QPTD -Thứ Tư, 10/08/2011, 23:15 (GMT+7)
Hành vi chống Nhà nước cần phải được xử lý nghiêm minh

Ngày 13-6-2009, cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã bắt, khám xét khẩn cấp Lê Công Định tại văn phòng Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lê Công Định, do ông ta làm Trưởng văn phòng. Việc bắt và khám xét đã diễn ra theo đúng trình tự, thủ tục của pháp luật.

Qua các tài liệu và chứng cứ thu được, cũng như khai nhận bước đầu của Lê Công Định cho thấy: Định đã có những hoạt động mang tính hệ thống, nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Liên tục từ năm 2005 đến nay, Định đã viết nhiều bài báo, biên soạn hàng chục tài liệu đăng tải ở nước ngoài, công khai xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta; kêu gọi "thay đổi chế độ" do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; lợi dụng các vấn đề mà xã hội đang quan tâm để kích động chống Đảng, Nhà nước; bôi nhọ một số lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Sau một số lần sang Mỹ, Lê Công Định đã quan hệ với một số đối tượng cầm đầu, cốt cán của các tổ chức phản động lưu vong (như Hà Đông Tiến của tổ chức khủng bố "Việt Nam canh tân cách mạng đảng" - gọi tắt là "Việt Tân"; Phạm Nam Định của tổ chức "Họp mặt dân chủ"; Đoàn Viết Hoạt của nhóm "Viễn tượng Việt Nam"). Trong bản tường trình mới nhất gửi cơ quan An ninh điều tra, Lê Công Định khai nhận, cuối tháng 2-2009, Định đã sang Thái Lan tham dự khóa huấn luyện về phương thức hoạt động lật đổ Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do "Việt Tân" tổ chức. Thực chất khóa huấn luyện này là hướng dẫn học viên cách thức tổ chức biểu tình, bạo loạn lật đổ theo phương thức "cách mạng màu" như đã từng diễn ra tại một số nước. Lê Công Định cũng đã được tổ chức "Việt Tân" cử vào cái gọi là "Ủy ban pháp luật" với nhiệm vụ trực tiếp tham gia soạn thảo "Tân Hiến pháp" gồm 9 chương 106 điều để chuẩn bị cho chính quyền mới sau khi lật đổ chính quyền hiện nay của Việt Nam.

Về việc tham gia cái gọi là tổ chức "Đảng Dân chủ Việt Nam" - một tổ chức chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam - Lê Công Định khai rõ: "Theo sự giới thiệu của ông Nguyễn Tiến Trung (một kẻ chống đối ở thành phố Hồ Chí Minh - MT), tôi đã tham gia tổ chức Đảng Dân chủ Việt Nam do ông Nguyễn Sĩ Bình - Chủ tịch Đảng Nhân dân hành động - đứng đầu. Ông Bình mời tôi tham gia ban Thường vụ của Đảng Dân chủ". Định đã đi Mỹ nhiều lần để gặp Nguyễn Sĩ Bình, trực tiếp bàn bạc và xây dựng kế hoạch gây "biến động chính trị" tại Việt Nam vào năm 2010. Định cũng đã được Nguyễn Sĩ Bình cử vào "Ban Thường vụ" của "Đảng Dân chủ Việt Nam" và được giao tham gia biên soạn cuốn sách mang tính chất cương lĩnh hành động của tổ chức này, với tên gọi là "Con đường Việt Nam". Ngày 26-3-2009, Định sang Thái Lan gặp Nguyễn Sĩ Bình và Trần Huỳnh Duy Thức để bàn về tình hình kinh tế, chính trị Việt Nam; trong đó, Định được phân công lập "Đảng Lao động Việt Nam" ở trong nước để phối hợp với "Đảng Dân chủ Việt Nam" của Nguyễn Sĩ Bình, nhằm tập hợp lực lượng tiến hành hoạt động lật đổ Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Trở về nước, theo sự chỉ đạo của Bình, Định đã cùng một số đối tượng chống đối khác lập ra Blog và viết lời tuyên cáo thành lập cái gọi là "Đảng Lao động Việt Nam", tự phong mình làm "Chủ tịch" đảng. Định đã cùng với Nguyễn Sĩ Bình, Trần Huỳnh Duy Thức lập ra một hộp thư điện tử dùng chung, như một "hộp thư chết" trên mạng Internet để làm nơi trao đổi tài liệu, thông tin. Qua đó, Định thường xuyên liên lạc với Nguyễn Sĩ Bình (ở Mỹ) để bàn thảo về mục tiêu, kế hoạch lật đổ chính quyền nhân dân bằng phương thức "đánh từ ngoài vào trong để gây rối loạn lớn ở trong nước" - như thú nhận của Định.

Qua các tài liệu mà cơ quan An ninh điều tra thu được từ máy tính xách tay của Lê Công Định, thì Định đã cùng với Nguyễn Sĩ Bình vạch ra "con đường" lật đổ Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tập trung vào các việc:

- Xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ trong xây dựng và phát triển kinh tế, nhằm gây sự hoài nghi và làm giảm lòng tin của nhân dân vào sự điều hành của Chính phủ.

- Biên soạn tài liệu theo kiểu bịa đặt; viết báo, lập các trang Blog bôi nhọ, vu cáo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ nhằm gây mất đoàn kết nội bộ ở các cơ quan lãnh đạo cao nhất.

- Thành lập các tổ chức chính trị đối lập, liên kết với các tổ chức phản động nước ngoài và được sự ủng hộ, giật dây của các cơ quan đặc biệt một số nước phương Tây để tập hợp lực lượng chống đối, tạo nên sự "đa nguyên" chính trị ở trong nước, hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Rõ ràng, những hành vi của Lê Công Định là sự vi phạm pháp luật Việt Nam một cách có hệ thống; thể hiện rõ các hành vi cấu kết với bọn cầm đầu phản động ở nước ngoài để hòng lật đổ Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Căn cứ theo các chứng cứ, tài liệu mà cơ quan Điều tra thu thập được, thì hành vi của Lê Công Định đã phạm vào Điều 88 Bộ Luật Hình sự của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Điều luật này quy định rõ khung hình phạt: "Người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 - 12 năm. Trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 - 20 năm". Với những chứng cứ thu được, là một luật sư, khi bị bắt giữ, Lê Công Định đã nhận biết ngay hành vi vi phạm pháp luật của mình và nhận tội với cơ quan Điều tra. Trong bản tường trình ngày 17-6-2009, Định đã thừa nhận: "Tôi thấy những việc làm trên của tôi đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Tôi rất ân hận với những hành vi sai trái của mình. Tôi mong được Nhà nước xem xét cho tôi hưởng lượng khoan hồng".

Sau khi những hành vi sai trái của Định bị phơi bày ra ánh sáng, dư luận chung trong các tầng lớp nhân dân đều phẫn nộ, lên án hành vi vi phạm pháp luật của Định và mong các cơ quan chức năng xử lý nghiêm Lê Công Định theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam; kiên quyết không để cho những phần tử như Định tiến hành các hoạt động sai trái hòng lật đổ Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam - Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định xóa tên Lê Công Định ra khỏi danh sách Đoàn Luật sư Thành phố vì đã có hành vi vi phạm pháp luật, đã bị cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an khởi tố và bắt tạm giam; vi phạm điểm g, khoản 1, Điều 9 Luật Luật sư; Điều 1 và Điều 2 Quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư, làm phương hại đến uy tín, danh dự của giới trí thức luật Thành phố.

Ấy thế mà, chỉ ít ngày sau khi Định bị bắt, một số tổ chức, một số người, do thiếu thông tin hoặc cố tình phớt lờ sự thật, đã lớn tiếng bênh vực cho Định một cách vô lối. Các tổ chức: Ân xá Quốc tế, Phóng viên không biên giới và Tổ chức Theo dõi nhân quyền đã "tỏ ra quan ngại sâu sắc" và kêu gọi "Chính phủ Việt Nam thả luật sư Lê Công Định ngay lập tức và vô điều kiện"; vì rằng, theo họ, "Ai cũng có quyền có ý kiến và thể hiện ý kiến trước công chúng một cách hòa bình, ngay cả trong trường hợp các ý kiến đó chỉ trích chính quyền". Rằng, "Lê Công Định chỉ bày tỏ chính kiến chứ không có ý gì  khác". Sao vậy nhỉ? Lẽ nào người ta không hiểu rằng, lời lẽ và việc làm của Định là sự chống đối quá rõ ràng đối với chế độ, Nhà nước Việt Nam? Bản thân Định cũng thừa nhận "Việt Tân" là tổ chức khủng bố, âm mưu chống phá Nhà nước Việt Nam, nhưng Định vẫn tham gia khóa huấn luyện của tổ chức này. Trong bản tường trình gần đây, Định đã viết: "Tôi biết Việt Tân là tổ chức khủng bố đã huấn luyện cho một số người Việt Nam về đấu tranh bất bạo động ở Việt Nam". Thế nên, những lý lẽ cho rằng Lê Công Định bị bắt khi chỉ "bày tỏ chính kiến của mình một cách hòa bình" và "không thể bắt bất kỳ cá nhân nào vì bày tỏ quyền tự do ngôn luận" là cố tình không hiểu vụ việc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Trưởng các cơ quan đại diện ngoại giao của EU tại Việt Nam đã có những phát biểu không phù hợp với thực tế. Họ dựa trên cơ sở những thông tin sai lệch để bày tỏ sự "quan ngại sâu sắc" và yêu cầu Việt Nam phải thả ngay Lê Công Định; vì cho rằng, việc bắt Định đã "đi ngược lại với cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền". Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bác bỏ hoàn toàn đòi hỏi vô lý của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao của EU tại Việt Nam; bởi đây không phải là vấn đề nhân quyền, mà là vấn đề phạm tội hình sự của Lê Công Định. Chứng cứ phạm tội của Định là quá đầy đủ, quá rõ ràng. Bản thân Định, trong các bản tường trình của mình cũng đã nhận tội. Chỉ riêng điều đó đủ nói lên rằng: việc bắt Định là đúng người, đúng tội. Không thể "lập lờ đánh lận con đen", không thể núp dưới chiêu bài "nhân quyền" để bao che, bênh vực cho những hành vi chống phá Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam của Lê Công Định. Tuyên bố đòi thả Lê Công Định vô điều kiện là sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam, đi ngược lại những cam kết về tôn trọng chủ quyền quốc gia, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Luật pháp của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là rất rõ ràng: mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Bất kỳ ai, dù ở cương vị nào, nếu vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật. Hơn nữa, Lê Công Định là một luật sư được Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đào tạo, cho đi tu nghiệp ở nước ngoài và khi về nước, được Nhà nước tạo điều kiện cho hành nghề; đã từng là Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh, rất am hiểu pháp luật, hoàn toàn ý thức được hành vi của mình, lại cố tình câu kết với các phần tử, các tổ chức khủng bố, phản động lưu vong để chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, thì nhất quyết phải bị xử lý nghiêm minh.

MINH THUẬN

 

Ý kiến bạn đọc (0)