QPTD -Thứ Tư, 30/11/2011, 00:20 (GMT+7)
Hải quân nhân dân Việt Nam học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ chủ quyền vùng biển, hải đảo
Trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam (HQNDVN) đã ba lần vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm vào những năm 1959, 1961 và 1962. Những lần về thăm, Bác đều quan tâm đến phương hướng xây dựng Quân chủng. Bác chỉ rõ: xây dựng Hải quân phải trên cơ sở học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại; đồng thời, kế thừa và vận dụng sáng tạo truyền thống đánh giặc của cha ông; phải thể hiện tính đặc thù của HQNDVN cả về biên chế, tổ chức cũng như cách đánh; việc học tập các nước anh em là đúng, nhưng phải biết vận dụng vào điều kiện nước ta sao cho thích hợp. Bác nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ Hải quân phải yêu đảo như nhà mình; phải chịu khó cải tạo, xây dựng đảo thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có ích cho đất nước. Bác dạy: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”... Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Bộ đội Hải quân thể hiện tư tưởng lớn về biển, về xây dựng sức mạnh trên biển. Bác khẳng định chủ quyền của Tổ quốc ta bao gồm cả vùng đất, vùng trời, vùng biển; khẳng định vị trí chiến lược của biển nước ta cả về kinh tế và quốc phòng; về nhiệm vụ giữ biển của toàn quân, toàn dân ta, trong đó HQNDVN là lực lượng nòng cốt.

Thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Bác, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, HQNDVN tuy còn non trẻ, mới có một số trang bị thô sơ, nửa hiện đại, song ngay từ ngày đầu thử lửa, đã phát huy sức mạnh của yếu tố chính trị-tinh thần, hiệp đồng chặt chẽ với Bộ đội Phòng không, dân quân, tự vệ các địa phương ven biển, mưu trí, anh dũng, sáng tạo, lập nên chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5 tháng 8 năm 1964: đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc của Hải quân Mỹ ra khỏi vùng biển của Tổ quốc; bắn rơi 8 máy bay hiện đại của chúng và bắn bị thương nhiều chiếc khác. Từ trận đầu đánh thắng đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, với vai trò nòng cốt trong chiến tranh nhân dân trên biển, HQNDVN đã hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị lực lượng vũ trang khác và nhân dân các địa phương ven biển, sáng tạo nhiều phương thức hoạt động độc đáo, cách đánh phù hợp với điều kiện, con người, dân tộc Việt Nam; đánh chìm, đánh bị thương nhiều tàu địch, bắn rơi nhiều máy bay, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, phá phong tỏa bằng đường biển của địch; mở “đường Hồ Chí Minh trên Biển Đông”, chi viện đắc lực cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ; giải phóng quần đảo Trường Sa, nhiều đảo ven biển miền Trung và Tây Nam... Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, trước yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, HQNDVN đã nêu cao vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân trên biển, giúp đỡ các ngành kinh tế biển và các địa phương ven biển xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ biển. Bảo vệ có hiệu quả công việc thăm dò, khai thác tài nguyên, sự đi lại làm ăn của nhân dân ta trên biển; bảo vệ nguồn lợi biển và tham gia làm kinh tế biển, thực hiện quốc phòng kết hợp với kinh tế. Đồng thời, đã ngăn chặn có hiệu quả các hành động lấn chiếm, xâm phạm chủ quyền vùng biển, hải đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; kiên cường bám biển, bám đảo, từng bước hoàn chỉnh thế bố trí phòng thủ ở những địa bàn ven biển trọng yếu và trên tuyến đảo, nhất là thế đứng ở Trường Sa và Biển Đông.

Trong giai đoạn hiện nay, nhiệm vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc có những phát triển mới. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định: chúng ta phải bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển; phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh, khoa học-công nghệ và bảo vệ môi trường biển; phấn đấu đến năm 2020 nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển. Để góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương chiến lược đó, HQNDVN phải khắc sâu hơn nữa những lời dạy của Bác, tích cực xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, đủ khả năng làm nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển. Muốn vậy, Quân chủng phải tập trung giải quyết tốt các vấn đề chủ yếu sau:
Tập trung mọi nỗ lực nâng cao chất lượng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của HQNDVN. Đây là nhiệm vụ hàng đầu trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện và là nhân tố quyết định trực tiếp tới sự trưởng thành của Quân chủng. Nhiệm vụ này càng trở nên quan trọng hơn khi các thế lực thù địch trong và ngoài nước đang đẩy mạnh chống phá ta trên nhiều lĩnh vực, nhất là về chính trị, tư tưởng; tranh chấp chủ quyền trên các vùng biển, đảo của ta ở Biển Đông vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, khó lường. Đứng trước tình hình và những yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra, công tác chính trị, tư tưởng trong Quân chủng đã bám sát từng đối tượng, tích cực giáo dục nâng cao nhận thức chính trị và năng lực hoàn thành nhiệm vụ. Bằng những thông tin nhiều chiều, có định hướng, công tác tư tưởng đã phân tích làm rõ tính chất phức tạp, quyết liệt của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, tính chất đan xen, phức tạp giữa thời cơ và thách thức trong thời kỳ đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi nước ta đã là thành viên của WTO; tính chất phức tạp, quyết liệt của cuộc đấu tranh bảo vệ vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Đồng thời, phân tích, đánh giá hết những thuận lợi, khó khăn, dự kiến chiều hướng phát triển cả về tư tưởng và tổ chức, tạo sự thông suốt về nhiệm vụ trong toàn Quân chủng. Hiện tại, công tác chính trị, tư tưởng đang hướng trọng tâm vào tuyên truyền, giáo dục bộ đội thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Quân chủng trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, với 5 nội dung chủ yếu : yêu nước gắn với yêu biển, tàu, đảo, đài trạm, gắn bó với đơn vị; vượt mọi khó khăn, đoàn kết, chủ động, sáng tạo trong chiến đấu, huấn luyện, học tập, lao động sản xuất, quản lý tốt vùng biển; thực hiện tốt dân chủ, kỷ luật, có lối sống lành mạnh, tiết kiệm; gắn bó với nhân dân, giúp đỡ nhân dân, nêu cao phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ-Chiến sĩ Hải quân” trong thời kỳ mới; quan hệ quốc tế trong sáng, xây dựng vùng biển hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển. Cùng với đó, Quân chủng đã xây dựng và đang từng bước triển khai có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; tích cực bồi dưỡng nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về vị trí, lợi ích, tiềm năng của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới; về luật pháp và tập quán quốc tế về biển, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta... Thực hiện tốt những nội dung trên sẽ trực tiếp góp phần xây dựng cho bộ đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm chiến đấu, ý thức cảnh giác chính trị cao; nhạy bén, sắc sảo nắm bắt và giải quyết tốt những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống; kiên quyết trong thực hiện nhiệm vụ được giao; tỉnh táo để xử lý chuẩn xác những tình huống phức tạp trên biển, đảo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với mọi tình huống, không để bị bất ngờ. 
Đi đôi với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, Quân chủng đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng các cấp. Tập trung xây dựng chi bộ đại đội, tàu, đảo, cụm chiến đấu có chi ủy và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Tổ chức rút kinh nghiệm xây dựng chi bộ ở 7/7 loại hình đơn vị (tàu, đảo, trạm nghiên cứu khoa học, hải quân đánh bộ, hoạt động độc lập, quản lý nhiều cơ sở vật chất quý hiếm và đơn vị có nhiều cán bộ chủ trì trung cao cấp), từ đó phổ biến, nhân rộng điển hình trong toàn Quân chủng. Tăng cường giáo dục, bồi dưỡng đi đôi với quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực và hiệu quả công tác. Thực hiện tốt việc cụ thể hóa tiêu chuẩn cán bộ các cấp, các ngành, các loại hình đơn vị và bồi dưỡng cán bộ theo phân cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng Quân chủng.
Nâng cao chất lượng giáo dục, huấn luyện, trình độ sẵn sàng chiến đấu, khả năng chiến đấu của HQNDVN để chủ động đối phó có hiệu quả với mọi tình huống xảy ra trên biển, đảo. Thực hiện đúng phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu, bám sát vào đối tượng tác chiến, thực tiễn chiến đấu, yêu cầu nhiệm vụ và phương án tác chiến của các lực lượng tàu, đảo, phòng thủ căn cứ, phù hợp với tổ chức biên chế, trang bị hiện có, cách đánh truyền thống của HQNDVN. Chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện cán bộ các cấp, nhất là huấn luyện chỉ huy-cơ quan; huấn luyện cho cán bộ giỏi về kỹ thuật và năng lực chuyên môn, giỏi về tổ chức phương pháp huấn luyện và giỏi trong lãnh đạo, chỉ huy, quản lý đơn vị. Với đối tượng chiến sĩ, chú trọng huấn luyện “cơ bản” để bộ đội nắm chắc, nắm sâu về chuyên môn kỹ thuật, làm chủ vũ khí, trang bị; nâng cao chất lượng các bài bắn đạn thật (súng, pháo) cả trên tàu và trên bờ. Về huấn luyện phân đội, chú trọng nâng cao khả năng hiệp đồng giữa các đơn vị trong Cụm lực lượng Hải quân, trên cơ sở đó từng bước hoàn thiện hiệp đồng chiến đấu giữa các lực lượng trong Quân chủng, giữa lực lượng của Quân chủng với lực lượng của các quân khu, quân chủng, binh chủng khác và lực lượng vũ trang địa phương. Tăng cường huấn luyện, diễn tập thực nghiệm, bổ sung hoàn chỉnh các phương án chiến đấu, phương án phòng chống cháy, nổ, cứu hộ-cứu nạn. Kết hợp huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị, truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu, nhất là kinh nghiệm đánh thắng trận đầu và truyền thống “chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng” của HQNDVN; xây dựng cho bộ đội niềm tin, tinh thần dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng địch trong mọi tình huống.
Tiếp tục củng cố, hoàn thiện tổ chức lực lượng, trang bị và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Hải quân trong tình hình mới. Thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo về xây dựng lực lượng của Bộ Quốc phòng; kế hoạch xây dựng HQNDVN đến năm 2010 và những năm tiếp theo. Tiếp tục chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức lực lượng theo hướng tinh, gọn, mạnh, linh hoạt, cơ động nhanh, có cơ cấu đồng bộ, cân đối, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Tập trung xây dựng, củng cố các Vùng Hải quân mạnh làm chỗ dựa vững chắc, “cầu nối” giữa đất liền và biển, đảo, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biển, đảo trong thời bình và bảo đảm kỹ thuật, hậu cần cho Hải quân trong thời chiến. Phấn đấu nỗ lực xây dựng lực lượng cơ động của Quân chủng đủ mạnh, trước mắt là lực lượng tàu mặt nước, tàu ngầm, không quân hải quân, hải quân đánh bộ... Tăng cường các phương tiện hiện đại để nắm tình hình và thông tin báo động trên biển. Đầu tư thích đáng cho các cơ sở công nghiệp, cơ sở bảo đảm hậu cần-kỹ thuật Hải quân trên bờ và trên biển, đảo. Khai thác sử dụng, tận dụng tối đa các phương tiện, vũ khí, trang bị hiện có để bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học-công nghệ mới nhất để từng bước phát triển vũ khí, trang bị theo hướng công nghệ cao. Củng cố và phát triển quan hệ hợp tác kỹ thuật giữa Hải quân với các ngành công nghiệp biển khác ở trong nước và quốc tế để giải quyết trang bị, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của Hải quân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới.
Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình
Chính ủy Quân chủng Hải quân
 

Ý kiến bạn đọc (0)