Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:41 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép từng vạch rõ: chủ nghĩa phát-xít đã bị tiêu diệt cách đây 65 năm, nhưng đến nay vẫn còn những thế lực mưu toan bào chữa cho tội ác của chúng, đánh đồng nạn nhân với bọn giết người, những chiến sĩ giải phóng với bọn chiếm đóng... Ông cũng nhấn mạnh, những mưu toan xem xét lại lịch sử một cách sai lệch như vậy là không thể chấp nhận. Thái độ thờ ơ và lãng quên các bài học lịch sử rốt cuộc sẽ gây nên tai họa và hành động phạm tội.
Ngày 9-5-1945, Hồng quân Liên Xô đã tiến vào giải phóng Béc-lin - dinh lũy cuối cùng của phát-xít Đức - đánh dấu sự kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ 2 ở chính nơi nó xuất phát. Để ghi nhận sự kiện lịch sử trọng đại này, thế giới đã lấy ngày 9 - 5 là Ngày Chiến thắng phát-xít Đức. Từ đó đến nay, hằng năm, cứ vào ngày này, nhân dân thế giới long trọng tổ chức các hoạt động kỷ niệm và hướng về Liên Xô (nay là Liên bang Nga), để tôn vinh chiến thắng vĩ đại và tưởng nhớ, tri ân những chiến sĩ Hồng quân và nhân dân Liên Xô đã chiến đấu anh dũng, hy sinh thân mình để bảo vệ Tổ quốc và giải phóng loài người khỏi thảm họa do chủ nghĩa phát-xít gây ra. Tuy nhiên, hiện nay đang có một số thế lực tìm cách xuyên tạc, bóp méo lịch sử, hòng phủ nhận sự thật đó.
Theo họ, dựa vào một số "chứng cứ" từ "kho tài liệu mật" của Hít-le, "hồi ký" của các bại tướng Đức quốc xã và của các nước phương Tây, thì "quân Đức thua ở Mát-xcơ-va là do khí hậu lạnh giá của nước Nga", "nguyên nhân quyết định chiến thắng phát- xít Đức ở chiến trường châu Âu không thuộc về Liên Xô, mà thuộc về mặt trận thứ hai của liên minh chống phát-xít do Anh - Mỹ đứng đầu", v.v và v.v. Để từ đó, họ mưu toan phủ nhận vai trò quyết định của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ 2.
Thực tiễn lịch sử đã bác bỏ những luận điệu sai trái trên. Chúng ta biết rằng, trong Chiến tranh thế giới thứ 2, sau khi đã thôn tính hầu hết lục địa châu Âu (trong vòng chưa đầy 1 năm), ngày 22 - 6 - 1941, quân đội phát-xít Đức đã bất ngờ mở cuộc tiến công xâm lược Liên Xô (kế hoạch Barbaross), với bộ máy chiến tranh khổng lồ, gồm: 5,5 triệu quân, 190 sư đoàn, 4.950 máy bay chiến đấu, 3.712 xe tăng, 47.260 pháo, cối, hòng tiêu diệt Liên Xô, mở ra "kỷ nguyên thống trị của nước Đức trên trái đất". Trước cuộc tiến công bạo tàn của phát-xít Đức, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Xô-viết, Hồng quân và nhân dân Liên Xô đã tiến hành cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại; nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tính ưu việt của nền khoa học nghệ thuật quân sự Xô-viết, tạo nên sức mạnh áp đảo chiến thắng quân thù. Trong cuộc chiến tranh, hơn 20 triệu chiến sĩ và nhân dân Liên Xô đã anh dũng hy sinh; 7 triệu người đã được thưởng huân chương, huy chương, trong đó có 11 nghìn người được tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Liên Xô. Một nhân tố quan trọng khác góp phần làm nên chiến thắng, đó là những thành tựu mà nhân dân Liên Xô đạt được trong công cuộc xây dựng CNXH. Trong điều kiện chiến tranh khắc nghiệt, nền công nghiệp quốc phòng của Liên Xô được xây dựng trong thời bình đã được động viên cao độ, không chỉ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cuộc chiến tranh giữ nước, mà còn thể hiện rõ tính ưu việt so với nền công nghiệp chiến tranh của Đức quốc xã (mặc dù chúng đã nắm trong tay phần lớn tiềm lực công nghiệp của cả Tây Âu). Nếu tính cả quá trình Chiến tranh thế giới thứ 2, mức sản xuất máy bay, xe tăng và pháo của Liên Xô đã vượt Đức, với tỷ lệ tương ứng là 108.028/104.000; 95.000/65.100; 445.668/256.5001. Cùng với đó, trong lĩnh vực khoa học nghệ thuật quân sự, Liên Xô cũng hơn hẳn so với Đức, thể hiện rõ nét nhất ở khả năng tổ chức và tiến hành chiến tranh; kết hợp chiến tranh nhỏ lẻ rộng khắp với các chiến dịch tác chiến hợp đồng quân chủng, binh chủng quy mô lớn, để tạo ra thế và lực vượt trội, với các bước đột phá trong chiến tranh, đánh bại từng bước, làm thất bại từng phần, tiến tới làm thất bại hoàn toàn mưu đồ xâm lược của kẻ thù. Nếu chiến thắng của chiến dịch Mát-xcơ-va (12-1941) đã đập tan huyền thoại "bách chiến bách thắng" và làm phá sản chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh" của Đức quốc xã, thì chiến thắng của chiến dịch Xta-lin-grát (2-1943) đã tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện của chiến tranh và tiếp đến chiến thắng của chiến dịch Cuốc-xcơ (8-1943) đã buộc quân Đức phải chuyển về phòng ngự, tạo thế để Hồng quân chuyển sang tiến hành phản công chiến lược, giành thắng lợi cuối cùng. Cội nguồn tạo nên sức mạnh của cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chính là nhân tố Đảng và Nhà nước Liên Xô - người lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Hồng quân và nhân dân Liên Xô không chỉ trong xây dựng đất nước, củng cố quốc phòng trong thời bình, mà còn đề ra được đường lối, nghệ thuật tổ chức, tiến hành chiến tranh giữ nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế vô sản, giải phóng các dân tộc khỏi thảm họa diệt chủng của chủ nghĩa phát-xít.
Thắng lợi của nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại là thắng lợi của CNXH đối với chủ nghĩa phát-xít - thế lực phản động nhất của chủ nghĩa đế quốc. Nguồn gốc sức mạnh chiến thắng của nhân dân Liên Xô bắt nguồn từ tính chất ưu việt của CNXH; từ sự nghiệp chính nghĩa bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, bảo vệ hòa bình và tiến bộ của thế giới. Thắng lợi đó, một mặt khẳng định, nó hoàn toàn không phải do các yếu tố ngẫu nhiên, may mắn, hay do hoàn cảnh khách quan quyết định. Mặt khác, nó cũng bác bỏ luận điệu cho rằng, mặt trận thứ hai của liên minh chống phát-xít, do Mỹ - Anh đứng đầu là nhân tố quyết định chiến thắng phát-xít Đức trên chiến trường châu Âu. Bởi lẽ, chúng ta đều biết rằng, nguồn gốc sâu xa và nguyên nhân trực tiếp dẫn tới Chiến tranh thế giới thứ 2 là chính sách gây chiến xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, mà phát-xít Đức là đại diện, nhằm tranh cướp thuộc địa của nhau. Âm mưu gây chiến của phát - xít Đức đe dọa nghiêm trọng lợi ích sống còn của Anh, Pháp, Mỹ. Nhưng các nước này, chẳng những không ngăn chặn mà còn tạo điều kiện để phát - xít Đức tăng cường tiềm lực kinh tế, quân sự, đủ sức để tiêu diệt Liên Xô; rồi cuối cùng, theo tính toán của họ, họ sẽ thanh toán cả nước Đức khi đã bị kiệt quệ vì cuộc chiến tranh chống Liên Xô. Chính Thượng nghị sĩ Mỹ Truman (sau này là Tổng thống Mỹ) khi đó đã nói toạc ra rằng: "Nếu thấy Đức thắng thì ta giúp Nga, nếu thấy Nga thắng thì ta nên giúp Đức, bằng cách ấy để họ chém giết nhau càng dữ dội càng tốt"2. Còn Thủ tướng Anh Sóc-xin thì nói rằng: ông ta muốn "nước Đức nằm dưới mồ, còn nước Nga nằm trên bàn mổ". Xuất phát từ mưu đồ đó, chính phủ Anh, Mỹ lúc bấy giờ đã cố tình trì hoãn cho tới tháng 5 -1944 (chậm 2 năm so với cam kết với Liên Xô), khi thấy thất bại của phát-xít Đức đã rõ ràng, không còn đường nào khác, họ buộc phải mở mặt trận thứ hai ở Tây Âu. Hít-le cũng hiểu và đã tận dụng chính sách "hai mặt" này của Anh, Mỹ để tập trung sức mạnh quân sự xâm lược Liên Xô. Khi liên quân Anh, Mỹ mở mặt trận thứ hai, lực lượng quân Đức ở Tây Âu lúc cao nhất là 107 sư đoàn; còn ở mặt trận phía Đông là 195 sư đoàn. Tổng kết toàn bộ cuộc chiến tranh chống phát - xít Đức, Hồng quân Liên Xô đã tiêu diệt và bắt sống 607 sư đoàn địch (chiếm 80% tổng quân số); trong khi đó, tại các mặt trận Bắc Phi và Tây Âu, tổng thiệt hại của quân Đức chỉ là 176 sư đoàn. Rõ ràng, ngay sau khi phát - xít Đức tiến công Liên Xô, chiến trường Xô - Đức đã trở thành mặt trận chính, quyết định cục diện của cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2. Còn mặt trận thứ hai của liên minh Anh - Mỹ chỉ góp phần làm phân tán lực lượng phát-xít, đẩy nhanh hơn quá trình thất bại của phát-xít Đức. Đánh giá sau chiến tranh, Tổng thống Mỹ Ru-dơ-ven đã phải thừa nhận: "Về phương diện chiến lược lớn, điều đơn giản và rõ ràng là người Nga đã làm cho địch tổn thất về người, vũ khí và quân trang, quân dụng nhiều hơn 25 nước trong khối Đồng minh gộp lại"3.
Cùng với luận điệu lệch lạc trên, một số giới chức phương Tây còn cố tình thổi phồng tác dụng của hai quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hi-rô-xi-ma và Na-ga-xa-ki của Nhật Bản; họ coi đây là nhân tố quyết định sự đầu hàng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật ở châu Á-Thái Bình Dương. Sự thật, việc ném 2 quả bom nguyên tử đó chỉ là cuộc tàn sát hàng chục vạn dân lành Nhật Bản, chứ hoàn toàn không có tác dụng đối với việc kết thúc chiến tranh. Bởi vì, chỉ tới khi đội quân Quan Đông - đội quân chủ lực của Nhật hoàng ở Đông Bắc Trung Quốc bị Liên Xô tiêu diệt, bọn quân phiệt Nhật mới chịu đầu hàng vô điều kiện (9-1945). Nhiều nhà phân tích quốc tế đã chỉ rõ, động cơ của Mỹ trong vụ ném 2 quả bom nguyên tử này là nhằm tranh công với Liên Xô trong việc đánh bại Nhật Bản; đồng thời, nhằm đe dọa Liên Xô và nhân dân thế giới mà thôi.
Rõ ràng, thắng lợi của cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát-xít là chiến công chung của các lực lượng trong Mặt trận Đồng minh chống phát-xít, mà Liên Xô là lực lượng quyết định. Hồng quân và nhân dân Liên Xô đã chiến đấu không chỉ để bảo vệ Tổ quốc XHCN, mà còn vì sự nghiệp giải phóng các dân tộc trên thế giới thoát khỏi thảm họa của chủ nghĩa phát-xít. Các lực lượng hòa bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới đã cùng nhân dân Xô-viết kết thành một trận tuyến rộng lớn và mạnh mẽ đánh bại chủ nghĩa phát-xít. Lịch sử của cuộc chiến tranh chống phát - xít không chỉ là lịch sử của những trận đánh lớn giữa các đội quân hùng mạnh, mà còn là lịch sử đấu tranh kiên cường của hàng trăm triệu quần chúng trên toàn thế giới đấu tranh chống chủ nghĩa phát - xít. Chiến thắng phát - xít của Hồng quân Liên Xô đã tạo điều kiện để nhân dân các nước, trong đó có Trung Quốc, Việt Nam đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Nhật, giải phóng dân tộc khỏi ách chiếm đóng của chủ nghĩa phát - xít.
Mưu toan phủ nhận sự thật lịch sử về chiến thắng vĩ đại và sự đóng góp to lớn của nhân dân Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ 2, thực chất là một bộ phận của chiến lược "Diễn biến hòa bình" phản cách mạng của các thế lực thù địch thời kỳ "hậu Xô-viết", hòng "xóa sạch chủ nghĩa Cộng sản trên toàn thế giới". Những mưu toan thâm độc, nguy hiểm đó, chẳng những không xuyên tạc được sự thật lịch sử, mà còn nhắc nhở loài người phải luôn cảnh giác với mọi âm mưu, thủ đoạn của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch.
ANH VŨ - MINH ĐỨC
________
1- Chiến tranh thế giới thứ hai, Nxb CTQG, H. 2005, tr . 201.
2- Thời báo Niu Y-ooc (Mỹ), ngày 24-6-1941.
3- Thời báo Niu Y-ooc (Mỹ), ngày 20-10-1955.
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011