QPTD -Thứ Ba, 16/08/2011, 00:03 (GMT+7)
Hãy cảnh giác với “thiện ý” của các nhà “dân chủ”

Thời gian gần đây, một số người lợi dụng tự do, dân chủ, tung lên mạng nhiều bài viết với những nội dung sai trái, xuyên tạc lịch sử và hiện thực đất nước, tuyên truyền các luận điệu chống Đảng, chống CNXH, bịa đặt và kích động mâu thuẫn dân tộc trong quan hệ với các nước láng giềng.

Vốn biết rõ sự lãnh đạo của Đảng là nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam trước đây cũng như trong công cuộc đổi mới hiện nay, nên họ tập trung vào việc phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, đối lập Đảng với dân tộc và nhân dân. Bằng nhiều mánh khóe khác nhau, họ cố dựng lên các câu chuyện hoang đường, trong đó Tổ quốc ta "đang đứng trước những hiểm họa mới"; Đảng Cộng sản không còn vai trò lịch sử đối với dân tộc; nhân dân mất hết niềm tin vào chế độ. Từ đó, họ coi mình là người có trách nhiệm với Tổ quốc, nhân dân và với “thiện ý” của một nhà yêu nước, họ “khuyên” Đảng ta hãy đặt quyền lợi của dân tộc lên trên hết, từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện đa nguyên, đa đảng và chuyển giao sự lãnh đạo đất nước cho lực lượng chính trị khác. Họ cũng vạch ra lộ trình và phương thức của sự chuyển giao đó: Đảng hãy học tập các Đảng Cộng sản ở các nước XHCN ở Đông Âu trước đây khi đã mất vị trí, vai trò trong xã hội, tự nguyện biến thành đảng đối lập hay chuyển thành một đảng xã hội dân chủ,v.v.(!)

Rõ ràng, cái “thiện ý” của các nhà “dân chủ” đã bộc lộ nguyên hình là luận điệu của những kẻ chống CNXH. Họ cố tìm mọi cách để chia rẽ Đảng với dân tộc, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng; nhưng họ không thể phủ nhận được sự thật lịch sử rằng: từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn gắn bó với dân tộc; đã lãnh đạo nhân dân ta kiên cường đấu tranh, chiến đấu và chiến thắng các thế lực xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên CNXH. Mặc dù tìm đủ mọi cách để phủ nhận công cuộc đổi mới của nhân dân ta, nhưng họ làm sao có thể "dùng tay che cả bầu trời", làm sao có thể phủ nhận được những thành tựu mà nhân dân ta đã làm nên trong hơn hai thập kỷ vừa qua. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước ta đã giành được những thành tựu to lớn và rất quan trọng; đất nước ra khỏi tình trạng kém phát triển, đạt được bước phát triển mới cả về lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và hội nhập quốc tế. Diện mạo đất nước có nhiều thay đổi; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt; thế và lực của đất nước không ngừng tăng lên... tạo ra những tiền đề quan trọng để đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Trong cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế thế giới hiện nay, mặc dù phải chịu sự tác động tiêu cực rất lớn của nó, nhưng với những chủ trương đúng đắn của Đảng và sự điều hành kịp thời, có hiệu quả của Chính phủ, nền kinh tế nước ta không bị suy thoái như nhiều nước khác trên thế giới, vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng dương, bảo đảm ổn định chính trị, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tạo cơ sở để đất nước vững bước trên con đường đã chọn... Đó là thực tiễn hùng hồn minh chứng cho đường lối đúng đắn của Đảng, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc và là câu trả lời đanh thép đối với “thiện ý” của các nhà “dân chủ" rắp tâm đòi Đảng ta phải thay đổi đường lối, phải từ bỏ mục tiêu xây dựng CNXH.

Sau khi mô hình xã hội XHCN theo kiểu Liên Xô sụp đổ, kiên định với con đường đã chọn, trên cơ sở thực tiễn của đất nước, nghiên cứu và tiếp thu kinh nghiệm của các nước anh em, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới, chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN (nay gọi là kinh tế thị trường định hướng XHCN). Đường lối đó là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với điều kiện của  nước ta, cũng như mục tiêu, yêu cầu đi lên CNXH, nên tạo được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế… Biết rất rõ vấn đề đó, nên trong chiến lược chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội đã tập trung vào việc chống phá đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Họ cho rằng: kinh tế thị trường và định hướng XHCN xung khắc như nước với lửa; kinh tế thị trường là cái riêng của chủ nghĩa tư bản nên không thể dung hợp với CNXH. Thực ra, kinh tế thị trường không phải chỉ riêng có trong chủ nghĩa tư bản; nó ra đời trước chủ nghĩa tư bản và thích ứng với nhiều chế độ kinh tế khác nhau. Chỉ có điều, dưới chủ nghĩa tư bản, kinh tế thị trường phát triển đến đỉnh cao và phục vụ đắc lực cho mục đích của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa là bóc lột giá trị thặng dư. Bởi vậy, việc tiếp tục duy trì sự phát triển kinh tế thị trường để xây dựng CNXH cũng là việc bình thường; nhất là khi những điều kiện cho sự tồn tại khách quan của nó (phân công lao động xã hội và sự tồn tại của các chế độ sở hữu khác nhau) vẫn còn. Vấn đề đặt ra là: Đảng ta nhận thức, vận dụng, xử lý mặt tích cực và mặt tiêu cực của nó như thế nào để phục vụ cho công cuộc xây dựng CNXH?

Chúng ta biết rằng, kinh tế thị trường có tính năng động xã hội cao, tạo ra động lực vật chất mạnh mẽ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, nếu chúng ta để động lực vật chất đi quá giới hạn thì các động lực chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh sẽ bị lấn át. Đó là nền kinh tế thị trường tự do. Trong đó, người ta sẽ tìm mọi cách để làm giàu, kiếm tiền bất chấp pháp luật, bất chấp đạo lý, coi thường lợi ích quốc gia, coi thường kỷ cương, phép nước. Vì lợi ích kinh tế, người ta có thể hi sinh lợi ích quốc phòng, an ninh... Chính vì vậy, vấn đề cốt tử trong thực hiện kinh tế thị trường định hướng XHCN là sự quản lý của Nhà nước XHCN phải bảo đảm được sự hài hòa giữa động lực vật chất và động lực tinh thần; giữa kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh...; trong đó, mục tiêu tối thượng là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Thực tiễn 23 năm đổi mới vừa qua chứng tỏ rằng, Đảng và Nhà nước ta luôn có nhận thức và vận hành đúng đắn nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, công cuộc đổi mới ngày càng giành được nhiều thành tựu. Cùng với quá trình phát triển kinh tế, chúng ta cũng luôn chú trọng giải quyết công bằng xã hội; coi trọng nâng cao đời sống vật chất, nhưng không xem nhẹ đời sống văn hóa, tinh thần; luôn gắn chặt lợi ích kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Nhờ vậy, tiềm lực của đất nước ngày càng được nâng cao, đời sống mọi mặt của nhân dân được cải thiện; Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và bạn bè quốc tế.

“Thiện ý” của các nhà “dân chủ” không dừng lại ở những vấn đề đối nội mà họ bàn đến cả những vấn đề đối ngoại; họ viện dẫn nhiều sự kiện để đòi hỏi Đảng ta phải làm theo ý họ. Tuy nhiên, những điều mà họ nêu ra đều không phản ánh đúng bản chất vấn đề; có dụng ý xuyên tạc, kích động, gây mâu thuẫn trong quan hệ với nhân dân và lãnh đạo các nước xung quanh.

Chúng ta biết rằng, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đề ra được đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong các cuộc kháng chiến trước đây, công tác đối ngoại đã làm tốt việc phân hóa kẻ thù, động viên các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới đoàn kết, giúp đỡ nhân dân ta chiến đấu chống kẻ thù xâm lược; hoạt động ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với quân sự, tạo nên sức mạnh tổng hợp để đánh thắng quân xâm lược, góp phần làm nên những chiến thắng vang dội. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng ta khẳng định: Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Nguyên tắc chính trong chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta là: tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng và cùng có lợi; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế; giải quyết các bất đồng và tranh chấp bằng thương lượng hòa bình, chống mọi âm mưu và hành động gây sức ép, áp đặt cường quyền.

Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương, đa dạng hóa, những năm qua, quan hệ giữa nước ta với các nước trên thế giới đã không ngừng được mở rộng, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Trong xử lý các vấn đề cụ thể, chúng ta luôn có đối sách mềm dẻo, khôn khéo nhằm thêm bạn, bớt thù, giữ cho đất nước “trong ấm, ngoài êm”, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển... Chính vì vậy, chúng ta đã từng bước phá được thế bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch, mở rộng quan hệ hợp tác có hiệu quả với nhiều quốc gia; ngày càng khẳng định vai trò là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong các tổ chức, diễn đàn quốc tế và khu vực mà chúng ta tham gia. Đến nay, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước; gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới và có quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với trên 160 quốc gia và 70 vùng lãnh thổ.

Đối với các nước láng giềng, chúng ta luôn chủ trương xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hoà bình, hợp tác giữa nhân dân ta với nhân dân các nước có liên quan. Chúng ta đã hoàn thành việc phân giới cắm mốc trên đất liền với Trung Quốc; đang tăng dày và tôn tạo các mốc giới với Lào; triển khai đúng tiến độ việc phân giới cắm mốc trên bộ với Căm-pu-chia. Trên Biển Đông, chúng ta luôn tuân thủ đúng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông; khẳng định rõ rằng: Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và căn cứ lịch sử về chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện chủ quyền của mình trên quần đảo Trường Sa; đồng thời, kiên trì đấu tranh để thực hiện đầy đủ chủ quyền đối với những nơi đang bị nước ngoài chiếm đóng trái phép... Cùng với đó, Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm đến việc củng cố, nâng cao sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, quân đội nhân dân, nhất là những lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trên các vùng biển, đảo, để có đủ sức bảo vệ chủ quyền đất nước trong mọi tình huống.

Vào đầu năm 2011, Đảng ta sẽ tiến hành Đại hội XI. Từ nay đến thời điểm đó, Đảng ta sẽ tập trung hoàn thiện và công bố rộng rãi các văn kiện của đại hội, như: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển), Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2010 – 2020, Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 11 của Đảng để xin ý kiến của nhân dân. Tại Đại hội, Đảng ta sẽ quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, như: tiếp tục công cuộc đổi mới theo con đường XHCN; đẩy mạnh CNH, HĐH; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; chăm lo phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người mới; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh của đất nước; xây dựng Đảng… Đó là những vấn đề cơ bản nhất để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tăng cường đoàn kết, ra sức xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; có Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; có  quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới. Trong quá trình đó, chắc chắn các nhà "dân chủ" sẽ lại tiếp tục gia tăng tần suất các "kiến nghị", "lời khuyên" nhằm chia rẽ Đảng với nhân dân, bác bỏ sự lựa chọn con đường xây dựng CNXH, với hy vọng tạo ra sự phân tâm, dao động trong các tầng lớp nhân dân, thúc đẩy "tự diễn biến" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng để lật đổ chế độ XHCN hiện nay. Đó là điều mà chúng ta đã lường trước, nhưng vẫn rất cần nâng cao cảnh giác.

MINH HIỂN

 

Ý kiến bạn đọc (0)