng thời, cũng là hiệp định phân chia cả thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế giữa hai nước thành viên ASEAN có tranh chấp biển. Hiệp định này cũng khẳng định xu thế có thể thỏa thuận về một đường biên giới biển duy nhất, phân định đồng thời thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế trong các vùng biển không rộng quá 400 hải lý giữa các bờ biển đối diện nhau. Hiệp định cũng khẳng định xu thế phân định biển công bằng thông qua việc áp dụng phương pháp đường trung tuyến có điều chỉnh.

TRUNG ANH

 

Ý kiến bạn đọc (0)