Thứ Bảy, 23/11/2024, 20:40 (GMT+7)
Ấn phẩm tạp chí in
Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và ngoại giao; có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng-an ninh (QP-AN) của cả nước. Vì vậy, Hà Nội cũng là trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch. Bên cạnh đó, tình hình về việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, về quy hoạch xây dựng, quản lý đô thị, giải phóng mặt bằng... cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp cần giải quyết. Để giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo cơ sở cho Hà Nội phát triển kinh tế và tăng cường QP-AN, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược trên địa bàn, những năm qua, Thủ đô Hà Nội đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, đặc biệt coi trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục QP-AN.
Trước hết, Hà Nội tập trung xây dựng hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác giáo dục QP-AN sát với từng đối tượng, sát với thực tiễn và có tính khả thi cao. Trên cơ sở quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, nghị định của Đảng và Chính phủ; nhất là Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 3-5-2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục QP-AN trong tình hình mới và Nghị định số 116/2007/NĐ-CP, ngày 10-7-2007 của Chính phủ về giáo dục QP-AN cùng các văn bản hướng dẫn của trên, Hà Nội đã cụ thể hóa thành các chủ trương, biện pháp lãnh đạo; đề ra chương trình hành động, kế hoạch giáo dục cho các đối tượng. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tham mưu cho Thành ủy ban hành Chỉ thị số 07-CT/TU về lãnh đạo thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị; Uỷ ban nhân dân (UBND) Thành phố ban hành Kế hoạch số 33/KH-UBND về tổ chức thực hiện Nghị định số 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ giai đoạn 2009-2012. Bên cạnh đó, Hội đồng Giáo dục QP-AN các cấp (Thành phố, quận, huyện, thị xã; ở cấp xã, Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự kiêm nhiệm giáo dục QP-AN) được thường xuyên kiện toàn, bổ sung đủ số lượng, đúng thành phần, có quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Thường trực Hội đồng các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền quán triệt và thực hiện nghiêm túc Quy định số 07-QĐ/BTCTW, ngày 16-4-2008 của Ban Tổ chức Trung ương về tiêu chuẩn kiến thức QP-AN cho cán bộ, đảng viên. Thông qua việc giáo dục, quán triệt hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nói trên, nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong Thành phố đối với công tác giáo dục QP-AN đã được nâng cao.
Xác định rõ vai trò, vị trí quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên là lực lượng nòng cốt, trực tiếp lãnh đạo, quản lý, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trên địa bàn, trong đó có công tác quân sự, quốc phòng, nên Hà Nội thường xuyên coi trọng nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức (BDKT) QP-AN cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp. Cơ quan quân sự thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành có liên quan, nắm chắc số lượng cán bộ trong diện BDKT QP-AN theo quy định, nhất là sau mỗi nhiệm kỳ đại hội Đảng và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp; trên cơ sở đó, tham mưu cho Hội đồng Giáo dục QP-AN xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tổ chức bồi dưỡng cho từng đối tượng. Trong 10 năm qua, Hà Nội đã có trên 80% cán bộ chủ chốt (đối tượng 1) được BDKT QP-AN tại Học viện Quốc phòng; trên 90% cán bộ thuộc đối tượng 2 được bồi dưỡng tập trung tại Trường Quân sự Quân khu (nay là Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội). Bên cạnh đó, Hà Nội còn hoàn thành tốt nhiệm vụ bồi dưỡng cho 14.124 cán bộ thuộc đối tượng 3, 35.946 cán bộ thuộc đối tượng 4 và 195.915 đảng viên (đối tượng 5). Là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, nên cùng với việc tổ chức BDKT QP-AN cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Thành phố, Hà Nội còn tham gia BDKT QP-AN cho đối tượng 2 của các bộ, ban, ngành Trung ương. Thực hiện Quyết định của Bộ Tổng Tham mưu về BDKT QP-AN cho đối tượng này, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã giúp Hội đồng Giáo dục QP-AN Trung ương thông báo chiêu sinh 2.596 cán bộ tham dự các lớp bồi dưỡng tại Trường Quân sự Quân khu 1, Quân khu 2, Học viện Chính trị và Trường Quân sự của Bộ Tư lệnh Thủ đô; đồng thời, chỉ đạo trường Quân sự của Bộ Tư lệnh Thủ đô tổ chức được 7 khóa bồi dưỡng cho 342 cán bộ của các bộ, ngành Trung ương.
Là địa bàn có 33 vạn tín đồ của 5 tôn giáo sinh sống; Hà Nội rất coi trọng việc BDKT QP-AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo. Đến nay, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và các tổ chức tôn giáo, tiến hành BDKT QP-AN cho 2.678 trên tổng số 3.462 vị chức sắc, chức việc (đạt trên 77%). Sau khi học tập, hầu hết chức sắc, chức việc các tôn giáo tham gia học tập đều nâng cao được nhận thức, đề cao trách nhiệm, tích cực tuyên truyền, vận động các tín đồ thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh.
Cùng với công tác BDKT QP-AN cho các đối tượng nói trên, Thủ đô Hà Nội còn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác giáo dục QP-AN cho các tầng lớp nhân dân. Để đạt hiệu quả cao, Hà Nội đã tiến hành đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là đổi mới nội dung, chương trình và hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục. Theo đó, Thành phố tập trung giáo dục cho nhân dân về đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; về hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; vạch rõ âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Đồng thời, chú trọng giáo dục cho nhân dân về truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc, về lịch sử của Thăng Long-Hà Nội nghìn năm văn hiến, truyền thống vẻ vang của nhân dân và LLVT Thủ đô; về văn hóa thanh lịch, văn minh của người Hà Nội. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào của người Hà Nội đối với lịch sử, truyền thống của mình; giúp nhân dân nhận rõ nghĩa vụ, trách nhiệm đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Thủ đô trong quá trình hội nhập và phát triển. Những năm qua, tin, bài về lĩnh vực quốc phòng, quân sự không chỉ tăng về số lượng, mà nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền cũng thường xuyên được đổi mới, vừa hấp dẫn, vừa bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước và Thủ đô. Trong 10 năm qua, Hà Nội đã xây dựng được 28 ngàn chuyên trang, chuyên mục phản ánh nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân và hoạt động của LLVT trên đài phát thanh, truyền hình của Trung ương và Hà Nội. Riêng lĩnh vực truyền thanh, hằng tháng, trên hệ thống có gần 3.000 lượt bài phản ánh về công tác quốc phòng, quân sự. Hà Nội còn kết hợp nhuần nhuyễn công tác giáo dục QP-AN với các hoạt động tuyên truyền nhân dịp những ngày lễ lớn của Đảng, Nhà nước, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước và Thủ đô, tiêu biểu như: tuyên truyền về Đại lễ Kỷ niệm 1.000 Năm Thăng Long - Hà Nội; các hoạt động “Tuần văn hóa du lịch” (kỷ niệm ngày ngoại giao với các nước bạn); các cuộc thi: “Âm vang Điện Biên”, “Tìm hiểu 60 năm nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”...; các hoạt động hướng về Đại hội Đảng lần thứ XI và thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”,... Cùng với đó, Hà Nội còn coi trọng và thường xuyên phát huy hiệu quả của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên về nhiệm vụ QP-AN. Với hình thức này, cán bộ, đảng viên “vừa trực tiếp nói cho nhân dân nghe, vừa nghe nhân dân nói”; qua đó, nắm được tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị, đóng góp, phê bình của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và Thành phố. Để có được thành công trên, Hà Nội đã xây dựng mạng lưới tuyên truyền sâu, rộng, với 1.704 báo cáo viên, và 2.600 tuyên truyền viên về QP-AN; đồng thời, thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ này.
Trên địa bàn Thủ đô hiện có 186 trường trung học phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên, 33 trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, 84 trường cao đẳng, đại học, với lưu lượng hằng năm trên 600.000 học sinh, sinh viên (HS,SV). Vì vậy, thực hiện tốt công tác giáo dục QP-AN cho HS,SV là nhiệm vụ hết sức quan trọng không chỉ đối với Thủ đô mà còn có ý nghĩa đối với cả nước. Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố đã chỉ đạo các trường phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự các cấp, các đơn vị đứng chân trên địa bàn, thực hiện nghiêm túc chương trình, nội dung giáo dục theo quy định. Hằng năm, trước khi bước vào năm học mới, Sở đã tổ chức sơ kết, đánh giá kết quả công tác giáo dục QP-AN năm học qua của các nhà trường; triển khai kế hoạch giáo dục QP-AN năm học mới và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên của bộ môn này. Trước thực trạng thiếu giáo viên giáo dục QP-AN, từ năm 2008 đến nay, Hà Nội đã tích cực, chủ động tiến hành đào tạo được 112 giáo viên, đưa tổng số giáo viên giáo dục QP-AN của Thành phố lên 156 người; phấn đấu hết năm 2010, có đủ giáo viên giáo dục QP-AN cho các trường trung học phổ thông. Thực hiện sự chỉ đạo của Sở, bắt đầu từ năm học 2008-2009, các trường tiến hành học theo chương trình của Bộ với hình thức học rải lý thuyết; riêng phần kỹ năng quân sự, nhà trường mời cán bộ các đơn vị quân đội trên địa bàn trực tiếp giảng dạy. Hiện nay, học sinh khối 10 của Thủ đô đã thực hiện học rải môn học, (mỗi tuần 1 tiết, cả lý thuyết và thực hành); khối 11 và 12 đã thực hiện học rải lý thuyết. Như vậy, về cơ bản, Hà Nội đã khắc phục được tình trạng trong cùng thời gian, phải huy động số lượng lớn cán bộ, sĩ quan của các đơn vị quân đội trên địa bàn giúp các trường giảng dạy môn học. Thành phố còn quan tâm đầu tư, cung cấp sách giáo khoa và thiết bị dạy - học cho các trường; đồng thời, chỉ đạo các trường tích cực đổi mới nội dung, chương trình và hình thức, biện pháp để đảm bảo chất lượng giáo dục QP-AN cho học sinh. Từ năm 2001 đến nay, Hà Nội đã thực hiện giáo dục QP-AN cho hơn 2 triệu học sinh các trường trung học phổ thông, với chất lượng ngày càng cao.
Đối với các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng, đại học, việc tổ chức học tập môn giáo dục QP-AN đã thành nền nếp, bảo đảm nội dung, chương trình, chất lượng ngày càng cao. Các trường có khoa giáo dục QP-AN, HS,SV được học tập ngay tại trường; các trường còn lại, liên kết chặt chẽ với Trung tâm Giáo dục QP-AN Hà Nội 1 và Hà Nội 2 để tiến hành giáo dục. 10 năm qua, đã có trên 261.000 học sinh các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và trên 2,1 triệu sinh viên các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn được học tập môn giáo dục QP-AN theo quy định. Đó là cơ sở quan trọng giúp HS,SV Thủ đô - những chủ nhân tương lai của đất nước - vừa có trình độ học vấn chuyên ngành, vừa có kỹ năng quân sự cần thiết và nhận thức rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
HOÀNG MẠNH HIỂN
Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng GDQP-AN Thành phố
Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011
Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011
“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011
Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011
Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011
Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011
Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011
Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011
Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011
Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011