QPTD -Thứ Bảy, 06/08/2011, 22:00 (GMT+7)
Hiện đại hóa hậu cần quân sự của một số nước Châu Á hiện nay

Những thập kỷ gần đây, trong bối cảnh tình hình chính trị, quân sự khu vực, thế giới diễn biến phức tạp và để đối phó với nguy cơ chiến tranh cục bộ công nghệ cao (CNC) - được đánh giá là dạng thức chiến tranh chủ yếu của thế kỷ 21- các nước châu Á hết sức chú trọng điều chỉnh chiến lược quân sự, học thuyết quân sự, xây dựng quân đội tinh nhuệ, hiện đại; trong đó, hiện đại hóa hậu cần quân sự (HCQS) được coi là một nội dung chiến lược, có tầm quan trọng quyết định đến việc tạo dựng, duy trì và nâng cao khả năng, sức mạnh chiến đấu của quân đội. Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể về chính trị, kinh tế, khoa học- kỹ thuật, quân sự… của mình, mỗi nước có quan điểm, biện pháp và cách thức tiến hành riêng, song nhìn tổng thể, có thể thấy nổi lên một số nét chủ yếu sau:

1- Đổi mới quan điểm, phương châm chỉ đạo, phương thức quản lý, chỉ huy, nhấn mạnh đến yêu cầu chất lượng, hiệu quả, nâng cao năng lực của  HCQS.

Theo chuyên gia quân sự của nhiều nước châu Á, chiến tranh cục bộ CNC có đặc điểm nổi bật là tiêu hao lượng vật chất hậu cần (HC) rất lớn1; bởi, vũ khí CNC giá thành đắt, công tác bảo đảm HC cho tác chiến hiện đại phức tạp, tốn kém và đánh phá cơ sở HCQS đã trở thành một phương pháp tác chiến quan trọng… Nhiều chuyên gia còn dự báo, chiến tranh CNC tương lai thực chất là chiến tranh của bảo đảm HCQS, hay còn gọi là "HC chiến". Do vậy, trong chiến tranh cục bộ CNC, công tác bảo đảm HCQS  có vị trí, vai trò và yêu cầu mới cao hơn trước nhiều và thể chế bảo đảm HCQS truyền thống, theo kiểu “số lượng lớn, dự trữ nhiều” không còn phù hợp, cần phải được thay đổi bằng thể chế bảo đảm HCQS hiện đại, theo hướng lấy chất lượng, hiệu quả làm trọng tâm. Từ nhận thức mới đó, nhiều nước châu Á xác định một số nguyên tắc cơ bản có tính chiến lược để xây dựng "HCQS tinh nhuệ, hiện đại hóa": Nguyên tắc 1: thống nhất. Đây là nguyên tắc quan trọng, bao trùm nhất, thể hiện ở thống nhất về lãnh đạo, quản lý, chỉ huy; thống nhất về chính sách, kế hoạch, các ưu tiên; thống nhất mục tiêu HCQS với chiến lược quân sự; thống nhất kế hoạch bảo đảm HC với kế hoạch tác chiến; thống nhất nhiệm vụ với công việc được giao... Nhằm thực hiện hai chuyển biến chiến lược trong HCQS: chuyển bảo đảm HCQS từ loại hình "khối lượng lớn, số lượng nhiều" sang loại hình "chất lượng, hiệu quả cao" và chuyển bảo đảm HCQS để đánh thắng chiến tranh cục bộ thông thường sang bảo đảm HCQS để đánh thắng chiến tranh cục bộ thông tin hóa cao, Trung Quốc hết sức coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục cho mọi người dân nhận thức đúng vị trí, tầm quan trọng chiến lược của công tác HCQS; hiểu rõ, HCQS là nhiệm vụ của cả nước, của mọi cấp, mọi ngành và của toàn dân, trong đó quân đội là nòng cốt. Bên cạnh đó, nước này chú trọng xây dựng và hoàn chỉnh hệ thống luật pháp, các văn bản pháp quy, kiện toàn cơ cấu tổ chức quản lý, chỉ huy, nhằm phát huy vai trò điều tiết vĩ mô của Nhà nước và quy phạm pháp luật trách nhiệm của các cấp, các ngành và nhân dân đối với công tác HCQS. Quán triệt quan điểm cải cách công tác bảo đảm HC toàn quân và tiêu chuẩn hóa việc mua sắm và cung cấp HCQS của Quân ủy, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã thành lập Tổng bộ Trang bị là cơ quan chuyên trách việc mua sắm vũ khí, trang bị và Tổng bộ Hậu cần là cơ quan chuyên trách mua sắm các loại vật tư HC cho quân đội. Việc làm này đã góp phần giải quyết dứt điểm tình trạng chồng chéo chức năng giữa các quân chủng, tạo cơ chế quản lý thống nhất trong toàn quân và tăng cường mối liên kết giữa quân đội với các bộ, ngành, địa phương và nhân dân trong công tác bảo đảm HCQS. Nguyên tắc 2: vững chắc. Khả năng HC vững chắc phải đáp ứng 3 yếu tố: số ngày chiến đấu; tỷ lệ tiêu hao chiến đấu và thương vong, chi phí và tiêu thụ; dự tính số trang bị thay thế và vật chất bổ sung. Để đảm bảo HC vững chắc, nhiều nước tập trung nâng cao năng lực HCQS của quân đội, như tinh giảm tổ chức biên chế, cải cách các thủ tục hành chính, áp dụng các phương pháp quản lý khoa học, hiệu quả; hiện đại hoá các phương tiện, trang thiết bị bảo đảm HC theo hướng công nghệ cao, để nâng cao năng lực quản lý, chỉ huy và bảo đảm mọi mặt công tác này. Cùng với đó, tích cực khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực HC của quốc gia, kết hợp với tranh thủ tối đa các nguồn lực HC từ các quan hệ hợp tác quốc tế, để nâng cao chất lượng, hiệu quả HCQS ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Nguyên tắc 3: tiết kiệm. HC tiết kiệm là xác định đúng các hạng mục, chương trình HC và sử dụng nguồn tài lực HC thiết thực, hiệu quả, có lợi nhất ở mọi cấp, mọi ngành, mọi khâu, mọi lĩnh vực, mọi cá thể, ở cả HC sản xuất và HC tiêu thụ. Nguyên tắc 4: chính xác. Chức năng cơ bản của HCQS là bảo đảm HC cho quân đội cả trong thời bình và thời chiến. Do vậy, lập kế hoạch HC chính xác và điều chỉnh kế hoạch HC kịp thời đều có tầm quan trọng như nhau; lập kế hoạch HC và tổ chức thực hiện kế hoạch HC phải thành một chỉnh thể và đặt dưới sự quản lý, chỉ huy thống nhất của người chỉ huy.

Mỗi nguyên tắc nêu trên có vai trò và vị trí riêng, nhưng chúng không tách rời, mà đan xen, hỗ trợ, bổ sung cho nhau và đều là những yếu tố không thể thiếu trong xây dựng HCQS tinh nhuệ, hiện đại.

2- Đa dạng hóa phương thức bảo đảm, hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị HCQS.

Nhiều nước châu Á cho rằng, điểm tiên tiến khác trước của HCQS hiện đại là phát triển HCQS phải gắn bó hữu cơ và là một bộ phận chiến lược của sự nghiệp cải cách xây dựng đất nước.  Hơn nữa, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học- công nghệ mới, cốt lõi là công nghệ thông tin, nhiều lĩnh vực khoa học- công nghệ dân sự và quân sự ngày càng hòa nhập vào nhau; một số lĩnh vực của dân sự còn phát triển vượt trội hơn… Do vậy, bên cạnh việc khai thác nguồn lực HC của quân đội, cần triệt để khai thác tận dụng nguồn lực HC từ thị trường dân sự; phải coi đây là một hướng chiến lược trong phương thức bảo đảm HCQS hiện đại. Nhiều chuyên gia quân sự còn cho rằng, trong tương lai, 50% đến 60% lượng dự trữ HCQS là từ thị trường dân sự. Để khai thác thị trường giàu tiềm năng này, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải nhận thức đúng và giải quyết tốt mối quan hệ giữa “thị trường và chiến trường”, vận dụng có hiệu quả các yếu tố của kinh tế thị trường để khai thác tốt mọi nguồn lực HC trong nhân dân, của mọi thành phần kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát huy vai trò quản lý của Nhà nước đối với công tác này, thông qua việc hoạch định các chiến lược, xây dựng các quy phạm pháp luật, triển khai các biện pháp quản lý, chỉ huy và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, để đổi mới, nâng cao chất lượng công tác HCQS theo hướng: không chỉ đáp ứng yêu cầu quân sự mà còn là nhân tố tích cực góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong chiến lược xây dựng đất nước thời kỳ mới, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và một số nước ASEAN rất chú trọng chiến lược kết hợp kinh tế với quốc phòng; theo đó, các bộ, ngành kinh tế trọng yếu, như bưu chính, viễn thông, chế tạo máy, công nghiệp tầu thủy, giao thông, vận tải, y tế, giáo dục-đào tạo..., tùy theo chức năng, đều được Nhà nước quy định các nhiệm vụ cụ thể phục vụ cho mục đích quốc phòng, quân sự. Chính phủ các nước này cũng chú trọng xây dựng chiến lược chuyển giao công nghệ, phát triển các công nghệ, các sản phẩm lưỡng dụng cho quân sự và dân sự, nhất là các công nghệ cao, công nghệ mũi nhọn, các sản phẩm phần mềm máy tính…; đề ra chính sách ưu tiên, khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư dân sự tham gia thị trường quân sự, như phối hợp trong nghiên cứu phát triển, chuyển giao khoa học HCQS hiện đại, nhất là khoa học về quản lý, kinh doanh, các dịch vụ chế biến, bảo quản, bảo đảm quân trang, quân lương… Quân đội nhiều nước chú trọng phương pháp đặt hàng thông qua đấu thầu công khai, kết hợp với tổ chức thanh tra, kiểm tra chặt chẽ để các sản phẩm đảm bảo yêu cầu về chất lượng và thời gian đề ra. Cùng với đó, các nước này cũng tiến hành cải cách để ngành công nghiệp quốc phòng không chỉ nâng cao năng lực sản xuất hàng quân sự, mà còn tham gia sản xuất hàng lưỡng dụng, hàng dân sinh, hàng xuất khẩu, phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Ngành công nghiệp quốc phòng của Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan sản xuất nhiều sản phẩm xuất khẩu, thu khoản ngoại tệ không nhỏ cho đất nước.

Để bảo đảm HC cho các hoạt động tác chiến đang phát triển theo xu hướng liên hợp nhiều loại lực lượng, ngày càng mở rộng cả trên bộ, trên biển, trên không trung, trong vũ trụ…, các nước chú trọng dự trữ đủ cơ số HC cho sẵn sàng chiến đấu; hoàn thiện kế hoạch động viên quốc phòng, nhất là động viên lực lượng và phương tiện kỹ thuật cho quân đội thời chiến; tổ chức các cơ sở, các căn cứ dự trữ HC (hệ thống kho tàng, bến bãi, đường hành quân, cơ động, các phương tiện vận tải, thông tin liên lạc…) theo các kế hoạch và các phương án phòng thủ, tác chiến, nhất là trên các hướng, các địa bàn trọng yếu, chiến lược; điều chỉnh tổ chức, biên chế các đơn vị bảo đảm HC theo hướng tinh, gọn, trang bị các phương tiện bảo đảm HC tiên tiến, nâng cao năng lực bảo đảm HC toàn diện, đúng về thời gian, số lượng, đối tượng và địa điểm trong mọi tình huống.

Hiện đại hoá cơ sở vật chất, trang thiết bị HCQS là một nội dung quan trọng của hiện đại hoá vũ khí, trang bị quân sự; một yêu cầu quan trọng quyết định nâng cao năng lực HCQS hiện đại. Để làm tốt, bên cạnh việc tăng cường đầu tư ngân sách, nhiều nước chú trọng công tác quản lý chặt chẽ các khâu lập kế hoạch, xác định các ưu tiên, tập trung trọng tâm, trọng điểm, nghiên cứu, phát triển, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng các trang thiết bị HC. Tổ chức nghiên cứu dự trữ nhiều, sản xuất ít, tập trung vào các trang thiết bị có triển vọng lâu dài. Tích cực chuyển giao công nghệ với các ngành dân sự trong nước và quốc tế nhằm giảm bớt chi phí nghiên cứu và tiếp thu nhanh công nghệ mới, chú trọng phát triển các hệ thống trang bị HC đa tác dụng, có trình độ tự động hoá, trí năng hoá ngày càng cao và khả năng phòng vệ tốt. Một số nước châu Á có trình độ khoa học-công nghệ phát triển (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ) chú trọng ứng dụng các sản phẩm công nghệ cao, công nghệ thông tin để hiện đại hóa các thiết bị chỉ huy, quản lý HC; phát triển các phương tiện vận tải đường không, đường bộ, đường biển hiện đại, có tải trọng lớn, tốc độ cao, phòng hộ tốt, khả năng tự động bốc dỡ hàng và trang bị thiết bị định vị toàn cầu bằng vệ tinh, cho phép chỉ huy, kiểm soát chặt chẽ trong quá trình vận chuyển, cung cấp HC; phát triển các kho hàng HC kiểm soát bằng các thiết bị điện tử, các trạm sửa chữa kỹ thuật tổng hợp dã chiến, các bệnh viện dã chiến đa năng, hệ thống HC dã chiến tổng hợp; nghiên cứu sản xuất các “khẩu phần ăn công nghệ cao” cho phép người lính tự bảo đảm ăn dài ngày trong điều kiện chiến trường; các trang thiết bị cá nhân đa chức năng bằng các vật liệu tổng hợp vừa gọn, nhẹ, tiện sử dụng, vừa có khả năng chống độc, chống phóng xạ.   

3- Chăm lo nâng cao năng lực trình độ đội ngũ sĩ quan, nhân viên chuyên môn HC đáp ứng yêu cầu của HCQS hiện đại.

Theo chuyên gia quân sự của nhiều nước châu Á, xây dựng đội ngũ sĩ quan, nhân viên chuyên môn HCQS có năng lực, trình độ cao vừa là mục tiêu vừa là yêu cầu bức xúc trong xây dựng HCQS hiện đại. Chỉ có xây dựng được đội ngũ sĩ quan, nhân viên chuyên môn HCQS tố chất cao, đủ năng lực, trình độ thì mới làm chủ được các phương tiện, trang thiết bị HC hiện đại, công nghệ cao, đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao của HC tác chiến hiện đại. Một trọng tâm được các nước chú trọng là cải tiến nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo trong các trường HC quân đội, thông qua việc tăng cường đầu tư nguồn tài lực, nâng cấp, hiện đại hoá cơ sở hạ tầng, vật chất, trang thiết bị giảng dạy, học tập; nâng cao trình độ, năng lực, bồi dưỡng kinh nghiệm cho đội ngũ giáo viên; hoàn chỉnh hệ thống giáo trình, giáo khoa; đẩy mạnh hợp tác giáo dục, đào tạo với các trường dân sự; đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện sát với yêu cầu thực tiễn chiến đấu. Đối với đội ngũ sĩ quan, bên cạnh việc trang bị kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, còn chú trọng bồi dưỡng các kiến thức cơ bản về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, kỹ thuật; rèn luyện nâng cao trình độ tư duy, trí tuệ, thể lực, tâm lý… Bên cạnh đó, các nước còn chăm lo đào tạo, bồi dưỡng các chuyên gia đầu ngành, các nhân tài có trình độ cao về khoa học HCQS, đủ khả năng tham mưu chiến lược và tổ chức chỉ huy, xây dựng và phát triển HCQS hiện đại; duy trì nghiêm các quy định của ngành HCQS; tích cực đổi mới, cải cách các chế độ, chính sách, tiêu chuẩn nhằm cải thiện đời sống cho quân nhân và thu hút nhân tài cho ngành HC của quân đội.

ĐINH QUANG HẬU

_______________

1- Theo thống kê của quân đội Mỹ, so với chiến tranh Thế giới thứ hai, tiêu hao lượng vật chất HC trong chiến tranh vùng vịnh Pếch-xích (1991) cao hơn gấp 20 lần; trong  chiến tranh Nam Tư (1999) là trên 50 lần; chiến tranh I-rắc (2003) là trên 60 lần.

 

Ý kiến bạn đọc (0)