QPTD -Thứ Ba, 06/12/2011, 23:48 (GMT+7)
Hãy cảnh giác với mọi thủ đoạn và luận điệu xuyên tạc của các \\"nhà dân chủ\\"

Trong dàn "hợp xướng" rùm beng nhằm phủ nhận công cuộc đổi mới, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng hiện nay, vấn đề "chống tham nhũng" đang trở thành tâm điểm, mà ở đó các "nhà dân chủ", các bậc "lo lắng cho vận mệnh của đất nước" đang dùng nhiều thủ đoạn thâm độc xuyên tạc, vu khống Đảng Cộng sản Việt Nam. Cùng với việc coi trọng mũi tiến công đó, họ liên tục bài bác, phủ nhận đường lối đổi mới của Đảng, xuyên tạc vai trò kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế thị trường (KTTT) định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) nhằm làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, đối với công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

1- Với mục đích chính trị thâm độc, họ sử dụng nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi nhằm đi đến hạ bệ vai trò lãnh đạo của Đảng. Họ triệt để lợi dụng những cán bộ, đảng viên đã thoái hóa, biến chất, những kẻ cơ hội về chính trị làm cái loa tuyên truyền; xuyên tạc ý kiến cán bộ lão thành của Đảng, Nhà nước, quân đội để phục vụ ý đồ thâm độc của mình. Mượn sự bất mãn, "bất đồng chính kiến" của một số người để chứng minh rằng đường lối của Đảng, chế độ XHCN không được nhân dân ta đồng tình ủng hộ; lấy chuyện một số cán bộ, đảng viên yếu về phẩm chất, năng lực, tham nhũng, tiêu cực thổi phồng lên rằng Đảng đã thoái hóa biến chất, không đủ trình độ, không còn tư cách lãnh đạo đất nước.
Để tiến công vào sâu trong nội bộ của Đảng, họ tập trung mũi nhọn vào những điểm yếu của một số cán bộ, đảng viên, từ đó trực tiếp phá hoại về chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng. Đó là những người, do trình độ lý luận và năng lực thực tiễn hạn chế, trước những diễn biến phức tạp của tình hình, đã không nắm bắt được những vấn đề cốt lõi để có định hướng đúng đắn, dẫn đến làm sai đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vi phạm quyền dân chủ, làm tổn hại đến lợi ích của người lao động, gây dư luận xấu trong các địa phương, đơn vị. Lợi dụng tình hình này, họ tuyên truyền, xuyên tạc, cho rằng Đảng ta bất tài, cán bộ năng lực kém, mất dân chủ, không xứng đáng với vai trò lãnh đạo đất nước. Đặc biệt, họ tập trung khoét sâu vào căn bệnh tham nhũng, nhằm dựng lên bức tranh xám xịt về xã hội ta, để hạ thấp uy tín của Đảng. Những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền thoái hóa biến chất, tham nhũng, hối lộ, bất chấp kỷ luật của Đảng, pháp luật Nhà nước làm giàu bất chính... được họ triệt để lợi dụng.
Trong những năm qua, Đảng ta đã kiên quyết đấu tranh loại bỏ những cán bộ, đảng viên biến chất, tham nhũng, chạy chức, chạy quyền, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Đảng. Đây là hệ quả tất yếu của cuộc đấu tranh không khoan nhượng vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, trước những yêu cầu đòi hỏi bức thiết của nhân dân và của dân tộc. Sự trong sạch bộ máy của Đảng có ý nghĩa quyết định đến sinh mệnh chính trị, đến hiệu quả mọi mặt hoạt động của Đảng. Đảng ta nhận thức được sự nguy hại và tính chất phức tạp của tệ nạn tham nhũng, coi đó là thứ "giặc nội xâm", nếu không chiến thắng nó thì sự nghiệp đổi mới khó đi đến thành công. Qua hai nhiệm kỳ đại hội gần đây, Đảng xác định tham nhũng, tiêu cực là một trong bốn nguy cơ của chế độ. Đảng kiên quyết tuyên chiến với nạn tham nhũng, hối lộ; Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII và gần đây là Luật Phòng, chống tham nhũng đã được Quốc hội thông qua đã thể hiện thái độ  kiên quyết của Đảng và Nhà nước ta. Đảng yêu cầu các cấp, các ngành, các cơ quan bảo vệ pháp luật phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục, đồng thời xử lý nghiêm những kẻ vi phạm với các hình thức thích đáng, từ kỷ luật hành chính, đến cách chức, bỏ tù, tịch thu tài sản, thậm chí phải chịu mức án cao nhất nếu gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Với vụ án PMU18, một số người liên quan là cán bộ cao cấp của Đảng, mặc dù vào thời điểm gần Đại hội X, nhưng Đảng, Nhà nước đã kiên quyết chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật tiến hành điều tra làm rõ mọi sai phạm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân thấy rõ bộ mặt của những kẻ đục khoét, phá hoại tiền của của nhân dân. Các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng đều có thái độ kiên quyết và yêu cầu phải xử lý đúng người, đúng tội theo luật định. Đảng ta rút ra bài học đắt giá trong quản lý Nhà nước, về công tác xây dựng Đảng, về lựa chọn, sử dụng, giám sát cán bộ, về sự bao che, nể nang đối với các vấn đề tiêu cực, về những tai hại của bệnh quan liêu... Trước tình hình đó, những người chống đối mưu toan đẩy vụ việc lên thành "trận động đất" hòng làm lung lay vị thế của Đảng ta, hoặc chí ít thì cũng thành "bóng mây phủ đen Đại hội X" của Đảng. Còn nhân dân ta, với kinh nghiệm của mình, vẫn bình tĩnh, sáng suốt nhận chân giá trị: đâu là những kẻ cặn bã; đâu là đông đảo cán bộ, đảng viên của Đảng đang lao động sáng tạo, chiến đấu quên mình cùng nhân dân cả nước làm nên những thành tựu của 20 năm đổi mới vừa qua. Nhân dân hết sức đồng tình và tin tưởng các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ sớm làm rõ mọi sai trái để đưa bọn sâu mọt ra trước vành móng ngựa. Bạn bè quốc tế, các nhà đầu tư đánh giá đúng và ủng hộ thái độ kiên quyết chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta.
2- Trong toàn bộ kịch bản chống phá CNXH, các thế lực thù địch tập trung vào điểm mấu chốt nhất là đường lối của Đảng, từ đường lối chung đến những vấn đề cụ thể về phát triển kinh tế- xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh, trong đó trọng tâm là đường lối phát triển kinh tế. Trước hết, họ đòi phải xóa bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước. Với lý do, đã chuyển sang KTTT, tức là nền kinh tế đã vận động theo các quy luật vốn có của nó thì cần gì phải có ai giữ vai trò chủ đạo! Có thể nói đây là một mũi tên hiểm độc nhằm tới hai mục tiêu: vừa làm suy yếu để đi tới xóa bỏ kinh tế Nhà nước, phục vụ cho mưu đồ tư nhân hóa toàn bộ nền kinh tế, tạo cơ sở cho việc tự diễn biến chuyển hóa sang chế độ TBCN; vừa làm chệch hướng XHCN nền KTTT của ta. Đúng là, khi chuyển đổi sang nền KTTT định hướng XHCN, các thành phần kinh tế tự do cạnh tranh phát triển theo quy luật và theo quy định của pháp luật. Nhưng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nếu kinh tế Nhà nước không giữ vai trò chủ đạo thì nền kinh tế sẽ vận động theo hướng khác, chứ không thể phát triển theo định hướng XHCN. Hơn nữa, trong điều kiện đất nước tham gia hội nhập kinh tế thế giới, thử hỏi, nếu không có kinh tế Nhà nước đủ mạnh, điều tiết, hỗ trợ thì các thành phần kinh tế khác có thể vươn lên trong hợp tác cạnh tranh với các đối tác nước ngoài được không?
Trong nền KTTT định hướng XHCN có nhiều thành phần kinh tế, kinh tế Nhà nước nhất thiết phải nắm giữ vai trò chủ đạo ở những lĩnh vực then chốt, có ý nghĩa quyết định nhất. Không một đất nước nào có thể buông lỏng vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, vì nó là cơ sở trực tiếp của chế độ xã hội và nó luôn thể hiện sự định hướng, sự hỗ trợ và điều tiết đối với toàn bộ nền kinh tế. Trong quá trình phát triển KTTT định hướng XHCN, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để mọi thành phần kinh tế bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh cùng phát triển trên mọi lĩnh vực, mọi địa bàn, mọi điều kiện. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, nhất là lợi nhuận, trong thực tế ít có doanh nghiệp tư nhân nào đầu tư vào những lĩnh vực, những ngành nghề có ý nghĩa quan trọng, nhưng có nhiều rủi ro và lợi nhuận thấp, điều kiện khó khăn. Thử hỏi, ai là người chịu bỏ vốn đầu tư vào các lĩnh vực cơ sở hạ tầng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa - lĩnh vực đòi hỏi vốn nhiều, lãi thấp, thời gian thu hồi chậm, nếu không phải là khu vực kinh tế Nhà nước? Ngoài các doanh nghiệp quốc phòng, khu kinh tế- quốc phòng ra, có doanh nghiệp tư nhân nào bỏ vốn đầu tư phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhân dân ở các địa bàn biên giới, hải đảo- nơi có ý nghĩa chiến lược về quốc phòng- an ninh bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước hơn là kinh tế. Không những thế, khu vực kinh tế Nhà nước cũng là lực lượng chủ lực bảo đảm cho nền kinh tế đất nước ổn định khi các "cơn sốt", "cơn bão" về tài chính, về giá cả nổi lên; khu vực này cũng là lực lượng chủ yếu trong khắc phục thiên tai, cứu nạn, cứu hộ... Rõ ràng, với khả năng của mình, kinh tế Nhà nước có vai trò quyết định trong giữ vững định hướng XHCN; là chỗ dựa đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như hội nhập kinh tế quốc tế thắng lợi.
Tuy nhiên, đồng thời với việc coi trọng vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước, Đảng ta không xem nhẹ vai trò của các thành phần kinh tế khác. Các thành phần kinh tế được đặt trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ thống nhất, không biệt lập và tách rời với kinh tế Nhà nước ở tất cả các giai đoạn phát triển, đều là những thành phần không thể thiếu của nền KTTT định hướng XHCN. Trong quá trình phát triển, tất cả các thành phần kinh tế đều được khuyến khích phát triển, hợp tác và cạnh tranh, được đối xử bình đẳng trước pháp luật.
3- Đảng ta khẳng định, đổi mới là vấn đề sống còn của đất nước, của chế độ, bởi vậy công cuộc đổi mới phải được tiến hành toàn diện, sâu sắc, chứ không thể chỉ "đổi mới nửa vời" hay chỉ đổi mới "trong lĩnh vực kinh tế", như những người chống đối xuyên tạc. Sự nghiệp đổi mới 20 năm qua của nhân dân ta được tiến hành trên khắp các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh; cả trong đối nội và đối ngoại; bởi vậy đã thu được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
Cùng với những bước tiến về kinh tế, 20 năm qua hệ thống chính trị đã có những đổi mới mạnh mẽ, nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn nền dân chủ XHCN, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân và phát triển kinh tế- xã hội, đẩy mạnh CNH, HĐH. Đổi mới hệ thống chính trị được tiến hành từng bước và dựa trên thành quả cụ thể của đổi mới kinh tế, nhằm bảo đảm ổn định đất nước, tạo ra tiền đề quyết định nội dung, hình thức và bước đi thích hợp cho sự phát triển của đất nước, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đổi mới hệ thống chính trị là một quá trình phức tạp, đòi hỏi phải có những bước đi đúng đắn, vững chắc, phải xác định bắt đầu từ đâu, giải quyết những vấn đề gì là cấp bách  nhất; nó không cho phép vội vàng, thiếu chín chắn, vì có thể dẫn đến những đảo lộn không thể lường trước được. Bởi vậy, quá trình đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta không diễn ra như ở Liên Xô và các nước Đông Âu; mà ngược lại chế độ XHCN vẫn được giữ vững, đất nước không rối loạn, vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, quyền dân chủ của nhân dân càng được củng cố... Đây là điều hoàn toàn trái ngược với mong đợi của các "nhà dân chủ", nên họ không thể chấp nhận, càng công kích, xuyên tạc, chống phá...
Đảng ta luôn nhận thức được rằng, để giữ vững vai trò lãnh đạo, Đảng phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn, xây dựng mình thật sự trong sạch, vững mạnh, tự phấn đấu vươn lên ngang tầm đòi hỏi yêu cầu nhiệm vụ. Nhưng đổi mới không phải là sự đổi hướng sang con đường TBCN. Chúng ta vẫn kiên định con đường XHCN; kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định, nhưng không bảo thủ, giáo điều rập khuôn, máy móc, mà luôn nhận thức lại một cách đúng đắn, phát triển sáng tạo nó phù hợp với điều kiện lịch sử mới. Điều cần nhấn mạnh ở đây, chính trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ thực tiễn của đất nước và kinh nghiệm tham khảo của các nước khác, Đảng ta đã đề ra đường lối đổi mới đúng đắn để lãnh đạo nhân dân ta tiến hành công cuộc đổi mới. Đường lối đó đã phát huy được nội lực của đất nước, khai thác được tiềm năng, thế mạnh, giải phóng sức sản xuất để phát triển đất nước; đồng thời bảo đảm cho nước ta từng bước hội nhập khu vực và quốc tế. Tham gia vào công cuộc đổi mới, mọi chủ thể kinh tế được phát huy tài năng, sức sáng tạo để làm giàu, tăng thêm nguồn của cải xây dựng đất nước. Đường lối đổi mới được nhân dân đồng tình ủng hộ, được bạn bè quốc tế ca ngợi, bởi lẽ nó thực sự đem lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân, góp phần giữ vững hòa bình, ổn định ở khu vực và quốc tế. Đương nhiên, các "nhà dân chủ", những người mưu toan xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, không muốn cho đất nước ta phát triển theo con đường XHCN, sẽ tìm mọi cách xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận đường lối đổi mới đúng đắn đó của Đảng ta.
 
TS. Nguyễn Viết Hiển
 

Ý kiến bạn đọc (0)