QPTD -Thứ Năm, 24/11/2011, 00:42 (GMT+7)
Hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu - nhân tố gây mất ổn định khu vực và thế giới
Kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa (PT TL) của Chính quyền Mỹ tại một số nước Trung và Đông Âu đang làm cho quan hệ giữa Mỹ và Nga rất căng thẳng. Ngày 10-2 vừa qua, tại Hội nghị an ninh quốc tế, tổ chức tại thành phố Mu-ních của Đức, Tổng thống Nga V.Pu-tin đã phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa cường quyền, đơn cực của một số cường quốc phương Tây, coi đây là một mô hình đã lỗi thời, không chấp nhận được, hoàn toàn đi ngược lại xu thế hợp tác và phát triển hiện nay của thời đại. Dư luận thế giới hết sức quan tâm đến những diễn biến trong quan hệ Mỹ – Nga, bởi, quan hệ giữa hai cường quốc này tác động trực tiếp đến cục diện, an ninh, ổn định của châu Âu và thế giới.

Các quan chức Nhà Trắng đang tiến hành thương lượng với lãnh đạo của Cộng hoà (CH) Séc và Ba Lan, để bố trí tại CH Séc một trạm ra-đa cảnh giới báo động sớm và tại Ba Lan khoảng 10 tổ hợp tên lửa đánh chặn, một phần trong hệ thống lá chắn phòng thủ chống tên lửa của Mỹ tại châu Âu. Tư lệnh lực lượng PTTL chiến lược của Mỹ, tướng Trey Obering đã khẳng định, việc triển khai hệ thống PTTL tại CH Séc và Ba Lan là một biện pháp an ninh cần thiết, cấp bách để bảo vệ nước Mỹ và châu Âu trước những mối đe dọa khủng bố tiềm tàng bằng tên lửa, nhất là tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của các nước “bất trị”, như I-ran, Xy-ri... Trey Obering cũng trấn an các nhà lãnh đạo của Nga rằng, việc Mỹ triển khai hệ thống PTTL ở CH Séc và Ba Lan hoàn toàn không nhằm vào nước Nga hay một nước nào khác, không gây nên bất cứ mối đe dọa nào đối với Nga. Tuy nhiên, trái với những tuyên bố của Trey Obering, dư luận nước Nga phản ứng rất quyết liệt, nhiều quan chức Bộ Quốc phòng (BQP) Nga còn tuyên bố thẳng thừng rằng, hệ thống PT TL của Mỹ tại châu Âu đang tạo ra mối đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia của Nga và toàn châu Âu. Họ còn nêu rõ, Nga sẽ có các biện pháp quân sự thích đáng, nếu Mỹ triển khai hệ thống PTTL tại các nước Trung và Đông Âu. Vậy thực chất vấn đề ở đây là thế nào? Theo các nhà phân tích quốc tế, lập luận của tướng Trey Obering về việc Mỹ triển khai hệ thống PTTL tại Trung và Đông Âu là mâu thuẫn, vì thế không những không thể thuyết phục mà còn gây phản cảm trong dư luận nước Nga và nhiều nước trong khu vực. Trước hết, phải thấy rằng, trong một vài thập kỷ tới, chưa có một nước nào trong số các nước mà Mỹ cho là “bất trị”, như I-ran, Xy-ri có đủ trình độ công nghệ để phát triển các tên lửa liên lục địa có tầm bắn xa tới tận nước Mỹ và nếu có, thì các nước này cũng phóng tên lửa theo đường ngắn nhất là qua Bắc Cực, chứ không bắn theo chiều trái với “quy luật đạn đạo” là qua lãnh thổ Ba Lan. Trong khi đó, Mỹ đang có rất nhiều loại phương tiện đánh chặn hiện đại, đủ để đối phó với các cuộc tiến công bằng tên lửa từ bên ngoài. Do vậy, việc triển khai hệ thống PTTL nói trên để đối phó với các nguy cơ từ I-ran hay Xy-ri là việc làm không thực tế, “tốn kém chưa cần thiết”. Thứ nữa, việc triển khai hệ thống PTTL này, xét trong tổng thể chính sách châu Âu của Nhà Trắng, thì thực chất đây là một phần trong kế hoạch địa-chính trị, địa- chiến lược đối với khu vực và thế giới, trực tiếp tác động đến quan hệ quốc tế, an ninh, ổn định của châu Âu và thế giới.

Năm 2001, với lý do để đối phó với các mối đe dọa thời kỳ “sau chiến tranh lạnh”, Chính quyền của Tổng thống G.W.Bu-sơ đã đơn phương tuyên bố rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM), mà Mỹ và Liên Xô đã ký kết năm 1972 - được coi là nền tảng quan trọng nhất để duy trì sự ổn định chiến lược toàn cầu suốt 30 qua - để phát triển hệ thống PTTL chiến lược. Dư luận thế giới đã vạch rõ, đây là mưu đồ chạy đua vũ trang của Mỹ hòng thiết lập một hệ thống tên lửa chiến lược khống chế toàn cầu, nhằm ngăn chặn không để các nước, hay liên minh bất cứ các nước nào có thể thách thức vai trò bá chủ thế giới của Mỹ. Sau sự kiện 11-9-2001, Mỹ và Nga đã nâng quan hệ hai nước lên tầm “đối tác chiến lược” trong cuộc chiến chống khủng bố; tuy nhiên, Mỹ vẫn luôn thực hiện chính sách nước lớn, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Nga để nhằm ý đồ riêng. Thể hiện rõ nhất là cách thức đối xử theo “tiêu chuẩn kép” đối với vấn đề Chéc-xnhi-a - một vùng lãnh thổ của Nga. Trong khi hô hào chống khủng bố và dưới danh nghĩa “chống khủng bố”, Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự, gây bao thảm cảnh nhân đạo ở nhiều nơi trên thế giới; nhưng Mỹ lại kịch liệt phản đối các hoạt động quân sự mà Nga tiến hành để trấn áp các phần tử ly khai người Chéc-xnhi-a, xem đó là “vi phạm dân chủ, nhân quyền”, đòi Nga phải nhượng bộ để lực lượng này được quyền xây dựng Nhà nước Chéc-xnhi-a độc lập - một việc làm mà dư luận thế giới cho là để thực hiện mưu đồ chia cắt nước Nga. Tổng thống Nga V.Pu-tin đã phải vạch rõ, yêu cầu của Mỹ đòi Nga đối thoại với lực lượng ly khai người Chéc-xnhi-a cũng tương tự như yêu cầu đòi Tổng thống G.W.Bu-sơ đối thoại với Al Qaeda – một việc làm không bao giờ có.  Về mặt quân sự, Mỹ cho điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), thực hiện chiến lược “Đông tiến”, mở rộng biên giới của NATO tới sát biên giới nước Nga. Đồng thời, dưới chiêu bài “chống khủng bố”, Mỹ đã triển khai các căn cứ quân sự ở nhiều nước Trung á, Trung và Đông Âu, nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình tại khu vực vốn vẫn được coi là “sân nhà của Nga” và tạo thành thế kiềm chế quân sự đối với Nga. Như vậy, có thể thấy, quan hệ của Mỹ đối với Nga mang tính chất hai mặt: vừa hợp tác vừa cạnh tranh, kiềm chế, khống chế quyết liệt, mà dư luận cho là để thực hiện chủ nghĩa bá quyền thế giới, buộc Nga phải đi theo quỹ đạo của Mỹ.
Đến nay, ở châu Âu, Mỹ đã cho triển khai hệ thống PTTL ở một số nước Tây Âu, nhưng nếu đặt ở CH Séc và Ba Lan thì đây là lần đầu tiên Mỹ triển khai vũ khí chiến lược sát biên giới Nga. Các nhà quân sự của Nga cho rằng, việc bố trí hệ thống PTTL này, về mặt lý thuyết, Mỹ có thể nâng cao khả năng đánh chặn các tên lửa xuất phát từ lãnh thổ Nga nói riêng, từ châu  Âu nói chung, trong giai đoạn ban đầu và trên quỹ đạo bay của tên lửa. Mặt khác, hệ thống PTTL này cũng có thể được chuyển đổi mục đích trở thành các vũ khí tiến công chiến lược, tạo nên mối đe doạ trực tiếp đối với nước Nga và toàn khu vực châu Âu. Tham vọng của Mỹ triển khai hệ thống PTTL ở Trung và Đông Âu không chỉ bị dư luận ở nước Nga mà nhiều nước châu Âu, trong đó có cả các nước đồng minh của Mỹ, kịch liệt phê phán, phản đối. Một quan chức cấp cao của NATO cho rằng, việc Mỹ triển khai hệ thống PTTL ở châu Âu là việc làm “không tôn trọng” các đồng minh xuyên Đại Tây Dương. Theo vị quan chức này, các đồng minh châu Âu hoàn toàn có đủ khả năng để tự bảo vệ trước các cuộc tiến công tiềm tàng bằng tên lửa, mà không cần sự  “giúp đỡ” của Mỹ. Nhiều quan chức BQP Pháp thì tuyên bố rằng, Pháp sẽ không đầu tư vào hệ thống PTTL của Mỹ, bởi hệ thống đó cực kỳ tốn kém, trong khi tính hiệu quả còn “chưa đủ độ tin cậy”, mục tiêu thì rất đáng “nghi ngờ”. Còn tại CH Séc và Ba Lan, phong trào phản đối Mỹ triển khai hệ thống PTTL tại hai nước này ngày một dâng cao. Theo kết quả thăm dò dư luận mà Hãng thông tấn CVVM của CH Séc công bố mới đây thì, trên 65% người Séc phản đối kế hoạch PTTL của Mỹ. Họ cho rằng, hệ thống PTTL của Mỹ sẽ làm tổn hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia họ và biến nước họ thành mục tiêu của khủng bố. Dư luận rộng rãi tại châu Âu và thế giới cho rằng, điều nguy hại nhất là, lá chắn PTTL của Mỹ tại châu Âu đang biến những mối đe dọa “ảo” thành những mối đe dọa thật sự, thúc đẩy chạy đua vũ trang, làm cho các nước châu Âu bị chia rẽ, đối đầu, đe dọa đến an ninh, ổn định của khu vực và thế giới. Trước sức ép quân sự ngày càng lớn, nhất là mưu đồ triển khai hệ thống PTTL của Mỹ tại sát biên giới Nga, Nga đang tiến hành điều chỉnh học thuyết quân sự, tích cực nghiên cứu, phát triển nhiều hệ thống tên lửa hiện đại thế hệ mới. Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nga X. I-va-nốp tuyên bố, Nga đã đưa vào trang bị cho quân đội loại tên lửa Topol. M có khả năng xuyên thủng bất cứ lá chắn phòng thủ tên lửa nào của Mỹ. Ông cũng cho biết, Nga tiếp tục nghiên cứu để Topol. M và tên lửa đạn đạo trên biển Bulava có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân. Trong chương trình phát triển vũ khí chiến lược, Nga cũng phát triển máy bay ném bom chiến lược TU.160 có thể vượt qua các hệ thống PTTL của Mỹ. Nga cũng cho bố trí các tổ hợp tên lửa chiến thuật cơ động Iskander và các tổ hợp tên lửa phòng không S.400, được đánh giá hiện đại hàng đầu thế giới, tại các khu vực trọng điểm chiến lược để đánh chặn các tên lửa đạn đạo. Nhiều thành viên NATO thuộc châu Âu cũng đề xuất chương trình phát triển hệ thống PTTL độc lập của châu Âu, mà theo họ là nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào “cái ô” an ninh của Mỹ và để thích ứng với tình hình an ninh đang ngày một phức tạp tại châu Âu. Nhiều cường quốc, nước lớn cũng đang tăng ngân sách quốc phòng, coi trọng phát triển các vũ khí, trang bị chiến lược, như: tên lửa vũ trụ có khả năng bắn hạ các vệ tinh; tên lửa đạn đạo mang nhiều đầu đạn hạt nhân, có khả năng thay đổi quỹ đạo bay; vũ khí vi ba, vũ khí la-de, vũ khí chùm hạt, vũ khí năng lượng; các loại vũ khí sát thương “mềm”, như các loại vi-rút, các loại “rệp điện tử” có thể tiến công bất kỳ hệ máy tính nào, để đối phó với các lá chắn PTTL và đánh chặn các tên lửa đạn đạo. Bên cạnh đó, các nước này cũng tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác quốc phòng, quân sự  và nhiều lĩnh vực khác để nâng cao sức mạnh tổng thể của quốc gia, đối phó với những mối đe dọa quân sự từ bên ngoài.
Thế giới đương đại đã có những thay đổi hết sức cơ bản so với trước đây. Ngày nay, hoà bình, hợp tác, hội nhập khu vực và quốc tế về kinh tế đã trở thành xu thế khách quan của thời đại; đồng thời, cũng là nguyện vọng và  nhu cầu bức thiết cho sự phát triển của tất cả các quốc gia-dân tộc. Trong quá trình hợp tác, hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, sự ràng buộc lẫn nhau về lợi ích, đặc biệt là lợi ích kinh tế, ngày một gia tăng, đặt ra nhu cầu hợp tác giữa các nước trong việc bảo đảm an ninh quốc gia, khu vực và toàn cầu, nhất là trong việc hợp tác khu vực, liên khu vực và quốc tế để đối phó với những thách thức mang tính toàn cầu, như chủ nghĩa khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, sự suy thoái môi trường, các thảm họa thiên tai, dịch bệnh... Chính vì thế, tham vọng giành ưu thế quân sự với mục đích an ninh cho nước mình hay một nhóm nước là một việc làm không khả thi; bởi, như chính khách của nhiều nước đã nói, trong nền móng của nó không có và không thể có cơ sở đạo lý cho nền văn minh hiện đại. Nhưng điều tệ hại là nó đang đe dọa gây ra cho nhân loại các thảm kịch mới. Nhân loại nhận thức sâu sắc, chống khủng bố là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết hiện nay, phải đơược tiến hành toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, trong đó quân sự chỉ là một mặt trận, trên tinh thần tuyệt đối tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chơương Liên hợp quốc, tôn trọng các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp công việc nội bộ của nhau. Đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống khủng bố đòi hỏi cũng đồng thời phải đấu tranh giải quyết tận gốc rễ nguyên nhân gây ra khủng bố là áp bức, bóc lột, đói nghèo, bất bình đẳng, bất công và kiên quyết phản đối việc lợi dụng chống khủng bố để tiến hành các hành động nhằm thực hiện mươu đồ cường quyền, bá quyền khu vực và thế giới.
Đồng Đức
 
Ý kiến bạn đọc (0)