Thứ Năm, 01/05/2025, 11:25 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Những năm qua, quán triệt các quan điểm và đường lối đổi mới của Đảng, nhất là sau 10 năm tái lập Tỉnh (1-1-1997), Đảng bộ và nhân dân Hải Dương đã nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vượt lên thực hiện tốt công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), củng cố quốc phòng - an ninh (QP-AN), xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XII và XIII, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương đã triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội đề ra. Kinh tế liên tục tăng trưởng ở mức cao và đi dần vào thế ổn định. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2006 tăng gấp hơn 2,3 lần năm 1997, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân (1997 - 2006) đạt 10% năm. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ngày càng chuyển dịch rõ nét, theo hướng CNH, HĐH. Nếu như năm 1997, cơ cấu kinh tế của Tỉnh: Nông nghiệp 41,8%; Công nghiệp 33,9% và Dịch vụ 24,3%; Cơ cấu lao động làm nông nghiệp 82,4%; Công nghiệp 9,6% và Dịch vụ 8%; thu nhập bình quân đầu người 3 triệu đồng, thì hết năm 2006, cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch tương ứng là: Nông nghiệp 26,9%, Công nghiệp 43,7% và dịch vụ 14%; Cơ cấu lao động là nông nghiệp 67,5%, công nghiệp 18,2% và dịch vụ là 14,3%; thu nhập bình quân đầu người đạt 9 triệu đồng.
Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá, bình quân tăng 4,9% năm. Hệ thống đồng ruộng, thủy lợi đã được quy hoạch lại một bước, theo đề án dồn ô đổi thửa. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch tích cực theo hướng tăng diện tích trồng cây có giá trị kinh tế cao và mở rộng phát triển chăn nuôi, thủy sản. Đã hình thành nhiều mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi tập trung có hiệu quả kinh tế cao. Nhiều cánh đồng cho thu nhập 50-100 triệu đồng, một số nơi đạt 150-200 triệu đồng/ha. Bình quân toàn Tỉnh, giá trị thu nhập đạt trên 40 triệu đồng/ha.
Sản xuất công nghiệp phát triển nhanh cả về quy mô và tốc độ tăng trưởng. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân giai đoạn 1997-2006 là 17,5%/ năm; trong đó: công nghiệp nhà nước tăng 11,1%/ năm, công nghiệp dân doanh tăng 19,2%/ năm, công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 59,3%/ năm, góp phần đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động. Một số loại sản phẩm có lợi thế tiếp tục được duy trì như xi măng, ô tô, máy bơm nước, may mặc, giày dép, gốm sứ...
Hoạt động dịch vụ có nhiều tiến bộ; tăng trưởng bình quân đạt 9,7%/ năm. Đã đầu tư xây dựng được một số cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế du lịch và dịch vụ. Doanh thu du lịch hằng năm đều tăng. Các loại hình dịch vụ mới ngày càng phát triển phong phú, đa dạng. Bưu chính-viễn thông phát triển mạnh, bình quân toàn Tỉnh đạt tỷ lệ 17,6 máy/100 dân.
Thu ngân sách trên địa bàn hằng năm đều tăng cao. Năm 2005 thu đạt 2.450 tỷ đồng, tăng 4,74 lần so với năm 1997, kim ngạch xuất khẩu năm 2006 đạt 220,5 triệu USD, tăng 6 lần so với năm 1997.
Tỉnh đã làm tốt việc khai thác và sử dụng các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Mười năm qua, đã huy động được 39 nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển, vượt trên 30% so với mục tiêu đề ra. Riêng năm 2006, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển đạt 7.500 tỷ đồng, chiếm 44,9% tổng thu nhập. Cơ cấu đầu tư có sự chuyển dịch tích cực. Các lĩnh vực KT-XH quan trọng, như hệ thống thủy lợi; đường giao thông nông thôn, phòng khám y tế, kiên cố trường học; hệ thống đường giao thông, đô thị thành phố Hải Dương và nhiều công trình trọng điểm khác được ưu tiên đầu tư. Đến nay, 75% các tuyến giao thông nông thôn được bê tông hóa và rải nhựa, 60% kênh mương tưới, tiêu đã được kiên cố hóa.
Tỉnh đã quy hoạch xây dựng được 10 khu công nghiệp tập trung, 30 cụm công nghiệp và làng nghề. Đầu tư trong nước và nước ngoài tăng nhanh. Toàn Tỉnh đã có 496 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn trên 13 nghìn tỷ đồng. Năm 1997, toàn Tỉnh mới có 4 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 35 triệu USD; đến nay đã có 134 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký đạt gần 1.500 triệu USD.
Lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội tiếp tục duy trì kết quả và phát triển. Tỉnh đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở từ năm 2001. Chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn được giữ vững; mười năm liền là tỉnh có thứ hạng cao về học sinh đạt giải quốc gia và quốc tế. Đến nay đã xây dựng được 11.548 phòng học các cấp, tỷ lệ phòng học kiên cố cao tầng đạt 81,5%, tăng 36% so với năm 1997. Đã có 184 trường đạt chuẩn quốc gia.
Công tác tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, 100% các gia đình chính sách và người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế; đã hoàn thành chương trình xóa mù lòa cho người nghèo từ năm 2004. Đến nay, 100% các trạm y tế được xây dựng kiên cố cao tầng; có 43,7% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% xã có bác sỹ; có 75,4% số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, tăng gần 30% so với năm 1997.
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở có bước phát triển khá. Toàn Tỉnh có 481 làng, khu dân cư văn hóa, 25 đơn vị được công nhận là cơ quan, đơn vị văn hóa, tăng 472 làng, khu dân cư so với năm 1997. Hải Dương là một trong ba tỉnh xóa nhà tranh tre cho các gia đình nghèo sớm nhất cả nước (tổng số đã xây dựng được 3.912 nhà). Đã quan tâm thực hiện tốt các chính sách xã hội. Bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho gần 2 vạn lao động; năm 2006 tạo việc làm mới cho 3 vạn lao động. Tỷ lệ hộ nghèo trong Tỉnh mỗi năm giảm 1%, năm 2006 giảm 2%; đến nay hộ nghèo toàn Tỉnh còn 16% theo tiêu chí mới.
Công tác an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững; công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo được tập trung xử lý và giải quyết dứt điểm, nhất là những vụ việc phức tạp kéo dài.
Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Công tác xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh đã đi vào nền nếp và không ngừng được nâng cao về chất lượng; các cấp ủy đã quan tâm củng cố những tổ chức Đảng yếu kém. Năm 2006 tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh là 80%, tăng trên 10% so với năm 1997; tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng yếu kém giảm từ 3,2% năm 1997 xuống còn 0,26% năm 2005.
Cùng với phát triển KT-XH, Tỉnh luôn coi trọng tăng cường quốc phòng - an ninh (QP-AN) trên cơ sở kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát triển rộng khắp ở các địa phương, cơ sở; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; có nhiều giải pháp tích cực kiềm chế tai nạn giao thông và các tệ nạn xã hội. Thường xuyên chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD), xây dựng thế trận QPTD gắn với thế trận an ninh nhân dân; tập trung xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) ngày càng vững chắc, tạo cơ sở thực hiện thắng lợi nhiệm vụ QP-AN. Chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang (LLVT) được nâng lên. Công tác sẵn sàng chiến đấu được duy trì thường xuyên. Lực lượng bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ, dự bị động viên được xây dựng đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng. Cơ quan quân sự các cấp làm tốt việc tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương; thường xuyên đổi mới công tác giáo dục quốc phòng (GDQP) toàn dân cho các đối tượng, nhất là bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ chủ chốt các cấp. Công tác tuyển quân đảm bảo chỉ tiêu cả về số lượng và chất lượng; hoàn thành tốt công tác huấn luyện, diễn tập sẵn sàng chiến đấu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn. Thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, giải quyết tồn đọng sau chiến tranh...
Tuy nhiên, hiện nay Hải Dương cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Kinh tế tăng trưởng nhanh, nhưng chưa bền vững. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động còn chậm, tỷ lệ lao động ở khu vực nông nghiệp còn cao. Cải cách hành chính còn chậm, nhất là thủ tục hành chính. Trình độ công nghệ và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp còn yếu. Việc chế biến và tiêu thụ nông sản, thực phẩm còn nhiều khó khăn. Công tác quản lý nhà nước, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều mặt chưa tốt. Vệ sinh môi trường còn nhiều bức xúc chưa được giải quyết. Công tác đào tạo, dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế. Thiết chế văn hóa ở cơ sở còn thiếu, nhu cầu đầu tư xây dựng cơ bản về giao thông, thủy lợi, trường học, bệnh viện, trụ sở xã, nhà văn hóa thôn, khu dân cư... còn rất lớn, nhưng khả năng ngân sách có hạn, chưa đáp ứng được yêu cầu.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển KT-XH, đáp ứng yêu cầu hội nhập hiện nay, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2005-2010 đã xác định mục tiêu phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hải Dương là: Tiếp tục đoàn kết, đổi mới, tận dụng mọi thời cơ và chủ động tạo ra cơ hội mới, phát huy và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển nhanh, bền vững, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng CNH, HĐH; tập trung giải quyết các vấn đề xã hội, cải thiện đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần cho nhân dân; nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch vững mạnh, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu cơ bản trở thành Tỉnh công nghiệp vào năm 2015. Mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2010 là: Tổng sản phẩm trong Tỉnh tăng 11,5%/năm; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 4,5%/năm; giá trị sản phẩm công nghiệp tăng 20,5%/năm, dịch vụ tăng 13%/năm; GDP bình quân đầu người đến năm 2010 đạt 17 triệu đồng trở lên; thu ngân sách tăng 10% năm; kim ngạch xuất khẩu tăng 25%/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo 2%/năm; hằng năm tạo việc làm mới cho 3 vạn lao động, đến năm 2010 có 40% lao động được qua đào tạo. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đạt: nông nghiệp 19%, công nghiệp 48%, dịch vụ 33%; cơ cấu lao động chuyển dịch tương ứng là 53%, 27% và 20%; hằng năm có trên 80% tổ chức cơ sở Đảng, 80% cơ quan chính quyền cơ sở và 75% tổ chức cơ sở của Mặt trận Tổ quốc đạt trong sạch vững mạnh...
Năm 2006 vừa qua, các cấp ủy trong Tỉnh tập trung cao cho triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ Tỉnh và Nghị quyết đại hội Đảng các cấp. Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV của Tỉnh với 87 chương trình và 23 đề án, nhằm phát triển toàn diện các mặt KT-XH của Tỉnh.
Trong khi đặt trọng tâm vào phát triển KT-XH, Hải Dương rất quan tâm củng cố, tăng cường tiềm lực QP-AN, coi đó là một bảo đảm chắc chắn cho sự phát triển của địa phương. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường tiềm lực QP-AN từ trong các chủ trương, quy hoạch, kế hoạch, làm cho mỗi bước tăng trưởng, phát triển KT-XH là một bước tăng cường tiềm lực QP-AN. Nắm vững quan điểm "phát triển KT-XH là nhiệm vụ trung tâm trên nguyên tắc không phá vỡ thế bố trí quốc phòng trên các hướng, các KVPT, nhất là trong phát triển các khu vực công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài". Trên cơ sở quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa IX) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của cấp trên và căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ cụ thể của địa phương, phát huy tốt cơ chế "Đảng lãnh đạo; chính quyền quản lý, điều hành theo pháp luật; các cơ quan ban, ngành, đoàn thể làm tham mưu theo chức năng; chỉ huy trưởng quân sự chỉ huy thống nhất các LLVT thuộc quyền", tập trung xây dựng nền QPTD, thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc. Không ngừng củng cố và tăng cường tiềm lực và thế trận quốc phòng trong KVPT và được gắn kết chặt chẽ với xây dựng thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc từ Tỉnh cho tới từng địa phương, cơ sở. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Tỉnh, các huyện thành KVPT "cơ bản, liên hoàn, vững chắc", củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng trong KVPT. Ưu tiên ngân sách để đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp hệ thống các công trình quốc phòng, căn cứ chiến đấu, hậu cần, kỹ thuật của KVPT của địa phương, khu vực. Tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung quyết tâm tác chiến phòng thủ cơ bản, các phương án, kế hoạch tác chiến từ Tỉnh tới các cơ sở; chủ động điều chỉnh, bổ sung, tổ chức luyện tập các kế hoạch chiến đấu; sẵn sàng xử lý có hiệu quả các tình huống xảy ra. Chú trọng luyện tập thành thục các phương án cho tác chiến phòng không, nhất là kế hoạch phòng không nhân dân, kế hoạch phòng tránh, đánh trả địch tập kích đường không; kế hoạch bảo vệ các mục tiêu trọng điểm. Duy trì và thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa lực lượng quân sự - công an theo Quyết định 107 của Thủ tướng Chính phủ, kịp thời xử lý các tình huống, không để bất ngờ xảy ra, không để trở thành điểm "nóng", góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện cho sự phát triển KT-XH của từng địa phương, cơ sở.
Thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội đồng GDQP các cấp. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả GDQP cho các đối tượng, trước hết là bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ chủ chốt các cấp và nâng cao chất lượng GDQP cho học sinh, sinh viên. Tăng cường GDQP toàn dân trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quốc phòng. Tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của LLVT Tỉnh, trước hết là chất lượng chính trị, luôn kiên định, vững vàng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng và nhân dân. Tiếp tục củng cố, kiện toàn các đơn vị quân đội, công an có tổ chức, biên chế hợp lý, đủ sức hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Chú trọng xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng trong LLVT Tỉnh, chăm lo xây dựng tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Coi trọng xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ, dự bị động viên vững mạnh, có số lượng hợp lý, chất lượng cao. Phấn đấu 100% Chỉ huy trưởng Quân sự xã, phường, thị trấn được đào tạo theo quy định. Hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển quân, tuyển sinh quân sự; kế hoạch huấn luyện, diễn tập, phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, hạn chế thấp nhất hậu quả thiên tai, thảm họa.
Đẩy nhanh tiến độ đổi mới toàn diện công tác huấn luyện, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, quản lý huấn luyện. Tăng cường khả năng hiệp đồng tác chiến giữa LLVT và các lực lượng khác trên địa bàn, trong KVPT. Phối hợp đồng bộ các biện pháp, không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, trình độ sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ vững chắc địa bàn, tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc đẩy mạnh phát triển KT-XH.
Phát huy truyền thống vẻ vang của tỉnh Đông anh hùng và những thành tựu đạt được trong thời gian qua, Đảng bộ và nhân dân Hải Dương nêu cao tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XIV đề ra, xây dựng Hải Dương mạnh về kinh tế, vững chắc về QP-AN, xứng đáng với vị trí là tỉnh trung tâm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, góp phần đắc lực vào sự nghiệp chung của cả nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Bùi Thanh Quyến
Ủy viên BCHTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch HĐND Tỉnh
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011